Tìm hiểu về nhịp nhanh thất không bền bỉ

Nhịp thanh thất không bền bỉ là một dạng rối loạn nhịp, đặc trưng bởi cơn nhịp nhanh kéo dài < 30 giây. Nhịp nhanh rất nguy hiểm, đòi hỏi phải được phát hiện và điều trị kịp thời. Hãy cùng tìm hiểu về nhịp nhanh thất không bền bỉ trong bài viết sau.

1. Nhịp nhanh thất không bền bỉ là gì?

Nhịp nhanh thất là một rối loạn nhịp tim có vị trí phát sinh từ tâm thất, từ chỗ phân nhánh của bó His trở xuống. Cơn nhịp nhanh thất xảy ra khi có trên 3 nhát ngoại tâm thu liền nhau. Trong lúc này, việc truyền tín hiệu trong tâm thất bị rối loạn, khiến tâm thất co bóp nhanh hơn, dẫn đến tim liên tục tống máu trong khi khoảng thời gian giữa các nhịp đập ngắn hơn bình thường, cuối cùng dẫn đến tâm thất không được đổ đầy máu.

Nhịp nhanh thất có tần số từ 100 – 200 chu kỳ/ phút, khi tần số từ 250 – 300 chu kỳ/ phút gọi là cuồng thất, tần số > 350 lần/ phút gọi là rung thất. Dạng đặc biệt của nhịp. Có dạng đặc biệt của rối loạn nhịp nhanh thất nhiều ổ gọi là xoắn đỉnh (Torsade de point).

Có thể chia rối loạn nhịp nhanh thất thành 2 loại dựa vào thời gian kéo dài của nhịp nhanh thất:

  • Nhịp nhanh thất không bền bỉ: Khi cơn nhịp nhanh kéo dài dưới 30 giây.
  • Nhịp nhanh thất bền bỉ: Khi cơn nhịp nhanh kéo dài trên 30 giây.

2. Nguyên nhân gây nhịp nhanh thất

Rối loạn nhịp nhanh thất có thể do các nguyên nhân sau:

  • Bệnh tim bẩm sinh;
  • Suy tim;
  • Thiếu máu cơ tim;
  • Bệnh cơ tim như bệnh cơ tim giãn, bệnh cơ tim phì đại, loạn sản thất phải,...;
  • Rối loạn điện giải;
  • Hội chứng QT dài do bẩm sinh (do bất thường gen,...) và mắc phải (do các thuốc như Quinidine, Erythromycine, Haloperidol,...);
  • Một số thuốc như Azithromycin, kháng sinh nhóm Quinolon, ... có thể gây rối loạn nhịp tim.

3. Triệu chứng của nhịp nhanh thất

Triệu chứng lâm sàng của rối loạn nhịp nhanh thất rất khác nhau ở từng bệnh nhân, tùy thuộc vào hoàn cảnh lâm sàng, có các bệnh tim khác kèm theo, tần số thất,... Một số bệnh nhân không có triệu chứng gì, ngược lại một số bệnh nhân biểu hiện bằng ngất, đột tử, ...

Các triệu chứng lâm sàng thường gặp của nhịp nhanh thất:

  • Cơ năng: Chóng mặt, lâng lâng, tức ngực, đau ngực, cảm giác đè nén ở ngực, hồi hộp, bất an, lo lắng.
  • Thực thể: Nghe tim có nhịp tim rất nhanh, đều hoặc không đều, không nghe thấy tim đập, sờ mạch có mạch nhanh, nhỏ, có khi không sờ thấy, huyết áp tụt hoặc không đo được, ...
  • Điện tâm đồ:
    • Tần số tim dao động từ 130 – 170 lần/phút;
    • Nhịp tim không đều, nhất là khi trước đó có nhịp nhanh thất đa dạng hoặc có nhát hỗn hợp;
    • Phức bộ QRS giãn rộng, biểu hiện gần giống block nhánh trái hoặc phải;
    • Có thể thấy sóng P có tần số chậm hơn QRS. Khi không có sóng P, làm chuyển đạo thực quản có sự phân ly giữa nhịp nhĩ và thất.

4. Điều trị rối loạn nhịp nhanh thất

Nguyên tắc: Trước khi bắt đầu điều trị nhịp nhanh thất, cần biết được:

  • Nguyên nhân gây rối loạn nhịp nhanh thất;
  • Cơ chế rối loạn nhịp;
  • Các yếu tố khởi phát;
  • Biến chứng có thể xảy ra;
  • Hiệu quả của phương pháp điều trị;
  • Tác dụng phụ của phương pháp điều trị.

Các phương pháp điều trị rối loạn nhịp nhanh thất:

  • Chuyển nhịp bằng sốc điện hoặc thuốc (Amiodarone, Lidocaine, Procanamide, chẹn beta giao cảm, ...);
  • Ngừng thuốc nghi là nguyên nhân gây rối loạn nhịp;
  • Điều trị duy trì bằng thuốc;
  • Điều trị nhịp nhanh thất bằng năng lượng sóng có tần số Radio;
  • Cấy máy tạo nhịp, máy phá rung;
  • Phẫu thuật.

Điều trị cơn nhịp nhanh thất không bền bỉ: Chỉ điều trị cắt cơn khi bệnh nhân có triệu chứng và sử dụng thuốc cắt cơn như trong điều trị nhịp nhanh thất bền bỉ (Lidocain, Amiodarone, Procainamide, Phenytoin , Propafenone,...).

5. Điều trị dài hạn

Mục tiêu là ngăn ngừa đột tử, tối ưu nhất là cấy máy khử rung tự động. Tuy nhiên, quyết định phương pháp điều trị thường phức tạp, tùy thuộc vào xác suất ước tính của những cơn nhịp nhanh thất nguy hiểm đe dọa đến tính mạng và mức độ nghiêm trọng của tổn thương tim.

Không cần điều trị dài hạn khi cơn nhịp nhanh thất khởi phát do nguyên nhân thoáng qua hoặc nguyên nhân có thể đảo ngược.

Cơn nhịp nhanh thất không bền bỉ làm tăng nguy cơ tử vong ở những bệnh nhân có bệnh tim cấu trúc, đặc biệt là bệnh nhân có phân suất tống máu < 0,35; vì vậy cần phải đánh giá kĩ lưỡng ở những bệnh nhân này và có thể cân nhắc cấy máy phá rung tự động cho những bệnh nhân thuộc nhóm này.

Dự phòng cơn nhịp nhanh thất rất quan trọng nên cần phải kết hợp thuốc chống rối loạn nhịp, triệt đốt qua đường ống thông cơ chất rối loạn nhịp hoặc phẫu thuật. Triệt đốt qua đường ống thông thường được sử dụng phổ biến ở bệnh nhân có cơn nhịp nhanh thất nằm trong các hội chứng xác định rõ ràng và cơn nhịp nhanh thất ở bệnh nhân không có bệnh tim cấu trúc.

Nhịp nhanh thất là bệnh lý rất nguy hiểm, đe dọa tính mạng của người bệnh. Tuy nhiên, với sự tiến bộ của Y học ngày nay đã có nhiều phương pháp điều trị nhịp nhanh thất, giúp làm giảm triệu chứng và duy trì sức khỏe tim mạch cho người bệnh. Chính vì vậy, người bệnh nên thường xuyên đi khám định kỳ để tìm hiểu rõ bệnh lý và có phương pháp điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

692 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan