Hạ thân nhiệt trong cấp cứu và hồi sức tim mạch

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Lê Đức Hoàng - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ đã có nhiều kinh nghiệm trong điều trị Hồi sức – Cấp cứu người lớn.

Hạ thân nhiệt trong cấp cứu và hồi sức tim mạch là một kỹ thuật hiện đại với mục đích chính là giảm thiểu các tổn thương tế bào trong cơ thể, đặc biệt nhất là tổn thương tế bào não bộ. Vậy hạ thân nhiệt trong cấp cứu tim mạch diễn ra như thế nào?

1. Phương pháp hạ thân nhiệt là gì?

Kỹ thuật hạ thân nhiệt của bệnh nhân trong hồi sức tim mạch là phương pháp sử dụng một số kỹ thuật làm lạnh để làm giảm và kiểm soát nhiệt độ cơ thể bệnh nhân xuống mức 32 - 36 độ C. Sau đó, tùy theo yêu cầu của quá trình điều trị mà nhiệt độ bệnh nhân sẽ được kiểm soát để đạt thân nhiệt mục tiêu một cách chủ động. Bên cạnh đó cần phải kết hợp với các phương pháp điều trị khác để phòng ngừa biến chứng và tác dụng phụ của phương pháp hạ thân nhiệt gây ra.

Khi hệ tuần hoàn của cơ thể ngừng hoạt động, quả tim mất chức năng co bóp dẫn đến hậu quả là gây ra tình trạng thiếu máu nuôi các cơ quan trong cơ thể, khiến tế bào ngưng hoạt động, gây hoại tử và chết theo chương trình. Trong đó, cơ quan quan trọng nhất chính là các tế bào của hệ thần kinh trung ương.

Các tổn thương của tế bào não sau ngừng tuần hoàn sẽ không thể hồi phục và để lại nhiều biến chứng nặng nề, thậm chí là suy hô hấp và tử vong. Do đó, hạ thân nhiệt trong hồi sức tim mạch giúp ngăn chặn đáng kể quá trình tổn thương này, từ đó giúp bệnh nhân có khả năng sống sót và ít xảy ra biến chứng hơn.

2. Hạ thân nhiệt có mấy phương pháp?

Hiện nay có 2 phương pháp hạ thân nhiệt đang được áp dụng trong cấp cứu tim mạch, bao gồm:

  • Hạ thân nhiệt bên ngoài cơ thể (làm lạnh bề mặt): Dùng nước, chăn lạnh, thiết bị trao đổi nhiệt hoặc hạ nhiệt khu trú bằng mũ...
  • Hạ thân nhiệt bên trong cơ thể (làm lạnh nội mạch): Đặt catheter vào hệ tĩnh mạch trung tâm và đưa các dung dịch lạnh vào hoặc truyền dịch vào tuần hoàn chung nhằm kiểm soát thân nhiệt.
Hạ thân nhiệt nội mạch
Phương pháp hạ thân nhiệt nội mạch

3. Chỉ định phương pháp hạ thân nhiệt trong hồi sức tim mạch

Phương pháp hạ thân nhiệt được áp dụng ở các bệnh nhân sau ngừng tuần hoàn và đáp ứng đủ 3 tiêu chuẩn sau:

  1. Bệnh nhân đã được đặt nội khí quản, được bắt đầu tiếp nhận điều trị hạ thân nhiệt trong vòng 6 tiếng sau ngừng tuần hoàn. Nhịp tim hiện tại không có cơn nhanh thất hay rung thất.
  2. Huyết áp tâm thu duy trì trên 90mmHg (có hoặc không dùng thuốc vận mạch).
  3. Bệnh nhân vẫn còn trong trạng thái hôn mê sau khi ngừng tuần hoàn và vẫn còn mê trong quá trình tiến hành hạ thân nhiệt.

4. Chống chỉ định phương pháp hạ thân nhiệt trong cấp cứu tim mạch

Hiện nay phương pháp này không có chống chỉ định tuyệt đối, chỉ có các trường hợp cần thận trọng bao gồm:

  • Bệnh nhân đang chảy máu và đe dọa đến tính mạng.
  • Có bệnh lý rối loạn đông máu nặng.
  • Sốc tim nặng.
  • Nhiễm trùng chưa được điều trị.

Tuy nhiên, hạ thân nhiệt vẫn có thể tiến hành sau khi bệnh nhân đã đảm bảo được huyết động, điều chỉnh các rối loạn đông máu hoặc điều trị các ổ nhiễm trùng khu trú.

hạ thân nhiệt
Ba phase của hạ thân nhiệt điều trị

5. Quy trình kỹ thuật của phương pháp hạ thân nhiệt

Giai đoạn 1

Trong giai đoạn đầu tiên, việc cần làm là hạ thân nhiệt nhanh. Với các phương pháp hạ thân nhiệt đang được áp dụng hiện nay, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp tùy thuộc tình trạng bệnh nhân để nhiệt độ trung tâm cơ thể nhanh chóng đưa đến mức mục tiêu (khoảng 32°C đến 36°C) trong khoảng thời gian trung bình từ 1-3 tiếng.

Giai đoạn 2

Sau khi hạ thân nhiệt đến mục tiêu điều trị, bệnh nhân cần được duy trì mức nhiệt độ này. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh và yêu cầu của việc hồi sức tim mạch mà nhiệt độ trung tâm mục tiêu của bệnh nhân có thể được duy trì trong 24-48 tiếng.

Giai đoạn 3

Sau khi kết thúc quá trình hạ thân nhiệt, bệnh nhân cần được làm ấm trở lại. Yêu cầu của mức tăng thân nhiệt là tăng từ 0.25°C đến 0.5°C mỗi giờ, không nên tăng nhiệt độ cơ thể quá nhanh để tránh biến chứng phù phổi cấp hay rối loạn huyết động do tăng thân nhiệt đột ngột gây ra.

Giai đoạn 4

Sau khi nhiệt độ cơ thể bệnh nhân trở về bình thường, bác sĩ điều trị cần duy trì thân nhiệt bình thường này. Mục tiêu của giai đoạn này là nhiệt độ trung tâm cơ thể bệnh nhân cần được duy trì từ 36.5°C -37.5°C trong khoảng thời gian 24 tiếng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan