Thuốc Difelene có tác dụng gì?

Thuốc Difelene có thành phần hoạt chất là Natri diclofenac 50g cùng tá dược, được bào chế dạng viên nén bao phim tan trong ruột. Thuốc chủ yếu được sử dụng để điều trị tình trạng viêm, thoái hóa khớp, thấp khớp,...

1. Thuốc Difelene tác dụng gì?

Thuốc Difelene chữa bệnh gì? Loại thuốc này được sử dụng để điều trị tình trạng viêm và các dạng thoái hóa khớp, thấp khớp, viêm xương khớp mãn tính, viêm đốt sống cứng khớp. Bên cạnh đó, thuốc còn có tác dụng làm giảm đau do viêm (không phải nguyên nhân thấp khớp).

Một số tác dụng khác của thuốc Difelene không được liệt kê trên nhãn thuốc. Bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân dùng thuốc để điều trị một số bệnh lý khác.

2. Chống chỉ định sử dụng thuốc Difelene

Một số đối tượng không nên dùng thuốc Difelene gồm:

  • Người bị mẫn cảm với natri diclofenac, bất cứ thành phần nào của thuốc Difelene, aspirin hoặc thuốc chống viêm không steroid khác;
  • Bệnh nhân loét dạ dày tiến triển;
  • Người bị hen, co thắt phế quản, bệnh tim mạch, suy gan hoặc suy thận nặng;
  • Người đang dùng thuốc chống đông coumarin;
  • Người đang sử dụng kính áp tròng;
  • Trẻ em dưới 12 tuổi;
  • Người bị giảm thể tích tuần hoàn do thuốc lợi tiểu hoặc do suy thận, tốc độ lọc cầu thận dưới 30ml/phút;
  • Người bị bệnh chất tạo keo, có nguy cơ bị viêm màng não vô khuẩn;
  • Người bị suy tim sung huyết (độ II - độ IV), bệnh động mạch ngoại vi, bệnh tim thiếu máu cục bộ, bệnh mạch máu não.
Difelene
Thuốc Difelene cần được sử dụng đúng đối tượng đúng chỉ định

3. Cách dùng và liều dùng thuốc Difelene

Cách dùng: Bạn dùng thuốc bằng đường uống với nước lọc/nước đun sôi để nguội ngay sau khi ăn. Để giảm nguy cơ xuất hiện những triệu chứng bất lợi, bạn nên sử dụng thuốc Difelene ở liều hằng ngày thấp nhất có hiệu quả và trong thời gian ngắn nhất có thể (theo chỉ định của bác sĩ).

Thuốc chỉ sử dụng cho người từ 12 tuổi trở lên. Liều dùng như sau:

  • Thoái hóa khớp: Uống 1 viên/lần, dùng 3 lần/ngày. Nếu điều trị dài ngày thì uống 1 viên/lần, dùng 2 lần/ngày;
  • Viêm đốt sống cứng khớp: Uống 1 viên/lần, dùng 2 - 3 lần/ngày;
  • Viêm khớp dạng thấp (thấp khớp): Uống 2 - 4 viên/ngày, chia làm nhiều lần. Không sử dụng quá 4 viên (200mg)/ngày. Nếu điều trị dài ngày thì dùng liều 2 viên/ngày, chia uống 2 lần/ngày;
  • Giảm đau: Uống 1 viên/lần, dùng 3 lần/ngày;
  • Giảm đau cho bệnh nhân ung thư: Uống 2 viên/lần, dùng 2 lần/ngày.

*Lưu ý: Những thông tin về liều dùng không thể thay thế cho lời khuyên của bác sĩ. Bệnh nhân nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc.

Trường hợp dùng thuốc quá liều, bệnh nhân nên gọi ngay cho trung tâm cấp cứu hoặc đến cơ sở y tế gần nhất. Bác sĩ sẽ gây nôn hoặc rửa dạ dày cho bệnh nhân và kết hợp điều trị các triệu chứng quá liều. Sau đó, bác sĩ có thể cho người bệnh dùng than hoạt tính để giảm hấp thu thuốc ở ống tiêu hóa và chu kỳ gan - ruột.

Nếu quên 1 liều, người bệnh nên dùng thuốc càng sớm càng tốt. Trường hợp phát hiện quên liều vào thời điểm gần với liều kế tiếp thì bạn hãy bỏ qua liều đã quên, dùng liều kế tiếp vào đúng thời điểm quy định, không dùng gấp đôi liều.

4. Tác dụng phụ khi dùng thuốc Difelene

Bệnh nhân có thể gặp phải một số tác dụng phụ khi sử dụng thuốc Difelene như:

  • Thường gặp: Bồn chồn, nhức đầu, buồn nôn, đau vùng thượng vị, nôn ói, tiêu chảy, chán ăn, chướng bụng, khó tiêu, ù tai,...;
  • Ít gặp: Phù, dị ứng, có thắt phế quản ở người bị hen, choáng phản vệ, viêm mũi, mề đay; đau bụng, chảy máu đường tiêu hóa, ổ loét tiến triển; mất ngủ, dễ bị kích thích, rối loạn thính giác nhẹ, mất thăng bằng, hoa mắt, chóng mặt, trầm cảm, ngứa, nhìn mờ,...;
  • Hiếm gặp: Phù, phát ban, rụng tóc, viêm màng não vô khuẩn, giảm tiểu cầu và bạch cầu, thiếu máu, giảm bạch cầu hạt, tăng bạch cầu ái toan; viêm bàng quang, tiểu ra máu, suy thận cấp, hội chứng thận hư, viêm thận kẽ; rối loạn co bóp túi mật, viêm gan, vàng da.

Ngoài ra, một số thử nghiệm lâm sàng và dịch tễ dược học cho thấy việc sử dụng thuốc có liên quan tới tăng nguy cơ xuất hiện tai biến huyết khối tim mạch (nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ), đặc biệt khi sử dụng thuốc liều cao và kéo dài.

Thường xuyên nhức đầu sau tai biến có nên chụp MRI không?
Thuốc Difelene có thể gây nhức đầu cho người sử dụng

5. Lưu ý khi dùng thuốc Difelene trong trường hợp đặc biệt

Với những người trong trường hợp đặc biệt (mang thai, đang cho con bú,...) cần chú ý khi dùng thuốc Difelene:

  • Phụ nữ mang thai: Không nên sử dụng thuốc trong suốt thời kỳ mang thai, đặc biệt là trong 3 tháng cuối vì thuốc có nguy cơ ức chế co bóp tử cung, tăng áp lực tiêu tuần hoàn không hồi phục, có thể gây suy thận ở thai nhi;
  • Người có dự định mang thai: Không dùng thuốc Difelene vì thuốc ức chế phôi làm tổ;
  • Phụ nữ đang cho con bú: Chỉ nên dùng thuốc khi ngưng cho con bú. Trường hợp khác cần cân nhắc tới nguy cơ/lợi ích và tham khảo ý kiến bác sĩ.

6. Tương tác thuốc

Thuốc Difelene có thể làm thay đổi tác dụng của thuốc khác hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Do đó, để tránh tình trạng tương tác thuốc, bệnh nhân nên đưa cho bác sĩ danh sách những loại thuốc mình đang dùng. Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn khi sử dụng thuốc, người bệnh không nên tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng nếu chưa được bác sĩ cho phép.

Không dùng thuốc Difelene phối hợp với những loại thuốc sau:

  • Thuốc chống đông đường uống và heparin: Có thể gây xuất huyết nặng;
  • Kháng sinh nhóm quinolon: Có thể gây tăng tác dụng phụ lên hệ thần kinh trung ương, dẫn đến co giật;
  • Aspirin hoặc Glucocorticoid: Các thuốc này làm giảm nồng độ diclofenac trong huyết tương và tăng nguy cơ chảy máu dạ dày - ruột;
  • Lithium: Diclofenac có thể làm tăng nồng độ lithi trong huyết thanh tới mức gây độc. Nếu buộc phải sử dụng kết hợp 2 loại thuốc thì cần theo dõi bệnh nhân cẩn thận để kịp thời phát hiện dấu hiệu ngộ độc, điều chỉnh liều lithi kịp thời,...;
  • Diflunisal: Nếu dùng đồng thời với thuốc diclofenac sẽ làm tăng nồng độ diclofenac trong huyết tương, giảm độ thanh lọc diclofenac, có thể gây chảy máu nặng ở đường tiêu hóa;
  • Digoxin: Thuốc Difelene có thể làm tăng nồng độ digoxin trong huyết thanh, kéo dài thời gian bán thải digoxin. Vì vậy, bác sĩ cần định lượng nồng độ digoxin trong máu, giảm liều digoxin nếu dùng chung 2 loại thuốc;
  • Ticlopidin: Dùng chung với diclofenac làm tăng nguy cơ chảy máu;
  • Methotrexat: Diclofenac làm tăng độc tính của methotrexat trong huyết tương, tăng khả năng nhiễm độc;
  • Dụng cụ tránh thai đặt trong tử cung: Có tài liệu cho biết dùng diclofenac làm mất tác dụng tránh thai.

Có thể dùng chung thuốc Difelene với các thuốc sau nhưng cần theo dõi sát bệnh nhân: Thuốc lợi tiểu, thuốc trị tăng huyết áp, Cyclosporin, Probenecid, Cimetidin,...

Thuốc Difelene cần bảo quản ở điều kiện nhiệt độ không quá 30°C, tránh xa tầm tay của trẻ em và vật nuôi. Khi dùng thuốc, bệnh nhân nên tuân thủ tuyệt đối hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh các tác dụng phụ khó lường.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

96.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan