Uống Glucosamine có hại thận không?

Glucosamine là loại hợp chất cần thiết trong quá trình tái tạo sụn. Vì thế, các loại thuốc có chứa thành phần này thường được bác sĩ kê đơn cho những người cần cải thiện tình trạng xương khớp. Tuy nhiên có nhiều thắc mắc xoay quanh vấn đề liệu uống glucosamine có hại thận không, và những ai không nên dùng?

1. Vai trò của Glucosamine

Glucosamine là hợp chất có sẵn trong cơ thể con người có vai trò như là chất dẫn giúp hình thành và phát triển các lớp sụn, mô xương khớp. Khi càng lớn tuổi lượng hợp chất này trong cơ thể bị giảm dần, làm xương khớp không còn khỏe mạnh, dần dần khiến con người dễ mắc các bệnh về xương khớp.

Đến độ tuổi nhất định, xương khớp không còn dẻo dai và bắt đầu lão hóa thì khả năng tự tổng hợp glucosamine giảm. Lúc này việc bổ sung Glucosamine dưới dạng chế phẩm sẽ thay thế tổng hợp hợp chất này đưa trực tiếp vào cơ thể. Dưới dạng viên uống, glucosamine được lấy từ mô động vật, như vỏ của các loài giáp xác như tôm, cua, vỏ sò... Sau đó glucosamine được xử lý và điều chế thành viên uống để cơ thể dễ xử lý và hấp thu.

Sau độ tuổi 50, việc bổ sung Glucosamine là cần thiết nếu như chế độ ăn uống hàng ngày của bạn không đủ đáp ứng nguồn nguyên liệu sản xuất glucosamine. Đa số những loại thuốc chứa Glucosamine được sử dụng trong điều trị hỗ trợ các bệnh lý về xương khớp, viêm khớp mạn tính. Ngoài ra glucosamine còn sử dụng ở dạng thực phẩm chức năng nhằm làm giảm các triệu chứng đau, nhức khớp. Bổ sung glucosamine cũng góp phần làm chậm tiến trình lão hóa tế bào xương, kích thích sản sinh canxi và ngăn ngừa thoái hóa khớp và loãng xương.

2. Các công dụng của Glucosamine

  • Thúc đẩy quá trình tái tạo sụn mới, từ đó giúp các khớp xương đang bị tổn thương được phục hồi.
  • Giúp giảm thiểu tình trạng đau nhức, sưng đỏ xương khớp ở người bệnh.
  • Liên kết lại các mô ở khớp giúp cơ thể hoạt động dẻo dai, linh hoạt hơn.

Đối với những loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng bổ sung có thành phần Glucosamine, chủ yếu công dụng của chế phẩm nhằm hỗ trợ giúp giảm thiểu nguy cơ thoái hóa khớp. Các loại thuốc và viên uống bổ sung glucosamine không có tác dụng giảm đau tức thời. Vì thế người mắc bệnh đau nhức xương khớp, thoái hóa hoặc viêm khớp không sử dụng glucosamine như thuốc giảm đau. Để điều trị viêm khớp, người bệnh nên dùng thêm các thuốc kháng viêm để đạt kết quả điều trị tốt hơn.

Trên thị trường có nhiều loại thuốc bổ sung Glucosamine đến từ nhiều thương hiệu khác nhau, tuy nhiên mỗi loại sẽ có thêm một vài thành phần khác nhau để bổ trợ cho cơ thể một cách hiệu quả nhất, tùy thuộc vào nhu cầu của người bệnh. Vì thế khi bạn muốn mua bất kỳ loại thuốc bổ sung Glucosamine nào thì tốt nhất nên đọc kỹ thành phần, lưu ý khi sử dụng cần hỏi tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa.

3. Uống glucosamine có hại thận không?

Việc bổ sung Glucosamine thông qua chế độ dinh dưỡng hàng ngày đảm bảo tính an toàn tuyệt đối và không gây ra những phản ứng phụ. Tuy nhiên ở hình thức bổ sung này thường không đáp ứng đủ nhu cầu glucosamine của cơ thể. Do đó phần lớn chúng ta đều chọn lựa cách bổ sung glucosamine dạng uống, hay còn gọi là thực phẩm chức năng.

Ở dạng viên uống, glucosamine được sản xuất từ vỏ của loài giáp xác và một số sinh vật có vỏ. Chế phẩm dùng dưới dạng uống, có tác dụng giảm đau và cải thiện những triệu chứng liên quan đến viêm xương khớp. Uống glucosamine cũng tương tự như những loại thực phẩm chức năng khác, bạn cần duy trì điều độ liệu trình quy định từ 3 – 6 tháng mới nhận thấy hiệu quả phát huy rõ.

Hầu hết các chế phẩm glucosamine đều thuộc nhóm thực phẩm chức năng. Vì thế nên việc sử dụng glucosamine như thuốc điều trị bệnh xương khớp là sai lầm mà nhiều người mắc phải. Bởi việc lạm dụng glucosamine lâu dài sẽ ảnh hưởng đến chức năng gan và thận, liều lượng thành phần giữa các loại glucosamine khác biệt và không có nghiên cứu nào đo lường được mức bổ sung an toàn đối với dạng thực phẩm chức năng này.

Người bị sỏi thận có nên uống glucosamine? Hiện vẫn chưa có thông tin chính thống nào khẳng định về việc uống glucosamine có thể gây hại cho thận. Tuy nhiên đã có khuyến cáo dành cho bệnh nhân suy thận không nên dùng thực phẩm chức năng. Do Glucosamine được chuyển hóa nhiều ở gan và một số loại bắt buộc phải bài tiết qua thận nên khi dùng chế phẩm lâu dài sẽ ít nhiều gây ảnh hưởng đến cơ quan này.

Trong một số thống kê cho thấy những người dùng glucosamine hơn 2 năm bị tác dụng phụ là bệnh lý viêm thận kẽ cấp tính. Đồng thời cũng có những bệnh nhân có dấu hiệu suy thận không đặc hiệu và xét nghiệm lượng độc tính cao trong thận và gan, trước đó bệnh nhân đã có thời gian dài dùng các chế phẩm liên quan đến glucosamine.

Tóm lại vẫn chưa có câu trả lời chính xác cho câu hỏi uống glucosamine có hại thận không. Nhìn chung theo ý kiến của các chuyên gia sức khỏe và bác sĩ, thực phẩm chức năng không nằm trong danh mục thuốc điều trị đặc hiệu nhưng trong chúng vẫn tồn tại một số hóa dược và các chất bảo quản, chất hỗ trợ. Các chất này sẽ được xử lý tại gan và thải qua thận. Do đó nếu bạn đang mắc bệnh thận, hoặc thể trạng yếu thì nên thận trọng khi dùng glucosamine. Nếu đang sử dụng glucosamine, người bệnh nên chú ý theo dõi chức năng thận để phòng những tác dụng phụ tiềm ẩn xảy ra.

4. Những ai không nên sử dụng Glucosamine?

Những tác dụng phụ ở Glucosamine có tỷ lệ xảy ra cao hơn ở một số đối tượng nhất định. Đặc biệt đã có những ghi nhận glucosamine gây dị ứng ở một số người dị ứng với hải sản, tôm ốc,... Ngoài ra những đối tượng sau đây nên thận trọng khi sử dụng Glucosamine dạng thuốc và thực phẩm chức năng:

  • Không dùng glucosamine cho người dưới 18 tuổi hoặc dị ứng với các thành phần của sản phẩm.
  • Nhóm phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú.
  • Tránh sử dụng glucosamine cho người bệnh suy thận nặng
  • Không nên dùng glucosamine nếu người bệnh đang trong giai đoạn lọc máu chu kỳ.
  • Người có vấn đề về tim mạch, đang bị cảm cúm, hoặc đang điều trị nhiễm vi khuẩn tai, mũi, họng.
  • Những người lớn tuổi có vấn đề về huyết áp, hoặc mắc chứng đái tháo đường thận trọng khi sử dụng glucosamine.
  • Nếu bạn mắc chứng bệnh rối loạn đông máu bẩm sinh, hoặc chảy máu không ổn định không nên dùng thực phẩm chức năng
  • Trường hợp điều trị kéo dài với kháng sinh cần thông qua bác sĩ để được kê liều dùng cẩn thận.
  • Không kết hợp dùng Glucosamin với các loại thuốc hạ sốt giảm đau, thuốc điều trị tăng lipid máu để tránh tương tác thuốc.
  • Một số kích ứng từ Glucosamin sẽ gây kích thích các cơn hen xảy ra, vì thế nếu bạn mắc bệnh hen suyễn thì nên hạn chế sử dụng loại thực phẩm chức năng này.

Tóm lại, người bệnh cần xem xét liệu bản thân có cần thiết sử dụng glucosamine cho việc điều trị hay không. Nếu nằm trong số những trường hợp kể trên thì tốt nhất không nên sử dụng chế phẩm này. Ngoài ra người dùng cũng cần lưu ý đến thông tin về dạng bào chế, về hàm lượng và những thông tin quan trọng về sản phẩm. Nếu như glucosamine được bổ sung đúng liều lượng trong thời gian hợp lý sẽ đem đến những tác dụng tốt.

5. Tác dụng phụ của Glucosamine

Các tác dụng phụ của glucosamine đã được ghi nhận sau thời gian dài người dùng bổ sung sai cách. Phần lớn glucosamine dạng chế phẩm bổ sung thường được dung nạp tốt, nhưng nhiều ghi nhận cho thấy những bệnh nhân lạm dụng glucosamine xảy ra các phản ứng bất lợi. Những phản ứng thường gặp nhất bao gồm tình trạng kích thích nhu động ruột, buồn nôn, nôn, ợ nóng, tiêu chảy, táo bón. Ngoài ra một số người bệnh cũng nhận định glucosamine gây ra các phản ứng nhạy cảm ở vùng thượng vị. Tình trạng này thường xảy ra khi glucosamine được dùng trước bữa ăn.

Ngoài ra việc sử dụng Glucosamin không đúng cách còn gây ra những phản ứng nghiêm trọng khác, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa như đầy bụng, chướng bụng, đi ngoài phân lỏng, đau bụng râm ran. Những bệnh nhân điều trị cùng glucosamine nhằm mục đích giảm đau trong thời gian dài cũng nhận thấy những biểu hiện như khó ngủ, choáng váng, làn da và cấu trúc móng bong tróc, khô,...

Một số người dùng nhận định Glucosamin gây huyết áp cao tạm thời khiến họ lo lắng. Bên cạnh đó, một số cáo liên quan đến glucosamine về những trường hợp người dùng gặp phải những phản ứng trên da (mẩn ngứa, nổi mề đay). Những người sử dụng glucosamine có phản ứng dị ứng hoặc sốc phản vệ sẽ có triệu chứng tức ngực và tím tái, tuy nhiên những trường hợp này rất hiếm gặp.

Những lưu ý khi sử dụng thuốc bổ sung Glucosamine

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, chỉ nên sử dụng glucosamine nếu như bạn đang gặp các vấn đề về xương khớp. Để cho Glucosamine được hấp thụ tốt thì người dùng cần biết cách sử dụng đúng, từ đó mới có thể phát huy tốt nhất những lợi ích của chế phẩm này và không phát sinh tác dụng phụ. Sau đây là những lưu ý khi bạn sử dụng glucosamine:

  • Thông thường trong 1 viên nén Glucosamine có khoảng 1500 mg gluco nguyên chất, để hoạt động phân giải diễn ra tốt thì bạn nên uống glucosamine trong bữa ăn hoặc ngay sau khi ăn.
  • Khi uống Glucosamine, bạn uống cùng với nhiều nước, sử dụng nước lọc hoặc nước ấm thay vì các loại nước ngọt, nước hoa quả...
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng, bổ sung các thực phẩm, đồ uống lành mạnh, đồng thời nên hạn chế món ăn, thức uống không có lợi cho sức khỏe như bia rượu và thuốc lá.
  • Chuyên gia khuyến cáo người dùng nên duy trì liều dùng 1.500mg glucosamine/ngày 1-2 tháng đầu, và giảm dần liều dùng trong vòng 3 – 6 tháng sau.
  • Sử dụng nhiều loại glucosamine cùng lúc với liều lượng khác nhau có thể làm tăng các phản ứng quá liều, như tăng đường huyết, hoặc huyết áp thiếu ổn định.
  • Tùy thuộc cơ địa từng người mà khả năng tiếp nhận Glucosamin sẽ khác nhau, tuy nhiên người dùng nên tuân thủ thời gian điều trị và có liều sử dụng phù hợp.
  • Sau mỗi liệu trình điều trị kết hợp sử dụng glucosamine cùng các phương pháp y tế khác, cần khám tổng quát để đánh giá hiệu quả để tiếp tục liệu trình hoặc không.
  • Theo nhiều nghiên cứu, glucosamine được xếp vào nhóm thuốc tác dụng chậm. Glucosamine có tác dụng chính lên triệu chứng viêm khớp, có thể sẽ phát huy sau 2-3 tháng sử dụng liên tục.

Vận động thể thao hợp lý là điều kiện quan trọng để cơ thể khỏe mạnh

Việc uống glucosamine có hại thận không còn phụ thuộc vào cách sử dụng của người dùng. Tuy nhiên, cho đến nay đã có những nghiên cứu dài hạn cho thấy những thay đổi trong chức năng thận khi lạm dụng glucosamine trong thời gian dài. Vì thế người dùng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị và đọc kỹ các thông tin về thuốc, không được sử dụng thuốc quá liều hoặc kéo dài thời gian điều trị sẽ gây phản ứng phụ khó kiểm soát.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

56.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan