Vì sao lạm dụng Aspirin khiến người dùng dễ bị xuất huyết dạ dày?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ cao cấp, Bác sĩ chuyên khoa II Đoàn Dư Đạt - Bác sĩ Nội đa khoa - Khoa khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Tình trạng xuất huyết dạ dày thường xảy ra do niêm mạc dạ dày đã bị chảy máu. Nếu bệnh nhân không được can thiệp điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa đến tính mạng. Vì vậy, người bệnh nên nắm rõ các nguyên nhân để tìm ra hướng điều trị phù hợp. Trong đó, việc lạm dụng Aspirin quá hàm lượng cho phép chính là một nguyên nhân khiến người già dễ bị xuất huyết dạ dày.

1. Xuất huyết dạ dày là gì?

Xuất huyết dạ dày xảy ra khi niêm mạc dạ dày của người bệnh đang chịu tổn thương, dẫn đến chảy máu. Chảy máu dạ dày được coi như một biến chứng cấp tính và đặc biệt nguy hiểm của nhiều loại bệnh lý dạ dày khác nhau.

Xuất huyết dạ dày được chia thành:

  • Bệnh xuất huyết dạ dày tình trạng nhẹ: có thể dẫn đến thiếu máu, tinh thần bệnh nhân không tỉnh táo, cơ thể mệt mỏi.
  • Xuất huyết bao tử chuyển biến nặng: bệnh nhân sẽ bị suy nhược cơ thể và gặp phải một số biến chứng nguy hiểm như suy tim, mạch nhỏ và không được ổn định, khiến cho người bệnh khó thở. Bệnh xuất huyết dạ dày khi đã chuyển biến nặng nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Xuất huyết tiêu hóa do loét dạ dày tá tràng
Xuất huyết dạ dày không được phát hiện và điều trị kịp thời có nguy cơ cao gây tử vong

2. Những triệu chứng xuất huyết dạ dày thường gặp

  • Bệnh nhân xuất huyết dạ dày bị nôn ra máu: đây là một dấu hiệu vô cùng phổ biến, có 9/10 bệnh nhân bị mắc phải, khi đó người bệnh cảm thấy đầy bụng, khó tiêu và có thể nôn ra những thức ăn đã ăn kèm theo máu tươi hoặc máu có màu đen, khoang miệng có mùi tanh. Ngoài ra, bệnh nhân có thể nôn ra phần thức ăn trước và trào phần máu ra sau.Nếu tình trạng này không được can thiệp kịp thời có thể khiến cho người bệnh bị suy nhược cơ thể, thiếu máu.
  • Bệnh nhân bị xuất huyết dạ dày và đi ngoài ra máu: khi đó người bệnh thường đi ngoài ra máu tươi hay phân đen với mùi hôi tanh rất khó chịu. Trong nhiều trường hợp, còn có thể xuất hiện kèm theo những cơn đau thượng vị và sau đó lan sang 2 bên của xương sườn và sau lưng.
  • Thay đổi sắc tố của da, cơ thể suy nhược, mệt mỏi: bệnh nhân thường xuyên mệt mỏi, khó thở, sắc mặt yếu ớt, da xanh xao chính là những dấu hiệu điển hình của sốt xuất huyết. Các nguyên nhân chính của những triệu chứng này là do bệnh nhân đang bị mất máu trong thời gian dài và không được khắc phục kịp thời.

3. Tác dụng dược lý của thuốc Aspirin

Thuốc aspirin được sử dụng phổ biến với vai trò là một loại thuốc có tác dụng giảm đau, chống viêm (dùng cho những bệnh lý về cơ, xương khớp), và hạ nhiệt (dùng cho những trường hợp người bệnh bị cảm sốt).

Ngoài ra, Aspirin còn được sử dụng để chống lại tập tiểu cầu do sự ức chế tổng hợp của cơ thể thromboxane A2 và prostacyclin, đây là 2 chất cần thiết cho sự đông máu, nghĩa là aspirin có nhiệm vụ chống lại sự đông máu, hoặc còn được gọi là ngừa huyết khối.

Thuốc giảm đau
Thuốc Aspirin được sử dụng chủ yếu với vai trò giảm đau

Ngoài ra, vì khả năng chống kết tập tiểu cầu nên aspirin được coi như một loại thuốc quý hiếm, có thể ngăn chặn được sự hình thành của những cục huyết khối đã gây ra nghẽn mạch, dẫn đến nhiều bệnh lý về tim mạch, góp phần giúp máu không còn bị đóng cục khiến nghẽn động mạch vành.

4. Vì sao lạm dụng Aspirin khiến người già dễ bị xuất huyết dạ dày?

Một số người già đang có sức khỏe ổn định nhưng lại sử dụng aspirin với ý muốn phòng bệnh. Tuy nhiên, điều này có thể làm tăng khả năng bị xuất huyết dạ dày.

Những người lớn tuổi nếu đang có sức khỏe tốt, ổn định, được khuyến cáo không nên sử dụng thuốc aspirin thường xuyên. Những bằng chứng khoa học đã chỉ ra rằng thuốc này mang đến lợi ích cho người từng bị đột quỵ hoặc đau tim. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu lại cho thấy không thể tìm ra các lợi ích sức khỏe với người chưa từng bị bệnh đau tim, hay đột quỵ trên 70 tuổi. Thậm chí, thuốc còn là nguyên nhân chính làm tăng nguy cơ bị xuất huyết dạ dày ở bên trong cơ thể.

Mặc dù các nhà khoa học đã chứng minh được các lợi ích của aspirin nhưng cũng có nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những nguy cơ tiềm ẩn có thể tăng lên khi người uống đã bước vào độ tuổi trung niên.

Chính bởi tác dụng có thể chống lại được sự kết tập tiểu cầu nên quá trình sử dụng thuốc aspirin cần hết sức cẩn trọng (nghĩa là chúng không được sử dụng cho những bệnh lý đang có khả năng gây ra xuất huyết như sốt xuất huyết, hoặc các thai phụ sẽ không được sử dụng thuốc trong khoảng thời gian 3 tháng cuối cùng của thai kỳ vì điều này có thể dẫn đến nguy cơ bị băng huyết khi sinh).

Việc lạm dụng aspirin khiến người già dễ bị xuất huyết dạ dày vì khi đó niêm mạc dạ dày của người bệnh sẽ phải chịu đựng những tổn thương nhất định (loét dạ dày- tá tràng, hoặc gây ra xuất huyết tiêu hóa).

xuất huyết dạ dày
Lạm dụng aspirin khiến niêm mạc dạ dày dễ bị tổn thương

Các khuyến cáo đã chỉ ra rằng, thuốc aspirin chỉ nên sử dụng khi bụng đang no, nghĩa là uống sau những bữa ăn để dùng thức ăn làm những chất độn, ngăn cản không cho aspirin (hay chính là acid acetylsalicylic) có thể tiếp xúc trực tiếp và gây nguy hại cho niêm mạc dạ dày.

Để giảm thiểu các trường hợp aspirin gây nguy hiểm do bản chất acid đã tiếp xúc trực tiếp với vùng niêm mạc dạ dày, các nhà khoa học đã tạo nên những dạng thuốc có khả năng giảm thiểu được tác hại gây ra viêm loét của aspirin, ví dụ như tạo ra các dạng thuốc: aspirin đệm (Bufferin), aspirin hòa tan (Aspifar), aspirin bao tan trong ruột (Aspirin pH8), hay aspirin tiêm (Aspegic infectable) để tránh dược chất có thể phóng thích tập trung tại vùng niêm mạc dạ dày và gây viêm loét.

Như vậy, để tránh gặp phải các biến chứng nguy hiểm như xuất huyết dạ dày có thể xảy ra, ảnh hưởng đến tính mạng, thì những người cao tuổi không nên lạm dụng hoặc tự ý sử dụng thuốc aspirin để khỏe tim, bổ tim,... Nếu như nghi ngờ mắc phải các bệnh lý về tim mạch thì nên đi khám và hỏi ý kiến của bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan