Phục hồi tai giả bằng sụn sườn cho bệnh nhân bỏng axit

Chỉ còn 10 ngày nữa là đến ngày cưới, anh Nguyễn Tiến Thuận (31 tuổi, ở Hà Nội) bị tạt axit do mâu thuẫn trong gia đình. Nửa khuôn mặt và tai trái của anh bị bỏng nặng, co kéo biến dạng trở nên xấu xí. Sau 10 ca mổ phẫu thuật tại nước ngoài, anh Thuận đã chọn BV Vinmec cho là nơi thực hiện ca mổ thứ 11 – 12, có thể là những ca mổ cuối cùng của anh trong chặng đường đi tìm lại gương mặt cho mình.

Gần 2 tháng điều trị tại Viện Bỏng quốc gia để phục hồi chấn thương và vết thương sau bỏng mặt - có những vị trí bỏng sâu độ 3, 4, 5, anh Thuận chỉ nghỉ ngơi một thời gian ngắn. Rồi sau đó liên tiếp là 10 lần, anh một mình sang Singapore chạy chữa. Mỗi lần phẫu thuật một ít, từ khi miệng anh không mở được do dính đến khi anh đã nhai được bình thường, từ việc tạo hình vạt da đầu để tóc có thể mọc lại bình thường, sẹo lồi trên mặt cũng mềm và phẳng hơn. Duy chỉ có vành tai, bác sĩ ở Singapore đã tạo hình và đeo cho anh tai giả được làm bằng silicon. Tai được gắn vào thái dương bằng vít. Nếu siết chặt vít, anh Thuận cũng rất đau. Nhiều lúc gắn lỏng tay hơn, cái tai lại rơi bụp ra. Nhất là lúc đi ngủ, khi nghiêng người sang phải, chiếc vít tì vào đầu khiến anh đau nhức như thể nó không thuộc về anh. Vì thế, khi biết Vinmec sẽ phối hợp với đoàn BS Hoa Kỳ sẽ áp dụng phương pháp tạo hình mới nhất trên thế giới, anh Thuận đã chủ động liên hệ với BV để có thể được phẫu thuật.

Ngày 12.6 vừa qua, anh Thuận đã được kíp bác sĩ BV Vinmec và đoàn phẫu thuật của GS Joseph Rosen – chuyên gia phẫu thật thẩm mỹ Hoa Kỳ (Mỹ) kết hợp, mổ tạo hình vành tai ngoài bằng sụn sườn. Các BS cũng đã tạo hình cho hai bên cánh mũi của anh đều nhau hơn. Các BS đã lấy vạt sụn sườn số 6,7 và 8 của bệnh nhân, ghép vào cẳng tay phải của chính anh, nhằm mục đích trong môi trường nuôi cấy này, sụn sẽ phát triển thành vành tai. Và khoảng 6 tháng sau, các BS có thể lấy ra và ghép vào bên tai đã bị axit ăn mòn hoàn toàn cho anh Thuận. Khi đó, về thẩm mỹ chiếc tai “làm” bằng sụn sườn này có thể đảm bảo về thẩm mỹ tới 70% so với nguyên bản. Đó cũng là mong muốn lớn nhất của anh Thuận lúc này, bởi đây đã là lần phẫu thuật thứ 11 - 12 của anh sau ngày bị tạt axit kinh hoàng năm 2011.

Với các điều dưỡng ở khoa Nội trú ngoại, anh Thuận cũng là một bệnh nhân đặc biệt. Thông thường, các bệnh nhân sau mổ đều được khuyến khích vận động sớm. Tuy nhiên, sau ca mổ kéo dài gần 5h đồng hồ, anh Thuận khá mệt, đặc biệt là vết rạch bên sườn để lấy sụn khiến anh khi thở cũng thấy đau. Biết như vậy nên khi nhận nhiệm vụ chăm sóc cho anh Thuận, điều dưỡng Vũ Thu Hà rất kiên nhẫn. Lúc ban đầu, anh Thuận chỉ nói được một từ duy nhất là “Đau”, dù cô cố gắng hỏi kỹ xem anh đau ở đâu, cảm giác đau như thế nào. Cô không yên tâm nên ngoài những lần làm thuốc, chăm sóc vết mổ, mang đồ ăn... theo quy trình chăm sóc, cứ nửa giờ lại vào buồng bệnh. Cô giúp anh Thuận trở mình, vì lo nằm lâu một tư thế, anh Thuận sẽ mỏi người. Sự chăm sóc nhiệt tình, tận tâm của người điều dưỡng đã làm anh Thuận thấy yên tâm, tin tưởng. Anh cởi mở chia sẻ với điều dưỡng Hà những tâm sự về lý do anh bị bỏng, về những lần đi chữa bệnh và cả kỳ vọng về cuộc phẫu thuật này. Theo cô Hà, chính sự tin tưởng đó của anh Thuận đã giúp cho cho công việc chăm sóc toàn diện của các điều dưỡng như cô thuận lợi, bởi họ nắm được nhiều nhất thông tin về tình trạng sức khỏe, tinh thần của bệnh nhân nên sẽ hỗ trợ được tối đa. Và vì thế, bệnh nhân nhanh chóng hồi phục. Anh Thuận đã được ra viện sáng 19.6, chỉ sau 6 ngày phẫu thuật. Cô con gái nhỏ, vẫn thường leo lên lòng bố, sờ vào bên tai trái, rồi ngó lại bên tai phải, nhận ra sự khác nhau của hai bên. Nó vẫn thường tháo bên tai giả rồi lại lắp vào. Nghĩ đến cô con gái khi nói chuyện với chúng tôi, anh mỉm cười: “Sau này, chắc là nó sẽ không có cơ hội nghịch như vậy nữa rồi!”.

Ổn định gia đình, anh Thuận cũng quay trở lại công việc. Ngày anh còn nằm ở Viện Bỏng, các đồng nghiệp trong phòng thay phiên nhau đến động viên, an ủi anh. Và hôm nay, cơ quan đến đặt vấn đề nếu anh muốn đi làm trở lại, phòng cũng đã bố trí công việc phù hợp với anh, không cần phải giao tiếp nhiều với khách hàng. Dù là anh vẫn ở phòng Nghiên cứu - Tổng hợp - quan hệ quốc tế - đơn vị đảm nhận thường xuyên việc tổ chức các sự kiện. Anh chỉ còn biết cố gắng hơn mọi khi để hoàn thành công việc. Có điều là nếu muốn cập nhật thông tin thì anh phải lên mạng tìm hiểu, bởi anh không thể và cũng tự cảm thấy mình chưa đủ tự tin để đến những nơi đông người, nói những vấn đề chuyên ngành sâu như vậy.

Từ khi bị tai nạn, vốn đã nhạy cảm khi trải qua cuộc sống tuổi thơ vất vả, giờ đây anh càng cảm nhận rõ hơn những ánh mặt, lời nói của ai đó đang xoáy vào khuôn mặt mình. Hơn 1 năm sau khi bỏng, anh thường xuyên phải đeo mặt nạ cao su bao kín mặt và đầu, chỉ hở đôi mắt, mũi và khuôn miệng. Mục đích của mặt nạ nhằm ép sẹo, tránh da bị co kéo, tiếp tục làm biến dạng khuôn mặt. Và trong hình hài ấy, không ít lần anh trở thành mục tiêu đàm tiếu. Có lần, anh đưa cả nhà đi ăn, đeo mặt nạ như thế không tiện ăn cùng gia đình, anh ngồi ngoài xe chờ. Lập tức, không ít người xung quanh, kẻ nhìn chằm chằm, người chỉ chỏ như thể đang nói về một quái vật nào đó. Anh ra khỏi xe và chỉ nói mình đã bị tai nạn, và phải đeo như thế. Dường như nhận ra sự vô ý của mình, họ dần tản đi. Anh Thuận bảo: “Nếu tôi không nói ra, giải thoát cho mình như vậy, có lẽ thời gian chờ gia đình sẽ trở nên rất nặng nề. Những người như chúng tôi, và cả rất nhiều người khuyết tật khác vẫn thường bị xã hội kỳ thị. Những lời nói dù vô tình nhưng đã làm tổn thương người khác, và khiến người đã mặc cảm vì khiếm khuyết cơ thể của mình càng khép kín hơn”.

Tai nạn đã ập đến ngoài ý muốn, cuộc đời anh đã chuyển sang bước ngoặt khác, khắc nghiệt hơn. Có lẽ số phận đã thử thách, làm khó cho anh, nhưng chính điều đó cũng đã giúp anh Thuận sống vững vàng, bình tâm hơn. Giữa những ngày rất khó khăn sau tai nạn, anh đã tìm đến những chuyên gia và được các bác sĩ, trong đó có các bác sĩ, điều dưỡng BV Vinmec phẫu thuật tìm lại gương mặt cho mình. Gương mặt mới, dù không thể như xưa, nhưng cũng đã giúp anh có thêm nghị lực và tự tin để trở lại cuộc sống với sinh hoạt đời thường và công việc – niềm hạnh phúc và bình dị của mỗi con người trong cuộc sống.

Gia Bảo

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe