Dấu hiệu đau bụng do ngộ độc thực phẩm

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Đồng Xuân Hà - Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Đau bụng là một trong những triệu chứng của ngộ độc thực phẩm. Việc nắm rõ các dấu hiệu trong đau bụng ngộ độc sẽ giúp bạn phân biệt được triệu chứng đau bụng trong nhiều bệnh khác.

1. Đau bụng ngộ độc do thực phẩm

Đau bụng là triệu chứng về tiêu hoá thường gặp hằng ngày. Đau bụng thường không kéo dài và có nguyên nhân do nhiễm trùng ở đường tiêu hóa hay rối loạn tiêu hóa nhẹ, ngoài ra đau bụng còn có thể do nhiều nguyên nhân khác.

Ngộ độc thực phẩm là bệnh mắc phải sau khi ăn những thức ăn do nhiễm một trong những tác nhân sau đây: do vi sinh vật, hóa chất, hoặc các vật lạ trong thức ăn.

Các biểu hiện thường gặp của ngộ độc thực phẩm là buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng dữ dội, có thể sốt hoặc không, đôi khi có kèm theo hoặc không có các triệu chứng phụ như nhức đầu, chóng mặt, đau cơ, khó thở.

Ngộ độc thực phẩm nặng thì có thể dẫn tới tử vong, nhẹ cũng gây mệt mỏi cả về thể chất và tinh thần cho người bệnh.

Đau bụng ở trẻ em
Các biểu hiện thường gặp của ngộ độc thực phẩm là buồn nôn, nôn, đau bụng quằn quại

2. Sự khác biệt của đau bụng do ngộ độc thực phẩm so với các loại đau bụng khác

2.1 Đau bụng ngộ độc

Thông thường khi bị ngộ độc, bệnh nhân thường có biểu hiện đau bụng quặn từng cơn kèm tiêu chảy. Cơn đau có thể dịu đi một lúc sau mỗi lần đi ngoài hay sau khi nôn ói.

Biện pháp hữu hiệu nhất là chườm ấm, trà thảo dược hoặc rượu gừng để giảm đau, đặc biệt tránh sử dụng cà phê hoặc rượu, có thể càng gây kích ứng và dẫn đến mất nước.

2.2 Viêm ruột thừa

Viêm ruột thừa là tình trạng viêm nhiễm ở ruột thừa. Ruột thừa là một túi nhỏ lồi ra khỏi thành ruột. Viêm ruột thừa là 1 bệnh lý hay gặp hằng ngày.

Triệu chứng đặc hiệu là đau bụng nặng lên dần dần trong vòng 6 đến 24 giờ đồng hồ. Đau thường khởi đầu từ vùng giữa bụng hay trên rốn, nhưng sau đó thường khu trú ở vùng bụng dưới bên phải (Hố chậu phải).

Một số trường hợp có ít triệu chứng đặc hiệu.

2.3 Táo bón

Táo bón là một nguyên nhân thường gặp. Táo bón có nghĩa là số lần đi ngoài ít hơn so với bình thường hay khó rặn hoặc đau khi đi ngoài. Đôi khi có đau bụng từng cơn ở vùng bụng dưới giữa hoặc lệch về bên trái. Nếu táo bón nặng, có thể gặp chướng bụng và mệt mỏi.

2.4 Đầy hơi khó tiêu

Khó tiêu là cảm thấy khó chịu trong người sau khi ăn. Có thể là cảm giác không thoải mái ở phần bụng trên hay ở sau xương ức. Nó thường xuất hiện sau khi ăn một loại thức ăn cụ thể, có thể là đồ ăn chứa nhiều chất béo và đạm. Cũng có thể là cảm giác ợ hơi nhiều và có vị chua trong miệng . Nó thường xuất hiện trong một vài giờ đồng hồ. Dùng thuốc có bán ở các hiệu thuốc có thể sẽ làm dịu cơn đau.

Với người già hay những người mắc bệnh tim, đau bụng do khó tiêu xuất hiện khi gắng sức hay căng thẳng sẽ đáng lo ngại.

Đôi khi khó có thể phân biệt cơn đau thắt ngực hay nhồi máu cơ tim với chứng khó tiêu. Nếu đau lan lên quai hàm hay xuống cánh tay trái thì có thể đó là cơn đau thắt ngực. Nếu nó mất đi nhanh, hãy thử đến khám bác sĩ, còn nếu nó không dịu đi và cảm thấy khó chịu, hãy gọi cấp cứu.

2.5 Hội chứng ruột kích thích

Hội chứng ruột kích thích là một rối loạn thường gặp ở phụ nữ, sau 40 tuổi. Nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được biết đến rõ ràng.

Các triệu chứng có thể khá khác nhau, gồm có: Đau bụng, chướng bụng, có thể tiêu chảy và/hoặc táo bón. Các triệu chứng xuất hiện rồi biến mất. Hội chứng ruột kích thích không chữa trị được nhưng các triệu chứng có thể thường giảm đi nếu điều trị.

Hội chứng ruột kích thích khi mang thai
Hội chứng ruột kích thích là một rối loạn thường gặp ở phụ nữ

2.6 Sỏi thận

Đau bụng đầu tiên ở lưng và có cảm giác như lan ra vùng bụng đến mặt trong đùi, có thể là do sỏi thận. Đau bụng dữ dội xuất hiện, đau quặn lên từng cơn sau đó biến mất và được gọi là cơn đau quặn thận. Đau mất đi khi viên sỏi đi qua được vị trí tắc nghẽn.

Đôi khi sỏi không thể đi qua, cần phải đến bệnh viện để tán sỏi thành những viên nhỏ hơn. Có thể còn có máu trong nước tiểu.

2.7 Viêm nhiễm vùng tiểu khung

Viêm nhiễm vùng tiểu khung là tình trạng nhiễm trùng ở tử cung và ống dẫn trứng, điều trị bằng kháng sinh.

Triệu chứng hay gặp nhất là đau ở vùng bụng dưới (tiểu khung), có thể đau từ nhẹ đến nặng. Có thể đau trong khi quan hệ. Phụ nữ có thể gặp chảy mủ âm đạo kèm theo, có huyết trắng hôi và ngứa.

2.8 Nhiễm khuẩn tiết niệu

Đây là nguyên nhân thường gặp của cơn đau liên tục ở vùng bụng dưới ở phụ nữ. Nó rất ít gặp ở nam giới. Kèm theo đau bụng, có thể có mệt mỏi và vã mồ hôi. Khi đi tiểu, có thể đau nhói, đau buốt và đái máu.

2.9 Bệnh Crohn

Bệnh Crohn là một bệnh gây nhiễm trùng đường ruột. Bệnh thỉnh thoảng xuất hiện. Các triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào phần nào của ruột bị viêm và mức độ viêm nhiễm. Các triệu chứng hay gặp là ỉa chảy, ỉa máu, đau bụng và mệt mỏi.

2.10 Sỏi mật

Rất nhiều người không biết họ có sỏi mật. Triệu chứng bao gồm đau dữ dội ở vùng bụng trên bên phải, và được gọi là cơn đau quặn mật. Vị trí đau nhất thường là bên phải, ngay dưới xương sườn.

Nếu sỏi được đẩy vào ống dẫn mật (sau đó xuống ruột) hay quay trở lại túi mật thì đau sẽ giảm và mất đi. Nếu đau nhiều vùng bụng trên bên phải kèm theo có tình trạng vàng da và sốt, đó có thể là bạn đã có sỏi trong đường dẫn mật chính và có tình trạng nhiễm trùng.

Trong trường hợp này bạn nên đến bệnh viện sớm để có chẩn đoán chính xác và phương hướng điều trị hiệu quả nhất.

Đau bụng do sỏi mật có thể kéo dài một vài phút nhưng phổ biến hơn là vài giờ đồng hồ. Đau dữ dội có thể chỉ xuất hiện một lần trong đời hay có thể thỉnh thoảng tái phát.

Đôi khi những cơn đau ít dữ dội nhưng khó chịu thỉnh thoảng xuất hiện, đặc biệt là sau một bữa ăn nhiều chất béo khi mà túi mật co nhỏ nhất.

2.11 Đau bụng kinh

Phần lớn phụ nữ trong chu kỳ kinh nguyệt đều thấy đau bụng. Đau thường ở mức độ vừa phải nhưng một số trường hợp đau dữ dội đến mức ảnh hưởng đến những hoạt động hằng ngày, không thể đến trường hay làm việc được.

Với người già, đau bụng có xu hướng giảm đi. Có thể dùng thuốc giảm đau chống viêm để làm dịu bớt cơn đau.

2.12 Loét dạ dày - tá tràng

Đau do ổ loét có thể xuất hiện và tự mất đi. Đau ở vùng bụng trên nhưng cũng có thể đau xuyên ra sau lưng.

Đau thường xuất hiện vào buổi tối và lúc thức dậy. Ăn vào có thể bớt đau nhưng với một số loại loét lại đau tăng lên. Bệnh nhân cần đến bác sĩ để được tư vấn nội soi dạ dày đề loại trừ các bệnh lý ác tính và có phương hướng điều trị thích hợp.

Với kinh nghiệm 14 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Nội soi – Nội tiêu hóa, Bác sĩ Đồng Xuân Hà thực hiện thành thạo các kỹ thuật nội soi tiêu hóa chẩn đoán, can thiệp cấp cứu và can thiệp điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

180.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan