Vì sao tim đập nhanh khi ngủ?

Tim đập nhanh khi ngủ có thể xảy ra bất kỳ thời điểm nào trong ngày như sáng, trưa và đêm. Tuy nhiên vào ban đêm, triệu chứng tim đập nhanh khi ngủ rất xảy ra và dễ nhận biết hơn. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn trả lời thắc mắc vì sao tim đập nhanh khi ngủ?

1. Nguyên nhân gây tim đập nhanh khi ngủ

Tim đập nhanh thường là một tình trạng gặp vấn đề trong quá trình phát nhịp hoặc dẫn truyền tín hiệu điện trong tim. Dấu hiệu nhận biết tình trạng này là nhịp tim đập nhanh hơn bình thường, có hiện tượng hồi hộp, đánh trống ngực.

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng tim đập nhanh khi ngủ. Trong đó, một số trường hợp xảy ra chỉ là phản ứng sinh lý bình thường của cơ thể do tác nhân từ bên ngoài bao gồm:

  • Do tư thế nằm ngủ gây chèn ép lên dây thần kinh phế vị, do ăn uống quá no hoặc dùng các chất kích thích ngay trước giờ đi ngủ khiến tim đập nhanh vào ban đêm khi ngủ.
  • Do việc sử dụng các thức uống có chứa caffeine sau bữa ăn trưa, dùng thuốc điều trị bệnh cảm cúm, mất nước, ít kali, nồng độ glucose trong máu thấp, thay đổi nội tiết tố dẫn đến tim đập nhanh khi ngủ trưa.
  • Do mất ngủ, tâm trạng căng thẳng, lo lắng, suy nghĩ nhiều trước giờ đi ngủ làm tim đập nhanh khi ngủ buổi sáng.

Hiện tượng này có thể xảy ra trên mọi đối tượng và độ tuổi, đặc biệt hay gặp nhất là trẻ em. Tình trạng tim trẻ đập nhanh khi ngủ ba mẹ có thể dễ dàng quan sát lồng ngực khi trẻ đang ngủ. Tuy nhiên, nhịp tim của trẻ được gọi là nhanh còn tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ.

Nếu tình trạng tim đập nhanh khi ngủ xảy ra liên tục và kéo dài, có thể đây là dấu hiệu cảnh báo tình trạng tim mạch của bạn đang gặp phải một vấn đề nào đó.

Một số bệnh lý tim mạch nguy hiểm có thể có triệu chứng tim đập nhanh khi ngủ cần được lưu ý như sau:

  • Rối loạn nhịp tim: Ở người bệnh mắc phải tình trạng rối loạn nhịp tim, quá trình phát nhịp hoặc hoạt động dẫn truyền tín hiệu điện trong tim sẽ bị rối loạn. Tần số tim có thể lên đến cao nhất 250 chu kỳ/phút, thông thường nhịp tim nhanh ở trong khoảng 140 – 180 chu kỳ/phút. Rối loạn nhịp tim có thể là hậu quả của một số bệnh lý tim mạch khiến tim đập nhanh phổ biến như là nhịp nhanh xoang, rung nhĩ và nhịp nhanh thất.
  • Rối loạn thần kinh tim: Tim hoạt động nhờ vào hệ thống thần kinh tim, đây là một phần của hệ thần kinh thực vật. Trong trường hợp hệ thống này bị rối loạn, người bệnh có thể biểu hiện với triệu chứng tim đập nhanh, hồi hộp như những người bệnh mắc phải một bệnh lý tim mạch khác. Tuy nhiên, khi người bệnh lo lắng và đi khám bác sĩ thì không tìm ra nguyên nhân do các kết quả xét nghiệm hay thăm khám lâm sàng không phát hiện được tổn thương thực thể tại tim.
  • Nhồi máu cơ tim: Các vết sẹo được hình thành trên cơ tim sau cơn nhồi máu có thể làm gián đoạn các đường dẫn truyền xung điện điều khiển nhịp tim. Đó là lý do tại sao, một số người sau khi bị nhồi máu cơ tim thường có triệu chứng tim đập nhanh, đánh trống ngực.
  • Suy tim: Khi mắc phải tình trạng suy tim, khả năng bơm máu của tim giảm theo mức độ suy tim. Để hạn chế tình trạng thiếu tưới máu đến các cơ quan để nuôi dưỡng, tim bắt buộc phải đập nhanh hơn và gây ra tình trạng tim đập nhanh, hồi hộp.
  • Tăng huyết áp: Khi huyết áp vượt mức bình thường dẫn đến việc cơ tim phải co bóp mạnh hơn để thắng được sức cản trên thành mạch máu. Nếu tình trạng này kéo dài, cơ tim sẽ bị dày lên, thay đổi cấu trúc và ảnh hưởng đến hệ thống dẫn truyền xung điện trong tim.
  • Bệnh động mạch vành: Giống như tăng huyết áp, các mảng xơ vữa động mạch vành cũng làm cản trở dòng máu ra vào tim, từ đó gián tiếp gây rối loạn nhịp tim.
  • Bệnh van tim: Hẹp hở van tim gây ứ máu tại các buồng tim và khiến buồng ti bị giãn ra. Điều này có thể khiến tim đập nhanh bất thường.
  • Bệnh cơ tim phì đại: Đây là nguyên nhân gây rung tâm nhĩ, nhịp nhanh thất và rung thất, những dạng rối loạn nhịp tim nhanh rất nguy hiểm.

Ngoài các bệnh lý tim mạch kể trên, trong một số trường hợp bạn cũng có thể mắc phải nhịp tim nhanh khi ngủ nếu bạn đang trong thời kỳ mãn kinh, mắc bệnh cường giáp hoặc trào ngược dạ dày thực quản.

2. Tim đập nhanh có nguy hiểm không?

Trong trường hợp tình trạng tim đập nhanh khi ngủ là dấu hiệu của một số bệnh lý tim mạch như rối loạn nhịp tim (nhịp nhanh thất, rung nhĩ); suy tim; bệnh mạch vành; nhồi máu cơ tim; cường giáp... thì có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và cần được can thiệp điều trị càng sớm càng tốt.

Bởi khi gặp phải trường hợp này, người bệnh không chỉ phải đối mặt với các triệu chứng khó chịu như khó thở, tim đập nhanh khi ngủ, nhịp tim đập không đều, bỏ nhịp, đập quá mạnh, đổ mồ hôi, choáng váng, đau đầu... mà còn có nguy cơ gây nhiều biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng như tình trạng huyết khối, đột quỵ, suy tim.

Đặc biệt, nếu tình trạng tim đập nhanh khi ngủ kéo dài trong một thời gian có thể gây cho người bệnh mất ngủ, lâu dần sẽ dẫn đến suy giảm trí nhớ.

3. Một số biện pháp cải thiện tình trạng tim đập nhanh khi ngủ

Người mắc phải tình trạng tim đập nhanh khi ngủ có thể được bác sĩ chỉ định một số loại thuốc điều trị rối loạn nhịp tim. Tuy nhiên, đây chỉ là cách giải quyết tạm thời. Người bệnh cần thay đổi thói quen sống lành mạnh và áp dụng một số biện pháp giúp hỗ trợ ổn định hệ thần kinh tim khác đóng vai trò đặc biệt quan trong giúp cải thiện cho tình trạng này.

Dưới đây là một số thói quen lành mạnh cho những ai bị nhịp tim nhanh khi ngủ có thể áp dụng giúp cải thiện tình trạng này như sau:

  • Hạn chế tối đa việc sử dụng chất kích thích, uống rượu, bia, cà phê, hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với môi trường có khói thuốc.
  • Rèn luyện thói quen ngủ đúng giờ, ít nhất 8 giờ mỗi ngày, không thức khuya quá 11 giờ và không ngủ trưa quá lâu và sau 14 giờ chiều.
  • Tạo tâm trạng thoải mái, thư thái, tránh phải lo lắng, căng thẳng.
  • Thiết lập chế độ ăn uống lành mạnh hàng ngày, bằng việc bổ sung vào thực đơn hàng ngày rau củ quả tươi, hạn chế đồ ăn nhiều gia vị, dầu mỡ. Nên ăn nhẹ trước giờ đi ngủ với rau, trái cây để tránh hạ đường huyết vào ban đêm.
  • Không nên thường xuyên ăn các thực phẩm dễ tăng nhịp tim như đồ muối dưa, nước uống có gas.
  • Uống từ 2 - 3 lít nước mỗi ngày, uống nhiều vào buổi sáng.
  • Tăng cường chế độ tập luyện thường xuyên với các môn thể thao nhẹ nhàng như thiền, yoga... ít nhất 30 phút mỗi ngày.
  • Một số thuốc có thể có tác dụng phụ làm tăng nhịp tim như thuốc điều trị sổ mũi nước có chứa thành phần Pseudoephedrine, epinephrine hoặc phenylephrine... Nên hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.

Bài viết trên đã đưa ra giải đáp cho thắc mắc vì sao tim đập nhanh khi ngủ và một số biện pháp áp dụng nhằm cải thiện tình trạng này cho những ai đang gặp phải. Bởi tình trạng này có thể cảnh báo những bất thường do bệnh lý nên bạn tuyệt đối không nên chủ quan, hãy thăm khám sớm chuyên khoa Nội thần kinh để được chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

14.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan