Dính trong ổ bụng có nguy hiểm?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nội tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Dính trong ổ bụng là biến chứng thường gặp sau phẫu thuật, có thể tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm do làm tắc ống tiêu hóa, tắc mạch máu, bí tiểu, rối loạn kinh nguyệt, vô sinh hoặc thậm chí là hoại tử ruột.

1. Dính trong ổ bụng là gì?

Dính trong ổ bụng là dính ruột vào thành bụng, dính các tạng với nhau do các mô sẹo hình thành giữa các tạng và gây dính. Dính có thể xảy ra bên trong ruột, bên trong tử cung, hoặc giữa các bề mặt của các tạng và phúc mạc. Dính tiềm ẩn mối nguy hiểm cận kề do làm nghẽn đường đi của thức ăn, nghẽn tắc mạch máu, gây đau bụng, đầy hơi, táo bón, bí tiểu, rối loạn kinh nguyệt, vô sinh, hoại tử ruột.

Thông thường, các mô bên trong thành bụng và cơ quan vùng bụng đều có bề mặt trơn nhẵn để chúng không bị dính vào nhau khi cơ thể di chuyển. Tuy nhiên, khi xuất hiện các dải mô sẹo giữa mô và nội tạng vùng bụng thì có thể khiến các mô, cơ quan dính lại với nhau.

Bệnh dính trong ổ bụng có nguy hiểm không? Tình trạng này tiềm ẩn mối nguy hiểm khá lớn vì làm tắc nghẽn đường đi của thức ăn, tắc mạch máu, gây nhiều biến chứng khó lường.

2. Nguyên nhân dính trong ổ bụng

  • Phẫu thuật các cơ quan nội tạng (mổ ruột thừa, mổ túi mật, mổ đẻ, mổ sỏi thận, cắt nối ruột):
    • Đụng chạm vào các nội tạng, làm khô nội tạng và các mô;
    • Dùng các vật lạ như băng gạc, kim khâu, găng tay phẫu thuật,... tiếp xúc với các mô nội tạng;
    • Có máu hoặc cục máu đông không được rửa sạch trong khi thực hiện phẫu thuật;
  • Do viêm nhiễm không liên quan tới phẫu thuật:
Viêm bàng quang
Viêm nhiễm đường tiết niệu có thể dẫn tới tình trạng dính trong ổ bụng

3. Triệu chứng

Triệu chứng dính trong ổ bụng phụ thuộc vào vị trí dính và các biến chứng. Triệu chứng thường gặp là:

  • Đau bụng cấp tính hoặc mãn tính, đau thỉnh thoảng hoặc thường xuyên. Nếu vùng bị dính trên gan có thể gây đau khi hít sâu, dính ruột gây đau khi duỗi người, với tay...;
  • Đau vùng chậu cấp tính hoặc mãn tính, nếu vị trí dính gần âm đạo thì có thể gây đau khi giao hợp;
  • Chán ăn, buồn nôn;
  • Rối loạn liên quan: Vô sinh, trào ngược dạ dày - thực quản, thường xuyên đi tiểu hoặc bí tiểu, đau khi đi bộ, ngồi hoặc nằm, thiếu máu hoặc thiếu chất dinh dưỡng, chán ăn, trầm cảm,...

4. Biến chứng do dính trong ổ bụng

Bệnh nhân bị dính trong ổ bụng, nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ gặp phải các biến chứng sau:

  • Tắc ruột: Có thể gây triệu chứng đau bụng, buồn nôn và nôn ói, bí trung, đại tiện, chướng bụng, sốt do viêm đường ruột....
  • Hoại tử ruột: Dính ruột có thể gây xoắn ruột dọc theo trục của nó, làm tắc nghẽn mạch máu cung cấp máu, thậm chí hoại tử. Khi bị hoại tử ruột, bệnh nhân có triệu chứng đau bụng dữ dội, buồn nôn, nôn mửa, đại tiện máu...
  • Dính âm đạo: Viêm âm đạo do vi khuẩn, phát ban có thể gây dính âm đạo hoặc môi bé ở phụ nữ;
  • Thai ngoài tử cung do tình trạng dính trong ống dẫn trứng;
  • Vô sinh do tình trạng dính trong tử cung hoặc ống dẫn trứng.
Đau bụng buồn nôn khi tiếp xúc chất cồn
Dính trong ổ bụng không được phát hiện và điều trị kịp thời dễ gây nhiều biến chứng nghiêm trọng

5. Chẩn đoán và điều trị

5.1 Chẩn đoán

  • Siêu âm và chụp X-quang có chuẩn bị (uống barium): Phát hiện dính ruột non và thụt tháo barium, phát hiện dính ở đại tràng;
  • Chụp cắt lớp vi tính: Có thể phát hiện tình trạng dính bên ngoài ruột;
  • Chụp cộng hưởng từ: Có thể phát hiện dính bên trong và bên ngoài ruột, dính tử cung;
  • Nội soi ổ bụng: Cho phép thấy được tình trạng dính bên ngoài ruột;
  • Nội soi tử cung: Có thể phát hiện dính tử cung;
  • Chụp tử cung vòi trứng có cản quang: Có thể phát hiện dính trong tử cung và ống dẫn trứng;
  • Chụp X-quang vùng bụng, nội soi đường tiêu hóa dưới hoặc chụp CT có thể phát hiện tắc ruột do dính thành bụng.

5.2 Điều trị

Phẫu thuật là thường phương pháp duy nhất để điều trị dính trong ổ bụng.

Tuy nhiên, một số trường hợp có thể điều trị nội khoa, tùy theo nguyên nhân và mức độ.

6. Cách phòng tránh dính trong ổ bụng

Tình trạng này có thể được phòng ngừa bằng các biện pháp gồm:

  • Nên thực hiện các kỹ thuật phẫu thuật xâm lấn tối thiểu như nội soi ổ bụng thay vì phẫu thuật mở.
  • Khi phẫu thuật bác sĩ cần hạn chế cầm nắm các mô.
  • Tránh dùng găng tay phẫu thuật chứa tinh bột hoặc bột Talc khi mổ.
  • Sử dụng chỉ khâu phẫu thuật không gây dị ứng.
  • Sử dụng gạc ướt để ngăn ngừa tình trạng khô bề mặt tạng khi phẫu thuật.
  • Gắn các miếng chống dính để tách rời các tạng trong và sau phẫu thuật.
  • Tránh lặp lại phẫu thuật gỡ dính vì mỗi lần phẫu thuật sẽ làm tăng nguy cơ gây dính mới.
  • Có chế độ ăn uống điều độ, đầy đủ chất dinh dưỡng trong thời gian hồi phục sau phẫu thuật.
  • Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ về cách chăm sóc hậu phẫu, tái khám đúng lịch hẹn để bác sĩ theo dõi tình trạng sức khỏe, kịp thời phát hiện biến chứng để xử lý ngay.
SKTQ - khám sức khỏe tổng quát
Người bệnh nên tái khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ để được theo dõi sức khỏe tốt nhất

Dính trong ổ bụng có thể gây nguy hiểm tới tính mạng nếu phát hiện, điều trị muộn. Do đó, khi có triệu chứng cảnh báo tình trạng này, bệnh nhân nên đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan