Thuốc Gynoflor có tác dụng gì?

Gynoflor là viên đặt âm đạo có tác dụng điều trị phục hồi vi khuẩn lactobacillus trong âm đạo, đồng thời hỗ trợ cải thiện chứng viêm teo âm đạo, tiết dịch âm đạo do vi khuẩn và dự phòng tình trạng tái phát nhiễm khuẩn âm đạo. Trước và trong quá trình sử dụng thuốc Gynoflor, chị em cần tham khảo kỹ ý kiến của bác sĩ và dùng thuốc theo đúng chỉ định để đạt được hiệu quả tối ưu.

1. Gynoflor là thuốc gì?

Thuốc Gynoflor là dạng viên đặt âm đạo, được sử dụng chủ yếu để điều trị phục hồi số lượng vi khuẩn Lactobacillus acidophilus có trong âm đạo, tình trạng viêm teo âm đạo do thiếu hormone estrogen, tiết dịch âm đạo bởi vi khuẩn / nấm Candida và dự phòng nguy cơ nhiễm khuẩn âm đạo tái phát ở phụ nữ. Viên đặt Gynoflor được sản xuất bởi Haupt Pharma, thuộc nhóm thuốc phụ khoa, với quy cách đóng gói hộp 1 vỉ x 6 viên hoặc hộp 2 vỉ x 6 viên, có chứa các hoạt chất chính sau đây:

  • Khoảng 100 triệu vi khuẩn Lactobacillus acidophilus sống
  • Hoạt chất Estriol hàm lượng 0,03mg.
  • Các tác dược vừa đủ một viên: Cellulose vi tinh thể, Dinatri phosphat khan, Lactose monohydrate, Magie stearat và tinh bột natri glycolat.

2. Thuốc Gynoflor có tác dụng gì?

2.1. Chỉ định sử dụng thuốc Gynoflor

Viên đặt Gynoflor thường được bác sĩ chỉ định sử dụng cho những trường hợp cụ thể dưới đây:

  • Phục hồi lượng vi khuẩn Lactobacillus ở âm đạo sau đợt điều trị toàn thân hoặc tại chỗ bằng hoá liệu pháp và một số loại thuốc chống nhiễm khuẩn.
  • Điều trị viêm teo âm đạo do tình trạng thiếu hụt hormone estrogen ở phụ nữ mãn kinh / sau khi mãn kinh, hoặc người đang điều trị kết hợp với liệu pháp thay thế hormone (HRT) toàn thân.
  • Trường hợp bị tiết dịch âm đạo bất thường không có nguyên nhân cụ thể, hoặc mắc bệnh về âm đạo gây ra bởi vi khuẩn, bệnh nấm Candida âm đạo mức độ từ nhẹ cho đến vừa phải (không cần thiết phải áp dụng liệu pháp kháng khuẩn).
  • Thuốc Gynoflor được chỉ định thêm cho việc dự phòng các tình trạng có nguy cơ cao tái phát nhiễm khuẩn âm đạo.

2.2. Cơ chế hoạt động và công dụng của thuốc Gynoflor

Xét về thành phần chính Lactobacillus acidophilus trong thuốc Gynoflor, đây là một loại lợi khuẩn có vai trò quan trọng trong việc giữ cho âm đạo của phụ nữ luôn khỏe mạnh. Những vi sinh vật này đều là các vi khuẩn không có khả năng gây bệnh, chúng thường kích thích lên men glycogen dự trữ ở biểu mô âm đạo để chuyển hoá thành dạng acid lactic. Khi tạo ra môi trường acid có độ pH từ 3,8 – 4,5 có thể ngăn chặn sự chiếm chỗ và phát triển của các vi khuẩn gây bệnh, đồng thời giúp tạo điều kiện thuận lợi cho sự tăng sinh các lợi khuẩn lactobacillus. Không những vậy, các lactobacillus acidophilus còn giúp kích thích sự sản sinh hydrogen peroxide và bacteriocin – những chất có tác dụng ức chế sự sinh sôi và phát triển của vi sinh vật gây mầm bệnh tại âm đạo phụ nữ.

Hoạt chất chính khác trong viên đặt Gynoflor là estriol – đây là một loại hormone có công hiệu tương tự như nội tiết tố estrogen ở phái nữ. Nhìn chung, hoạt chất này có tác dụng đặc hiệu trên âm đạo, tuy nhiên không tác động đến niêm mạc tử cung. Trong thuốc Gynoflor, thành phần estriol đóng vai trò giúp đảm bảo sự tăng sinh và phát triển của các biểu mô âm đạo, nhờ đó tạo nên một hàng rào bảo vệ tự nhiên cũng như dự trữ được nguồn glycogen cần thiết cho các lactobacillus.

Estriol ngoại sinh khi được dùng với liều thấp cũng có tác dụng cải thiện sự tăng trưởng và phát triển khoẻ mạnh của các biểu mô trong âm đạo. Điều này giúp mang lại điều kiện tối ưu để phục hồi số lượng lợi khuẩn lactobacillus ở âm đạo nữ giới.

Khái niệm điều trị của thuốc Gynoflor dựa trên khả năng phục hồi lượng lợi khuẩn âm đạo nhờ các lactobacillus ngoại sinh, tác dụng cải thiện sự tăng sinh và trưởng thành biểu mô âm đạo của estriol ngoại sinh. Từ đó dẫn đến tái thiết lập sự cân bằng sinh lý cho các vi khuẩn sinh sống trong môi trường âm đạo cũng như các biểu mô âm đạo.

Theo nghiên cứu, hoạt chất estriol và lợi khuẩn lactobacillus acidophilus trong viên đặt Gynoflor có thể phát huy tốt nhất công dụng của mình khi được điều trị tại chỗ trong âm đạo phụ nữ. Do lactobacillus là một lợi khuẩn tự nhiên trong cơ thể, vì thế chúng sẽ được hấp thu hoàn toàn. Đối với hoạt chất estriol sẽ ở dạng không có hoạt tính sinh học khi được đào thải qua đường nước tiểu.

3. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Gynoflor

3.1. Liều lượng sử dụng thuốc Gynoflor

Liều dùng viên đặt âm đạo Gynoflor sẽ được xác định dựa trên mục tiêu điều trị chính và tình trạng của người bệnh, cụ thể:

  • Liều thông thường cho điều trị phục hồi vi sinh sinh vật trong âm đạo, tình trạng tiết dịch âm đạo không rõ nguyên do, nhiễm khuẩn âm đạo từ mức nhẹ - trung bình: Đặt 1 – 2 viên Gynoflor / ngày, điều trị liên tục trong vòng 6 – 12 ngày.
  • Liều thông thường cho điều trị viêm teo âm đạo: Đặt 1 viên Gynoflor / lần / ngày, điều trị trong vòng 6 – 12 ngày, sau đó sử dụng liều duy trì 1 viên / lần, dùng khoảng 1 – 2 ngày / tuần.

3.2. Cách sử dụng thuốc Gynoflor

Thuốc Gynoflor có thể phát huy tác dụng tốt nhất khi được đặt sâu trong âm đạo và sử dụng vào buổi tối trước khi đi ngủ. Dưới đây là những lưu ý để sử dụng đúng cách viên đặt Gynoflor:

  • Khi đặt thuốc, bạn nên thực hiện ở tư thế nằm, sao cho cẳng chân hơi gập lại.
  • Nếu âm đạo có triệu chứng khô, bạn có thể làm ướt viên thuốc rồi mới đặt vào âm đạo.
  • Chị em có thể dùng một băng lót hoặc khăn vệ sinh khi đặt Gynoflor.

Do Gynoflor có chứa các tá dược không có khả năng hòa tan hoàn tan, vì vậy bạn có thể nhận thấy lượng thuốc bài xuất dính trên bề mặt quần lót. Tuy nhiên, điều này là hoàn bình thường và không ảnh hưởng đến công hiệu của thuốc Gynoflor. Ngoài ra, trong quá trình điều trị, bạn không nên sử dụng viên đặt khi đang có kinh nguyệt, thay vào đó hãy đợi kỳ kinh qua đi rồi mới dùng tiếp. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng cần tránh sử dụng vòi tắm ấm đạo hoặc thụt rửa sâu âm đạo trong suốt quá trình điều trị bằng thuốc Gynoflor.

4. Cần làm gì khi sử dụng quá liều hoặc quên liều thuốc Gynoflor?

Trường hợp trót quên liều thuốc Gynoflor

Mặc dù việc lỡ sử dụng thiếu một liều thuốc Gynoflor không gây tác hại gì, tuy nhiên nó có thể ảnh hưởng đến mức độ hiệu quả điều trị của viên đặt. Nhằm giúp điều trị dứt điểm được tình trạng nhiễm khuẩn âm đạo, bạn nên đặt thuốc đều đặn theo đúng tần suất và liều lượng đã được chỉ định bởi bác sĩ. Nếu bạn lỡ quên liều thuốc, hãy cố gắng đặt ngay vào thời điểm nhớ ra sớm nhất. Nhìn chung, bạn nên duy trì khoảng thời gian giữa 2 lần đặt Gynoflor ít nhất 8 giờ.

Trường hợp sử dụng quá liều Gynoflor

Hiện nay, chưa có bất kỳ báo cáo nào về sự nguy hiểm của Gynoflor khi dùng quá liều. Tuy nhiên, tình trạng này cũng không làm tăng độ hiệu quả điều trị của thuốc, thậm chí khiến bệnh nhân có nguy cơ gặp phải một số tác dụng phụ ngoài ý muốn. Bởi vậy, người bệnh chỉ nên dùng thuốc theo đúng liều lượng mà bác sĩ yêu cầu, tránh tự ý tăng liều vì mục đích điều trị cá nhân.

5. Các trường hợp chống chỉ định sử dụng thuốc Gynoflor

Nhìn chung, thuốc Gynoflor có tốt không còn tùy thuộc vào mục tiêu điều trị cũng như những tình trạng sức khoẻ khác mà bệnh nhân đang mắc phải. Dưới đây là những trường hợp không được phép sử dụng thuốc Gynoflor khi chưa có sự chấp thuận của bác sĩ:

  • Người bị dị ứng hoặc quá mẫn cảm với hoạt chất hay bất kỳ tá dược nào có trong viên đặt Gynoflor.
  • Phụ nữ có các khối u phụ thuộc estrogen (thay đổi ác tính) tại tử cung, vú hoặc âm đạo.
  • Phụ nữ nghi ngờ hoặc có triệu chứng mắc viêm nội mạc tử cung rõ rệt.
  • Phụ nữ bị xuất huyết âm đạo không rõ nguyên do cụ thể.
  • Thiếu nữ chưa đạt được mức độ trưởng thành hoàn toàn về sinh dục.

6. Một số lưu ý quan trọng trong quá trình điều trị bằng thuốc Gynoflor

6.1. Tác dụng phụ của thuốc Gynoflor

Trong thời gian sử dụng viên đặt Gynoflor, một số tác dụng phụ không mong muốn có thể phát sinh và gây ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Tuy nhiên, đa phần các tác dụng phụ đều xảy ra tại vị trí điều trị, hiếm khi xuất hiện tác dụng phụ toàn thân. Dưới đây là những tác dụng không mong muốn do thuốc Gynoflor gây ra:

  • Triệu chứng ngứa kèm nóng rát nhẹ (chiếm 1,6%), có thể xuất hiện ngay sau khi bệnh nhân đặt thuốc vào âm đạo.
  • Hiếm khi gặp phải phản ứng không dung nạp thuốc, bao gồm ngứa hoặc đỏ tấy vị trí điều trị.

Đối với trường hợp nuốt nhầm viên đặt Gynoflor thường không ghi nhận tác dụng phụ nào cho người bệnh. Nếu xảy ra phản ứng dị ứng với các thành phần của thuốc, bạn cần ngưng sử dụng thuốc và báo ngay cho bác sĩ về tình trạng mà mình đang gặp phải để có biện pháp xử lý đúng cách.

6.2. Cần thận trọng gì khi sử dụng thuốc Gynoflor?

Theo khuyến cáo của chuyên gia, phụ nữ mang thai cần thận trọng khi sử dụng viên đặt Gynoflor, nhất là trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ. Nhằm ngăn chặn những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra, bạn cần báo cho bác sĩ về tình trạng mang thai của mình trước khi đưa ra quyết định sử dụng thuốc.

Đối với phụ nữ cho con bú, việc sử dụng thuốc Gynoflor là trong mức độ cho phép của bác sĩ và không gây ảnh hưởng gì đến chất lượng sữa cũng như sức khỏe trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, cũng giống như bất kỳ loại thuốc nói chung khác, phụ nữ cho con bú cũng nên thận trọng và tham khảo kỹ ý kiến của bác sĩ về lợi ích và nguy cơ khi dùng thuốc Gynoflor.

6.3. Gynoflor có thể tương tác với các loại thuốc nào?

Tình trạng tương tác giữa các loại thuốc có thể làm giảm khả năng hoạt động hoặc tăng nguy cơ gặp phải tác dụng phụ cho bệnh nhân. Chính vì vậy, bạn cần thống kê danh sách các loại thuốc hoặc sản phẩm mà mình đang sử dụng cho bác sĩ biết, bao gồm thuốc không kê đơn, thuốc theo toa, thảo dược hoặc thực phẩm chức năng. Theo nghiên cứu khoa học cho biết, Gynoflor có thể tương tác với các thuốc cũng như các tình trạng sau:

  • Thuốc chống nhiễm khuẩn khác (toàn thân hoặc tại chỗ): Thành phần lactobacillus acidophilus trong Gynoflor có thể nhạy cảm với một số loại thuốc chống nhiễm khuẩn khác. Khi điều trị phối hợp 2 loại thuốc này có thể làm giảm công hiệu của viên đặt Gynoflor.
  • Bia rượu, thuốc lá hoặc thức ăn: Bạn cần trao đổi với bác sĩ khi sử dụng Gynoflor cùng với thức ăn hoặc các chất kích thích.
  • Tình trạng sức khoẻ: Báo cho bác sĩ biết về vấn đề sức khoẻ mà bạn đang mắc phải bởi nó có thể gây ảnh hưởng đến công dụng điều trị của thuốc Gynoflor.

6.4. Điều kiện bảo quản thuốc Gynoflor

Viên đặt Gynoflor nên được bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh ở nhiệt độ dao động từ 2 – 8 độ C. Ngoài ra, người bệnh cũng nên bảo quản thuốc Gynoflor ở nhiệt độ phòng trong thời gian từ 1 – 2 tuần. Nếu để thuốc quá thời gian này có thể gây ảnh hưởng đáng kể đến công dụng điều trị bệnh của Gynoflor.

Trong trường hợp nhận thấy viên đặt có biểu hiện ẩm mốc, hư hại hoặc thay đổi màu sắc, bạn cần dừng sử dụng ngay và báo cho bác sĩ để có biện pháp xử lý thuốc đúng cách.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

115.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan