Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nội tổng hợp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Cholesterol trong máu cao thường xuyên sẽ thúc đẩy quá trình xơ vữa động mạch. Đây là một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng có thể dẫn đến nhiều biến chứng nặng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy tim, bệnh động mạch cảnh, bệnh động mạch ngoại biên, tăng huyết áp. Vậy nguyên nhân cholesterol tăng cao là gì?
1. Tăng cholesterol trong máu là gì?
Cholesterol là một thành phần của lipid máu, có vai trò quan trọng trong hoạt động của tế bào sợi thần kinh và sản xuất hormone, giúp cho cơ thể hoạt động bình thường và khoẻ mạnh.
Cholesterol có 2 loại chính là LDL-c (cholesterol xấu) và HDL-c (cholesterol tốt). Nếu hàm lượng LDL-cholesterol tăng cao trong thời gian dài sẽ dẫn đến hiện tượng lắng đọng ở thành động mạch gây xơ vữa động mạch. Các mảng xơ vữa này sẽ phát triển tăng dần độ dày theo thời gian và gây hẹp hoặc tắc động mạch, cản trở sự lưu thông của máu hoặc thậm chí có thể nứt vỡ và hình thành cục máu đông tại chỗ gây tắc đột ngột động mạch, gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như đột quỵ, nhồi máu cơ tim cấp.
Trắc nghiệm: Huyết áp của bạn có đang thực sự tốt?
Huyết áp cao hay thấp đều ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe con người. Để biết tình trạng huyết áp của bạn có thực sự tốt không, hãy làm bài trắc nghiệm sau đây để đánh giá.2. Các nguyên nhân gây cholesterol trong máu cao?
2.1.Thói quen ăn uống, sinh hoạt
- Chế độ ăn uống không lành mạnh: Sử dụng thực phẩm chứa nhiều chất béo no như thịt đỏ, các loại sữa, kem, bơ, phomai, bánh ngọt, gan và các loại nội tạng động vật, các món chiên rán như khoai tây chiên, gà rán hoặc các loại thực phẩm chế biến từ bơ ca cao, chocolate...
- Lười vận động: Những người ngồi hoặc nằm quá nhiều có nguy cơ cao bị cholesterol trong máu cao. Duy trì lối sống tập thể dục thể thao đều đặn, vận động nhiều sẽ giúp giảm triglycerid
- Hút thuốc: Hút thuốc sẽ làm giảm HDL-cholesterol tốt
- Tuổi và giới tính: Phụ nữ sau mãn kinh có thể có mức cholesterol tăng cao.
- Thuốc: Một số loại thuốc khi sử dụng có thể làm tăng triglycerid
- Sử dụng rượu thường xuyên: Gây hại cho gan và dẫn tới tình trạng tăng cholesterol trong cơ thể
- Bệnh tật: Người mắc phải một số bệnh như tiểu đường, suy giáp sẽ làm tăng hàm lượng cholesterol trong cơ thể.
2.2.Yếu tố di truyền
Yếu tố di truyền (gen) cũng có thể ảnh hưởng đến nguy cơ có cholesterol máu cao. Gen được truyền từ cha mẹ sang con cái. Một số gen có vai trò điều hòa chuyển hóa cholesterol và chất béo. Nếu bố mẹ bạn có cholesterol máu cao, bạn cũng có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn. Trong một số ít trường hợp, cholesterol máu cao là do bệnh tăng cholesterol máu gia đình. Rối loạn di truyền này ngăn cơ thể bạn loại bỏ LDL-c.
3. Cần làm gì để làm giảm cholesterol máu?
Tư vấn bác sĩ là cách tốt nhất để làm giảm cholesterol máu. Một số người chỉ cần một số thay đổi lối sống đơn giản như ăn ít chất béo bão hòa. Những người khác cần thay đổi lối sống phối hợp với dùng thuốc. Những người mắc bệnh lý nền có ảnh hưởng đến cholesterol máu có thể cần các phương pháp phức tạp hơn. Hãy trao đổi với bác sĩ về tiền sử bản thân, tiền sử gia đình và các yếu tố lối sống của bạn sẽ giúp đưa ra một kế hoạch điều trị tốt nhất.
Hãy nhớ rằng ngay cả những kế hoạch tốt nhất cũng cần có thời gian để thực hiện, và đôi khi cũng có thể thất bại. Thực hiện từng bước các biện pháp thay đổi lối sống và phối hợp với việc dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ sẽ giúp bạn thành công làm giảm cholesterol máu.
4. Khi nào cần kiểm tra cholesterol máu?
Cholesterol máu cao có thể bắt đầu từ thời thơ ấu hoặc thanh thiếu niên. Đó là lý do tại sao các hướng dẫn hiện tại đề nghị bắt đầu sàng lọc trong thời thơ ấu.
- Trẻ em và thanh thiếu niên: Kiểm tra cholesterol 5 năm một lần bắt đầu từ 9 tuổi. Những đứa trẻ có cha mẹ có cholesterol máu cao hoặc có tiền sử bệnh tim có thể bắt đầu kiểm tra sớm hơn.
- Những người được chỉ định là nam khi sinh (AMAB): Hãy kiểm tra lượng cholesterol của bạn 5 năm một lần cho đến khi 45 tuổi. Từ 45 đến 65 tuổi, hãy kiểm tra 1 đến 2 năm một lần. Sau 65 tuổi, hãy kiểm tra hàng năm.
- Những người được chỉ định là nữ khi sinh (AFAB): Được kiểm tra 5 năm một lần cho đến 55 tuổi. Từ 55 đến 65 tuổi, được kiểm tra 1 đến 2 năm một lần. Sau 65 tuổi, hãy kiểm tra hàng năm.
Đây chỉ là những hướng dẫn chung. Hãy thảo luận với bác sĩ để có phương án tốt nhất cho bạn. Ví dụ, một người ở độ tuổi 20 có chỉ số cholesterol máu cao có thể cần xét nghiệm hàng năm trong một thời gian. Những người có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim khác cũng có thể cần xét nghiệm thường xuyên hơn.
Nếu không được điều trị, tình trạng tăng cholesterol máu kéo dài sẽ gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng về tim mạch, thậm chí gây ra tử vong. Hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo nên kiểm tra mức cholesterol định kỳ mỗi 4 đến 6 năm hoặc thường xuyên hơn nếu bạn là đối tượng có nguy cơ cao. Hiểu về các nguyên nhân làm tăng cholesterol máu sẽ giúp bạn phòng tránh hoặc không cho căn bệnh này trở nên nghiêm trọng.
>> Xem thêm: Các thuốc điều trị tăng cholesterol toàn phần