Cảnh giác nhồi máu cơ tim do co thắt động mạch vành

Co thắt động mạch vành là tình trạng tắc hoàn toàn hoặc gần như hoàn toàn thoáng qua của động mạch vành gây nên những hậu quả nghiêm trọng như hội chứng mạch vành cấp, rối loạn nhịp và đặc biệt là nhồi máu cơ tim. Vậy nhồi máu cơ tim do co thắt mạch vành là gì?

1. Nhồi máu cơ tim do co thắt mạch vành là gì?

Nhồi máu cơ tim là nguyên nhân tử vong hàng đầu trên thế giới do nhiều nguyên nhân gây ra. Tuy nhiên có tới 90% các trường hợp nhồi máu cơ tim có sự hiện diện của tắc nghẽn động mạch vành cho thấy mối liên hệ mật thiết giữa bệnh lý mạch vành với biến chứng nhồi máu cơ tim.

Co thắt mạch vành là tình trạng một phần của động mạch vành, động mạch mang máu nuôi tim bị co thắt lại và trở nên hẹp khiến tim bị ép phải hoạt động nhiều hơn để bơm máu đi qua vùng hẹp. Các cơn co thắt có thể là thoáng qua hoặc có thể kéo dài tới 15 phút gây ra các triệu chứng như:

  • Đau ngực, diễn tiến nặng;
  • Đau lan lên đầu hoặc vai;
  • Cảm giác bỏng rát trong ngực;
  • Cảm giác co thắt trong ngực;
  • Chảy mồ hôi;
  • Buồn nôn;
  • Cảm giác choáng váng.

2. Chẩn đoán nhồi máu cơ tim do co thắt mạch vành

Chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp gồm các tiêu chí:

  • Ghi nhận có troponin tim động học tăng hoặc giảm với ít nhất một giá trị trên ngưỡng bách phân vị thứ 99 và:
  • Bằng chứng lâm sàng của tình trạng nhồi máu biểu hiện bởi ít nhất một trong các tình trạng sau: triệu chứng thiếu máu cục bộ cơ tim, biến đổi dạng thiếu máu cơ tim mới trên điện tâm đồ, xuất hiện sóng Q bệnh lý mới trên điện tâm đồ, xác định được huyết khối lòng mạch vành bởi chụp mạch vành hoặc tử thiết

Để chẩn đoán đau thắt ngực do co thắt mạch vành cần đáp ứng 1 trong các tiêu chuẩn sau:

Một là: Đau thắt ngực đáp ứng Nitrat- trong cơn khởi phát tự phát, với ít nhất một trong các tiêu chuẩn sau:

  • Đau ngực lúc nghỉ, đặc biệt là giữa đêm và sáng sớm
  • Làm thay đổi rõ rệt khả năng gắng sức trong sinh hoạt hàng ngày
  • Tăng thông khí thúc đẩy vào cơn đau
  • Thuốc chẹn kênh calci (không phải ức chế beta) giúp ngừng cơn đau

Hai là: Thay đổi ECG dạng thiếu máu cục bộ cơ tim thoáng qua- trong cơn khởi phát tự phát, bao gồm bất cứ tiêu chuẩn nào sau đây ở ít nhất 2 chuyển đoạn liên tiếp:

  • Đoạn ST chênh lên > 0,1 mV
  • Đoạn ST chênh xuống > 0,1 mV
  • Sóng U đảo ngược mới

Ba là: Co thắt động mạch vành - là co thắt gây hẹp hoàn toàn hoặc gần như hoàn toàn động mạch vành (co thắt 90%) với triệu chứng đau ngực tự phát và thay đổi ECG hướng thiếu máu cục bộ cơ tim hoặc biểu hiện đáp ứng với nghiệm pháp khởi kích (acetylcholine, ergonovine nội mạch vành, hoặc tăng thông khí)

3. Điều trị nhồi máu cơ tim do co thắt động mạch vành

Nguyên tắc điều trị nhồi máu cơ tim do co thắt động mạch vành như sau:

  • Chú ý giảm tần suất khởi phát và cắt cơn co thắt.
  • Tìm và loại trừ các yếu tố khởi phát cơn.
  • Điều trị bảo vệ cơ tim lâu dài.
  • Thay đổi lối sống, điều trị nội khoa và đặt stent mạch vành là các phương pháp điều trị chính.

Cụ thể:

Thay đổi lối sống: Ngưng hút thuốc lá để ngăn chặn yếu tố nguy cơ co thắt mạch vành, giảm rõ rệt tần suất cơn co thắt

Điều trị nội khoa:

  • Thuốc chẹn kênh calci là thuốc điều trị đầu tay đối với nhồi máu cơ tim do co thắt mạch vành, cải thiện tỉ lệ sống còn cơ tim không di chứng ở bệnh nhân đau thắt ngực do co thắt mạch vành
  • Nitrate tác dụng dài cũng cho thấy hiệu quả làm giảm triệu chứng nhưng do tính chất dung nạp thuốc của nitrate nên ít được sử dụng làm thuốc đầu tay
  • Statin cho thấy hiệu quả ngừa cơn co thắt mạch vành qua tác động lên nitric oxide nội mô và tác động trực tiếp lên cơ trơn thành mạch

Đặt stent mạch vành: Có thể có hiệu quả đối với các bệnh nhân có co thắt kháng trị, đi kèm với tổn thương xơ vữa mạch vành trung bình và đoạn mạch vành co thắt được xác định rõ ràng

Lưu ý:

  • Các thuốc chẹn beta không chọn lọc như propranolol có thể làm nặng thêm tình trạng co thắt nên cần tránh dùng.
  • Aspirin chỉ nên dùng ở bệnh nhân có bệnh lý xơ vữa mạch vành đi kèm và dùng ở liều thấp.
  • Mọi nhóm thuốc Triptan được khuyến cáo không sử dụng ở bệnh nhân đã biết hoặc nghi ngờ co thắt mạch vành.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

333 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan