Ngáy ngủ có phải là nguyên nhân gây bệnh tăng huyết áp không?


Hỏi

Chào bác sĩ,

Tôi bị ngáy khi ngủ hơn 2 năm nay, tôi cao 1,70m. Một năm nay, tôi có tăng cân từ 68-69kg tăng lên 75-76kg. Vào thời điểm này, tôi có tăng huyết áp đột xuất vì tiền lệ tôi chưa bị huyết áp bao giờ. Tôi kiểm tra bệnh tại bệnh viện tỉnh thì họ chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây tăng huyết áp. Vậy xin hỏi ngáy ngủ có phải là nguyên nhân gây bệnh tăng huyết áp không? Cách điều trị dứt điểm như nào ạ?

Đỗ Văn Sơn (1985)

Trả lời

Được giải đáp bởi Bác sĩ Đào Kim Phượng - Bác sĩ tim mạch và siêu âm tim - Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Chào bạn,

Với câu hỏi “Ngáy ngủ có phải là nguyên nhân gây bệnh tăng huyết áp không?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:

  • Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), chẩn đoán tăng huyết áp khi trị số trung bình qua ít nhất hai lần đo của huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg hoặc trị số trung bình của huyết áp tâm trương ≥ 90mmHg, trong ít nhất hai lần thăm khám liên tiếp. Hiện nay, việc sử dụng máy đo huyết áp tại nhà rất phổ biến và tiện lợi cho người bệnh để theo dõi bệnh tình.
  • Nguyên nhân gây bệnh cao huyết áp: Có đến 90 – 95% tăng huyết áp vô căn gọi là tăng huyết áp nguyên phát. Còn lại là tăng huyết áp thứ phát khi có những nguyên nhân rõ ràng như do tim, thận,.... Tăng huyết áp do bệnh mạch thận, dù chỉ chiếm 2-3% số người bị tăng huyết áp nhưng cũng là một trong những nguyên nhân hay gặp nhất của tăng huyết áp thứ phát. Ngoài ra còn tăng huyết áp do vỏ thượng thận, sự thay đổi trong tiết aldosteron hay hội chứng Cushing, hội chứng Conn,...
  • Người ngáy thường có nguy cơ ngưng thở khi ngủ do các phần mềm và niêm mạc của cuống họng làm nghẹt khí quản, hai lá phổi và não bị thiếu dưỡng khí, giấc ngủ không ngon và thời kỳ ngủ say bị ngắt quãng. Hậu quả là bộ não không nghỉ ngơi hoàn toàn sau một ngày hoạt động. Bệnh ngáy ngủ không là nguyên nhân của tăng huyết áp nhưng làm tăng nguy cơ mắc các chứng bệnh như huyết áp cao, suy giảm khả năng tình dục, bệnh nhồi máu cơ tim, tim loạn nhịp hoặc bệnh đột tử trong khi ngủ,...
  • Điều trị ban đầu nhằm kiểm soát tối ưu các yếu tố nguy cơ có thể điều chỉnh cho chứng ngưng thở tắc nghẽn, bao gồm chứng béo phì, rượu và sử dụng an thần, suy giáp, to đầu chi và các rối loạn mãn tính khác. Bạn cần đến cơ sở y tế để xác định mình có bị ngừng thở khi ngủ không và đưa ra các can thiệp chuyên sâu nếu cần như liệu pháp áp lực đường thở dương liên tục, đeo nẹp hàm, phẫu thuật.

Nếu bạn còn thắc mắc về tăng huyết áp, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.

Trân trọng!

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan