Thuốc Glumeform XR: Công dụng và lưu ý khi sử dụng

Bài viết của Dược sĩ - Thạc sĩ Phạm Thị Kim Dung - Khoa Dược - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Thuốc Glumeform XR có hoạt chất là metformin hydroclorid, sử dụng điều trị tiểu đường type 2 ở người lớn. Thuốc được bào chế dưới dạng viên nén giải phóng kéo dài với các hàm lượng 500mg, 750mg, 1.000mg.

1. Công dụng của thuốc Glumeform XR

Thuốc Glumeform XR được sử dụng điều trị tiểu đường type 2 ở người lớn, đặc biệt ở người béo phì, hoặc khi chế độ ăn uống luyện tập không kiểm soát được đường huyết. Thuốc có thể được sử dụng độc lập hoặc phối hợp với các thuốc điều trị tiểu đường đường uống khác hoặc insulin.

Glumeform XR giúp giảm đường huyết thông qua việc giảm tân tạo đường tại gan, giảm hấp thu đường tại ruột và cải thiện nhạy cảm với insulin, hormon làm tăng sử dụng glucose ngoại vi và đưa glucose vào tế bào.

Thông thường, tác dụng của thuốc thấy rõ sau khoảng 2 tuần dùng thuốc đều đặn. Bệnh nhân chỉ được sử dụng thuốc sau khi được bác sĩ thăm khám, đánh giá, tư vấn và kê đơn.

Glumeform 500 XR
Thuốc Glumeform XR được sử dụng điều trị tiểu đường type 2 ở người lớn

2. Cách sử dụng và liều dùng của thuốc Glumeform XR

Bệnh nhân nên uống thuốc ngay sau bữa ăn để giảm tác dụng phụ trên đường tiêu hóa. Thuốc được bào chế dưới dạng giải phóng kéo dài để tăng thời gian tác dụng, tăng hiệu quả điều trị và giảm tác dụng phụ. Do đó, nên uống thuốc nguyên viên vào thời điểm cố định trong ngày để tránh bị quên thuốc; khi uống không nhai hoặc nghiền thuốc.

Liều khởi đầu đối với bệnh nhân đang không sử dụng metformin là 500mg x 1 lần/ ngày. Thuốc có thể được tăng liều thêm 500mg sau mỗi 1 - 2 tuần, tùy theo mục tiêu đường huyết và đáp ứng của bệnh nhân. Thông thường, dạng thuốc giải phóng kéo dài được khuyến cáo liều tối đa là 2.000mg/ ngày. Glumeform XR được bào chế có 3 hàm lượng khác nhau 500mg, 750mg và 1.000mg nên giúp bác sĩ và bệnh nhân dễ dàng chỉnh liều từ từ theo hiệu quả của thuốc và khả năng dung nạp.

Trong trường hợp sử dụng liều 1 lần /ngày mà chưa đạt hiệu quả mong đợi, bác sĩ có thể tư vấn bạn chia liều thành 2 lần/ ngày để tối ưu hiệu quả của thuốc trước khi tăng liều hoặc phối hợp thêm các thuốc khác.

Trường hợp bị rối loạn chức năng gan, rối loạn chức năng thận, bác sĩ có thể cân nhắc tăng liều chậm hơn và để mức liều tối đa thấp hơn. Glumeform XR không nên được sử dụng cho bệnh nhân suy giảm chức năng thận nặng hoặc suy gan nặng. Không khuyến cáo dùng Glumeform XR cho trẻ em do chưa có đủ dữ liệu về hiệu quả và an toàn.

Glumeform 750 XR
Thuốc Glumeform XR được sử dụng bằng đường uống

3. Tác dụng không mong muốn của thuốc Glumeform XR

Khi sử dụng Glumeform XR, bệnh nhân có thể mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn, nôn, đầy bụng, khó tiêu, đau bụng, tiêu chảy... Thông thường, các tác dụng phụ trên đường tiêu hóa nhẹ và thoáng qua, có thể giảm thiểu bằng việc uống thuốc sau khi ăn no. Khi khởi đầu từ liều thấp và tăng liều từ từ, hầu hết bệnh nhân dung nạp Glumeform XR khá tốt, các tác dụng tiêu hóa thường giảm và biến mất sau một vài tuần điều trị. Trường hợp các tác dụng phụ này kéo dài, gây mệt mỏi nhiều hoặc ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, bạn cần trao đổi ngay với bác sĩ để được tư vấn và xử trí kịp thời.

Sử dụng Glumeform XR lâu dài sẽ có nguy cơ thiếu vitamin B12 do giảm hấp thu. Bác sĩ có thể kê đơn bổ sung vitamin nhóm B cho bạn, bao gồm vitamin B12. Một số trường hợp, bác sĩ có thể cân nhắc đo nồng độ vitamin B12 trong máu và sử dụng vitamin đường tiêm.

Mặc dù rất hiếm gặp, một số trường hợp toan lactic đã xảy ra ở bệnh nhân sử dụng metformin, đặc biệt trên những bệnh nhân >65 tuổi, uống nhiều rượu bia, suy tim, suy giảm chức năng gan thận cấp tính... Các biểu hiện ban đầu có thể bao gồm: Mệt mỏi khó chịu, cảm giác ớn lạnh, đau bụng, buồn nôn hoặc nôn, đau mỏi cơ hoặc chuột rút, tim đập nhanh hoặc chậm hoặc không bình thường, khó thở, chóng mặt, buồn ngủ hoặc lơ mơ... Bệnh nhân cần tới bác sĩ ngay nếu thấy những biểu hiện này trong thời gian dùng thuốc. Tác dụng phụ hiếm gặp này cũng liên quan tới liều dùng. Do đó, bạn không nên tự ý tăng liều thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ.

Mặc dù ít gặp, hạ đường huyết có thể xảy ra khi bạn dùng Glumeform XR, đặc biệt khi bạn nhịn ăn hoặc dùng thuốc phối hợp với insulin hoặc các thuốc điều trị tiểu đường đường uống khác. Bệnh nhân có thể cảm thấy đói cồn cào, vã mồ hôi, nhịp tim nhanh, run, mệt mỏi, chóng mặt. Khi gặp những biểu hiện này, bạn có thể ăn vài viên đường glucose hoặc vài viên kẹo cứng cho tới khi đỡ các triệu chứng. Bạn cũng nên trao đổi với bác sĩ khi đến thăm khám về các cơn hạ đường huyết của bạn trong tháng để được tư vấn và điều chỉnh liều thuốc.

Nếu có những bất thường nghiêm trọng như phản ứng dị ứng và tổn thương da nặng, bệnh nhân cần đến bệnh viện ngay để được thăm khám và xử trí kịp thời. Kể cả khi không gặp các tác dụng phụ, bạn vẫn nên tái khám định kỳ hoặc theo hẹn để được bác sĩ theo dõi, chỉnh liều và tư vấn điều trị hiệu quả và an toàn nhất.

4. Lưu ý khi sử dụng Glumeform XR

Bệnh nhân cần trao đổi với bác sĩ về tiền sử bệnh, đặc biệt là các vấn đề về gan, thận, tim mạch (suy giảm chức năng gan thận, suy tim, nhồi máu cơ tim mới điều trị...). Tiền sử dị ứng, tình trạng có thai, cho con bú và thông tin các thuốc đang sử dụng tại nhà cũng cần được bệnh nhân báo cho bác sĩ để đảm bảo bạn được kê đơn tối ưu và an toàn.

Trong khi thăm khám trước và thực hiện các thủ thuật có sử dụng thuốc cản quang hoặc phẫu thuật, bạn luôn cần cho bác sĩ hoặc phẫu thuật viên biết đang sử dụng metformin để được chuẩn bị tối ưu trước khi làm phẫu thuật, thủ thuật.

Kể cả khi đã sử dụng thuốc nhiều năm, bệnh nhân vẫn nên báo bác sĩ để được tư vấn khi có tình trạng mất nước cấp tính, ví dụ như tiêu chảy cấp hoặc nôn nhiều. Bởi bạn có thể cần bồi phụ đủ nước và điện giải hoặc nhân viên y tế theo dõi cẩn thận.

Bệnh nhân không nên tự ý ngừng thuốc, giảm liều hoặc tăng liều Glumeform XR khi chưa có ý kiến của bác sĩ. Tiểu đường là một bệnh lý mạn tính, cần được duy trì kiểm soát lâu dài để giảm triệu chứng của bệnh, cải thiện chất lượng cuộc sống và quan trọng nhất là giảm nguy cơ tai biến và biến chứng do bệnh. Hãy tuân thủ điều trị và tái khám, theo dõi định kỳ để được kết quả tối ưu.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

20.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan