Cách phát hiện nhồi máu cơ tim

Nhồi máu cơ tim là nguyên nhân tử vong trong bệnh lý tim mạch. Việc phát hiện sớm tình trạng này có thể giúp người bệnh được can thiệp điều trị sớm, từ đó giảm nguy cơ tử vong và những biến chứng nghiêm trọng.

1. Nhồi máu cơ tim là gì?

Tim cũng như các mô trong cơ thể của chúng ta, cần được cung cấp máu và dinh dưỡng liên tục. Tim được cung cấp oxy nhờ hệ thống động mạch vành, động mạch vành được chia thành hai nhánh lớn cung cấp oxy cho cơ tim bên phải và trái. Nếu như một trong các động mạch lớn hay các nhánh mạch vành nhỏ bị tắc đột ngột thì một phần cơ tim do mạch máu đó nuôi dưỡng sẽ bị thiếu máu nuôi và kéo dài lâu thì sẽ dẫn tới hoại tử cơ tim và tình trạng này gọi là nhồi máu cơ tim. Hiện tượng nhồi máu cơ tim là một tình huống cấp cứu nội khoa cần can thiệp điều trị, vì thời gian càng để lâu thì cơ tim bị hoại tử càng nhiều và không có khả năng phục hồi, người bệnh có thể tử vong hoặc có những biến chứng nặng.

Cơ chế gây ra bệnh nhồi máu cơ tim thường do huyết khối trong lòng mạch làm tắc nghẽn hoàn toàn lòng mạch. Tùy theo vị trí tắc ở động mạch lớn hay nhỏ mà mức độ tổn thương ở mức trầm trọng khác nhau. Đối với các trường hợp bị tắc nhánh mạch máu nuôi nút tạo nhịp cho tim có thể làm cho người bệnh tử vong ngay lập tức vì rối loạn nhịp tim hoặc ngược lại ở những động mạch rất nhỏ có tuần hoàn bàng hệ, người bệnh có thể không thấy biểu hiện gì rõ ràng.

Nhồi máu cơ tim do mảng xơ vữa
Nhồi máu cơ tim do mảng xơ vữa

2. Nguyên nhân tại sao bị nhồi máu cơ tim?

Nguyên nhân chủ yếu gây ra nhồi máu cơ tim cấp là do mảng xơ vữa trong lòng mạch vành bị nứt hoặc vỡ, sau đó các tế bào máu gồm tiểu cầu và hồng cầu đến bám vào, tạo thành huyết khối gây bít tắc đột ngột lòng. Những yếu tố dẫn có thể làm tăng nguy cơ hình thành mảnh xơ vữa động mạch vành bao gồm:

  • Tăng cholesterol: Một chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa hay chất béo chuyển hóa sẽ làm tăng lượng cholesterol xấu trong máu và giảm lượng cholesterol tốt. Những điều này thúc đẩy việc hình thành mảnh xơ vữa động mạch nói chung và động mạch vành nói riêng. Chất béo bão hòa được tìm thấy nhiều nhất trong thịt mỡ và các sản phẩm từ sữa nguyên chất bao gồm bơ, phô mai. Còn chất béo chuyển hóa hay còn gọi là chất béo đã được hydro hóa. Chất béo chuyển hóa được tạo ra do quá trình chế biến thường tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm chế biến sẵn, thịt nướng...
  • Tăng huyết áp: Huyết áp bình thường phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có liên quan tới tuổi tác, người cao tuổi thường có ngưỡng huyết áp cao hơn so với người trẻ. Khi huyết áp tâm thu lớn hơn hoặc bằng 140mmhg và/hoặc huyết áp tâm trương lớn hơn hoặc bằng 90mmhg được gọi là bệnh tăng huyết áp. Huyết áp càng cao thì nguy cơ mắc bệnh càng cao, bởi vì khi áp lực trong lòng động mạch lớn sẽ dễ làm tổn thương lớp niêm mạc động mạch và thúc đẩy quá trình hình thành mảng xơ vữa.
  • Tăng nồng độ chất béo trung tính (triglyceride): Tăng triglyceride cũng là nguyên nhân làm tăng nguy cơ bị nhồi máu cơ tim. Triglycerid sẽ đi khắp cơ thể và được dự trữ trong các mô mỡ. Tuy nhiên, một số lượng triglycerid cũng có thể tồn đọng trong động mạch và thúc đẩy hình thành mảng xơ vữa.
Những người mắc chứng xơ vữa động mạch có nguy cơ cao mắc nhồi máu cơ tim
Những người mắc chứng xơ vữa động mạch có nguy cơ cao mắc nhồi máu cơ tim

  • Đái tháo đường: Đây là tình trạng rối loạn chuyển gây ra do lượng đường trong máu cao hơn mức bình thường, nhưng tế bào lại không thể sử dụng đường một cách hiệu quả và gây ra những rối loạn chuyển hoá khác kèm theo. Biến chứng của tiểu đường là gây thương các mạch máu trong cơ thể và có thể là yếu tố dẫn đến bệnh mạch vành.
  • Béo phì: Người mắc bệnh béo phì có nguy cơ mắc nhồi máu cơ tim cao hơn so với những người có cân nặng trong ngưỡng bình thường. Béo phì còn thường liên quan đến các tình trạng khác làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch bao gồm bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, tăng mỡ máu...
  • Hút thuốc lá và tiếp xúc thường xuyên với khói thuốc lá: Những chất có trong khói thuốc có thể làm tổn thương mạch máu và là yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành, các bệnh tim mạch khác.
  • Tuổi tác: Nguy cơ mắc bệnh mạch vành tăng dần theo tuổi. Cụ thể với nam giới thì nguy cơ mắc bệnh này tăng cao sau 45 tuổi và phụ nữ là sau 55 tuổi.
  • Gia đình: Nguy cơ bị nhồi máu cơ tim cao hơn nếu trong gia đình có người bị bệnh tim mạch sớm. Nguy cơ mắc bệnh sẽ đặc biệt cao nếu trong gia đình có thành viên nam bị bệnh nhồi máu cơ tim trước 55 tuổi hoặc thành viên nữ trước 65 tuổi.
  • Tiền sử bệnh tật: Những người đã từng bị nhồi máu cơ tim thì nguy cơ tái phát cũng cao hơn so với những người chưa từng bị bệnh này.

Các yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim bao gồm:

  • Căng thẳng hay xúc động mạnh, gắng sức quá mức, chấn thương làm tăng nguy cơ khiến cho mảng xơ vữa dễ bị nứt vỡ.
  • Lười vận động.
  • Dùng các thuốc như cocaine...
  • Tiền sử về tiền sản giật hoặc tăng huyết áp thai kỳ.
  • Có bệnh lý tự miễn như viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ hệ thống, xơ cứng bì, vẩy nến...

3. Cách phát hiện nhồi máu cơ tim

Để phát hiện được bệnh nhồi máu cơ tim cần nhận biết được một số dấu hiệu của bệnh và các dấu hiệu cận lâm sàng rất quan trọng để chẩn đoán xác định nhất là trong trường hợp lâm sàng không rõ ràng.

3.1 Các biểu hiện lâm sàng của nhồi máu cơ tim

Những triệu chứng thường gặp của bệnh nhồi máu cơ tim bao gồm:

  • Đau thắt ngực: Đây là dấu hiệu điển hình của bệnh. Đau ngực có cảm giác giống như có vật gì đó đè nặng lên ngực, nếu đau nhiều còn có cảm giác đau dữ dội như dao đâm, như có dây siết chặt vùng ngực. Vị trí đau thương là ngực bên trái, sau xương ức hoặc trong một số trường hợp nhồi máu vùng dưới đau ở thượng vị nên có thể nhầm với đau dạ dày. Hướng lan đau có thể lan lên cổ, hàm dưới, vai trái, lưng, bụng hoặc cánh tay trái, lan tới đầu ngón tay 4,5. Thời gian đau có thể kéo dài nhiều phút hoặc biến mất rồi lại xuất hiện, thường gặp là đau kéo dài trên 30 phút. Các dấu hiệu đau đáp ứng kém với thuốc giãn mạch thuốc nitroglycerin.
  • Ngoài cơn đau bệnh nhân còn có các triệu chứng khác kèm theo như: Khó thở; đổ mồ hôi; buồn nôn, nôn; cảm giác lo lắng bất an xuất hiện một cách bất thường; ho; chóng mặt; tim đập nhanh...
  • Trong một số trường hợp đặc biệt hay gặp hơn ở phụ nữ, người bệnh có thể không trải qua các triệu chứng như rầm rộ mà chỉ có các biểu hiện nhẹ như mệt hoặc chỉ cảm thấy khó chịu vùng thượng vị... hoặc có những người lại biểu hiện rất nặng ngừng tim đột ngột và tử vong rất nhanh.

Những biểu hiện của bệnh có thể kéo dài hàng giờ, vì vậy khi có các triệu chứng trên nhất là những người có nguy cơ bệnh cao cần tìm kiếm sự giúp đỡ và đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

3.2 Các dấu hiệu cận lâm sàng

Khi khai thác được người bệnh có các dấu hiệu nghi ngờ bệnh. Thì việc tiến hành làm xét nghiệm cận lâm sàng là rất cần thiết, bởi nó có thể giúp chẩn đoán và định hướng phác đồ điều trị bệnh.

  • Điện tâm đồ: Điện tâm đồ có thể giúp phát hiện được người bệnh có nhồi máu hay không, có thể xác định vùng tổn thương, những rối loạn nhịp. Trong điện tim người ta chia nhồi máu cơ tim thành nhồi máu cơ tim có đoạn ST chênh lên và không có ST chênh lên. Điều này rất quan trọng vì cơ chế gây bệnh khác nhau và hướng điều trị cũng khác nhau.
  • Xét nghiệm men tim: Các xét nghiệm men tim giúp chẩn đoán và một số xét nghiệm giúp cho tiên lượng được tình trạng nhồi máu cơ tim.
  • Chụp động mạch vành: Chụp động mạch vành là phương pháp giúp chẩn đoán xác định nhồi máu cơ tim hay không. Nó cũng giúp cho việc can thiệp động mạch vành bằng cách đặt stent vào vị trí tắc động mạch vành nếu được.
Nhồi máu cơ tim ST chênh lên ECG
Hình ảnh nhồi máu cơ tim ST chênh lên ECG

4. Biến chứng nhồi máu cơ tim

Nếu như không được phát hiện và điều trị sớm hoặc trong các trường hợp nặng thì bệnh nhồi máu cơ tim có thể dẫn đến:

  • Suy tim nặng: Người bệnh khó thở nhiều, huyết áp tụt cần được điều trị hỗ trợ máy thở, thuốc vận mạch, dụng cụ hỗ trợ tim...
  • Rối loạn nhịp tim người bệnh có thể đột tử.
  • Hở van 2 lá nặng do giảm máu cung cấp dây chằng và đứt dây chằng lá van.
  • Thủng cơ tim ở vách liên thất gây ra lỗ thông nối thất trái và thất phải.
  • Thủng vách tim ở thành tự do gây ra tình trạng tràn máu màng tim hoặc vỡ tim, gây nguy hiểm tới tính mạng.

Nói chung, nhồi máu cơ tim là cấp cứu nội khoa cần được can thiệp sớm và kịp thời. Nếu phát hiện được sớm trước hiện tượng nhồi máu cơ tim thì có thể giảm thiểu tỷ lệ tử vong. Thời gian vàng từ khi phát bệnh đến khi điều trị là 3 giờ. Nếu để lâu thì cơ tim bị tổn thương không thể phục hồi. Cho nên, người bệnh khi có các biểu hiện nghi ngờ cần tới bệnh viện ngay để được khám và điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

998 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan