Đau bụng: Trường hợp nào nên đi khám?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ. BSCK II Phan Thị Minh Hương - Bác sĩ Nội tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Đau bụng liên quan đến sự khó chịu ở khu vực giữa ngực và xương chậu. Hầu hết các trường hợp đều tự khỏi nhanh chóng hoặc chỉ cần điều trị cơ bản. Tuy nhiên, nếu đau bụng kèm với các triệu chứng nghiêm trọng hoặc trên nền các bệnh mãn tính thì cần nhanh chóng đến cơ sở y tế ngay lập tức để khám và điều trị kịp thời.

1. Đau bụng là gì?

Các vấn đề về tiêu hóa là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra triệu chứng đau bụng. Sự khó chịu hoặc bất thường ở bất kỳ cơ quan hoặc bộ phận nào trong ổ bụng có thể gây đau lan tỏa khắp toàn bộ khu vực bụng.

Trong ổ bụng chứa nhiều cơ quan quan trọng, cơ, mạch máu và các mô liên kết, bao gồm:

  • Dạ dày
  • Thận
  • Gan
  • Ruột non và đại tràng
  • Ruột thừa
  • Tuyến tụy
  • Túi mật
  • Lách
  • Tử cung, buồng trứng
  • Bàng quang
  • Động mạch chủ bụng

Do có rất nhiều cơ quan có thể bị ảnh hưởng nên triệu chứng đau bụng có thể có nhiều nguyên nhân gây ra.

2. Các nguyên nhân phổ biến gây đau bụng

Nhiều loại virus có thể gây nên bệnh cúm dạ dày. Bệnh cúm dạ dày lây qua đường tiếp xúc trực tiếp với người bị nhiễm bệnh hay do sử dụng thực phẩm hoặc nguồn nước bị nhiễm. Phần lớn những người mắc bệnh này đều có thể hồi phục trong vòng vài ngày mà không có biến chứng gì nguy hiểm.

Mặc dù có tên là cúm dạ dày nhưng căn bệnh này không hề giống với bệnh cúm. Cúm là căn bệnh có ảnh hưởng đến hệ hô hấp bao gồm mũi, họng và phổi; trong khi cúm dạ dày lại tấn công dạ dày và đường ruột. Các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Tiêu chảy không có máu
  • Đau bụng
  • Buồn nôn và nôn mửa
  • Thỉnh thoảng có đau cơ hay đau đầu
  • Sốt nh
Đau bụng: Trường hợp nào nên đi khám?
Các nguyên nhân phổ biến gây đau bụng

Trong hầu hết các trường hợp, các triệu chứng đều xuất hiện trong vòng 1-3 ngày và có biểu hiện từ nhẹ đến nghiêm trọng. Trong những trường hợp nặng có thể kéo dài đến 10 ngày. Người bệnh thường khởi phát những triệu chứng trong vòng 12-48 giờ sau khi tiếp xúc với virus.

2.2. Đầy hơi

Khí đường ruột là loại khí có trong đường tiêu hóa . Loại khí này thoát ra khỏi cơ thể thông qua đường miệng khi ợ hơi hoặc qua đường hậu môn khi xì hơi.

Đầy hơi là tình trạng thừa khí trong dạ dày hoặc ruột, lượng khí thừa này có có thể gây ra chướng bụng và đầy hơi trong dạ dày.

Những triệu chứng thường thấy của khí đường ruột nạp vào trong cơ thể gồm có ợ hơi, xì hơi, chướng bụng, đau bụng và bụng khó chịu.

2.3. Hội chứng ruột kích thích

Hội chứng ruột kích thích còn được gọi là đại tràng co thắt, đại tràng kích thích, viêm đại tràng tiết nhầy, và viêm đại tràng co thắt. Đó là một tình trạng riêng biệt so với bệnh viêm ruột và không liên quan đến các bệnh đường ruột khác.

Hội chứng ruột kích thích gây ra những cơn đau co thắt mạnh và khiến người bệnh thường xuyên bị rối loạn tiêu hóa, phân không ổn định, ăn uống không được thoải mái.

2.4. Trào ngược axit

Thỉnh thoảng axit dạ dày đi ngược, di chuyển lên cổ họng. Trào ngược này hầu như luôn gây ra cảm giác nóng rát và đau kèm theo. Trào ngược axit cũng gây ra các triệu chứng ở bụng, như đầy hơi hoặc chuột rút.

2.5. Bệnh không dung nạp thực phẩm

Không dung nạp thực phẩm phản ánh tình trạng bất bình thường trong chức năng chuyển hóa liên quan đến khả năng tiêu hóa thức ăn.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới hiện tượng không dung nạp thực phẩm, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do cơ thể thiếu một loại enzyme tiêu hóa đặc trưng. Những người bị bệnh không dung nạp thực phẩm thường có các biểu hiện ban đầu chậm hơn (thường là vài tiếng đến vài ngày sau khi ăn phải thực phẩm không dung nạp mới có triệu chứng), không liên quan tới hệ miễn dịch và cũng không đe dọa tính mạng như dị ứng thực phẩm. Các triệu chứng thường gặp bao gồm:

  • Buồn nôn
  • Đau dạ dày
  • Gas, chuột rút, hoặc đầy hơi
  • Ói mửa
  • Ợ nóng
  • Tiêu chảy
  • Nhức đầu
  • Khó chịu hay căng thẳng
  • Mệt mỏi kinh niên
  • Các vấn đề về da

Những biểu hiện của chứng không dung nạp thực phẩm giống như người uống thuốc quá liều. Với một lượng nhỏ thực phẩm thì sẽ không có vấn đề gì xảy ra nhưng nếu một lượng lớn hơn phản ứng sẽ là phát ban, mẩn đỏ, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy và tim đập nhanh và mạnh.

2.6. Bệnh trào ngược dạ dày thực quản

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản là một tình trạng trào ngược axit từ dạ dày lên thực quản. Nó gây ra các triệu chứng như đau bụng, ợ nóng, ợ chua và buồn nôn, viêm họng, .... Nếu không được điều trị, nó có thể dẫn đến nhiều các biến chứng, chẳng hạn như viêm thực quản và thậm chí là ung thư thực quản.

Đau bụng: Trường hợp nào nên đi khám?
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản

2.7. Bệnh Crohn

Bệnh Crohn là một bệnh viêm ruột, gây ra viêm màng đường tiêu hóa, có thể dẫn đến đau bụng, tiêu chảy và ngay cả suy dinh dưỡng trầm trọng.

Các viêm nhiễm gây ra bởi bệnh Crohn thường lan sâu vào các lớp mô ruột bị ảnh hưởng. Giống như viêm loét đại tràng, bệnh Crohn có thể đau đớn và suy nhược, đôi khi có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm tính mạng.

2.8. Bệnh celiac

Bệnh celiac xảy ra khi một người bị dị ứng với gluten, một loại protein có trong nhiều loại ngũ cốc, chẳng hạn như lúa mì và lúa mạch. Nó gây viêm ở ruột non, dẫn đến đau. Tiêu chảy và đầy hơi cũng là triệu chứng phổ biến. Theo thời gian, suy dinh dưỡng có thể xảy ra, dẫn đến giảm cân và kiệt sức.

Những người mắc bệnh này cần tránh ăn thực phẩm chứa gluten.

2.9. Nhiễm trùng đường tiết niệu và bàng quang

Nhiễm trùng đường tiết niệu thường gây ra bởi vi khuẩn, chủ yếu là E.coli, xâm nhiễm vào đường niệu đạo và bàng quang, gây nhiễm trùng bàng quang hoặc viêm bàng quang.

Các triệu chứng bao gồm đau, căng tức và đầy hơi ở vùng bụng dưới. Hầu hết các bệnh nhiễm trùng có triệu chứng như đi tiểu đau, tiểu nhắt và nước tiểu có màu đục, có mùi khó chịu.

2.10. Các nguyên nhân khác

Trong một số trường hợp, đau bụng là một dấu hiệu nguy hiểm có thể gây tử vong nếu không được cấp cứu ngay lập tức.

Các nguyên nhân ít gặp hơn của đau bụng bao gồm:

  • Viêm ruột thừa (vỡ ruột thừa) hoặc bất kỳ cơ quan bụng nào khác bị vỡ
  • Nhiễm trùng thận, bệnh thận hoặc sỏi thận
  • Viêm gan
  • Sỏi túi mật
  • Ngộ độc thực phẩm
  • Nhiễm ký sinh trùng
  • Nhiễm trùng cơ quan bụng
  • Bệnh tim, chẳng hạn như đau thắt ngực không điển hình hoặc suy tim xung huyết
  • Ung thư nội tạng, đáng chú ý là ung thư dạ dày, tụy, gan hoặc ruột
  • Thoát vị hoành (hiatal hernia)
  • Các u nang đã xâm lấn hoặc làm tổn thương của cơ quan khác trong ổ bụng.

3. Đau bụng có nên đi khám bác sĩ không?

Hầu hết các trường hợp đau bụng là không nghiêm trọng và các triệu chứng được điều trị tại nhà, bằng cách nghỉ ngơi và bù nước trong vòng vài giờ đến vài ngày.Nhiều loại thuốc có sẵn không cần kê đơn, chẳng hạn như thuốc kháng axit và thuốc điều trị đầy hơi cũng giúp giảm và kiểm soát các triệu chứng. Thuốc kháng axit không kê đơn có thể giúp kiểm soát các triệu chứng đau bụng.Tuy nhiên, đau bụng cấp tính (đột ngột và nghiêm trọng) hoặc mãn tính (kéo dài) thường là dấu hiệu của các tình trạng cần được chăm sóc y tế và điều trị. Các triệu chứng cần đến cơ sở y tế để khám đau bụng bao gồm:

  • Giảm cân không giải thích được
  • Kiệt sức không giải thích được
  • Thay đổi hoặc rối loạn trong nhu động ruột, chẳng hạn như táo bón hoặc tiêu chảy mãn tính, không khỏi trong vòng vài giờ hoặc vài ngày
  • Chảy máu trực tràng hoặc máu trong phân
  • Dịch âm đạo bất thường
  • Đau mãn tính tiếp tục sau khi dùng thuốc không kê đơn hoặc trở lại sau khi ngừng thuốc theo toa
  • Dấu hiệu nhiễm trùng đường tiết niệu
Đau bụng: Trường hợp nào nên đi khám?
Khám bác sĩ khi có biểu hiện lạ

Các triệu chứng cần được cấp cứu bao gồm:

  • Đau bụng đột ngột, dữ dội, đặc biệt nếu kèm theo sốt trên 39 độ C
  • Phân có máu hoặc có màu đen
  • Nôn không kiểm soát được, đặc biệt là nếu nôn cả máu
  • Không thể đi tiểu
  • Ngất xỉu hoặc bất tỉnh
  • Cơn đau nhanh chóng trở nên tồi tệ hơn
  • Đau ở ngực, đặc biệt là quanh xương sườn, lan tới bụng
  • Đau bụng dữ dội mà không giảm khi nằm yên

Trên đây là các thông tin về đau bụng, nguyên nhân của đau bụng và các dấu hiệu cảnh báo bệnh nhân cần đi khám bác sĩ. Nắm rõ những thông tin này giúp chúng ta không hoang mang khi thấy triệu chứng đau bụng và biết cách xử lý để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của bản thân.

Bác sĩ Hương có kinh nghiệm trên 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Nội Tiêu hóa trong đó với với gần 20 năm giữ chức vụ Phó khoa, trưởng khoa Bệnh viện Trung ương Huế. Hiện tại, là Bác sĩ Nội tiêu hóa - Nội soi tiêu hóa - Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

55K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan