Thuốc tamiflu có tác dụng gì?

Bài viết bởi Dược sĩ Huỳnh Xuân Lộc - Khoa Dược - Bệnh viện Vinmec Central Park

Tamiflu (hoạt chất oseltamivir phosphate) là một thuốc kháng virus điều trị bệnh cúm, thuốc hoạt động thông qua việc tấn công gây bệnh cúm, ngăn cản chúng không nhân lên trong cơ thể người bệnh và giúp làm giảm các triệu chứng của bệnh. Tamiflu tùy trường hợp có thể giúp phòng ngừa bệnh cúm nếu người bệnh dùng thuốc trước khi mắc bệnh.

1. Bệnh cúm là gì? Biểu hiện ra sao?

Bệnh cúm là tình trạng nhiễm virus cúm ở đường hô hấp gây ra các triệu chứng như sốt, ớn lạnh, đau mỏi người, ho và đau họng. Ho thường nặng và kéo dài, có thể kèm theo các triệu chứng đường tiêu hóa (buồn nôn, nôn, tiêu chảy), đặc biệt ở trẻ em. Bệnh cúm có thể chỉ biểu hiện bằng các triệu chứng cảm lạnh thông thường kể trên nhưng cũng có thể tăng nặng thành bệnh viêm phổi đe dọa tính mạng hoặc các biến chứng nguy hiểm khác.

Các triệu chứng của cúm khác gì so với các triệu chứng cảm lạnh?
Biểu hiện cảm cúm

2. Điều trị bệnh cúm như thế nào?

Đa phần người bệnh cúm có thể tự hồi phục trong khoảng 1 đến 2 tuần mà không cần điều trị. Tuy nhiên một số biến chứng nghiêm trọng của bệnh cúm có thể xuất hiện và cần phải được điều trị tại các cơ sở y tế.

Điều trị bệnh cúm bao gồm điều trị triệu chứng bệnh và điều trị bằng thuốc kháng virus đặc hiệu. Không phải người bệnh cúm nào cũng cần điều trị bằng thuốc kháng virus mà chỉ những người có các yếu tố nguy cơ hoặc có tình trạng bệnh, biến chứng đáng lưu ý mới cần dùng thuốc. Do vậy, việc dùng thuốc kháng virus cho người bệnh là quyết định của bác sĩ điều trị được cân nhắc trong từng trường hợp người bệnh cụ thể.

3. Chỉ định, chống chỉ định của thuốc Tamiflu?

Tamiflu được chỉ định điều trị cúm ở người lớn và trẻ em bao gồm cả trẻ sơ sinh đủ tháng (mắc virus cúm týp A và týp B). Tamiflu còn được dùng để phòng ngừa bệnh cúm ở người lớn và trẻ em từ 1 tuổi trở lên tuy nhiên việc dùng thuốc này không thay thế việc tiêm phòng bằng vaccin cúm phù hợp.

Thuốc Tamiflu chống chỉ định dùng trong các trường hợp quá mẫn với Oseltamivir phosphat hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.

4. Tamiflu có phải là thuốc kháng virus duy nhất dùng để điều trị bệnh cúm không?

Tamiflu không phải là thuốc kháng vi rút duy nhất dùng cho bệnh cúm. Một số thuốc kháng vi rút khác có chỉ định để điều trị bệnh cúm như Relenza (HC: zanamivir), Rapivab (HC: peramivir) và Xofluza (HC: baloxavir). Hiện nay ở Việt Nam, Tamiflu và Relenza là 2 thuốc được cấp phép lưu hành để điều trị cúm. Việc lựa chọn thuốc, liều dùng thuốc để điều trị bệnh tùy thuộc vào loại vi rút gây bệnh và phụ thuộc vào quyết định và cân nhắc của bác sĩ điều trị tùy từng trường hợp cụ thể.

Thuốc Tamiflu và Relenza đang được lưu hành ở Việt Nam
Thuốc Tamiflu và Relenza đang được lưu hành ở Việt Nam

5. Cách dùng Tamiflu như thế nào? Thuốc nên được uống trước hay sau ăn?

Tamiflu hiện có dạng bào chế viên nang cứng và dạng hỗn dịch cho các đối tượng người bệnh và độ tuổi khác nhau; liều dùng của thuốc dựa trên chẩn đoán, mục đích dùng thuốc, độ tuổi và cân nặng của người bệnh. Tamiflu là thuốc kê đơn và chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ.

Người bệnh được khuyến cáo nuốt nguyên viên nang cứng khi dùng thuốc hoặc uống hỗn dịch thuốc với liều do bác sĩ chỉ định. Trường hợp không thể nuốt được thuốc viên và không có dạng hỗn dịch thay thế, người bệnh có thể mở viên nang ra và lấy bột thuốc bên trong hòa với lượng nhỏ chất lỏng có vị ngọt để giảm bớt mùi vị của thuốc khi uống.

Sự hấp thu của thuốc không bị ảnh hưởng bởi thức ăn nên người bệnh có thể dùng thuốc trước hoặc sau ăn đều được. Tuy nhiên thuốc nên được dùng cùng bữa ăn vì có thể giúp giảm tác dụng phụ gây buồn nôn và nôn của thuốc.

6. Tác dụng phụ thường gặp của Tamiflu là gì?

Tác dụng phụ thường gặp nhất khi dùng Tamiflu là buồn nôn và nôn, đau đầu. Thông thường, triệu chứng buồn nôn, nôn không nghiêm trọng và chỉ xảy ra trong 2 ngày đầu điều trị. Dùng Tamiflu cùng với bữa ăn có thể giúp giảm tác dụng phụ này.

Ngoài ra, còn có thể gặp các triệu chứng khác như đau bụng, mệt mỏi khi dùng thuốc. Phản ứng dị ứng như nổi mẩn đỏ trên da là hiếm gặp; nếu xuất hiện mẩn đỏ sau khi dùng thuốc, người bệnh cần ngưng thuốc và đến khám tại các cơ sơ y tế ngay lập tức.

7. Tương tác thuốc cần lưu ý khi dùng Tamiflu?

Nhìn chung Tamiflu ít có tương tác với các thuốc khác. Các thuốc có ghi nhận tương tác với Tamilfu bao gồm Probenecid và Dichlorphenamide (làm tăng nồng độ chất chuyển hóa có hoạt tính của Oseltamivir trong máu). Cần lưu ý khi tiêm vắc xin ngừa cúm trong thời gian đang dùng Tamiflu do lo ngại các thuốc kháng vi rút sẽ làm mất hoạt tính của các vắc xin này.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Tài liệu tham khảo:

  1. Center for Drug Evaluation and Research. (2017, November 14). Tamiflu: Consumer Questions and Answers. Retrieved February 5, 2020, from https://www.fda.gov/drugs/postmarket-drug-safety-information-patients-and-providers/tamiflu-consumer-questions-and-answers
  2. Ngân hàng dữ liệu ngành Dược, Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế. (2014). Tamiflu - VN-18299-14. Retrieved January 25, 2020, from https://drugbank.vn/thuoc/Tamiflu&VN-18299-14
  3. Roche Registration GmbH. (2019, February 21). Tamiflu 75 mg Hard Capsules. Retrieved January 25, 2020, from https://www.medicines.org.uk/emc/product/1194/smpc
  4. Raphael Dolin (2018). Patient education: Influenza symptoms and treatment (Beyond the Basics). In Allyson Bloom (Ed.), UpToDate. Retrieved February 5, 2019, from https://www.uptodate.com/contents/influenza-symptoms-and-treatment-beyond-the-basics
Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

309.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan