Công dụng thuốc Tarvieyes

Tarvieyes là sản phẩm kết hợp giữa Natri Chondroitin sulfat, Vitamin A, Choline, vitamin B1 và B2. Sản phẩm này được chỉ định cho bệnh nhân có các biểu hiện bất thường tại mắt.

1. Thuốc Tarvieyes là thuốc gì?

Thuốc Tarvieyes là thuốc gì? Viên nang mềm Tarvieyes có thành phần chính gồm có Natri Chondroitin sulfat 100mg, Vitamin A (Retinyl palmitate) 2500 IU, Cholin bitartrat 25 mg, Vitamin B1 (Thiamine hydrochloride) 20 mg, Vitamin B2 (Riboflavin) 5 mg. Thuốc Tarvieyes được sản xuất bởi Công ty cổ phần Dược phẩm Hà Tây - VIỆT NAM và lưu hành trên thị trường với số đăng ký VD-26831-17.

Các thành phần trong thuốc Tarvieyes có những tác dụng sau:

  • Natri chondroitin Sulfat giúp tăng tính ổn định của collagen nội bào, qua đó tăng tính ổn định của thần kinh cơ thị giác và cơ lông mi...;
  • Riboflavin (vitamin B2) là một chất chống oxy hóa, khi sử dụng giúp kiểm soát quá trình oxy hóa trong cơ thể, bao gồm cả ở mắt. Theo nghiên cứu, chế độ ăn giàu riboflavin có mối liên quan đến việc giảm nguy cơ phát triển bệnh đục thủy tinh thể;
  • Thiamin hydroclorid (vitamin B1) là loại vitamin cần thiết cho quá trình trao đổi chất hiếu khí, tăng trưởng tế bào, dẫn truyền các xung thần kinh và tổng hợp acetylcholine;
  • Cholin bitartrat, retinyl palmitate là những chất cần cho sự phát triển và duy trì biểu mô, giúp khôi phục chức năng cơ thị giác và bảo vệ giác mạc cũng như ngăn ngừa quá trình lão hóa mắt.

2. Chỉ định, chống chỉ định của thuốc Tarvieyes

2.1. Chỉ định

Thuốc Tarvieyes được chỉ định trong những tình huống sau:

  • Điều trị mỏi mắt, đau nhức mắt hoặc tình trạng quáng gà;
  • Bổ sung dưỡng chất ở bệnh nhân có thị lực suy yếu.

2.2. Chống chỉ định

Thuốc Tarvieyes chống chỉ định trong những trường hợp sau:

  • Bệnh nhân mẫn cảm với các hoạt chất có trong thuốc;
  • Chống chỉ định dùng đồng thời Tarvieyes với các thuốc khác cũng chứa vitamin A.

3. Liều dùng, cách dùng thuốc Tarvieyes

Tarvieyes bào chế dạng viên nang mềm dùng đường uống với liều cụ thể như sau:

  • Người lớn: 1 viên Tarvieyes x 2 lần/ngày;
  • Trẻ em: 1 viên Tarvieyes x 1 lần/ngày.

Quá liều Tarvieyes và cách xử trí:

  • Bệnh nhân dùng quá liều Tarvieyes khuyến cáo có thể có những biểu hiện như đau một bên chân, rụng tóc, chán ăn, sụt cân, đau đầu, tiêu chảy, nôn ói... Bệnh nhân dùng Tarvieyes và có những biểu hiện trên cần ngừng thuốc và thông báo ngay cho bác sĩ;
  • Xử trí: Chủ yếu là điều trị triệu chứng và hỗ trợ khi cần thiết.

4. Tác dụng phụ của thuốc Tarvieyes

Khi sử dụng thuốc Tarvieyes, bệnh nhân có thể gặp một số tác dụng không mong muốn liên quan đến từng thành phần hoạt chất có trong chế phẩm, cụ thể như sau:

  • Natri chondroitin sulfat: Buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy hoặc đau dạ dày nhẹ, một số bệnh nhân gặp tình trạng nhịp tim bất thường hoặc sưng phù mí mắt, phù chân và rụng tóc;
  • Cholin Bitartrat: Hội chứng mùi cá, xảy ra ở bệnh nhân thiếu enzyme chuyển hóa trimethylamine-N-oxide;
  • Retinyl palmitate (vitamin A): Các tác dụng phụ sẽ xuất hiện khi dùng vitamin A liều cao dài ngày hay khi uống phải một liều rất cao vitamin A;
  • Riboflavin: Không ghi nhận các tác dụng không mong muốn khi sử dụng riboflavin. Bệnh nhân dùng liều cao Riboflavin có thể thay đổi màu nước tiểu sang vàng nhạt và ảnh hưởng kết quả một số xét nghiệm nước tiểu;
  • Thiamin hydroclorid: Các phản ứng có hại rất hiếm gặp và thường có triệu chứng kiểu dị ứng. Một số bệnh nhân gặp tình trạng ra nhiều mồ hôi, tăng huyết áp cấp hoặc phát ban da, ngứa, mày đay, khó thở.

5. Tương tác thuốc của Tarvieyes

Tương tác thuốc của Tarvieyes chính là tương tác của các thành phần có trong thuốc, cụ thể như sau:

  • Natri chondroitin sulfat làm tăng tác dụng chống đông máu của các thuốc kháng đông (như Warfarin). Tương tác này có thể gây chảy máu nghiêm trọng nên không phối hợp Tarvieyes với Warfarin;
  • Cholin Bitartrat:
    • Cholin phối hợp với các vitamin B6, B12 và acid folic có vai trò trong chuyển hóa homocysteine;
    • Methotrexate dùng chung Tarvieyes có thể làm giảm các chất chuyển hóa của choline, ngược lại nghiên cứu trên chuột cho thấy choline làm gan nhiễm mỡ tái diễn do Methotrexate;
  • Retinyl palmitate (vitamin A);
    • Neomycin, Cholestyramin, Parafin lỏng làm giảm hấp thu vitamin A;
    • Các thuốc uống tránh thai có thể làm tăng nồng độ vitamin A trong huyết tương và ảnh hưởng không tốt đến khả năng thụ thai;
    • Vitamin A và Isotretinoin dùng đồng thời có thể dẫn đến tình trạng như dùng quá liều vitamin A, do đó cần tránh dùng đồng thời thuốc Tarvieyes với Isotretinoin;
  • Riboflavin:
    • Một số trường hợp ghi nhận hiện tượng "thiếu riboflavin” ở khi sử dụng Clopromazin, Imipramine, Amitriptylin và Adriamycin;
    • Rượu có thể cản trở quá trình hấp thu riboflavin ở ruột;
    • Probenecid sử dụng cùng riboflavin gây giảm hấp thu riboflavin ở dạ dày ruột;
  • Thiamin hydroclorid có thể làm sai lệch một số xét nghiệm (bao gồm xét nghiệm acid uric máu hay urobilinogen niệu). Vì vậy, bệnh nhân dùng thuốc Tarvieyes cần thông báo cho bác sĩ trước khi thực hiện các xét nghiệm trên.

Để tránh các tương tác thuốc Tarvieyes xảy ra, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ được biết về các loại thuốc, thảo dược, thực phẩm chức năng đang sử dụng để từ cơ sở đó bác sĩ sẽ cân nhắc và kê đơn, chỉ định liều dùng sao cho phù hợp nhất.

6. Thận trọng khi sử dụng thuốc Tarvieyes

Thận trọng khi sử dụng thuốc Tarvieyes trong những trường hợp sau đây:

  • Bệnh nhân cần tuân thủ đúng liều lượng và cách sử dụng thuốc Tarvieyes. Trẻ em dùng Tarvieyes cần được giám sát chặt chẽ bởi cha mẹ hoặc người lớn.
  • Không nên dùng vitamin A quá 5000 IU mỗi ngày, do đó cần lưu ý đến chế độ ăn uống với các thực phẩm giàu vitamin A trong thời gian dùng thuốc Tarvieyes.
  • Bệnh nhân đang được điều trị bằng các loại thuốc khác hoặc phụ nữ đang mang thai nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi dùng thuốc Tarvieyes. Đặc biệt phụ nữ mang thai dùng quá 5000 IU vitamin A mỗi ngày có khả năng gây quái thai.

Thuốc Tarvieyes là sản phẩm kết hợp giữa Natri Chondroitin sulfat, Vitamin A, Choline, vitamin B1 và B2. Thuốc Tarvieyes được chỉ định điều trị mỏi mắt, đau nhức mắt, quáng gà. Ngoài ra, thuốc còn có tác dụng bổ sung dưỡng chất ở bệnh nhân có thị lực suy yếu. Người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, đồng thời tham khảo ý kiến của bác sĩ, dược sĩ tư vấn để nâng cao hiệu quả điều trị và tránh được các tác dụng phụ không mong muốn xảy ra.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

405 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan