Các thuốc điều trị tăng huyết áp độ 1

Tăng huyết áp độ 1 là tình trạng tăng huyết áp với chỉ số huyết áp chỉ hơn mức bình thường không nhiều và việc điều trị thường bắt đầu từ thay đổi lối sống, sau đó mới dùng thuốc nếu như huyết áp không cải thiện. Có nhiều nhóm thuốc có thể được lựa chọn trong điều trị tăng huyết áp độ 1, cùng tìm hiểu các nhóm thuốc đó qua bài viết dưới đây.

1. Tăng huyết áp độ 1 là gì?

Tăng huyết áp là tình trạng áp lực mạch máu lên thành động mạch tăng lên. Tăng huyết áp độ 1 được chẩn đoán khi đo huyết áp tâm thu từ 140 đến 159 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương từ 90 đến 99mmHg.

Tăng huyết áp độ 1 là loại tăng huyết áp nhẹ nhưng nếu không được chẩn đoán và điều trị cũng có nguy cơ làm tổn thương các cơ quan đích. Gây ra các biến chứng tim mạch, thận, não và mắt. Người ta bắt đầu dùng thuốc điều trị tăng huyết áp độ 1 ở những người có nguy cơ trung bình trở lên, tức là có ít nhất hai yếu tố nguy cơ (bao gồm tuổi cao, giới nam, phụ nữ mãn kinh sớm, hút thuốc lá, tiền sử gia đình có bệnh tim mạch...) hoặc người không có nguy cơ nào ở trên đã thay đổi lối sống 3 đến 6 tháng nhưng không đưa huyết áp về mức bình thường.

2. Các thuốc điều trị tăng huyết áp độ 1

Thuốc điều trị tăng huyết áp độ 1 cũng có nhiều loại khác nhau, việc lựa thuốc ban đầu là tùy vào các bệnh kèm theo hay sự đáp ứng thuốc. Với mức độ này người bệnh thường được dùng đơn thuốc điều trị tăng huyết áp độ 1 hay đơn trị liệu, nghĩa là dùng 1 thuốc. Trừ trường hợp tăng huyết áp độ 1 nhưng có nguy cơ cao hay rất cao thì cần phối hợp 2 thuốc.

Thuốc lợi tiểu là có tác dụng làm tăng đào thải nước và một số chất điện giải ra ngoài theo đường tiểu, giúp làm giảm khối lượng tuần hoàn, giảm gánh nặng cho tim và hạ huyết áp. Thuốc lợi tiểu hay được dùng trong điều trị tăng huyết áp độ 1 là thuốc lợi tiểu thiazid (hypothiazid) có tác dụng thải nước và ion natri ra khỏi máu.

Ngoài ra, còn một số thuốc lợi tiểu khác cũng được sử dụng trong điều trị như lợi tiểu quai (furosemid), lợi tiểu giữ kali hay kháng aldosterone (spironolacton) có thể dùng trong trường hợp tăng huyết áp độ 1 với bệnh nhân có suy thận.

  • Thuốc chẹn kênh canxi

Canxi là một ion cần thiết cho tất cả các hoạt động của tế bào cơ, kể cả cơ tim và các cơ bao quanh mạch máu, dòng canxi di chuyển giúp cho sự trượt của các sợi cơ lên nhau và tạo ra co cơ. Thuốc chẹn kênh canxi ức chế sự di chuyển của dòng canxi đi vào các tế bào cơ. Việc giảm canxi nội bào làm giảm sức co bóp của cơ tim và sự co mạch máu, do đó làm giảm huyết áp. Loại thuốc hạ huyết áp này cũng làm giãn các tế bào cơ nằm xung quanh động mạch giúp giảm huyết áp.

Một số thuốc nhóm này bao gồm, Amlodipin, nicardipin, Nimodipine...

  • Thuốc ức chế men chuyển

Thuốc ức chế men chuyển (ACE) là thuốc hạ huyết áp hoạt động bằng cách ức chế hoạt động của men chuyển hóa angiotensin (ACE), đây là một loại men quan trọng trong việc chuyển từ Angiotensin I thành Angiotensin II. Angiotensin II là chất hóa học có tác dụng co mạch rất mạnh và tham gia vào giữ nước, giữ muối gây ra tăng huyết áp. Đây là chất đóng vai trò quan trọng trong bệnh tăng huyết áp vô căn. Chất ức chế men chuyển ACE giúp làm giảm sản xuất angiotensin II. Kết quả, loại thuốc này làm cho mạch máu tránh sự có thắt và mở rộng hoặc giãn ra dẫn đến giảm huyết áp. Huyết áp thấp làm cho tim dễ bơm máu ra ngoại vi hơn và có thể cải thiện chức năng cho bệnh nhân bị suy tim triệu chứng. Bên cạnh đó, nhóm thuốc này cũng được lựa chọn cho bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường.

Một số loại thuốc của nhóm này gồm enalapril, perindopril, captopril, Lisinopril, Trandolapril...

  • Thuốc nhóm đối kháng thụ thể Angiotensin II

Đây là loại thuốc có tác dụng tranh chấp vị trí gắn với Angiotensin II ở thụ thể AT1, ngăn chặn không cho Angiotensin II gắn vào các thụ thể để gây ra tác dụng co mạch mạch và giữ nước giữ muối gây tăng huyết áp. Do ái lực của các thuốc này với thụ thể cao hơn rất nhiều lần so với Angiotensin mà khi gắn vào không gây ra tác dụng dược lý.

Một số thuốc hay được sử dụng như Losartan (Cozaar), Telmisartan (Micardis),

Valsartan (Diovan), Irbesartan (Avapro), Candesartan(Atacand), Eprosartan (Teveten) hay Azilsartan (Edarbi)...

  • Nhóm chẹn beta giao cảm

Thuốc chẹn beta giao cảm là những thuốc ngăn chặn các chất dẫn truyền thần kinh như norepinephrine và epinephrine (adrenaline) không gắn được vào cả hai thụ thể beta 1 và beta 2. Hai thụ thể này có mặt ở các cơ quan và cơ bắp, bao gồm cả cơ xung quanh mạch máu, sự gắn kết này sẽ gây ra tác dụng của chất dẫn truyền này làm cho mạch máu bị thu hẹp, hoạt động tim suy yếu, tăng nhịp tim.

Bằng cách ngăn chặn những chất này gắn vào thụ thể sẽ ngăn được ảnh hưởng của norepinephrine và epinephrine. Thuốc chẹn beta là một trong các loại thuốc giảm huyết áp bằng cách làm giãn các mạch máu và làm giảm nhịp tim. Chúng có thể gây ra tác dụng phụ là co thắt đường dẫn khí (không dùng cho bệnh nhân hen, COPD) do các thụ thể beta nằm ở phổi nếu bị ngăn chặn hoạt động sẽ làm cho các cơ bao quanh đường dẫn khí co lại..

Một số thuốc thường dùng nhóm này gồm: Atenolol (Tenormin), Betaxolol, Bisoprolol fumarate (Zebeta), Carvedilol (Coreg), Metoprolol (Lopressor, ToprolXL), Nadolol (Corgard), Pindolol, Penbutolol, Propranolol...

  • Nhóm thuốc khác

Thuốc chẹn alpha giao cảm, thuốc chẹn cả alpha-beta, thuốc ức chế renin, thuốc tác động trên hệ thần kinh trung ương...cũng có thể một trong các lựa chọn để điều trị tăng huyết áp độ 1.

3. Lưu ý khi điều trị tăng huyết áp độ 1

Với trường hợp tăng huyết áp độ 1 nhưng nguy cơ thấp được khuyến khích áp dụng thay đổi lối sống từ 3 đến 6 tháng kết hợp thực hiện điều trị bằng thuốc. Các biện pháp thay đổi lối sống mà bạn nên thực hiện gồm:

  • Hạn chế muối đưa vào cơ thể làm sao dưới 5g/ngày.
  • Giới hạn lượng cồn tiêu thụ ở mức dưới 14 đơn vị/tuần đối với nam và dưới 8 đơn vị/tuần đối với nữ. Lưu ý 1 đơn vị tương đương với 125 ml rượu vang hoặc 250 ml bia.
  • Tăng cường việc tiêu thụ rau, trái cây tươi, cá, các loại hạt và axit béo không bão hòa. Giảm tiêu thụ các loại thịt đỏ, mỡ động vật. Khuyến khích dùng các sản phẩm sữa ít béo.
  • Kiểm soát cân nặng, tránh tình trạng thừa cân/béo phì mục tiêu là BMI < 23 kg/m2. Nếu thừa cân và béo phì nên thực hiện các biện pháp giảm cân. Đích vòng eo là < 90 cm đối với nam và nhỏ hơn 80cm đối với nữ.
  • Vận động thể lực mức độ vừa phải, tùy theo mỗi cơ thể ít nhất 30 phút mỗi ngày và tối thiểu 5 ngày/tuần. Hình thức vận động được khuyến khích như đi bộ, chạy bộ chậm, chạy, đạp xe, bơi lội...
  • Bỏ thuốc lá: Nếu không tự bỏ được thì có thể cần các biện pháp hỗ trợ.

Trên đây là những thuốc điều trị tăng huyết áp độ 1 thường được lựa chọn. Nói chung, nếu không có nguy cơ hoặc nguy cơ thấp thì bệnh nhân vẫn được cho thời gian để tự điều chỉnh huyết áp trước khi phải dùng thuốc suốt đời. Nếu phải dùng thuốc cần được sự kê đơn và chỉ định của bác sĩ, bạn không tự ý dùng thuốc.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

8.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan