Phẫu thuật điều trị trào ngược dạ dày thực quản: Những điều cần biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ - Bác sĩ ngoại tiêu hóa - Khoa Ngoại Tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) được định nghĩa là sự suy giảm chức năng của hàng rào ngăn chặn sự trào ngược, làm cho những chất chứa bên trong dạ dày bị trào ngược trở lại thực quản. Đây là một bất thường do cơ vòng thực quản dưới bị yếu đi, rối loạn chức năng làm trống dạ dày hoặc mất nhu động thực quản. Trong một số trường hợp, phẫu thuật nội soi trào ngược dạ dày thực quản được chỉ định cho bệnh nhân.

1. Phẫu thuật điều trị trào ngược dạ dày thực quản có từ khi nào?

Bệnh lý gây ra do trào ngược dạ dày thực quản đã được biết tới từ cuối thế kỷ 19 nhưng tới năm 1930 thì Hamperl và Winkenstein mới cho rằng chính dịch axit là nguyên nhân gây ra viêm thực quản. Năm 1951, Allison là người đầu tiên đặt vấn đề phẫu thuật đặt lại vị trí của tâm vị để chống hiện tượng trào ngược. Sau đó có rất nhiều kỹ thuật mổ xẻ khác nhau ra đời nhằm chống lại hiện tượng trào ngược thực quản.

2. Khi nào bệnh nhân cần phẫu thuật nội soi trào ngược dạ dày thực quản?

Bác sĩ sẽ khuyến khích bệnh nhân thực hiện phẫu thuật nếu các triệu chứng trào ngược dạ dày - thực quản quá nghiêm trọng, chẳng hạn như: Axit trào ngược làm viêm loét thực quản. Từ đó dẫn đến xuất huyết hoặc loét đường tiêu hóa trên. Sẹo hình thành từ những tổn thương mô cũng có thể gây hẹp thực quản, khiến người bệnh cảm thấy khó khăn khi nuốt thức ăn.

Phẫu thuật điều trị trào ngược dạ dày thực quản là biện pháp cuối cùng. Trước tiên, bác sĩ sẽ cố gắng kiểm soát các triệu chứng bệnh bằng những thay đổi trong chế độ ăn uống và lối sống. Nếu điều đó không giúp bệnh nhân giảm đau, bác sĩ sẽ thử dùng thuốc dài hạn. Khi thuốc cũng không có tác dụng làm giảm bớt triệu chứng, bác sĩ sẽ xem xét thực hiện phẫu thuật điều trị trào ngược dạ dày thực quản (khâu cơ vòng dưới thực quản qua nội soi, tiêm chất sinh học làm tăng khối cơ). Thông thường, bệnh nhân cần điều trị nội khoa đúng phương pháp trong ít nhất 6 tháng, nếu không đỡ mới cân nhắc phẫu thuật.

Bệnh nhân có thể cân nhắc đồng ý tiến hành phẫu thuật để việc phải tránh dùng thuốc lâu dài. Một số lựa chọn phẫu thuật có thể giúp giảm triệu chứng GERD và kiểm soát các biến chứng có thể xảy ra. Mục tiêu chính của phẫu thuật ở những bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản là nhằm củng cố lại hàng rào chống trào ngược mà không tạo ra những tác dụng phụ quá mức.

Phẫu thuật điều trị trào ngược dạ dày thực quản: Những điều cần biết
Phẫu thuật nội soi trào ngược dạ dày

3. Chống chỉ định mổ nội soi trào ngược dạ dày trong trường hợp nào?

  • Thể trạng người bệnh quá yếu không chịu được phẫu thuật
  • Người bệnh già yếu, có nhiều bệnh phối hợp
  • Người bệnh ung thư thực quản
  • Tiền sử mổ viêm phúc mạc, tắc ruột
  • Cổ trướng tự do hoặc cổ trướng khu trú
  • Thoát vị thành bụng, thoát vị rốn
  • Nhiễm khuẩn tại chỗ thành bụng
  • Bệnh lý rối loạn đông máu

Chuẩn bị trước phẫu thuật

  • Tuân thủ chế độ ăn uống thực phẩm lỏng theo hướng dẫn trong vòng 1 – 2 ngày trước khi phẫu thuật.
  • Không ăn vào ngày thực hiện phẫu thuật.
  • Uống thuốc làm sạch ruột 1 ngày trước khi phẫu thuật

Các phương pháp điều trị trào ngược dạ dày thực quản bằng phẫu thuật

  • Phẫu thuật khâu xếp nếp đáy vị vào thực quản (phẫu thuật fundoplication)

Đây là phương pháp phẫu thuật tiêu chuẩn để điều trị trào ngược dạ dày thực quản, giúp thắt chặt và củng cố cơ vòng thực quản dưới, phần trên dạ dày sẽ được quấn quanh bên ngoài của vùng thực quản dưới.

Phẫu thuật có thể thực hiện mổ hở, bác sĩ sẽ rạch một đường dài trong dạ dày rồi tiếp cận đến thực quản. Hoặc phẫu thuật này có thể thực hiện bằng phương pháp nội soi, vết mổ sẽ nhỏ hơn và quy trình thực hiện ít xâm lấn hơn. Phẫu thuật này có tỉ lệ thành công lâu dài và phục hồi rất tốt.

  • Phẫu thuật nội soi xuyên miệng

Phẫu thuật này không cần rạch bất kỳ vết mổ nào trên cơ thể. Một thiết bị EsophyX được đưa vào thực quản qua miệng. Sau đó, thiết bị này sẽ tạo ra một vài nếp gấp ở đáy thực quản, các nếp gấp này sẽ tạo thành một van mới để ngăn chặn axit trào ngược từ dạ dày lên.

  • Thủ thuật Stretta

Thủ thuật được thực hiện với ống nội soi mỏng, linh hoạt luồn vào bên trong thực quản. Một điện cực ở cuối ống sẽ làm nóng mô thực quản, tạo ra những vết cắt nhỏ. Sau đó, các vết cắt hình thành mô sẹo trong thực quản làm ngăn chặn các dây thần kinh phản ứng với axit trào ngược từ dạ dày. Các mô sẹo hình thành cũng giúp tăng cường các cơ xung quanh. Phương pháp này cho hiệu quả giảm bớt, thậm chí là loại bỏ các triệu chứng bệnh. Tuy nhiên, thủ thuật này khá mới nên kết quả lâu dài vẫn chưa được xác định rõ.

  • Phương pháp khâu nội soi (sử dụng hệ thống Bard EndoCinch)

Hệ thống sẽ thực hiện các mũi khâu nội soi để tạo thành nếp gấp, giúp củng cố cơ vòng dưới thực quản. Phương pháp này không phổ biến nhưng cũng là một lựa chọn để thảo luận với bác sĩ trong khi tìm kiếm các cách điều trị trào ngược dạ dày thực quản.

  • Phẫu thuật để tăng cường cơ vòng thực quản dưới (Linx)

Bác sĩ sẽ sử dụng một thiết bị đặc biệt: Linx, một vòng tròn có chứa các hạt titan nhỏ có từ tính, quấn quanh cơ vòng thực quản dưới để củng cố cơ này. Vì các hạt đã được từ hóa sẽ di chuyển cùng nhau để giữ cho lỗ mở giữa dạ dày và thực quản luôn đóng lại. Tuy nhiên, thức ăn vẫn có thể đi qua bình thường. Đây là phẫu thuật ít xâm lấn nên thời gian hồi phục thường ngắn hơn so với phẫu thuật truyền thống. Cảm giác đau cũng ít xảy ra khi người bệnh thực hiện phương pháp này.

4. Phòng bệnh trào ngược dạ dày mới mắc và tái phát sau điều trị

Tránh dùng các thực phẩm và thức uống sau đây:

  • Rượu
Phẫu thuật điều trị trào ngược dạ dày thực quản: Những điều cần biết
Tránh rượu bia phòng bệnh trào ngược dạ dày mới mắc và tái phát sau điều trị
  • Cà phê
  • Nước ngọt có gas
  • Sô cô la
  • Các loại nước cam, chanh, quýt, bưởi
  • Cà chua
  • Nước sốt cà chua
  • Các thức ăn cay và béo
  • Sữa và chế phẩm từ sữa còn nguyên kem và chất béo
  • Tinh dầu bạc hà

Các biện pháp về thay đổi lối sống sau đây:

  • Tránh cúi người về phía trước hoặc tập luyện ngay sau khi ăn
  • Tránh các loại quần áo có nịt lưng quá chật
  • Tránh nằm ngay sau khi ăn.
  • Tránh ăn uống trong vòng 2 - 3 giờ trước khi ngủ
  • Không hút thuốc lá
  • Không uống cà phê
  • Chia nhiều bữa ăn nhỏ
  • Giảm cân nếu thừa cân
  • Nâng đầu giường cao 15cm hoặc ngủ ghế dựa

Điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản bằng robot là một trong những phương pháp hiệu quả, tiên tiến bậc nhất hiện nay. Vinmec thực hiện phẫu thuật bằng robot điều trị các nhiều loại bệnh lý thuộc các chuyên ngành khác nhau như phụ khoa, ung bướu, tiết niệu, tiêu hóa, trong đó có bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Nhờ phương pháp phẫu thuật robot mà hiệu quả điều trị các ca bệnh tăng rõ rệt, tỉ lệ thành công lên tới 95%Khách hàng có thể tham khảo thông tin chi tiết và bảng giá dịch vụ tại đây.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

22K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan