Meperidine là thuốc gì?

Meperidine là một thuốc giảm đau opioid được dùng để giảm các cơn đau vừa đến nặng. Lạm dụng Meperidine có thể gây phụ thuộc thuốc và quen thuốc. Vì thế, việc chỉ định và sử dụng phải thận trọng như đối với sử dụng morphin.

1. Meperidine là thuốc gì?

Thuốc Meperidine chứa hoạt chất meperidine hay còn gọi là pethidine. Nó là một thuốc giảm đau trung ương có tính chất giống morphin, nhưng có tác dụng nhanh hơn và ngắn hơn so với morphin. Thuốc có nhiều hàm lượng khác nhau như meperidine 50mg hay meperidine 100mg. Cơ chế tác dụng của thuốc là liên kết với các thụ thể opioid trong thần kinh trung ương từ đó giúp giảm đau. Thuốc Meperidine được dùng trong các trường hợp sau:

  • Giảm đau trong cơn đau vừa đến nặng.
  • Giảm đau trong sản phụ khoa.
  • Thuốc phụ trợ cho quá trình gây mê.
  • Sử dụng để giảm đau sau phẫu thuật.

2. Chống chỉ định của meperidine là gì?

  • Quá mẫn (ví dụ: sốc phản vệ) với meperidine hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc.
  • Sử dụng cùng hoặc trong vòng 14 ngày với chất ức chế MAO
  • Suy giảm hô hấp đáng kể, hen phế quản cấp tính hoặc nặng trong điều kiện không được giám sát hoặc không có thiết bị hồi sức
  • Tắc nghẽn đường tiêu hóa, bao gồm liệt ruột hoặc bất kỳ bệnh lý nào ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển ở ruột
  • Có khả năng phẫu thuật vùng bụng (ví dụ, viêm ruột thừa cấp tính hoặc viêm tụy)
  • Cơn đau nhẹ có thể được kiểm soát bằng các loại thuốc giảm đau khác
  • Người nghiện rượu
  • Bệnh nhân mê sảng và rối loạn co giật
  • Suy nhược thần kinh trung ương nghiêm trọng, tăng áp lực nội sọ và chấn thương đầu

3. Liều dùng của thuốc Meperidine

  • Người lớn

Giảm đau: Uống 50 - 150 mg/lần, cách 4 giờ nếu cần thiết. Có thể dùng tiêm bắp hoặc tiêm dưới da với liều 25 - 100mg/lần và tiêm tĩnh mạch chậm với liều 25 - 50mg/lần và tiêm lặp lại sau 4 giờ.

Giảm đau sau phẫu thuật: tiêm dưới da hoặc tiêm bắp cách 2 - 3 giờ một lần nếu cần thiết.

Giảm đau trong sản khoa: tiêm bắp hoặc tiêm dưới da 50 mg ngay khi xuất hiện các cơn co bóp ở các khoảng cách đều đặn.

Chuẩn bị mê: tiêm bắp 25 - 100 mg khoảng 1 giờ trước phẫu thuật, hoặc có thể tiêm dưới da với liều tương tự.

  • Trẻ em

Giảm đau: uống hoặc tiêm bắp với liều 0,5 - 2 mg/kg, lặp lại sau 4 giờ nếu cần thiết.

Đau sau phẫu thuật: tiêm bắp cách 2 - 3 giờ một lần nếu cần.

Chuẩn bị mê: Liều tiêm bắp 0,5 - 2 mg/kg khoảng 1 giờ trước phẫu thuật.

Với bệnh nhân suy gan, suy giảm cần dùng thuốc một cách thận trọng và giảm liều nếu cần thiết.

4 Tác dụng không mong muốn của thuốc Meperidine là gì?

  • Tim mạch: Nhịp tim chậm, ngừng tim, suy giảm tuần hoàn, đỏ bừng, hạ huyết áp, đánh trống ngực, sốc, ngất, nhịp tim nhanh
  • Hệ thần kinh trung ương: Kích động, lú lẫn, mê sảng, mất phương hướng, chóng mặt, phụ thuộc vào thuốc, ảo giác, nhức đầu, tăng áp lực nội sọ, cử động cơ không tự chủ (bao gồm co giật cơ, rung giật cơ), thay đổi tâm trạng (bao gồm cả hưng phấn, khó thở) , an thần, co giật, hội chứng serotonin
  • Da liễu: Dị ứng, ngứa, phát ban da, mày đay
  • Tiêu hóa: Đau quặn mật, táo bón, buồn nôn, nôn
  • Sinh dục: Bí tiểu
  • Quá mẫn: Sốc phản vệ, giải phóng histamin, phản ứng quá mẫn
  • Tại chỗ: Phản ứng tại vị trí tiêm (đau, sưng)
  • Thần kinh cơ xương khớp: Run, suy nhược
  • Nhãn khoa: Rối loạn thị giác
  • Hô hấp: Khó thở, ức chế hô hấp

5. Lưu ý khi dùng thuốc Meperidine là gì?

Ảnh hưởng lên hệ thần kinh trung ương: Thuốc có thể gây suy nhược thần kinh, làm suy giảm khả năng thể chất và tinh thần. Do đó, bệnh nhân dùng thuốc cần phải được cảnh báo khi thực hiện các công việc đòi hỏi sự tỉnh táo về tinh thần (ví dụ: vận hành máy móc hoặc lái xe).

Biến cố thần kinh trung ương: Normeperidine (một chất chuyển hóa có hoạt tính) có thể tích tụ và gây ra lo lắng, run hoặc co giật. Nguy cơ biến cố gia tăng khi có rối loạn chức năng thần kinh trung ương, suy giảm chức năng thận hay sử dụng thuốc kéo dài (trên 48 giờ)

Hạ huyết áp: Có thể gây hạ huyết áp nghiêm trọng (bao gồm hạ huyết áp thế đứng và ngất). Thận trọng khi sử dụng cho bệnh nhân giảm thể tích tuần hoàn, bệnh tim mạch hoặc các thuốc có thể làm tăng tác dụng hạ huyết áp. Theo dõi các triệu chứng hạ huyết áp sau khi bắt đầu điều. Tránh dùng cho bệnh nhân bị sốc tuần hoàn.

Suy hô hấp: Có thể xảy ra suy hô hấp nghiêm trọng, đe dọa tính mạng hoặc tử vong. Theo dõi chặt chẽ tình trạng ức chế hô hấp, đặc biệt khi bắt đầu điều trị hoặc tăng liều. Bệnh nhân và người nhà nên được giáo dục các dấu hiệu nhận biết suy hô hấp và tầm quan trọng của việc hỗ trợ khẩn cấp trong trường hợp nghi ngờ quá liều.

Hội chứng serotonin: Có thể xảy ra khi sử dụng đồng thời các tác nhân tác động lên hệ serotonergic (ví dụ: chất ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin, chất ức chế tái hấp thu serotonin-norepinephrine, triptans, thuốc chống trầm cảm ba vòng), lithium, chất ức chế MAO. Theo dõi bệnh nhân về hội chứng serotonin như thay đổi trạng thái tâm thần (ví dụ: kích động, ảo giác, hôn mê), nhịp tim nhanh, huyết áp không ổn định, tăng thân nhiệt, thay đổi thần kinh cơ.

Suy thượng thận: Thận trọng khi dùng và giảm liều ban đầu ở bệnh nhân suy thượng thận, kể cả bệnh Addison. Sử dụng thuốc giảm đau opioid kéo dài có thể gây suy sinh dục thứ phát, dẫn đến rối loạn khí sắc và loãng xương

Suy giảm chức năng đường mật: Thận trọng khi sử dụng cho những bệnh nhân bị rối loạn chức năng đường mật, bao gồm cả viêm tụy cấp tính

Phụ nữ mang thai: Sử dụng meperidine kéo dài trong thời kỳ mang thai có thể dẫn đến hội chứng cai opioid ở trẻ sơ sinh, có thể đe dọa tính mạng nếu không được nhận biết và điều trị kịp thời. Mặc dù đã được phê duyệt để sử dụng trong giảm đau sản khoa, Meperidine không được khuyến cáo để giảm đau trong khi sinh do chất chuyển hóa có thời gian tác dụng kéo dài ở mẹ và trẻ sơ sinh. Không khuyến cáo dùng thuốc để điều trị đau mãn tính do ung thư ở phụ nữ mang thai hoặc những người có thể mang thai.

Phụ nữ cho con bú: Mẹ dùng Meperidine khi cho con bú có thể dẫn tới trạng thái an thần ở trẻ sơ sinh và cản trở việc cho con bú. Thuốc giảm đau non-opioid được ưu tiên cho phụ nữ đang cho con bú, những người cần kiểm soát cơn đau sau sinh hoặc phẫu thuật ngoài thời kỳ hậu sản. Meperidine không được khuyến cáo nếu cần dùng opioid. Khi cần dùng opioid ở phụ nữ đang cho con bú, nên sử dụng liều thấp nhất có hiệu quả trong thời gian ngắn nhất để hạn chế các tác dụng phụ ở bà mẹ và trẻ đang bú mẹ. Theo nhà sản xuất, quyết định cho con bú trong thời gian điều trị cần cân nhắc nguy cơ phơi nhiễm ở trẻ sơ sinh, lợi ích của việc cho trẻ bú và lợi ích của việc điều trị đối với người mẹ.

Tương tác thuốc: Sử dụng thuốc meperidine chung với một số loại thuốc có thể gây ra những tương tác rất nguy hiểm, Chẳng hạn như thuốc ức chế CYP3A4 có thể làm tăng nồng độ meperidine trong huyết tương, có thể làm tăng hoặc kéo dài tác dụng phụ của thuốc và gây ức chế hô hấp có thể gây tử vong. Ngoài ra, sử dụng đồng thời meperidine với thuốc ức chế MAO (như selegiline) có thể dẫn đến hôn mê, suy hô hấp nặng, tím tái và hạ huyết áp. Chống chỉ định sử dụng meperidine với thuốc ức chế MAO, phải ngưng thuốc ức chế MAO ít nhất 14 ngày trước khi dùng meperidine. Do đó, bệnh nhân cần thông báo với bác sĩ hoặc dược sĩ tất cả các loại thuốc đang sử dụng để được tư vấn phù hợp.

Tóm lại, Meperidine là thuốc giảm đau có tính chất giống morphin. Sử dụng Meperidine không đúng cách có thể dẫn tới phụ thuộc thuốc và nhiều tác dụng phụ nguy hiểm. Bệnh nhân cần tham khảo ý kiến chuyên viên y tế trước khi sử dụng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan