Vai trò của MSCT mạch vành trong chẩn đoán bệnh lý mạch vành

Chụp MSCT mạch vành hay ct mạch vành là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn, có vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh động mạch vành.

Bài viết bởi Bác sĩ Nguyễn Văn Phong - Trung Tâm Tim Mạch, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

1. Thế nào là bệnh động mạch vành?

Bệnh động mạch vành là tình trạng bất thường trong cấu trúc giải phẫu động mạch vành (hẹp, tắc, phình, lóc tách...) gây ảnh hưởng đến chức năng vận chuyển máu bình thường của động mạch vành. Khi nói đến bệnh động mạch vành chúng ta thường nói đến bệnh động mạch vành do xơ vữa gây nên hẹp hoặc tắc động mạch vành.

2. Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh lý mạch vành

Bệnh động mạch vành do xơ vữa thường tiến triển âm thầm và không có triệu chứng. Khi người bệnh có triệu chứng đau ngực trái thường thì mảng xơ vữa đã phát triển nhiều gây ảnh hưởng đến chức năng của động mạch vành. Triệu chứng thường gặp là đau ngực trái, đau lan lên cổ, ra vai trái hoặc tới ngón tay út bên trái. Tuy nhiên triệu chứng không còn điển hình khi người bệnh có các bệnh lý kèm theo như đái tháo đường, cao tuổi và nữ giới.

Các triệu chứng có thể gặp trong bệnh động mạch vành:

  • Nặng nề vùng ngực;
  • Đau ran vùng ngực;
  • ​​Cảm giác như tim bị nén ép;​
  • Cảm giác Tê vùng ngực;
  • Đầy bụng;
  • Nóng rát;
  • Cảm giác như tim đang bị bóp chặt lại;
  • Đau ngực âm ỉ.

3. Chẩn đoán phát hiện bệnh lý mạch vành

Để chẩn đoán bệnh động mạch vành, Bác sĩ có nhiều phương pháp khác nhau, tuy nhiên mỗi biện pháp lại có giá trị chính xác khác nhau.

  • Điện tâm đồ (dựa vào các biến đổi trên điện tim để chẩn đoán, tuy nhiên điện tâm đồ có nhiều hạn chế);
  • Chụp MSCT mạch vành hay chụp ct mạch vành (ct mạch vành);
  • Siêu âm tim (Đánh giá rối loạn vận động vùng cơ tim của động mạch vành bị tắc);
  • Chụp động mạch vành qua da (Tiêu chuẩn vàng chẩn đoán bệnh động mạch vành, tuy nhiên đây là thủ thuật xâm lấn, có chảy máu);
  • ​​Chụp cộng hưởng từ mạch vành.​

Mỗi phương pháp đều sẽ có ưu và nhược điểm của riêng nó. Như chụp động mạch vành là một thủ thuật chẩn đoán hình ảnh sử dụng tia X để ghi lại hình ảnh của các mạch máu cung cấp máu cho tim. Thủ thuật này giúp bác sĩ đánh giá tình trạng dòng máu đang di chuyển trong các động mạch vành, từ đó phát hiện các vùng bị hẹp hoặc tắc nghẽn. Chụp động mạch vành hiện là một trong các phương pháp phổ biến nhất hiện nay để chẩn đoán các bệnh lý tim mạch, đặc biệt là bệnh mạch vành.

4. Vai trò của chụp MSCT mạch vành có tiêm thuốc cản quang

Chụp MSCT mạch vành là thủ thuật thăm dò và chẩn đoán hình ảnh có độ đặc hiệu và độ nhạy cao.

Chụp MSCT mạch vành có thể loại trừ hẹp mạch vành 97 - 100%, do đó ct mạch vành là một trong những phương pháp chẩn đoán rất đáng tin cậy và được kỳ vọng rất nhiều trong việc chẩn đoán bệnh động mạch vành.

Chụp MSCT mạch vành có khả năng đánh giá cả lòng mạch bên trong lẫn thành động mạch, giúp bác sĩ khảo sát các đặc tính về cấu trúc và hình thái của các mảng xơ vữa bên trong động mạch, từ đó sẽ lên kế hoạch điều trị phù hợp với từng cá thể. Bên cạnh đó, khi kết quả các bài test gắng sức âm tính chỉ có ý nghĩa loại trừ các trường hợp bệnh động mạch vành hẹp ở mức độ vừa - nặng (thường trên 70%), không loại trừ được các trường hợp có mảng xơ vữa gây hẹp mạch vành ở mức độ nhẹ - vừa, chụp MSCT sẽ khắc phục được những điểm yếu này.

Hình MSCT động mạch vành
Ảnh chụp MSCT mạch vành của một bệnh nhân nam, 42 tuổi, đau ngực không điển hình, chụp CT mạch vành: A/Hình Curved MPR của động mạch vành phải cho thấy có 2 mảng xơ vữa vôi hóa ở đoạn 2 trong đó mảng xơ vữa thứ 2 (mũi tên xanh) gây hẹp lòng động mạch vành 50-70%. B/ Hình cắt ngang lòng động mạch vành đoạn tham khảo (ref) ngay trên chỗ hẹp. C/ Hình cắt ngang lòng động mạch vành phải đoạn 2 qua mảng xơ vữa thứ 2.

Tùy thuộc vào yếu tố nguy cơ, đặc điểm của triệu chứng của người bệnh để bác sĩ đưa ra chỉ định chụp mạch vành. Chụp ct mạch vành còn được sử dụng để đánh giá cầu nối động mạch mạch vành sau phẫu thuật bắc cầu mạch vành​ hay có nguy cơ tái hẹp.​

Hình CT mạch vành
A/ Hình CT mạch vành của 1 bệnh nhân nam, 73 tuổi, đau ngựA/ Hình CT mạch vành của 1 bệnh nhân nam, 73 tuổi, đau ngực không đặc hiệu, có 1 stent (> 5 năm) ở động mạch vành LAD1-2, không bị tái hẹp; B -C/ Hình 3D của 1 bệnh nhân nữ 73 tuổi, có 3 cầu mạch vành, 2 cầu bên trái và 1 cầu bên phải, cầu không bị tái hẹpc không đặc hiệu, có 1 stent (> 5 năm) ở động mạch vành LAD1-2, không bị tái hẹp; B -C/ Hình 3D của 1 bệnh nhân nữ 73 tuổi, có 3 cầu mạch vành, 2 cầu bên trái và 1 cầu bên phải, cầu không bị tái hẹp

5. Đối tượng chỉ định và chống chỉ định trong chụp msct mạch vành

5.1 Đối tượng được chỉ định chụp mạch vành

  • Người bệnh có các yếu tố gây nguy cơ mắc bệnh mạch vành: tiểu đường, cao huyết áp, tăng lipid máu, nghiện hút thuốc lá nặng hoặc người có tiền sử gia đình bị mắc bệnh động mạch vành;
  • ​​Người có các cơn ​đau ngực không điển hình;
  • Không thể xác định lý do bất thường khi thực hiện kiểm tra ECG và điện tâm đồ gắng sức;
  • Những bệnh nhân cần được theo dõi và kiểm tra sau khi điều trị, do từng điều trị bệnh mạch vành bằng phương pháp can thiệp động mạch vành qua da phẫu thuật bắc cầu mạch vành.

5.2 Đối tượng chống chỉ định chụp động mạch vành

  • ​​Người bị ​hen suyễn nặng;
  • Người có tiền sử xuất hiện triệu chứng dị ứng đối với thuốc cản quang. Bệnh thận có nồng độ creatinin cao hay bị suy thận mãn;
  • Phụ nữ đang có thai và cho con bú.
Đau ngực
Đối tượng đau ngực không điển hình cần được chụp MSCT mạch vành

6. Những điều cần chú ý khi chụp MSCT mạch vành

Bệnh nhân nên lưu ý nhịn ăn khoảng 4 tiếng trước khi chụp ct mạch vành. Trước đó, cần phải tiến hành xét nghiệm chức năng thận, sau khi có kết quả rồi mới thực hiện chụp MSCT mạch vành. Sau khi chụp MSCT mạch vành bệnh nhân nên uống nhiều nước từ 1 đến 2 ngày nhằm đào thải hết thuốc cản quang qua nước tiểu.

Chụp CT để chẩn đoán lâm sàng u màng não
Trang thiết bị hiện đại tại Vinmec giúp các bác sĩ chẩn đoán bệnh chính xác

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec áp dụng kỹ thuật Chụp cắt lớp vi tính động mạch vành, tim không dùng thuốc Betablocker đảm bảo chất lượng hình ảnh và tỷ lệ đọc chính xác thành công >95%. Kỹ thuật này giúp cho khách hàng hạn chế phải dùng thuốc làm chậm nhịp (không phải dùng Betablocker), hạn chế nguy cơ do phải dùng thuốc, làm giảm thời gian khách hàng chờ đợi để thực hiện dịch vụ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

13.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan