Nhận biết dấu hiệu bệnh lý ở cơ hoành

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Đinh Văn Lộc - Bác sĩ Gây mê - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ có hơn 23 năm kinh nghiệm công tác gây mê hồi sức.

Cơ hoành là phần quan trọng trong cơ thể con người và là phần cơ chủ yếu của hệ hô hấp. Đây cũng là cơ quan xuất hiện nhiều tình trạng bệnh lý.

Cơ hoành là phần cơ hình vòm, ngăn cách giữa khoang ngực và khoang bụng, tức là ngăn giữa phần trên là khoang ngực, chứa tim và phổi, với phần dưới là khoang bụng chứa các cơ quan trong ổ bụng. Cơ hoành là cơ chủ yếu của hệ hô hấp, giúp con người có thể hít thở bình thường.

1. Đại cương

Thoát vị hoành (tiếng Anh: Diaphragmatic hernia) là thoát vị gây bởi một lỗ hổng lớn trên cơ hoành cho phép các tạng trong ổ bụng di chuyển vào khoang ngực. Cách điều trị thường là phẫu thuật.

Thoát vị hoành bẩm sinh, tỷ lệ 1/2.500 trẻ sinh sống, thường là thoát vị qua khe Bochdalek, bên trái (85%) và bên phải (10%).

Thoát vị Bochdalek

Thoát vị Bochdalek, còn được gọi là thoát vị hoành sau bên, là biểu hiện phổ biến nhất của thoát vị hoành bẩm sinh, chiếm hơn 95% các trường hợp. Trong trường hợp này, bất thường cơ hoành được đặc trưng bởi một lỗ ở góc sau bên của cơ hoành cho phép nội tạng bụng đi qua khoang ngực. Phần lớn trường hợp thoát vị Bochdalek (85%) xảy ra ở bên trái của cơ hoành, một tỷ lệ lớn các trường hợp còn lại xảy ra ở bên phải.

Thoát vị Bochdalek
Thoát vị Bochdalek là biểu hiện phổ biến nhất của thoát vị hoành bẩm sinh

Dị tật phía trước hiếm gặp này của cơ hoành được gọi là thoát vị Morgagni, sau xương ức hoặc cạnh xương ức. Chiếm khoảng 10% của tất cả các trường hợp thoát vị hoành bẩm sinh, lần đầu tiên được mô tả giải phẫu học và nghiên cứu bệnh học bởi 1 người Ý tên là Giovanni Morgagni năm 1769. Bệnh được đặc trưng bởi thoát vị thông qua lỗ của Morgagni, nằm ngay cạnh sau mỏm xương ức.

Thoát vị cả 2 bên là cực kỳ hiếm. Khi bạn bị thoát vị cơ hoành, một hoặc nhiều cơ quan trong ổ bụng như ruột, dạ dày, lách, gan chui lên lồng ngực chèn ép phổi, có thể kèm phổi giảm sản, tăng áp động mạch phổi gây suy hô hấp.

Bất kỳ ai ở mọi lứa tuổi đều có nguy cơ mắc thoát vị hoành. Tuy nhiên những người ở độ tuổi trên 50 và phụ nữ thừa cân dễ mắc bệnh hơn. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Có một vài yếu tố làm tăng nguy cơ mắc thoát vị cơ hoành do áp lực ở bụng tăng như: béo phì, mang thai, ho, táo bón lâu dài, thắt bụng khi đại tiện hay bị thương ở bụng

2. Chẩn đoán thoát vị cơ hoành

Thoát vị cơ hoành ở người lớn
Thoát vị cơ hoành là sự di chuyển của các tạng ở ổ bụng lên lồng ngực qua lỗ thoát vị ở cơ hoành

2.1. Công việc chẩn đoán

Hỏi bệnh

● Thời điểm suy hô hấp: suy hô hấp xảy ra sớm ngay sau khi sanh thường nặng.

● Dấu hiệu kèm theo giúp chẩn đoán phân biệt suy hô hấp sơ sinh

Khám lâm sàng

● Dấu hiệu suy hô hấp: thở nhanh, tím tái.

● Phổi: âm phế bào giảm một bên, tiếng ruột trong lồng ngực.

● Tim: mỏm tim lệch phải.

● Bụng: lõm.

Xét nghiệm

● Siêu âm ngực bụng: thấy hình ảnh các các tạng ổ bụng nằm trong lồng ngực.

● X-quang phổi: bóng hơi dạ dày hoặc ruột trong lồng ngực, cần phân biệt kén khí phổi bẩm sinh, viêm phổi bóng khí do tụ cầu. Trung thất bị đẩy về bên đối diện.

● Chụp dạ dày cản quang: chỉ định trong trường hợp hình ảnh X-quang phổi chưa xác định chẩn đoán. Nên dùng dung dịch cản quang có thể hấp thu vào máu (Telebrix) để hạn chế nguy cơ viêm phổi hít. Thuốc cản quang trong dạ dày ruột nằm trong lồng ngực.

● Siêu âm tim: tim lệch phải, đánh giá áp lực động mạch phổi, tìm dị tật tim bẩm sinh phối hợp.

● CTM, tiểu cầu, TS – TC.

● SpO2, khí máu.

2.2. Chẩn đoán xác định

● Lâm sàng: âm phế bào giảm một bên, tim lệch phải, bụng lõm.

● X-quang dạ dày cản quang (nếu có): thấy thuốc cản quang trong dạ dày, ruột nằm ở lồng ngực.

● Hoặc: X-quang phổi có bóng hơi dạ dày hay ruột trong lồng ngực, trung thất bị đẩy về bên đối diện.

3. Những bệnh ở cơ hoành thường gặp

Khám bệnh
Bệnh nhân có dấu hiệu nghi ngờ của rối loạn chức năng cơ hoành nên đi khám sớm tại bệnh viện

3.1. Tổn thương cơ hoành

Các vết thương vào lồng ngực từ liên sườn IV trở xuống đều có thể gây thủng cơ hoành và tạo nên vết thương ngực-bụng.

Hoặc trong các thủ thuật ở lồng ngực hay ổ bụng có thể gây thủng hoặc rách cơ hoành do các tạng tổn thương dính quá sát vào cơ hoành.

Các triệu chứng bao gồm:

  • Đau vùng mũi ức.
  • Trong vết thương ngực-bụng gây thủng cơ hoành có thể thấy dịch tiêu hoá,dịch mật,mạc nối,quai ruột...ở lỗ vết thương thành ngực.
  • Khi các tạng trong ổ bụng chui qua lỗ thủng cơ hoành vào lồng ngực gây chèn ép các tạng trong lồng ngực,có thể thấy các triệu chứng: ngạt thở cấp, tím tái, rối loạn nhịp tim...kèm theo có thể có các triệu chứng tắc ruột do bị nghẹt các quai ruột ở lỗ thủng cơ hoành.
  • Trong nhiều trường hợp các triệu chứng thường không rõ ràng, chẩn đoán cần dựa vào phán đoán đường đi của vết thương.

3.2. Thoát vị cơ hoành

Thoát vị cơ hoành là sự di chuyển của các tạng ở ổ bụng lên lồng ngực qua lỗ thoát vị ở cơ hoành. Lỗ thoát vị này có thể là bẩm sinh, mắc phải hay sau chấn thương.

Có nhiều nguyên nhân gây gây thoát vị cơ hoành như:

  • Do nguyên nhân bẩm sinh: Cơ hoành không dính với xương ức; lỗ cho thực quản và mạch máu đi quá rộng; rối loạn mô liên kết khiến cơ hoành lỏng lẻo.
  • Do chấn thương cơ hoành sau tai nạn, va đập vào vùng bụng-ngực.
  • Do vết thương làm rách cơ hoành gây ra do vật cứng đâm, đạn bắn hoặc gián tiếp do xương sườn đâm rách sau chấn thương ngực

Tuy nhiên, thoát vị cơ hoành lớn hơn có thể gây ra các triệu chứng như:

  • Các triệu chứng tiêu hoá: Bệnh nhân có cảm giác bỏng rát vùng thượng vị, lan dọc lên sau xương ức và nền cổ, nhất là khi nằm ngửa hoặc cúi gập người ra trước (do dạ dày bị thoát vị làm mất tác dụng nếp van ở tâm vị, gây tình trạng trào ngược dạ dày thực quản).
  • Kèm theo có thể có cảm giác khó nuốt, ợ hơi, nôn...hoặc các triệu chứng tắc ruột do bị nghẹt các quai ruột ở cổ túi thoát vị.
  • Các triệu chứng hô hấp và tim mạch: Nếu thoát vị lớn thì có thể chèn ép trung thất, gây cảm giác khó thở, hồi hộp, đánh trống ngực, nhịp tim nhanh,nhất là sau khi ăn.

3.3. Nhão cơ hoành

Nhão cơ hoành là kết quả của sự ngừng xung động thần kinh đi xuống qua dây thần kinh hoành, làm cho cơ hoành mất trương lực và không vận động co giãn được.

Có nhiều nguyên nhân gây nhão cơ hoành:

  • Do bẩm sinh: Do dây thần kinh hoành bị tổn thương hoặc bị bất sản trong thời kỳ bào thai.
  • Thường gặp dây thần kinh hoành bị tổn thương do các khối u xâm lấn hoặc chèn ép,chấn thương cơ hoành,cắt phải dây hoành khi mổ,tổn thương trung khu dây hoành ở hành tuỷ,nhiễm độc thần kinh...

Các triệu chứng của nhão cơ hoành bao gồm:

  • Đau vùng mũi ức hay hạ sườn trái,ợ chua,buồn nôn,nôn...nhất là sau khi ăn
  • Thường có khó thở,ho,đánh trống ngực.Có khi bị rối loạn nhịp tim,có cơn đau thắt ngực...

Bệnh nhân có dấu hiệu nghi ngờ của rối loạn chức năng cơ hoành nên đi khám sớm tại bệnh viện, tránh trường hợp để tình trạng yếu cơ hoành tiến triển thành liệt cơ hoành, khi đó việc điều trị sẽ rất khó khăn và ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống người bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số 02439743556 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Hà Nội.

5.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan