Lịch sử của bệnh tim

Bệnh tim là một trong những căn bệnh gây tử vong ở Hoa Kỳ hiện nay. Các Trung tâm Kiểm soát và Phòng dịch bệnh (CDC) ước tính rằng, bệnh tim gây ra khoảng 1 trong 4 trường hợp tử vong ở Hoa Kỳ mỗi năm. Vậy, bạn có biết các bệnh liên quan tới tim đã được phát hiện ra từ khi nào?

1. Lịch sử của các bệnh lý tim

Bệnh tim được cho là một trong những nguyên nhân gây tử vong có thể phòng ngừa ở Hoa Kỳ. Một số yếu tố di truyền có thể góp phần gây ra các bệnh tim nhưng căn bệnh này phần lớn được cho là do thói quen sống không lành mạnh.

Trong số các thói quen này có thể kể đến như chế độ ăn uống nghèo nàn, không tập thể dục thường xuyên, hút thuốc lá, lạm dụng rượu hoặc ma túy và căng thẳng cao. Đây là những vấn đề vẫn còn phổ biến trong văn hóa ở nhiều nơi trên thế giới, vì vậy, không có gì lạ khi bệnh tim rất được quan tâm.

Phải chăng các bệnh ở tim luôn xảy ra ở con người với lối sống hiện đại ngày nay? Bạn có thể sẽ phải ngạc nhiên khi nhìn lại lịch sử bệnh tim đó!

1.1. Các pharaoh Ai Cập cũng đã bị xơ vữa động mạch

Tại cuộc họp của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ vào năm 2009 ở Florida, các nhà nghiên cứu đã trình bày kết quả nghiên cứu cho thấy: Xác ướp Ai Cập, khoảng 3.500 năm tuổi, có bằng chứng về bệnh tim mạch, cụ thể là chứng xơ vữa động mạch trong các động mạch khác nhau của cơ thể.

Pharaoh Merenptah qua đời vào năm 1203 trước Công nguyên đã bị mắc chứng xơ vữa động mạch. Có tới 9 trong số 16 xác ướp được nghiên cứu cũng có bằng chứng xác thực về căn bệnh này.

Các nhà nghiên cứu đã đưa ra giả thuyết chế độ ăn uống có thể có liên quan đến tình trạng này. Những người Ai Cập có địa vị cao như các Pharaoh có thể đã ăn nhiều thịt béo từ gia súc, vịt và ngỗng.

Các phát hiện cho thấy rằng, chúng ta cần phải xem xét các yếu tố nguy cơ hiện tại để hiểu đầy đủ về căn bệnh này.

xơ vữa động mạch
Các nhà khoa học đã tìm được bằng chứng về bệnh xơ vữa động mạch sau khi scan xác ướp Ai Cập vào năm 2009 (Ảnh: The New York Times).

1.2. Bệnh mạch vành được phát hiện khá sớm

Để nói chính xác thời điểm lần đầu tiên con người biết đến bệnh mạch vành (hẹp động mạch) là điều khó. Tuy nhiên, người ta biết rằng Leonardo da Vinci (1452–1519) đã nghiên cứu về động mạch vành.

William Harvey (1578–1657) là bác sĩ của Vua Charles I, được ghi nhận là người đã khám phá ra việc máu di chuyển khắp cơ thể theo cách tuần hoàn từ tim.

Friedrich Hoffmann (1660–1742), giáo sư trưởng y khoa tại Đại học Halle, sau đó đã lưu ý rằng, bệnh mạch vành bắt đầu do “giảm lưu lượng máu trong động mạch vành”, theo cuốn sách Drug Discovery: Practices, Processes, and Perspectives.

1.3. Thắc mắc về vấn đề đau thắt ngực

Đau thắt ngực - tức ngực thường là dấu hiệu của bệnh thiếu máu cơ tim - khiến nhiều bác sĩ trong thế kỷ 18 và 19 bối rối.

Đau thắt ngực được mô tả lần đầu tiên vào năm 1768 bởi William Heberden và nhiều người tin rằng, nó có liên quan đến việc máu lưu thông trong động mạch vành. Mặc dù tại thời điểm đó, những người khác cho rằng đó là một tình trạng vô hại.

William Osler (1849–1919) là bác sĩ trưởng kiêm giáo sư y học lâm sàng tại Bệnh viện Johns Hopkins, đã nghiên cứu về chứng đau thắt ngực và là một trong những người đầu tiên chỉ ra rằng tình trạng này là một hội chứng chứ không phải là một căn bệnh.

Sau đó, vào năm 1912, nhà tim mạch người Mỹ James B. Herrick (1861–1954) kết luận rằng, động mạch vành thu hẹp dần dần có thể là nguyên nhân gây ra đau thắt ngực.

1.4. Học cách phát hiện bệnh tim

Những năm 1900 đánh dấu thời kỳ gia tăng việc quan tâm, các nghiên cứu và sự hiểu biết về bệnh tim. Năm 1915, một nhóm bác sĩ và nhân viên xã hội đã thành lập một tổ chức có tên là Hiệp hội Phòng chống và Cứu trợ Bệnh tim ở Thành phố New York.

Năm 1924, nhiều nhóm nghiên cứu trái tim đã liên kết trở thành Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ. Các bác sĩ lo ngại về căn bệnh này vì họ biết rất ít về nó. Những bệnh nhân mà họ thường gặp với bệnh tim có rất ít hy vọng được điều trị hoặc có một cuộc sống viên mãn.

Chỉ vài năm sau, các bác sĩ bắt đầu thử nghiệm khám phá động mạch vành bằng ống thông. Điều này sau đó sẽ trở thành thông tim trái (với chụp mạch vành). Ngày nay, các thủ tục này thường được sử dụng để đánh giá hoặc xác nhận sự hiện diện của bệnh động mạch vành và xác định nhu cầu điều trị thêm.

Cả bác sĩ người Bồ Đào Nha Egas Moniz (1874–1955) và bác sĩ người Đức Werner Forssmann (1904–1979) đều được ghi nhận là những người tiên phong trong lĩnh vực này, theo American Journal of Cardiology.

Năm 1958, F. Mason Sones (1918–1985), bác sĩ tim mạch nhi tại Phòng khám Cleveland, đã phát triển kỹ thuật tạo ra hình ảnh chẩn đoán chất lượng cao của động mạch vành. Lần đầu tiên có thể chẩn đoán chính xác bệnh mạch vành.

1.5. Sự khởi đầu của chế độ ăn kiêng

Năm 1948, các nhà nghiên cứu dưới sự chỉ đạo của Viện Tim mạch Quốc gia Hoa Kỳ (nay được gọi là Viện Tim, Phổi và Máu Quốc gia) đã khởi xướng Nghiên cứu Tim Framingham, nghiên cứu lớn đầu tiên giúp chúng ta hiểu về bệnh tim, theo một bài báo trên tạp chí Lancet.

Năm 1949, thuật ngữ "xơ cứng động mạch" (được gọi là "xơ vữa động mạch" ngày nay) đã được thêm vào Phân loại bệnh quốc tế, từ đó số ca tử vong do bệnh tim được báo cáo tăng mạnh.

Vào đầu những năm 1950, nhà nghiên cứu Đại học California John Gofman (1918-2007) và các cộng sự của ông đã xác định được hai loại cholesterol nổi tiếng ngày nay: Lipoprotein mật độ thấp (LDL)lipoprotein mật độ cao (HDL). Họ phát hiện ra rằng, những người đàn ông phát triển chứng xơ vữa động mạch thường có mức LDL cao và mức HDL thấp.

Cũng trong những năm 1950, nhà khoa học người Mỹ Ancel Keys (1904–2004) trong chuyến du lịch của mình đã phát hiện ra rằng, bệnh tim hiếm gặp ở một số người dân Địa Trung Hải, nơi mọi người ăn một chế độ ăn ít chất béo hơn. Ông cũng lưu ý rằng, người Nhật có chế độ ăn ít chất béo và tỷ lệ mắc bệnh tim thấp. Điều này khiến ông đưa ra giả thuyết rằng, chất béo bão hòa là nguyên nhân gây ra bệnh tim.

Những phát triển này và những phát hiện khác, bao gồm cả kết quả từ Nghiên cứu Tim Framingham, đã dẫn đến những nỗ lực đầu tiên trong việc thúc giục mọi người thay đổi chế độ ăn uống để có sức khỏe tim mạch tốt hơn.

chế độ ăn cho người bệnh tim
Chế độ ăn uống lành mạnh giúp cải thiện sức khỏe tim mạch.

2. Tương lai của bệnh tim

Vào những năm 1960 và 1970, các phương pháp điều trị như phẫu thuật bắc cầunong mạch bằng bóng qua da lần đầu tiên được sử dụng để giúp điều trị bệnh tim, theo Hiệp hội Chụp và Can thiệp Tim mạch.

Vào những năm 1980, việc sử dụng stent để giúp mở động mạch bị hẹp đã ra đời. Kết quả của những tiến bộ điều trị này, chẩn đoán bệnh tim ngày nay không chắc chắn phải là một bản án tử hình như trước đây.

Ngoài ra, vào năm 2014, Viện Nghiên cứu Scripps đã báo cáo một xét nghiệm máu mới có thể dự đoán những người có nguy cơ cao xảy ra cơn đau tim.

Các bác sĩ cũng đang tìm cách thay đổi một số quan niệm sai lầm về chế độ ăn ít chất béo. Mối liên hệ giữa chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa và bệnh tim tiếp tục gây tranh cãi. Tuy nhiên, bây giờ chúng ta biết rằng, một số chất béo thực sự tốt cho tim của bạn.

Chất béo không bão hòa giúp giảm mức cholesterol không mong muốn, đồng thời thúc đẩy sức khỏe tim mạch tổng thể. Tìm kiếm chất béo không bão hòa đơn hoặc không bão hòa đa cũng như các nguồn axit béo omega-3. Các nguồn chất béo không bão hòa đơn tốt bao gồm dầu ô liu, dầu mè và dầu đậu phộng. Các nguồn cung cấp chất béo không bão hòa đa và axit béo omega-3 tốt bao gồm cá, quả óc chó và các loại hạt Brazil.

Ngày nay, chúng ta đã biết nhiều hơn về cách điều trị bệnh động mạch vành để kéo dài và cải thiện chất lượng cuộc sống. Chúng ta cũng biết thêm về cách giảm nguy cơ mắc bệnh tim ngay từ đầu. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa biết được tất cả và vẫn còn một chặng đường dài phía trước để xóa bỏ hoàn toàn bệnh tim khỏi lịch sử loài người.

Hãy theo dõi trang web: Vinmec.com thường xuyên để cập nhật nhiều thông tin hữu ích khác.

Bài viết tham khảo: healthline.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

332 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan