Chẩn đoán và điều trị viêm gan tự miễn

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nội soi tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Viêm gan tự miễn (Autoimmune Hepatitis - AIH) là bệnh gây tổn thương gan do hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công hủy hoại tế bào gan. Các nhà khoa học cho rằng, có yếu tố di truyền làm cho bệnh nhân dễ bị các bệnh tự miễn này. Khoảng 70% những người bị AIH là phụ nữ. Bệnh tiến triển mạn tính và dẫn đến xơ gan, cuối cùng sẽ là suy gan nếu không được điều trị kịp thời.

1. Triệu chứng của viêm gan tự miễn

Bệnh khởi phát âm thầm, chỉ với một chút cảm giác mệt mỏi, khó chịu kết hợp với vàng da không nhiều trong một thời gian dài vài tháng đến vài năm; chỉ có một số ít (khoảng 25%) có khởi phát với biểu hiện như một viêm gan virus cấp tính. Bệnh chỉ được thực sự quan tâm khi triệu chứng vàng da trở nên rõ ràng và chẩn đoán được thực hiện. Rối loạn kinh nguyệt là một triệu chứng thường gặp và rất có giá trị gợi ý, thường là mất một hoặc hai chu kỳ kinh nguyệt và điều này xảy ra đồng thời với một đợt vàng da nặng.

Chảy máu cam, chảy máu chân răng và xuất huyết dưới da là các biểu hiện cũng hay gặp.

Khi khám bụng có thể thấy gan to chắc và thùy trái thường lớn hơn, tuy nhiên, đó là giai đoạn sớm, còn ở giai đoạn muộn, gan thường teo nhỏ và có các biểu hiện của tăng áp lực tĩnh mạch cửa như lách to, cổ trướng, tuần hoàn bàng hệ.

Tuy nhiên, rất cần chú ý các biểu hiện kết hợp khác:

  • Da thay đổi, có tình trạng viêm mao mạch dị ứng, có mụn trứng cá, hồng ban hoặc ban đỏ rải rác.
  • Lách to và thường kèm theo hạch to.
  • Rối loạn nội tiết với biểu hiện có nhiều mụn trứng cá, rậm lông và nứt da, ở nam giới còn có các biểu hiện như vú to, viêm tuyến giáp tự miễn, nhiễm độc giáp, đái tháo đường.
  • Viêm loét đại tràng có thể xảy ra đồng thời hoặc sau khi xuất hiện viêm gan tự miễn.

Ngoài ra, còn rất nhiều các biểu hiện kèm theo khác như viêm cầu thận, tràn dịch màng phổi, xẹp phổi, xơ hóa phế nang, tình trạng thiếu máu trường diễn và hay bị nhiễm khuẩn.

2. Các xét nghiệm chẩn đoán viêm gan tự miễn?

Để chẩn đoán được viêm gan tự miễn có thể phức tạp và thường được hoàn thành sau khi người bệnh trải qua một số bước như bác sĩ khám về thể chất của người bệnh, hỏi về tiền sử bệnh tật và các triệu chứng hiện tại, xét nghiệm máusinh thiết gan. Các xét nghiệm được sử dụng để chẩn đoán viêm gan tự miễn bao gồm:

Chẩn đoán và điều trị viêm gan tự miễn
Xét nghiệm máu chẩn đoán viêm gan tự miễn

Xét nghiệm máu. Xét nghiệm mẫu máu của người bệnh để tìm kháng thể có thể phân biệt viêm gan tự miễn với viêm gan virus và các bệnh khác có triệu chứng tương tự. Xét nghiệm tìm kháng thể cũng giúp xác định chính xác loại viêm gan tự miễn mà người bệnh gặp phải. Trong viêm gan tự miễn, hệ miễn dịch sẽ tạo ra một hoặc nhiều loại tự kháng thể. Phổ biến nhất là kháng thể kháng nhân (ANA), kháng thể kháng cơ trơn (SMA) và các kháng thể kháng tiểu thể gan và thận (LKM). Bệnh nhân viêm gan tự miễn loại 1 có ANA, SMA, hoặc cả hai. Bệnh nhân viêm gan tự miễn loại 2 có anti LKM. Xét nghiệm máu giúp phân biệt viêm gan tự miễn do các bệnh virut viêm gan B, C hoặc một bệnh chuyển hóa như bệnh Wilson.

Có hai loại viêm gan tự miễn và cả hai đều hiếm gặp. Loại 1 là phổ biến hơn, thường gặp ở phụ nữ từ 15 đến 40 tuổi, mặc dù mọi lứa tuổi hoặc giới tính đều có thể mắc viêm gan tự miễn loại 1. Loại 2 thường xảy ra với viêm gan tự miễn ở trẻ em nữ từ 2 đến 14 tuổi. Nếu người bệnh mắc viêm gan tự miễn, rất có thể người bệnh cũng mắc bệnh tự miễn khác, chẳng hạn như bệnh Crohn, viêm khớp dạng thấp, lupus hoặc hội chứng Sjogren.

Sinh thiết gan. Các bác sĩ thực hiện sinh thiết gan để xác nhận chẩn đoán, xác định mức độ bệnh và loại tổn thương gan. Trong quá trình sinh thiết gan, một lượng nhỏ mô gan được lấy đi bằng cách sử dụng một cây kim mỏng đưa vào gan thông qua một vết mổ nhỏ trên da. Mẫu bệnh phẩm này sau đó được gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích.

3. Viêm gan tự miễn có chữa được không?

Nếu người bệnh không có bất kỳ triệu chứng nào của viêm gan tự miễn, bác sĩ có thể quyết định chưa điều trị ngay lập tức. Thay vào đó, người bệnh sẽ được xét nghiệm máu và sinh thiết gan để xem tình hình chức năng gan của người bệnh có khỏe mạnh hay không.

Điều trị thường bắt đầu khi người bệnh có triệu chứng hoặc kết quả xét nghiệm của người bệnh đang trở nên xấu hơn. Ban đầu, bác sĩ có thể sẽ kê cho người bệnh sử dụng thuốc prednisone, đây là một loại thuốc làm giảm viêm. Bác sĩ có thể bắt đầu với liều cao, sau đó hạ thấp nó và thêm azathioprine (Imuran) hoặc 6-mercillinurine (Purinethol), giúp kiềm chế hệ thống miễn dịch của người bệnh.

Cả hai loại thuốc đều có thể có tác dụng phụ. Steroid có thể làm loãng xương của người bệnh, tăng thêm cân và khiến người bệnh gặp một số vấn đề về mắt. Azathioprine và 6-mercillinurine có thể làm giảm số lượng tế bào bạch cầu và tăng khả năng bị ung thư.

Đôi khi các bác sĩ sử dụng steroid budesonide thay vì prednison. Bác sĩ có thể kê các loại thuốc khác nhằm kiềm chế hệ thống miễn dịch của người bệnh thay cho azathioprine, chẳng hạn như mycophenolate mofetil (CellCept).

Sau 3 năm điều trị, tình trạng viêm gan tự miễn của 80% người bệnh sẽ được kiểm soát. Người bệnh có thể dừng điều trị nhưng phải được sự đồng ý và theo dõi sát sao của bác sĩ. Nếu các triệu chứng quay trở lại, người bệnh sẽ bắt đầu điều trị lại.

Người bệnh cũng cần thay đổi lối sống để có thể khỏe mạnh hơn. Ăn thực phẩm lành mạnh và ăn nhiều trái cây và rau quả, tránh xa rượu bia. Không dùng bất kỳ loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng nào mà chưa được phép của bác sĩ trực tiếp điều trị.

Chẩn đoán và điều trị viêm gan tự miễn
Ăn thực phẩm lành mạnh và ăn nhiều trái cây và rau quả, tránh xa rượu bia

Đôi khi, nếu bị xơ gan hoặc suy gan, người bệnh có thể cần phải ghép gan. Đây là phẫu thuật để loại bỏ gan bị bệnh và thay thế nó bằng lá gan khỏe mạnh của người hiến tặng.

Tầm soát ung thư gan định kỳ 6 tháng/lần là một trong những cách để phát hiện bệnh sớm, ngay khi chưa có biểu hiện. Nên tầm soát ung thư gan ở đâu để cho kết quả chính xác là vấn đề quan tâm của nhiều người.

>>Xem thêm: Xét nghiệm định danh 14 tự kháng thể trong bệnh gan tự miễn - Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Quỳnh Trang - Bác sĩ Hóa sinh - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: Webmd.com, Mayoclinic.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

22.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan