Thuốc Mycobutin: Công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng

Trong tình hình vấn đề kháng kháng sinh ngày một nóng lên như hiện nay, việc hiểu đúng công dụng và cách dùng của những loại kháng sinh là cực kì cấp thiết. Bài viết này sẽ cung cấp thêm một số thông tin quan trọng của thuốc kháng sinh Mycobutin để người tiêu dùng hạn chế tối đa hệ lụy nguy hiểm có thể xảy ra.

1. Mycobutin có tác dụng gì

Với hoạt chất chính là Rifabutin, thuốc Mycobutin thường được sử dụng một mình hoặc với một loại thuốc khác để giúp ngăn ngừa, hỗ trợ điều trị một số bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng. Rifabutin được biết đến như một loại kháng sinh rifamycin, hoạt động bằng cách ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn. Vì vậy, Mycobutin chỉ đặc hiệu với vi khuẩn mà không có tác dụng đối với các bệnh nhiễm trùng do vi rút (như cảm lạnh thông thường, cúm). Để tránh hiện tượng kháng kháng sinh, việc người bệnh sử dụng bất kỳ loại kháng sinh nào khi không cần thiết hay không được chỉ định có thể khiến thuốc không có tác dụng đối với các bệnh nhiễm trùng trong tương lai.

thuốc Mycobutin
Thuốc Mycobutin đóng vai trò điều trị các bệnh nhiễm trùng

2. Lưu ý khi sử dụng Mycobutin

Thuốc Mycobutin nên nhận được sự chỉ định từ bác sĩ dựa trên tình trạng bệnh của bạn; chống chỉ định với người quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của thuốc. Thông thường, liều lượng phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, cân nặng, các loại thuốc tương tác và khả năng đáp ứng điều trị của bạn. Phần lớn, người bệnh dung nạp Mycobutin qua đường uống, một hoặc hai lần mỗi ngày, uống cùng với thức ăn nếu bạn bị đau dạ dày. Để điều trị bệnh lao, thuốc Mycobutin có thể chỉ được chỉ định hai lần mỗi tuần.

Lưu ý tiếp tục dùng thuốc này cho đến khi hết số lượng theo quy định, ngay cả khi các triệu chứng bệnh thuyên giảm và biến mất. Ngừng thuốc quá sớm hoặc bỏ qua liều có thể là nguyên nhân khiến vi khuẩn tiếp tục phát triển, dẫn đến nhiễm trùng trở lại và khó điều trị hơn.

Trước khi dùng thuốc Mycobutin, hãy cho bác sĩ biết nếu bạn:

  • Bị dị ứng với thuốc hoặc với các rifamycins khác (chẳng hạn như rifampin); hay bất kỳ dị ứng nào khác.
  • Có tiền sử bệnh, đặc biệt là: Bệnh thận, bệnh gan, rối loạn máu (rối loạn chuyển hóa porphyrin).
  • Đang sử dụng bất kỳ sản phẩm dược nào bao gồm thuốc theo toa, thuốc không kê đơn và các sản phẩm thảo dược.
  • Trong thời kỳ mang thai, thuốc Mycobutin chỉ nên được sử dụng khi thật cần thiết. Do đó, nếu bạn có kế hoạch mang thai, đang có thai hoặc cho con bú, hãy trao đổi chi tiết với bác sĩ về rủi ro và lợi ích của thuốc.

3. Tác dụng phụ của thuốc Mycobutin

Thực tế không phải tất cả người dùng Mycobutin đều gặp tác dụng phụ. Do vậy, bạn nên lắng nghe cơ thể và liên hệ ngay với các cơ sở y tế khi thấy có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào xảy ra với mình, điển hình như:

  • Có thể xảy ra tiêu chảy, đau dạ dày, thay đổi khẩu vị hoặc buồn nôn/nôn.
  • Dễ chảy máu/bầm tím, dấu hiệu nhiễm trùng mới (chẳng hạn như sốt, đau họng dai dẳng/ho), yếu/đau cơ, sưng đau khớp, đau mắt/mẩn đỏ, các vấn đề về thị lực, đau/tức ngực, buồn nôn/nôn dai dẳng, suy nhược/mệt mỏi bất thường, nước tiểu sẫm màu, vàng mắt/da
  • Bất kỳ dấu hiệu nào của phản ứng dị ứng nghiêm trọng, bao gồm: phát ban, ngứa/sưng (đặc biệt là mặt/lưỡi/cổ họng), chóng mặt nghiêm trọng, khó thở.

Thuốc Mycobutin có thể khiến nước tiểu, mồ hôi, nước bọt hoặc nước mắt chuyển sang màu nâu cam. Tác dụng phụ này thường là vô hại và sẽ biến mất khi ngừng thuốc. Tuy nhiên, răng giả và kính áp tròng có thể bị ố vĩnh viễn.

Một trong những tác dụng phụ hiếm khi có thể xảy ra là tiêu chảy do Clostridium difficile (một loại vi khuẩn kháng thuốc). Tình trạng này có thể xảy ra trong khi điều trị hoặc vài tuần đến vài tháng sau khi ngừng điều trị. Mặc dù vậy nhưng nếu không được sự chỉ dẫn của bác sĩ thì người bệnh không sử dụng thuốc chống tiêu chảy nếu có bất kỳ triệu chứng nào sau đây vì những sản phẩm này có thể làm cho bệnh trầm trọng hơn. Hãy liên hệ với bác sĩ nếu bạn bị: Tiêu chảy dai dẳng, đau bụng hoặc dạ dày/chuột rút, có máu/chất nhầy trong phân của bạn.

tác dụng phụ của thuốc Mycobutin
Thuốc Mycobutin có thể gây ra tình trạng đau dạ dày

4. Tương tác thuốc

Tương tác thuốc có thể thay đổi cách hoạt động của thuốc Mycobutin hoặc làm tăng nguy cơ mắc các tác dụng phụ nghiêm trọng. Tài liệu này không bao gồm tất cả các tương tác thuốc có thể nên bạn hãy giữ danh sách tất cả các sản phẩm đang sử dụng (bao gồm thuốc theo toa/không kê đơn và các sản phẩm thảo dược) và chia sẻ với bác sĩ. Lưu ý tuyệt đối không bắt đầu, ngừng hoặc thay đổi liều lượng của bất kỳ loại thuốc nào mà không có sự chấp thuận của bác sĩ.

Một số sản phẩm có thể tương tác với thuốc Mycobutin bao gồm: thuốc kháng nấm nhóm azole (như fluconazole, itraconazole, voriconazole), ciprofloxacin, delavirdine, kháng sinh nhóm macrolide (như clarithromycin).

Mycobutin có thể tăng tốc độ loại bỏ các loại thuốc khác khỏi cơ thể của bạn gây ảnh hưởng đến cách chúng hoạt động. Một số loại thuốc bị ảnh hưởng bao gồm aprepitant/fosaprepitant, lurasidone, phenytoin, ranolazine, suvorexant, tacrolimus, tasimelteon, thuốc chống đông máu (như warfarin), thuốc chặn kênh canxi (như diltiazem, verapamil), một số sản phẩm kết hợp nhất định được sử dụng để điều trị viêm gan C mãn tính (ombitasvir/paritaprevir/ritonavir. Thuốc Mycobutin có thể làm giảm hiệu quả của biện pháp tránh thai bằng nội tiết tố như thuốc viên, miếng dán hoặc đặt vòng.

Thuốc Mycobutin cũng có thể làm cho vắc-xin vi khuẩn sống (chẳng hạn như vắc-xin thương hàn) không hoạt động. Vì vậy, không tiêm chủng/chủng ngừa trong khi sử dụng thuốc này trừ khi bác sĩ yêu cầu.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

364 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan