Kiểm soát giãn tĩnh mạch thực quản

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Lê Nguyễn Hồng Trâm - Bác sĩ Nội tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Giãn tĩnh mạch thực quản thường không xuất hiện các dấu hiệu rõ ràng, trừ khi người bệnh bị nôn ra máu, phân lẫn máu hoặc sốc trong trường hợp nghiêm trọng,... Vì vậy cần kiểm soát giãn tĩnh mạch thực quản ở bệnh nhân

1. Giãn tĩnh mạch thực quản là gì?

Giãn tĩnh mạch thực quản (varices) là sự bất thường khi các tĩnh mạch bị giãn rộng ở phần dưới của thực quản – bộ phận nối cổ họng và dạ dày. Khi xảy ra giãn tĩnh mạch thực quản, lưu lượng máu đến gan bị chậm lại. Sau đó máu tràn vào các mạch máu nhỏ nằm gần thực quản khiến các mạch bị sưng phồng. Các tĩnh mạch lớn bị giãn có những đốm đỏ có nguy cơ cao nhất bị vỡ.

Nếu không kịp thời phát hiện xử lý, giãn tĩnh mạch thực quản có thể gây vỡ tĩnh mạch, chảy máu, đe dọa tính mạng người bệnh.

Giãn tĩnh mạch thực quản thường xảy ra nhiều nhất ở những bệnh nhân mắc bệnh gan nặng.

2. Triệu chứng khi bị giãn tĩnh mạch thực quản

Giãn tĩnh mạch thực quản thường không có biểu hiện, triệu chứng rõ ràng cho tới khi bị chảy máu. Các triệu chứng, dấu hiệu phổ biến bao gồm:

  • Nôn ra máu (đây là triệu chứng thường gặp nhất)
  • Đại tiện phân đen lẫn máu
  • Đau bụng
  • Bị sốc trong trường hợp nghiêm trọng, không xử lý kịp thời sẽ gây tử vong
  • Triệu chứng giãn tĩnh mạch thực quản do biến chứng của bệnh gan bao gồm nuốt khó, đau và hôn mê
  • Bị mất mạch ngoại vi
  • Da xanh xao
  • Hạ huyết áp, nhịp tim nhanh
  • Lượng nước tiểu giảm.
  • Đại tiện phân đen
  • Chỉ số Glasgow đo được giảm
Triệu chứng giãn tĩnh mạch thực quản do biến chứng của bệnh gan bao gồm nuốt khó, đau và hôn mê
Triệu chứng giãn tĩnh mạch thực quản do biến chứng của bệnh gan bao gồm nuốt khó, đau và hôn mê

3. Nguyên nhân gây giãn tĩnh mạch thực quản

Thông thường dòng chảy của máu bị chậm lại do mô sẹo trong gan xuất hiện do mắc bệnh gan. Khi máu di chuyển tới gan bị chậm, áp lực trong tĩnh mạch cửa, tĩnh mạch mang máu tới gan tăng áp lực. Áp lực này khiến lượng máu bị đẩy vào các tĩnh mạch nhỏ xung quanh, các tĩnh mạch nhỏ, mỏng không chịu được áp lực sẽ bị vỡ, càng dồn áp lực lên.

  • Bị xơ gan: Một số bệnh gan có thể gây mắc xơ gan, như nhiễm trùng viêm gan, do uống nhiều rượu, bị xơ gan đường mật chín.
  • Huyết khối: Trong tĩnh mạch cửa hoặc tĩnh mạch lách xuất hiện 1 cục máu đông có thể gây giãn tĩnh mạch thực quản.
  • Bị nhiễm ký sinh trùng
  • Sán máng có thể gây tổn thương tới gan, phổi, ruột, bàng quang.

4. Làm gì khi bị giãn tĩnh mạch thực quản?

Vậy giãn tĩnh mạch thực quản phải làm sao? Dưới đây là các phương pháp kiểm soát giãn tĩnh mạch thực quản:

4.1. Kiểm tra, chẩn đoán giãn tĩnh mạch thực quản cận lâm sàng

Dựa theo bệnh án, tiền sử người bệnh bị xơ gan hoặc bệnh lý về gan nghiêm trọng, cần nghi ngờ ngay bị giãn tĩnh mạch thực quản.

Các xét nghiệm được sử dụng để chẩn đoán bao gồm:

  • Nội soi kiểm tra thực quản: Trong quá trình nội soi, bác sĩ sẽ đưa một ống nội soi qua miệng, vào thực quản. Nếu tìm thấy bất kỳ tĩnh mạch giãn nở nào sẽ phân loại theo kích thước của chúng và kiểm tra kỹ các vệt đỏ để chỉ ra nguy cơ bị chảy máu.
  • Kiểm tra chẩn đoán hình ảnh: Chỉ định kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính CTchụp cộng hưởng từ MRI để phát hiện, chẩn đoán giãn tĩnh mạch thực quản, kiểm tra tình trạng gan và sự lưu thông trong tĩnh mạch cửa.

4.2. Điều trị giãn tĩnh mạch thực quản

  • Điều trị ngăn ngừa chảy máu

Điều trị giảm áp lực máu trong tĩnh mạch cửa là phương pháp giúp làm giảm nguy cơ bị chảy máu do giãn tĩnh mạch thực quản. Phương pháp được áp dụng đó là điều trị bằng thuốc. Sử dụng các loại thuốc có tác dụng làm chậm dòng chảy của máu trong tĩnh mạch cửa, giảm nguy cơ chảy máu như thuốc điều trị huyết áp như propranolol và nadolol.

  • Nội soi điều trị giãn tĩnh mạch thực quản

Tùy vào tình trạng bệnh nhân, nếu nguy cơ chảy máu cao khi bị giãn tĩnh mạch thực quản có thể chỉ định nội soi để cầm máu bằng cách kiểm tra bên trong thực quản, tiêm thuốc, tắc tĩnh mạch bằng dụng cụ đàn hồi.

4.3. Điều trị cầm máu khi bị giãn tĩnh mạch thực quản

Bị chảy máu khi giãn tĩnh mạch thực quản có thể gây nguy hiểm tới tính mạng, vì vậy cần phát hiện, xử lý kịp thời. các phương pháp được áp dụng để cầm máu bao gồm:

  • Buộc tĩnh mạch chảy máu bằng dải đàn hồi

Để thắt tĩnh mạch, bác sĩ sử dụng đèn nội soi để quấn các tĩnh mạch vào 1 dụng cụ đàn hồi nhằm làm nghẽn tĩnh mạch, không thể tiếp tục chảy máu. Phương pháp buộc tĩnh mạch chảy máu bằng dải đàn hồi để lại vết sẹo ở thực quản.

  • Bít tĩnh mạch giãn lại bằng keo

Sử dụng một chất giống như keo (N-butyl-2-cyanoacrylate) để làm tắc giãn tĩnh mạch. Kỹ thuật này đặc biệt tốt cho những người bị viêm dạ dày thực quản chảy máu do giãn tĩnh mạch. Tuy nhiên kỹ thuật này cũng có thể gây ra thuyên tắc phổi, lách hoặc não.

  • Tiêm tĩnh mạch chảy máu

Trong quá trình nội soi, bác sĩ sẽ tiêm vào các tĩnh mạch chảy máu sẽ làm co lại. tuy nhiên phương pháp này cũng gây ra 1 số biến chứng như: thủng thực quản, để lại sẹo thực quản, bị hội chứng khó nuốt.

  • Sử dụng thuốc

Sử dụng thuốc để làm chậm dòng chảy của máu từ các cơ quan nội tạng tràn vào tĩnh mạch cửa, từ đó giúp làm giảm áp lực trong tĩnh mạch. Thuốc octreotide thường được sử dụng cho bệnh nhân kết hợp với phương pháp nội soi để điều trị. Thuốc octreotide thường được bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân sử dụng trong 5 ngày sau khi bị chảy máu do giãn tĩnh mạch thực quản.

  • Sử dụng bóng chèn - Sonde Sengstaken-Blakemore

Bóng chèn là 1 phương pháp dùng để điều trị tạm thời khi bị chảy máu do giãn tĩnh mạch thực quản không kiểm soát được. Bóng chèn được giữ trong tủ lạnh để làm cứng cao su và giúp di chuyển dễ dàng, sau đó đưa qua miệng bệnh nhân và xuống dạ dày.

Không khí sẽ làm bóng dạ dày phồng lên, sau đó chúng được kéo lên ở ngã ba thực quản-khí quản, giúp nén giãn tĩnh mạch dưới niêm mạc. Trong Sonde Sengstaken-Blakemore cũng chứa một quả bóng thực quản, chỉ dùng khi bóng dạ dày không làm việc.

  • Chuyển hướng lưu lượng máu đi từ tĩnh mạch cửa bằng cách tạo thông nối cửa chủ trong gan qua tĩnh mạch cảnh (TIPS)

Đây là phương pháp sử dụng 1 ống nhỏ đặt giữa tĩnh mạch cửa và tĩnh mạch gan. Ống TIPS có thể đưa máu từ gan về lại tim bằng cách thông qua 1 đường dẫn máu bổ sung, từ đó giúp kiểm soát tình trạng chảy máu.

Tuy tỷ lệ thành công cao như phương pháp chuyển hướng lưu lượng máu đi từ tĩnh mạch cửa nhưng nó cũng có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như: Suy gan, rối loạn tâm thần khi các độc tố thường được lọc ở gan bị chuyển qua shunt trực tiếp vào máu.

Chính vì mức độ rủi ro nên TIPS chỉ được chỉ định khi người bệnh không đáp ứng được các phương pháp cầm máu trước đó, không kiểm soát được bằng vòng cao su hoặc được sử dụng giống như 1 biện pháp tạm thời cho những bệnh nhân đang trong quá trình đợi ghép gan.

  • Thay gan

Ghép gan là phương pháp được lựa chọn với những người bị bệnh gan nặng hoặc người bệnh bị chảy máu tái phát do giãn tĩnh mạch thực quản gây ra. Cấy ghép gan là cuộc phẫu thuật lớn nhưng tỷ lệ thành công cao.

kiem-soat-gian-tinh-mach-thuc-quan
Kiểm tra chẩn đoán hình ảnh được chỉ định để phát hiện, chẩn đoán giãn tĩnh mạch thực quản

5. Phòng chống, kiểm soát giãn tĩnh mạch thực quản

Với những bệnh nhân chẩn đoán mắc bệnh gan, cần lưu ý tới chế độ ăn uống, sinh hoạt hàng ngày để tránh xuất hiện các biến chứng do bệnh gan gây ra:

  • Không uống rượu bia: Bia rượu là nguyên nhân mắc bệnh về gan, vì vậy khi uống rượu gan sẽ thêm “gánh nặng” cho gan đã bị tổn thương sẵn.
  • Ăn uống điều độ, khoa học: Nên xây dựng chế độ ăn uống giàu chất xơ, rau xanh, hoa quả, ngũ cốc, các thực phẩm giàu protein.
  • Hạn chế ăn đồ ăn chiên dầu, mỡ, chất béo.
  • Duy trì cân nặng ổn định: Lượng mỡ dư thừa trong cơ thể có thể gây tổn thương tới gan.
  • Giảm cân nếu bị béo phì hoặc bị thừa cân.
  • Tập thể dục thường xuyên.
  • Cẩn thận khi sử dụng các sản phẩm có hóa chất: Gan có tác dụng loại bỏ các độc tố khỏi cơ thể, vì vậy tránh tiếp xúc với những sản phẩm chứa nhiều hóa chất sẽ giúp gan được nghỉ ngơi, hạn chế số lượng độc tố xử lý.
  • Giảm nguy cơ mắc viêm gan bằng cách: Không dùng chung kim tiêm, quan hệ tình dục an toàn để tránh nguy cơ lây viêm gan B, viêm gan C
  • Khám định kỳ 6 tháng 1 lần, nghe theo sự tư vấn, chỉ dẫn của bác sĩ.

Giãn tĩnh mạch thực quản thường không xuất hiện các dấu hiệu rõ ràng, trừ khi người bệnh bị nôn ra máu, phân lẫn máu hoặc sốc trong trường hợp nghiêm trọng,... Vì vậy cần có các biện pháp kiểm soát giãn tĩnh mạch thực quản ở bệnh nhân kịp thời và tốt nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

484 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan