Cách phân biệt đau tim và ợ chua. Dấu hiệu nào cần lo lắng?

Mặc dù có triệu chứng đau ngực giống nhau nhưng đau tim và ợ chua lại là hai tình trạng khác nhau. Thông qua bài viết này, hãy cùng tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng và cách phân biệt cả hai trường hợp trên.

1. Nguyên nhân gây ra đau tim và ợ chua

Để hiểu rõ hơn về cách thức đau timợ chua gây ra cơn đau ngực, hãy cùng khám phá nguyên nhân đằng sau 2 tình trạng này:

  • Đau tim (hay còn gọi là nhồi máu cơ tim) xảy ra khi động mạch chính hoặc các động mạch trong tim không nhận được đủ lưu lượng máu cần thiết. Do đó các vùng trong tim không nhận đủ oxy và các chất dinh dưỡng, dẫn đến trạng thái thiếu máu cục bộ. Để dễ hiểu hơn bạn có thể liên tưởng thiếu máu cục bộ với trường hợp đang đứng yên phải đột ngột chuyển sang chạy nước rút hết sức, khiến cho tim đập liên hồi và gây ra cảm giác đau tức ngực.
  • Ợ chua (ợ nóng) xảy ra khi axit có trong dạ dày trào lên thực quản (thậm chí là lên miệng). Axit trong dạ dày có tác dụng chính là hòa tan thức ăn và chất dinh dưỡng. Lớp niêm mạc dạ dày của bạn đủ khỏe để không bị ảnh hưởng bởi axit, nhưng lớp niêm mạc của thực quản thì không. Do vậy khi axit trào lên, nó có thể mang lại cảm giác nóng rát, gây đau ngực và khó chịu cho người bệnh.

2. Triệu chứng của đau tim và ợ chua

Trong khi chứng đau timợ chua đều mang lại cảm giác đau ngực, thì các vùng trong và xung quanh ngực bị ảnh hưởng bởi cơn đau và cảm giác đau cũng khác nhau:

  • Cơn đau ngực của ợ chua thường bao gồm cảm giác nóng rát bắt đầu ở phần trên của dạ dày và lan đến ngực;
  • Cơn đau tim thường bao gồm cảm giác khó chịu ở trung tâm hoặc bên trái lồng ngực. Đôi khi được người bệnh miêu tả là cảm giác áp lực, ép chặt hoặc đầy bụng.

Cả đau tim và ợ chua đều thường đi kèm với những dấu hiệu khác, ví dụ như:

Ợ nóng:

  • Cơn đau thường xảy ra sau khi ăn;
  • Có cảm nhận được vị chua xộc lên;
  • Cảm giác nóng rát trong cổ họng.

Đau tim

  • Cơn đau đến bất chợt;
  • Cảm giác hụt hơi;
  • Đau hoặc khó chịu ở cổ, hàm hoặc lưng;
  • Khó chịu ở một hoặc cả hai vai;
  • Cảm thấy yếu mệt hoặc ngất xỉu.

Điều cần lưu ý là nếu bạn cảm thấy khó chịu ở ngực và không chắc đó là chứng ợ nóng hay đau tìm thì tốt hơn hết nên thận trọng và đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt.

đau tim
Đau tim thường có những dấu hiệu khác biệt hơn so với ợ chua

3. Dấu hiệu đau tim ở phụ nữ

Có nhiều người thắc mắc: “Liệu triệu chứng đau tim ở phụ nữ có khác với nam giới không?”. Theo Đại học Utah, mặc dù các triệu chứng nhân biết đau tim về cơ bản là giống nhau ở cả hai giới, nhưng trong một số trường hợp, phụ nữ có khả năng sẽ gặp phải các dấu hiệu khác hẳn so với nam giới. Chính điều này khiến nhiều phụ nữ không nhận diện các triệu chứng đau tim và gặp nhiều biến chứng nặng nề hơn.

Theo khảo sát của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), hàng năm ở Hoa Kỳ tỷ lệ phụ nữ tử vong vì bệnh tim (bao gồm các cơn đau tim) cao không kém nam giới.

4. Bài test kiểm tra xem bạn bị đau tim hay ợ chua

Dưới đây là một số câu hỏi tham khảo để bạn tự đánh giá xem mình (hoặc người khác) đang trải qua cơn đau tim hay là chứng ợ chua:

1. Điều gì khiến cho các triệu chứng của bạn tốt hơn?

Khi bị ợ chua, việc ngồi dậy và uống thuốc kháng axit thường sẽ giúp người bệnh giảm đau. Nằm thẳng và cúi người về phía trước càng khiến tình trạng này trở nên tồi tệ hơn.

Còn nếu bị đau tim, thuốc kháng axit và tư thế ngồi dậy sẽ không cải thiện tình hình. Thậm chí càng hoạt động càng khiến nó trở nên tệ hơn.

2. Lần cuối bạn ăn là khi nào?

Với chứng ợ chua, người bệnh thường dễ bị phản ứng trong vòng vài giờ sau khi ăn. Nếu bạn đã không ăn gì trong một khoảng thời gian, thì ít có khả năng các triệu chứng của bạn liên quan đến chứng trào ngược. Khi bị đau tim, các triệu chứng xảy ra không liên quan gì đến ăn uống.

3. Cơn đau có lan ra không?

Khi bị ợ chua, cơn đau có thể lên đến cổ họng. Khi bị nhồi máu cơ tim, cơn đau có thể lên đến hàm, lưng hoặc xuống một hoặc cả hai cánh tay.

4. Bạn có dễ bị hụt hơi hoặc đổ mồ hôi không?

Với chứng ợ chua, các triệu chứng thường không nghiêm trọng đến mức này. Nhưng với cơn đau tim, những triệu chứng hụt hơi, đổ mồ hôi có thể báo hiệu tình trạng thiếu máu cục bộ và cần phải đi cấp cứu.

Bạn có thể tự kiểm tra cơ thể với tình đau tim và ợ chua qua bài test
Bạn có thể tự kiểm tra cơ thể với tình trạng đau tim và ợ chua qua bài test

5. Tìm hiểu các nguyên nhân khác gây ra đau ngực

Đau tim và ợ chua không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra đau ngực, nhưng chúng là 2 trong số những nguyên nhân có nhiều khả năng xảy ra nhất. Các triệu chứng tiềm ẩn khác có thể kể đến:

  • Chứng lo âu. Trong một số trường hợp, tình trạng lo lắng nghiêm trọng có thể gây ra cảm giác hoảng sợ khiến bạn cảm thấy như tim đập loạn nhịp. Các triệu chứng khác bao gồm khó thở và hoảng hốt dữ dội;
  • Co thắt cơ thực quản. Một số người bị co thắt hoặc thắt thực quản. Nếu điều này xảy ra, họ có thể bị đau hoặc khó chịu vùng ngực;
  • Đau túi mật. Túi mật có chức năng giải phóng mật mà cơ thể sử dụng để tiêu hóa chất béo. Đôi khi nó có thể bị tắc nghẽn hoặc gặp vấn đề (chẳng hạn như sỏi mật), gây ra các triệu chứng như đau ở vai, cánh tay và cổ cũng như buồn nôn và nôn.
  • Viêm màng phổi. Tình trạng này xảy ra khi các mô ở thành ngực bị viêm, thường do ho dữ dội hoặc viêm do nhiễm trùng.

6. Nên làm gì nếu bạn bị đau ngực?

Nếu bạn đang bị đau ngực và nghi ngờ đây là một cơn đau tim, đừng tìm cách tự đến phòng cấp cứu. Thay vào đó hãy liên hệ (hoặc nhờ người gọi) cấp cứu để được chăm sóc y tế nhanh nhất có thể.

Khoảng thời gian tim không được cung cấp đủ máu càng kéo dài, thì càng dễ có nguy cơ tổn thương cơ tim. Đây là lý do tại sao không nên chờ đợi hoặc chần chừ nếu bạn nghi ngờ mình đang bị đau tim.

Trong khi triệu chứng chính của cả đau tim và ợ chua là đau ngực, có những triệu chứng khác có thể giúp phân biệt giữa 2 tình trạng trên. Tuy nhiên, tốt hơn hết là bạn nên thận trọng tìm đến sự trợ giúp của bác sĩ hơn là tự chẩn đoán tại nhà. Nếu bạn từng rơi vào trường hợp bị đau ngực - nhất là khi cơn đau xuất hiện đột ngột và kèm theo đau vai hoặc buồn nôn - hãy gọi cấp cứu ngay lập tức.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan