Khó thở sau khi hít vào thủy ngân nhiệt kế bị vỡ có sao không?

Hỏi

Chào bác sĩ,

Vừa nãy, cháu có dọn thuỷ ngân do vỡ nhiệt kế, lúc dọn cháu có đeo 2 lớp khẩu trang, mở cửa sổ, không đeo bao tay và dùng giấy ăn nhúng nước để thu hết thuỷ ngân. Hiện tại, đã qua 2 tiếng và cháu đang cảm thấy hơi khó thở (khi hít vào cảm thấy hơi tức ngực). Vậy bác sĩ cho cháu hỏi khó thở sau khi hít vào thủy ngân nhiệt kế bị vỡ có sao không? Triệu chứng này sẽ hết trong bao lâu? Cháu cảm ơn bác sĩ.

Hoàng Hương (2000)

Trả lời

Được giải đáp bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đặng Xuân Cường - Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Chào bạn,

Với câu hỏi “Khó thở sau khi hít vào thủy ngân nhiệt kế bị vỡ có sao không?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:

Thủy ngân là một kim loại ở dạng lỏng, màu trắng bạc, không mùi, bay hơi chậm ở nhiệt độ phòng (25 độ C). Một cây nhiệt kế thủy ngân chỉ chứa hàm lượng thủy ngân khoảng 0.61 grams (theo EPA). Thủy ngân ở dạng khí bay hơi rất độc đối với cơ thể người.

Thông thường, thủy ngân trong nhiệt kế được sử dụng là loại thủy ngân nguyên chất rất độc hại. Tuy nhiên, nếu vô tình nuốt phải thuỷ ngân bạn cũng đừng quá lo lắng bởi thuỷ ngân nguyên chất hấp thu rất kém qua da cũng như đường tiêu hóa và có thể được đào thải ra ngoài cơ thể (khoảng 0.01% qua ruột khỏe mạnh). Ngưỡng thủy ngân gây độc cho cơ thể lớn hơn 4 - 5 micromol/lít hoặc lớn hơn 1.6 microgram/ kg/ ngày (theo FAO/WHO Joint Expert Committee on Food Additives).

Nhiễm độc thủy ngân chỉ nguy hiểm khi người nuốt đang mắc các bệnh đường tiêu hóa như thủng ruột, lúc này thủy ngân sẽ được hấp thu với lượng nhiều vào máu và có thể gây ngộ độc cấp tính. Tuy không nguy hiểm khi vô tình nuốt thuỷ ngân nhưng sẽ rất độc nếu hít trực tiếp, đặc biệt là trẻ em. Khi nhiệt kế thuỷ ngân vỡ sẽ làm thuỷ ngân phát tán ra không khí. Lúc này khi trẻ hít vào, thủy ngân sẽ qua màng phế nang vào máu đến các cơ quan chức năng như thận, gan lách, hệ thần kinh trung ương gây viêm phổi nặng, mất trí nhớ, lơ mơ, co giật, nôn ói, viêm ruột. Trong một số trường hợp tiếp xúc với lượng thủy ngân lớn có thể gây ngộ độc cấp tính, suy hô hấp, thậm chí tử vong.

Cách xử lý nhiệt kế thuỷ ngân bị vỡ: Bạn cần chuẩn bị các vật dụng:

  • Khẩu trang.
  • Găng tay cao su.
  • Túi đựng rác.
  • Tăm bông, giấy, lọ thủy tinh.

Khi bạn vô tình làm vỡ nhiệt kế, thuỷ ngân bên trong nhiệt kế sẽ chảy ra ngoài. Lúc này thuỷ ngân sẽ ở dạng những hạt hình tròn. Để tránh bị ngộ độc thuỷ ngân, bạn cần thực hiện theo các bước như sau:

  • Bước 1: Nhanh chóng đưa trẻ và người thân ra khu vực an toàn.
  • Bước 2: Sau đó để bảo đảm sức khoẻ, bạn cần thay quần áo cũ, đeo găng tay cao su, khẩu trang y tế và bắt đầu thu dọn thủy ngân.
  • Bước 3: Dùng tăm bông hoặc giấy mỏng thu gom thủy ngân, cho vào lọ thủy tinh bịt kín.
  • Bước 4: Cuối cùng, cho lọ thủy tinh vào túi nhỏ, buộc chặt và cho vào sọt rác.

Khi dọn dẹp thủy ngân, bạn cần lưu ý các vấn đề như sau:

  • Dùng que bông ướt hoặc giấy mỏng thu gom thủy ngân lại, cho các hạt thủy ngân vào lọ thủy tinh bịt kín. Động tác khi thu gom thủy ngân phải hết sức nhẹ nhàng để tránh các hạt thủy ngân phân li thành các hạt nhỏ hơn, gây khó khăn cho việc thu dọn. Nếu có thể nên rắc một ít bột lưu huỳnh vì lưu huỳnh phản ứng với thủy ngân tạo thành hợp chất khó bốc hơi hơn. Nếu không có lưu huỳnh có thể thay bằng lòng đỏ trứng gà, cũng mang lại hiệu quả tương tự.
  • Thu dọn xong phải mở hết cửa để khu vực thông thoáng trong vài giờ, sau đó mới có thể vào sinh hoạt như bình thường.
  • Sau khi thu hồi thủy ngân, lọ thủy tinh chứa thủy ngân phải được bịt kín, bọc nhiều lớp nilon, dán băng dính và ghi chú rõ bằng nhãn ở bên ngoài rồi mới để trong thùng đựng rác phân loại. Tuyệt đối không được đổ thủy ngân đã thu dọn xuống các cống rãnh vì sẽ làm ô nhiễm nguồn nước.
  • Quần áo đã dính thủy ngân nên loại bỏ, nếu muốn sử dụng trở lại phải giặt thật kỹ. Nên ngâm trong nước lạnh 30 phút, sau đó ngâm 30 phút trong nước xà phòng nhiệt độ 70-80 độ, ngâm thêm 20 phút trong nước có nhiệt độ cao đã pha 1 ít chất tẩy, sau đó giặt sạch với nước lạnh và đem phơi khô, mới mặc được.
  • Đưa trẻ đến các cơ sở y tế để theo dõi và điều trị khi trẻ có dấu hiệu ngộ độc thủy ngân hoặc nuốt phải thủy ngân.

Khi bị ngộ độc thủy ngân, người bị nhiễm sẽ có các dấu hiệu như:

  • Cảm nhận được mùi kim loại đang nằm trong miệng.
  • Buồn nôn, đau đầu, chóng mặt dữ dội.
  • Nói không ra tiếng.
  • Đau mỏi khắp người và lạnh bụng.
  • Người ngộ độc hít phải hơi thủy ngân còn bị suy giảm đường hô hấp và xuất hiện các triệu chứng như ho có đờm, khó thở, da tím tái. Nếu hít nhiều, nặng hơn thì có thể làm cho khoang miệng, răng lợi bị sưng tấy niêm mạc vỡ và xuất huyết.
  • Ngoài ra, thủy ngân khi bị vỡ còn lan tỏa vào không khí, xâm nhập qua da gây viêm da dị ứng, mẩn ngứa, thường gặp ở vùng mặt, cổ nách, đùi.
  • Nặng hơn là cho bệnh nhân bị mất ngủ, tinh thần hoảng loạn, tâm trạng thất thường.

Lúc này bạn nên đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế để theo dõi và điều trị sớm nhất.

Nếu bạn còn thắc mắc về khó thở sau khi hít vào thủy ngân nhiệt kế bị vỡ, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.

Trân trọng!

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan