Các yếu tố liên quan của bệnh tăng huyết áp

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Trần Quốc Tuấn - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Tăng huyết áp là bệnh lý khá phổ biến hiện nay, liên quan đến việc tăng lên của áp lực máu động mạch của cơ thể. Đây là bệnh lý mạn tính nhưng rất nguy hiểm và có thể để lại một số biến chứng trầm trọng cho người bệnh. Để điều trị hiệu quả thì việc tìm ra nguyên nhân tăng huyết áp đóng một vai trò vô cùng quan trọng.

1. Tăng huyết áp là gì?

Tăng huyết áp được định nghĩa là bệnh lý gây ra bởi sự tăng lên của áp lực máu trong cơ thể lên thành mạch, gây ra một số ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh, đặc biệt là một số cơ quan quan trọng như tim, thận... Theo một số nghiên cứu thì chỉ số huyết áp của một người lớn bình thường là 120/80 mmHg, nếu vượt quá ngưỡng này thì được xem là cao huyết áp. Tăng huyết áp được phân làm 2 loại như sau:

  • Tăng huyết áp nguyên phát: Đây là bệnh lý tăng huyết áp không tìm ra nguyên nhân, hay còn gọi là tăng huyết áp vô căn, chiếm đa số trong những bệnh lý tăng huyết áp. Một số yếu tố nguy cơ của loại bệnh cao huyết áp này là lớn tuổi khiến cho thành mạch xơ hóa và không còn đàn hồi dễ dẫn đến tăng áp lực máu thành mạch, gia đình có người mắc bệnh cũng là một yếu tố nguy cơ phổ biến, một số bệnh lý tác động như tiểu đường, béo phì, cơ thể hấp thụ quá nhiều muối, hoặc người có nguồn gốc từ châu Phi, Caribe...
  • Tăng huyết áp thứ phát: Đây là loại cao huyết áp ít gặp hơn, chỉ chiếm khoảng 5%- 10% trong những trường hợp bị cao huyết áp. Đây là bệnh tăng huyết áp có nguyên nhân nhất định và thường do những bệnh lý khác trong cơ thể gây nên.
Tăng huyết áp kịch phát: Những điều cần biết
Tăng huyết áp gây nguy hiểm cho sức khỏe người mắc phải

2. Nguyên nhân tăng huyết áp

Một số nguyên nhân tăng huyết áp thường gặp nhất bao gồm:

  • Tăng cân, béo phì: Đây là nguyên nhân rất quan trọng gây ra bệnh tăng huyết áp. Để giảm tình trạng này thì người bệnh cần duy trì cân nặng của mình ở mức ổn định bằng việc ăn uống khoa học và có chế độ luyện tập thể dục thể thao đều đặn. Khi đã mắc bệnh cao huyết áp và cả bệnh béo phì thì nguy cơ tổn thương tim mạch là rất cao.
  • Lớn tuổi: Đây là nguyên nhân chủ yếu gây ra tăng huyết áp. Khi lớn tuổi thì thành mạch không còn cấu trúc bền vững như trước mà sẽ bị mất đi sự đàn hồi, từ đó làm tăng lên áp lực của máu lên thành mạch gây ra bệnh cao huyết áp. Bệnh cao huyết áp do lớn tuổi thường rất khó để phát hiện những triệu chứng lâm sàng nên bệnh nhân cần chủ động kiểm tra huyết áp thường xuyên để chẩn đoán bệnh kịp thời.
  • Thuốc lá: Hút thuốc lá sẽ làm thành mạch trở nên hẹp, dẫn đến lượng oxy được đưa đến thành mạch cũng giảm đi đáng kể, đồng thời tim lúc này cũng phát hoạt động nhiều hơn dẫn đến bệnh lý tăng huyết áp. Một số dấu hiệu cho thấy bệnh nhân tăng huyết áp do thuốc lá là nôn mửa, cơ thể mệt mỏi.
Hút thuốc lá
Hút thuốc lá có thể gây nguy cơ tăng huyết áp
  • Chế độ dinh dưỡng chứa nhiều chất béo, nhất là chất béo bão hòa khiến khả năng mắc bệnh tăng huyết áp trở nên phổ biến hơn.
  • Chế độ ăn nhiều muối: khi cơ thể nạp vào lượng muối quá mức mà cơ thể chịu được thì đòi hỏi cần phải cung cấp nước nhiều hơn để cân bằng nồng độ của thể dịch. Khi cơ thể được đưa nước vào nhiều thì áp lực của máu lên thành mạch cũng tăng cao gây ra bệnh tăng huyết áp. Ngoài ra, muối ăn còn làm hệ cơ quan tim mạch và thận của cơ thể trở nên nhạy cảm hơn với chất gây tăng huyết áp là Adrenaline. Một số biến chứng nguy hiểm và có thể gây tử vong của tình trạng này đó là đột quỵ và hiện tượng nhồi máu cơ tim. Những trẻ em ăn nhiều muối cũng sẽ gặp phải tình trạng tăng huyết áp ở trẻ em, là một trong những yếu tố dẫn đến bệnh lý tăng huyết áp sau này. Vì vậy, cần giảm lượng muối có trong thức ăn hằng ngày ở mức vừa đủ với sự hấp thụ của cơ thể.
Muối
Chế độ ăn nhiều muối có thể gây tăng huyết áp

3. Triệu chứng bệnh cao huyết áp

Triệu chứng bệnh cao huyết áp thường khá hạn chế, ít có những biểu hiện lâm sàng rầm rộ. Đối với những bệnh nhân được chẩn đoán tăng huyết áp thì chỉ số huyết áp tâm thu sẽ lớn hơn 140 mmHg và chỉ số huyết áp tâm trương sẽ lớn hơn 90 mmHg.

Ngoài ra, một số triệu chứng bệnh cao huyết áp khi người bệnh lên cơn tăng huyết áp đó là đau đầu dữ dội, hồi hộp, đánh trống ngực, nhịp tim tăng cao, thị lực giảm, có dấu hiệu nhìn đôi, buồn nôn, nôn, chóng mặt, choáng váng... Ngoài những triệu chứng này thì người bệnh không có dấu hiệu rõ ràng nên việc chẩn đoán tăng huyết áp rất khó khăn và phức tạp. Để có thể chẩn đoán sớm nhất bệnh tăng huyết áp thì cách tốt nhất là người bệnh cần phải kiểm tra chỉ số huyết áp định kỳ tại những cơ sở y tế uy tín và không nên đợi đến khi những triệu chứng bệnh cao huyết áp xuất hiện rồi mới đến khám và chữa trị. Nếu phát hiện và chẩn đoán bệnh sớm thì điều trị cao huyết áp có hiệu quả rất cao và khả năng để lại những biến chứng nguy hiểm cho người bệnh cũng được giảm đi. Ngoài ra, việc duy trì một cuộc sống cân bằng và có những thói quen sống tốt cũng sẽ giúp ngăn chặn được căn bệnh này.

Chóng mặt
Người bệnh xuất hiện triệu chứng chóng mặt

Nguyên nhân tăng huyết áp rất đa dạng và có giá trị rất cao trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh lý tăng huyết áp. Mặc dù những triệu chứng của bệnh không biểu hiện rầm rộ nhưng tăng huyết áp là một trong những bệnh lý mạn tính rất nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh và có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy, cần phát hiện sớm và kiểm soát bệnh cao huyết áp một cách kỹ càng để không dẫn đến những biến chứng không mong muốn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan