Các vấn đề thường gặp ở thực quản

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Võ Thị Thùy Trang, Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Thực quản có chức năng chính là đưa thức ăn từ họng xuống dạ dày. Tuy nhiên, khi thói quen ăn uống không lành mạnh, thực quản sẽ bị tổn thương và gặp một số vấn đề như: trào ngược thực quản, viêm thực quản hay nặng hơn có thể là bỏng thực quản, ung thư thực quản...

1. Chức năng của thực quản

Thực quản được hiểu là một ống cơ nối hầu với da dày. Thực quản có chiều dài khoảng 25 - 30cm, có hình dẹt vì các thành áp sát vào nhau. Trong trường hợp đang nuốt thức ăn thì thực quản có hình ống.

Bộ phận này tương đối di động, dính với các tạng xung quanh bằng các cấu trúc lỏng lẻo. Ở cổ thì thực quản nằm ở phía sau khí quản, đi xuống vùng trung thất sau nằm ở phía sau tim và trước động mạch chủ ngực, xuyên qua cơ hoành vào ổ bụng, nối với dạ dày.

Thực quản có chức năng chính là đưa thức ăn từ họng xuống dạ dày. Cơ trong họng co lại, cùng với sự nâng lên của thực quản sẽ đẩy thức ăn từ miệng xuống thực quản. Tiếp theo là các cơ ở miệng thực quản sẽ giãn ra để đón nhận lượng thức ăn này.

Đối với những lỏng dễ tiêu hóa thì tự rơi xuống dạ dày. Còn những chất đặc hơn, khó tiêu hóa hơn thì sẽ được di chuyển trong thực quản nhờ sóng nhu động chậm của thực quản, kết hợp với trọng lượng của thức ăn.

2. Các bệnh thường gặp ở thực quản

2.1. Bệnh viêm thực quản

Bệnh viêm thực quản là tình trạng viêm nhiễm, tổn thương tại niêm mạc thực quản do hiện tượng trào ngược axit từ dạ dày gây ra. Mức độ viêm thực quản sẽ tùy thuộc vào tần suất và thời gian tiếp xúc giữa các chất trào ngược (axit HCl, pepsin, dịch mật,...) với niêm mạc.

Nguyên nhân gây bệnh

  • Viêm thực quản trào ngược

Do axit trong dạ dày liên tục trào ngược lên thực quản. Biến chứng của bệnh trào ngược là gây viêm mạn tính và phá hủy niêm mạc của thực quản.

  • Viêm thực quản dị ứng

Viêm thực quản dị ứng xảy ra khi nồng độ bạch cầu ở trong thực quản cao, thường là do phản ứng với tác nhân dị ứng hoặc với dòng axit trào ngược.

Nhiều người bị viêm thực quản dị ứng sẽ dị ứng với một hay nhiều loại thức ăn khác như sữa, trứng, lúa mì, đậu nành, đậu phộng, lúa mạch và thịt bò. Ngoài ra, người bị viêm thực quản dị ứng có thể dị ứng với các chất khác như phấn hoa.

  • Viêm thực quản do thuốc

Vài loại thuốc có thể phá hủy mô nếu chúng ứ đọng trong lớp niêm mạc thực quản quá lâu. Có thể do bạn uống quá ít nước khi uống thuốc, có thể do tính chất kích thích của thuốc. Các thuốc có thể dẫn đến viêm thực quản: thuốc giảm đau, kháng sinh, thuốc điều trị loãng xương, điều trị tim mạch...

  • Viêm thực quản do nhiễm trùng

Vi khuẩn, virus và nấm có thể gây viêm thực quản. Viêm thực quản do nhiễm trùng thường chỉ xảy ra ở người bị suy giảm miễn dịch như là nhiễm HIV/AIDS hay ung thư.

Ợ hơi
Ợ hơi, ợ chua khi đói là dấu hiệu của bệnh viêm thực quản

Dấu hiệu viêm thực quản

Viêm thực quản dễ nhầm lẫn với trào ngược dạ dày thực quản, nên bạn cần lưu ý các dấu hiệu sau:

  • Đau tức ngực: Xuất hiện các cơn đau quanh khu vực thượng vị, giữa vùng ức gây dấu hiệu khó chịu sau các bữa ăn.
  • Ợ hơi, ợ chua khi đói. Buồn nôn, tiết nước bọt: Đồ và dịch trào ngược lên thực quản gây dấu hiệu buồn nôn. Để trung hòa lượng axit từ dạ dày cơ thể tiết ra nhiều nước bọt hơn bình thường.
  • Đau họng: Viêm thực quản trào ngược độ a khiến dây thanh quản bị tác động dẫn đến viêm sưng và đau họng, khàn tiếng.
  • Khó nuốt, đắng miệng: Viêm thực quản khiến cho niêm mạc bị phù nề tổn thương gây cảm giác khó nuốt, đắng miệng khi ăn.

Phương pháp điều trị

Tùy vào từng triệu chứng cụ thể mà sẽ có cách điều trị chuyên biệt. Các loại thuốc điều trị viêm thực quản: thuốc kháng virus, kháng viêm nấm, giảm đau, thuốc ức chế dịch vị dạ dày.

  • Khi nguyên nhân do dị ứng thức ăn

Bạn phải xác định do loại thức ăn nào và hạn chế ăn chúng. Bạn cũng có thể làm dịu các triệu chứng bằng việc tránh các thức ăn cay, chua và cứng. Nên ăn từng miếng nhỏ và nhai kỹ. Bên cạnh đó, bạn nên tránh thuốc lá và rượu, vì chúng làm tăng tình trạng viêm và ức chế hệ miễn dịch.

  • Khi nguyên nhân do thuốc

Bạn cần uống nhiều nước khi uống thuốc hoặc nên uống thuốc dạng lỏng. Bạn không nên nằm xuống trong vòng 30 phút sau khi uống thuốc viên.

2.2. Trào ngược dạ dày thực quản

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản
Béo phì là nguyên nhân của bệnh trào ngược dạ dày thực quản

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản hay còn gọi là viêm thực quản trào ngược, là bệnh xảy ra khi axit dạ dày trào ngược lên thực quản. Những cơn trào ngược thường xảy ra sau bữa ăn, trong thời gian ngắn và không kèm theo các triệu chứng và hiếm khi xảy ra khi ngủ.

Dấu hiệu của trào ngược dạ dày thực quản

  • Cảm giác thức ăn đang bị kẹt lại trong thực quản, khó nuốt hoặc hay bị nấc
  • Ợ nóng hoặc có cảm giác nóng và đau rát ở trước xương ức, đôi khi cảm giác này lan ra cổ họng
  • Nếm thấy vị chua
  • Ho hoặc thở khò khè
  • Khàn giọng
  • Viêm họng.

Nguyên nhân trào ngược dạ dày thực quản

Sự đóng mở bất thường của cơ vòng thực quản dưới sẽ làm cho axit dạ dày trào ngược vào thực quản. Nguyên nhân gây ra bởi:

  • Thoát vị dạ dày
  • Có áp lực đè lên dạ dày như mang thai hoặc thừa cân.

Nguy cơ mắc bệnh: Có rất nhiều yếu tố có thể khiến bạn tăng nguy cơ mắc trào ngược dạ dày thực quản

  • Béo phì
  • Uống rượu hoặc các chất có cồn
  • Thoát vị cơ hoành
  • Mang thai
  • Hút thuốc
  • Khô miệng
  • Hen suyễn
  • Tiểu đường
  • Bệnh mô liên kết.
Người trào ngược thực quản nên ăn gì
Chia nhỏ các bữa ăn trong ngày và hạn chế các thực phẩm mang tính chua và béo để dễ dàng điều trị trào ngược dạ dày thực quản

Phương pháp điều trị

Để chữa trào ngược dạ dày, bạn nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày và hạn chế các thực phẩm mang tính chua và béo. Bạn cũng cần tránh các loại thuốc như thuốc giảm đau vì chúng có thể làm cho các triệu chứng trở nên nặng hơn.

Ngoài ra, một số loại thuốc trào ngược dạ dày cũng có tác dụng giảm axit như thuốc ức chế tiết dịch vị dạ dày, thuốc kháng sinh.

Trong những trường hợp kháng thuốc, bác sĩ có thể chỉ định bạn gặp bác sĩ phẫu thuật để thực hiện một ca phẫu thuật gọi là phẫu thuật thắt đáy vị để tăng cường sức mạnh của cơ vòng dưới của thực quản.

Phòng ngừa trào ngược

Bạn có thể kiểm soát tốt chứng trào ngược thực quản của mình:

  • Có một chế độ ăn hợp lý, nhiều trái cây, rau củ và ít các sản phẩm từ sữa
  • Giảm sử dụng thực phẩm giàu chất béo
  • Không nằm nghỉ ngay sau khi ăn
  • Giữ cân nặng hợp lý
  • Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ
  • Không mặc đồ bó sát
  • Không hút thuốc.

2.3. Co thắt thực quản

Co thắt thực quản
Bệnh co thắt thực quản là những cơn co thắt tại các cơ vùng thực quản

Bệnh co thắt thực quản là một bệnh lý thường gặp trong cuộc sống hàng ngày. Bệnh này được hiểu là những cơn co thắt tại các cơ vùng thực quản. Tùy từng bệnh nhân sẽ có tình trạng bệnh khác nhau.

Phân loại co thắt thực quản

Co thắt thực quản có 2 dạng phân biệt:

  • Co thắt thực quản lan tỏa: Thường xảy ra liên tục, diễn ra thành một đợt kéo dài thường có hiện tượng buồn nôn
  • Co thắt thực quản cục bộ: Thường gây ra những cơn co thắt thực quản mạnh tác động tại một khu vực chính tại thực quản của người bệnh gây đau tức ngực rất khó chịu và đôi khi bị khó thở.

Nguy cơ gây bệnh

Hiện bệnh co thắt thực quản chưa xác định được nguyên nhân rõ ràng. Các yếu tố nguy cơ gây bệnh:

  • Mắc bệnh ợ nóng
  • Trào ngược dạ dày thực quản
  • Ăn uống thực phẩm quá nóng hoặc lạnh
  • Tâm lý lo lắng, stress
  • Dấu hiệu, triệu chứng bệnh

Dấu hiệu co thắt

Bệnh co thắt thực quản có các dấu hiệu dễ bị nhầm lẫn với các rối loạn tiêu hóa thông thường, vì vậy bạn nên cảnh giác khi gặp các dấu hiệu sau:

  • Đau ép ngực
  • Khó nuốt
  • Buồn nôn và nôn
Dấu hiệu có thắt thực quản
Khi bị co thắt thực quản bạn luôn cảm thấy khó nuốt và đau ép ngực

Phương pháp điều trị

  • Ăn những thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, nhai kỹ, nuốt chậm có chế độ ăn hợp lý.
  • Điều trị bằng thuốc để mở cơ tâm vị, chống viêm, giảm xuất tiết niêm mạc thực quản,...
  • Rửa thực quản để tránh hiện tượng đánh trống ngực và khó thở khi nằm.
  • Nong và thông thực quản để tránh hiện tượng ứ đọng thức ăn trong thực quản.
  • Phẫu thuật cắt cơ
  • Phẫu thuật cắt bỏ thực quản
  • Tiêm botox

Biến chứng có thể gặp về sau

Bệnh thường có diễn biến chậm trong thời gian dài hoặc thành từng đợt. Bệnh nhân có thể bị tử vong đột ngột do phản xạ tim mạch hoặc ngạt thở do bị trào ngược thức ăn vào khí quản. Nếu không được chữa trị kịp thời bệnh nhân có thể bị chết do suy dinh dưỡng.

Ngoài ra bệnh còn có thể gây ra những biến chứng khác: viêm loét thực quản, sẹo xơ, chèn ép khí quản, tĩnh mạch, tim, viêm phổi, áp xe phổi, ung thư hóa,..

2.4. Nghẽn dị vật thực quản

Nghẽn dị vật thực quản
Hóc xương cá là trường hợp nghẽn dị vật thực quản thường gặp

Nguyên nhân nghẽn dị vật thực quản

  • Trẻ nhỏ thường hay nuốt những vật như: cúc áo, quần, đồng xu, chìa khoá và các vật nhỏ khác v.v...
  • Người lớn thường mắc ở thực quản những răng giả, xương gà, xương cá, xương bò, lợn hoặc những miếng thịt to chưa được nhai kỹ v.v...
  • Những người bị điên dại có thể nuốt cả một cái thìa, một con dao con và các vật khác v. v...

Triệu chứng nghẽn dị vật thực quản

Những dị vật thường bị mắc và dừng lại ở những chỗ hẹp tự nhiên của thực quản. Nếu là vật nhẵn thì thường gây loét nông trên niêm mạc thực quản. Vật sắc có thể làm thủng thực quản, có thể gây áp xe thực quản, viêm trung thất và tràn mủ trung thất.

Tuỳ theo kích thước và bề mặt (sắc hay nhẵn) của dị vật và vị trí thực quản bị tắc mà có các triệu chứng khác nhau.

Triệu chứng thường gặp là:

  • Có cảm giác vướng và bị chèn ở thực quản.
  • Khó nuốt và đau khi nuốt nước bọt. Những dị vật sắc và có cạnh gây ra cảm giác đau như dao đâm trong ngực.
  • Khi dị vật gây biến chứng thì triệu chứng phụ thuộc vào những biến chứng ở trung thất (viêm trung thất) hay màng phổi (viêm màng phổi) v.v...

Phương pháp điều trị

  • Soi thực quản và gắp dị tật.
  • Rất hiếm khi phải mở thực quản để lấy dị vật. Chỉ mổ khi có biến chứng, khi dị vật mắc ở vùng tâm vị thì mở dạ dày để lấy dị vật.

2.5. Bỏng thực quản

Bỏng thực quản
Trẻ em uống nhầm hóa chất gây nguy cơ bỏng thực quản

Bỏng thực quản là tình trạng thực quản bị tổn thương, có thể dẫn đến thủng thực quản do tác động của nhiệt hoặc do hoá chất ăn mòn.

Bệnh hay gặp ở trẻ em do nuốt nhầm hoặc uống nhầm hóa chất có tính kiềm mạch hoặc axit mạnh.

Bỏng thực quản có thể chỉ gây tổn thương nhẹ niêm mạc lòng thực quản và dễ lành, nhưng cũng có thể nặng gây di chứng hẹp thực quản, có thể gây thủng thực quản hoặc gây nhiễm trùng phổi.

Nguyên nhân bỏng thực quản

  • Bỏng do hóa chất (thường gặp): kiềm, axit, chất tẩy trắng, chất tẩy rửa...
  • Bỏng do nhiệt (hiếm gặp): nuốt phải thức ăn, đồ ăn nóng,...

Dấu hiệu lâm sàng

  • Đau cổ họng, sau xương ức

Đau dữ dội, liên tục ở vùng cổ, sau xương ức hoặc trên rốn. Nhẹ thì sau 2-3 ngày sẽ thuyên giảm đau, bắt đầu nuốt được. Nặng thì có thể dẫn tới sốt, nhiễm độc, sưng phù nề ở môi, miệng, họng, lưỡi; có cảm giác khó thở. Trường hợp bỏng thực quản gây thủng thực quản, dẫn tới viêm trung thất, viêm phúc mạc.

  • Ho dữ dội, ho khạc
  • Tăng tiết nước bọt
  • Niêm mạc miệng hổng, chuyển thành giả mạc từ trắng dần chuyển xám đen
  • Thở khò khè, khàn giọng hoặc mất tiếng
  • Khó nuốt, nuốt nghẹn, nuốt đau.
  • Nặng có thể bị chảy máu thực quản và nôn ra máu

Phương pháp điều trị

Điều trị bỏng thực quản
Truyền các dung dịch chống sốc khi bệnh nhân được chẩn đoán là bỏng thực quản

Điều trị Bảo tồn:

Trung hoà dung dịch hoá chất:

  • Uống bazơ loãng khi bị bỏng axit và uống axit loãng khi bị bỏng bazơ
  • Rửa toàn bộ dạ dày thực quản bằng ống thông mềm và nhỏ.
  • Uống sữa.

Chống nhiễm trùng, chống sốc:

  • Truyền dịch, máu, các dung dịch chống sốc.
  • Sử dụng kháng sinh liều cao
  • Truyền dịch glucose, truyền máu, truyền huyết tương và dung dịch chứa axit amin
  • Thông thụt dung dịch nuôi dưỡng cơ thể qua hậu môn.
  • Tiêm morphin.
  • Phòng thủng thực quản.

Bỏng thực quản nặng bác sĩ sẽ chỉ định thông đường thực quản dạ dày, thông đường tiểu tràng để nuôi cơ thể, không ăn qua miệng.

Bỏng nặng vào tới trung thất, cần mở thông phần thực quản tại cổ mục đích dẫn lưu, mở thông phần dạ dày hay phần hỗng tràng mục đích nuôi cơ thể.

Nong thực quản:

Được thực hiện sau khi điều trị bảo tồn 6-8 tuần, mục đích phòng ngừa hẹp thực quản do bỏng gây nên

Phẫu thuật tạo hình:

Phẫu thuật khi nong thực quản không đạt kết quả.

Mổ thăm dò khi có các triệu chứng đau dữ dội ở mũi ức và sau xương ức. Mổ cấp cứu để cắt bỏ phần thực quản tổn thương nhằm bảo tồn các cơ quan chức năng khác đang hoạt động của cơ thể.

2.6. Ung thư thực quản

Ung thư thực quản
Triệu chứng nuốt nghẹn tăng dần có thể dẫn tới nguy cơ ung thư thực quản

\Triệu chứng ung thư thực quản

Ung thư thực quản thường gặp ở người trên 50 tuổi. Triệu chứng lâm sàng có thể thấy:

  • Nuốt nghẹn tăng dần, có thể kèm theo trớ, nôn ngay sau ăn.
  • U kích thước lớn chèn ép cơ quan xung quanh gây đau sau xương ức, khó thở, khàn tiếng, ho ra máu.
  • Ở giai đoạn muộn, bệnh nhân thường biểu hiện sút cân, khô và sạm da, suy kiệt.

Phân loại giai đoạn ung thư thực quản

  • Giai đoạn 0: ung thư tại chỗ
  • Giai đoạn I: ung thư chưa xâm lấn lớp cơ
  • Giai đoạn II: ung thư đã xâm lấn lớp cơ hoặc mô liên kết ngoài thực quản
  • Giai đoạn III: ung thư xâm lấn các cơ quan xung quanh thực quản hoặc di căn hạch
  • Giai đoạn IV: di căn xa

Phương pháp điều trị

Điều trị ung thư thực quản là điều trị đa mô thức cần phối hợp nhiều chuyên ngành gồm: phẫu thuât, xạ trị và hóa trị. Tùy vị trí khối u và giai đoạn bệnh mà bác sĩ lựa chọn chiến thuật điều trị hợp lý.

  • Ung thư thực quản giai đoạn sớm, giai đoạn 0: Điều trị bằng cắt hớt niêm mạc nôi soi, laser hoăc quang đông.
  • Giai đoạn I: Phẫu thuật cắt thực quản làm ống cuốn dạ dày chỉ định
Hóa trị trong điều trị ung thư
Xạ trị
Kết hợp hóa trị và xạ trị trong điều trị ung thư thực quản
  • Giai đoạn II, III: Kết hợp hóa chất, xạ trị và phẫu thuật.
  • Giai đoạn IV: Bệnh nhân có di căn xa chỉ điều trị hóa chất vớt vát hoặc chăm sóc giảm nhẹ.
  • Những tổn thương xâm lấn rộng gây triệu chứng nuốt nghẹn, đau ngực, khó thở có thể chỉ định xạ giảm nhẹ, đặt stent hoặc mở thông dạ dày nuôi dưỡng.

Tiên lượng bệnh

Tình trạng tử vong khi phẫu thuật có tỉ lệ thấp, tuy nhiên thời gian duy trì sự sống sau phẫu thuật ngắn. Hiếm trường hợp bệnh nhân duy trì sự sống được quá 5 năm kể từ sau khi phẫu thuật. Thường duy trì được sự sống trong vòng 2 năm.

Ung thư tại điểm dưới 1/3 thực quản thì tỉ lệ tiến hành phẫu thuật thường cao hơn, tiên lượng khả quan hơn.

Trường hợp không tiến hành điều trị kể từ khi xuất hiện triệu chứng đau họng khó nuốt lần đầu tiên, thời gian duy trì sự sống chỉ kéo dài được 6 tháng đến 1 năm.

Khi thực quản gặp vấn đề với những triệu chứng bất thường xảy ra như đau nhức, hay khó thở, bạn nên theo dõi và tới gặp bác sĩ nếu cần thiết. Tuy nhiên, bạn cũng nên cải thiện chế độ ăn uống lành mạnh, thực quản có thể làm tốt nhiệm vụ, không gặp bất thường gì, và đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân.

Bác sĩ Chuyên khoa I Võ Thị Thùy Trang được đào tạo về chuyên ngành nội tiêu hóa, gan mật tụy và nội soi tiêu hóa; liên tục cập nhật và được đào tạo nội soi nâng cao từ các giáo sư và các chuyên gia nội soi đến từ Thụy Sĩ và Nhật Bản; tham gia nhiều hội nghị tiêu hóa, nội soi trong nước và quốc tế.

Với gần 20 năm làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng trong chuyên ngành nội tiêu hóa - Gan mật tụy, mỗi năm bác sĩ Võ Thị Thùy Trang tham gia nội soi hơn 1500 ca bao gồm: nội soi chẩn đoán các bệnh lý dạ dày, đại tràng như: phát hiện viêm, loét, polyp, ung thư, tìm vi khuẩn HP, phát hiện ung thư sớm đường tiêu hóa...; Nội soi điều trị như: Cầm máu trong xuất huyết tiêu hóa, thắt búi giãn tĩnh mạch thực quản trong xơ gan, cắt polype ống tiêu hóa qua nội soi...

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

95.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan