Công dụng thuốc Trimetazidine 35mr

Thuốc Trimetazidine 35Mr chứa hoạt chất Trimetazidine dihydroclorid, được bào chế dưới dạng phóng thích kéo dài. Thuốc có công dụng trong liệu pháp bổ sung hoặc hỗ trợ biện pháp trị liệu hiện có, nhằm mục đích điều trị triệu chứng ở người bệnh đau thắt ngực ổn định không kiểm soát đầy đủ hoặc người bệnh không dung nạp với các liệu pháp điều trị đau thắt ngực khác. Cùng tìm hiểu về công dụng của thuốc Trimetazidine 35Mr qua bài viết dưới đây.

1. Công dụng thuốc Trimetazidine 35Mr

1.1. Dược động học

Mỗi viên nén bao phim thuốc Trimetazidine 35Mr chứa 35mg hoạt chất Trimetazidine dihydroclorid, thuốc được chỉ định trong các trường hợp bệnh lý sau đây:

  • Hỗ trợ hoặc bổ sung vào biện pháp điều trị hiện có nhằm mục đích điều trị triệu chứng ở người bệnh đau thắt ngực không ổn định không được kiểm soát đầy đủ;
  • Hỗ trợ hoặc bổ sung vào biện pháp điều trị ở người bệnh không dung nạp với các liệu pháp điều trị đau thắt ngực khác.

1.2. Dược lực học

Cơ chế tác dụng: Hoạt chất Trimetazidine trong thuốc tác dụng theo cơ chế ức chế sự beta oxy hóa các acid béo thông qua sự ức chế các enzym ở tế bào thiếu máu cục bộ có tên là long – chain 3 – ketoacyl – CoA thiolase. Lượng oxy tiêu thụ từ quá trình oxy hóa glucose ít hơn so với quá trình beta oxy hóa. Vì vậy, thúc đẩy quá trình oxy hóa glucose sẽ giúp tối ưu các quá trình năng lượng tế bào, từ đó giúp chuyển hóa năng lượng thích hợp hơn trong thời gian máu không được cung cấp đầy đủ.

Dược lực học: Trên những người bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ, hoạt động của trimetazidine như một chất chuyển hóa giúp bảo tồn mức năng lượng phosphate nội bào luôn cao trong tế bào cơ tim. Tác dụng chống thiếu máu cục bộ của Trimetazidine không ảnh hưởng đến huyết động.

1.3. Dược động học:

Thuốc Trimetazidine 35Mr sau khi uống được hấp thu nhanh vào hệ tuần hoàn và đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương trước khoảng 2 giờ từ khi uống thuốc. Sau khi dùng một liều 20mg trimetazidine, nồng độ tối đa của thuốc trong huyết tương đạt khoảng 55 ng/ml và trạng thái cân bằng của thuốc trong máu đạt được trong thời gian từ 24 – 36 giờ đối với liều nhắc lại và ổn định trong thời gian điều trị. Thể tích phân bố (Vd) của thuốc trong huyết tương đạt 4,8 lít/kg, điều đó cho thấy mức độ khuếch tán tốt của trimetazidin đến các mô cơ thể. Các nghiên cứu cũng chứng minh rằng tỷ lệ gắn với protein huyết tương của thuốc là khoảng 16%, thời gian bán thải (t1/2) là 6 giờ. Thuốc Trimetazidine được đào thải chủ yếu qua đường nước tiểu ở dạng chưa chuyển hóa.

Trimetazidine 35mr
Hình ảnh thuốc Trimetazidine 35Mr

2. Liều dùng thuốc

Thuốc Trimetazidin 35 được dùng bằng đường uống, liều dùng thuốc phụ thuốc vào tình trạng và sinh lý bệnh của người bệnh, cụ thể như sau:

  • Liều dùng thông thường: Uống mỗi lần 1 viên x 2 lần/ngày, uống thuốc cùng với bữa ăn;
  • Đối với người bệnh suy thận (độ thanh thải creatinin từ 30 – 60ml) thì liều dùng Trimetazidin 35Mr được khuyến cáo là 1 viên vào buổi sáng, uống thuốc cùng với bữa ăn;
  • Đối với người bệnh cao tuổi: Độ nhạy cảm với Trimetazidin ở những người bệnh này cao hơn bình thường do sự suy giảm chức năng năng thận theo tuổi. Liều khuyến cáo đối với người cao tuổi có độ thanh thải creatinin từ 30 – 60ml là 1 viên vào buổi sáng, uống thuốc cùng với bữa ăn. Lưu ý và thận trọng khi tính liều dùng thuốc Trimetazidin ở người bệnh cao tuổi;
  • Trẻ em dưới 18 tuổi: Hiện chưa có nghiên cứu chứng minh độ an toàn của thuốc Trimetazidine đối với trẻ em dưới 18 tuổi.

3. Tác dụng phụ của thuốc

Một số tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng thuốc Trimetazidin 35Mr như sau:

  • Rối loạn hệ thần kinh: Các triệu chứng có thể gặp phải khi rối loạn hệ thần kinh gồm đau đầu, chóng mặt. Hiện chưa rõ tần suất gặp phải tác dụng phụ trên, người bệnh cũng có thể xuất hiện các triệu chứng của bệnh Parkinson (như vận động chậm, run, tăng trương lực cơ), hội chứng chân không nghỉ, dáng đi không vững, rối loạn vận động có liên quan khác, rối loạn giấc ngủ (lơ mơ, mất ngủ). Những tác dụng không mong muốn trên sẽ hết khi ngưng dùng thuốc.
  • Rối loạn trên tim: Đây là tác dụng phụ hiếm gặp với các triệu chứng như ngoại tâm thu, hồi hộp, tim đập nhanh.
  • Rối loạn trên mạch: Tác dụng phụ hiếm gặp. Người bệnh có thể xuất hiện triệu chứng hạ huyết áp động mạch, chóng mặt, ngã, hạ huyết áp tư thế đứng kết hợp với khó chịu, đặc biệt ở người bệnh đang điều trị bằng thuốc tăng huyết áp sẽ dễ gây đỏ bừng mặt.
  • Rối loạn dạ dày – ruột: Tác dụng phụ thường gặp với các triệu chứng như tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn và nôn, táo bón.
  • Rối loạn trên da và mô dưới da: Tác dụng phụ thường gặp là ngứa, ban, mày đay. Ngoài ra người bệnh có thể xuất hiện ngoại ban mụn mủ toàn thân cấp tính (AGEP), phù mạch với tần suất không cụ thể.
  • Rối loạn toàn thân: Triệu chứng thường gặp là suy nhược cơ thể.
  • Rối loạn máu và hệ bạch huyết: Thuốc Trimetazidine có thể gây giảm tiểu cầu, mất bạch cầu hạt, ban xuất huyết giảm tiểu cầu.
  • Rối loạn gan mật: Thuốc Trimetazidine 35Mr có thể gây tác dụng phụ là viêm gan.
đau bụng
Đau bụng là một trong các tác dụng phụ của thuốc Trimetazidine 35mr

4. Lưu ý khi dùng thuốc Trimetazidine

4.1. Chống chỉ định

Chống chỉ định sử dụng thuốc Trimetazidin trong các trường hợp sau:

  • Người bệnh quá mẫn với bất kỳ thành phần hoạt chất hoặc tá dược nào của thuốc;
  • Người mắc bệnh Parkinson, hội chứng chân không nghỉ, run, người bệnh có triệu chứng Parkinson và các rối loạn vận động có liên quan khác;
  • Người bệnh suy thận nặng (độ thanh thải creatinin của thận nhỏ hơn 30ml/phút).

4.2. Lưu ý chung

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Trimetazidine 35Mr trong điều trị như sau:

  • Thuốc Trimetazidine 35Mr có thể dẫn đến hoặc làm trầm trọng thêm triệu chứng bệnh Parkinson (vận động chậm, khó khăn, run, tăng trương lực cơ). Vì vậy, người bệnh cần được kiểm tra thường xuyên, đặc biệt là đối với người cao tuổi. Khi có nghi ngờ, người bệnh cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được kiểm tra thích hợp;
  • Người bệnh khi xuất hiện các triệu chứng tương tự như Parkinson, run, hội chứng chân không nghỉ, dáng đi không vững cần ngưng dùng thuốc Trimetazidine. Mặc dù tỷ lệ gặp các triệu chứng trên thấp và người bệnh có thể hồi phục sau khi ngưng dùng thuốc (khoảng 4 tháng sau khi ngưng uống thuốc);
  • Người bệnh điều trị bằng Trimetazidine dễ bị té ngã do hạ huyết áp hoặc do dáng đi không vững, đặc biệt ở người bệnh đang dùng thuốc tăng huyết áp;
  • Cần thận trọng khi kê đơn thuốc Trimetazidin 35Mr cho những người bệnh có độ nhạy cảm cao như người bệnh trên 75 tuổi, suy thận ở mức độ trung bình.

4.3. Tác động của thuốc trên các đối tượng đặc biệt

  • Phụ nữ có thai và cho con bú: Hiện chưa có nghiên cứu lâm sàng về độ an toàn của thuốc Trimetazidin trên phụ nữ đang mang thai và phụ nữ cho con bú. Vì vậy khuyến cáo không sử dụng thuốc trong điều trị ở các đối tượng trên.
  • Người lái xe, vận hành máy móc: Thuốc Trimetazidine 35Mr có thể gây ra các triệu chứng như lơ mơ, chóng mặt nên có thể ảnh hưởng đến khả năng vận hành máy móc, lái xe.

5. Tương tác thuốc

Chưa ghi nhận các tương tác không có lợi giữa Trimetazidine 35Mr và các thuốc khác trên lâm sàng. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong điều trị, người bệnh cần thông báo với bác sĩ tất cả những loại thuốc đang sử dụng, không tự ý ngưng hoặc thay đổi liều thuốc Trimetazidine khi chưa được sự đồng ý của bác sĩ điều trị.

Thuốc Trimetazidine 35Mr được chỉ định điều trị triệu chứng ở người bệnh đau thắt ngực ổn định không kiểm soát đầy đủ hoặc người bệnh không dung nạp với các liệu pháp điều trị đau thắt ngực khác. Để đảm bảo hiệu quả điều trị, cũng như tránh được các tác dụng phụ, người bệnh cần sử dụng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ tư vấn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

171.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan