Công dụng thuốc Sunvesizen Tablets 10 mg

Thuốc Sunvesizen 10 mg là thuốc đối kháng cạnh tranh với muscarinic. Thuốc Sunvesizen được chỉ định trong điều trị bệnh bàng quang kích thích với triệu chứng của tiểu không kiểm soát cấp, tiểu lắt nhắt, tiểu gấp. Bài viết dưới đây cung cấp thông tin về công dụng, liều dùng và lưu ý khi sử dụng thuốc Sunvesizen 10mg.

1. Sunvesizen là thuốc gì?

Thuốc Sunvesizen 10 mg có hoạt chất chính là Solifenacin, thuốc được bào chế dưới dạng viên nén với hàm lượng 10mg.

Solifenacin là thuốc đối kháng cạnh tranh với thụ thể muscarinic. Thụ thể muscarinic đóng vai trò quan trọng trong nhiều chức năng qua trung gian hệ cholinergic, bao gồm kích thích tiết nước bọt và co thắt cơ trơn bàng quang niệu.

2. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Sunvesizen 10mg

2.1. Chỉ định

Thuốc Solifenacin succinate là chất đối kháng cạnh tranh với muscarinic. Thuốc Sunvesizen 10 mg được chỉ định trong điều trị bệnh bàng quang kích thích với triệu chứng của tiểu không kiểm soát cấp, tiểu lắt nhắt, tiểu gấp.

2.2. Chống chỉ định

Thuốc Sunvesizen 10 mg có chống chỉ định sử dụng trên những bệnh nhân sau:

  • Dị ứng hoặc quá mẫn với Solifenacin hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.
  • Nhược cơ.
  • Bí tiểu.
  • Ứ dịch dạ dày.
  • Bệnh tăng nhãn áp góc đóng không kiểm soát.
  • Suy gan trung bình hoặc nặng.
  • Suy thận nặng và bệnh nhân đang được điều trị bằng chất ức chế mạnh CYP3A4 (chẳng hạn như ketoconazole).
  • Bệnh nhân đang thẩm phân máu.

2. Cách dùng thuốc Sunvesizen 10 mg

2.1. Liều dùng

Thuốc Sunvesizen 10 mg được dùng theo đường uống, thuốc có thể uống trong hoặc ngoài bữa ăn.

Liều dùng khuyến cáo của Sunvesizen là 5mg/ lần x 1 lần/ ngày. Nếu liều 5mg bị dung nạp nhiều, có thể tăng lên đến liều 10mg/lần x 1 lần/ngày.

  • Bệnh nhân suy thận: Bệnh nhân suy thận nặng có độ lọc cầu thận <30 mL/phút, liều khuyến cáo dùng hằng ngày của Solifenacin không được cao hơn 5mg.
  • Bệnh nhân suy gan: Bệnh nhân suy gan mức độ trung bình Child-Pugh B, liều khuyến cáo hằng ngày của Solifenacin không được cao hơn 5mg. Bệnh nhân suy gan mức độ nặng (Child-Pugh C): không sử dụng thuốc Sunvesizen trên đối tượng này.
  • Bệnh nhân đang sử dụng thuốc ức chế CYP3A4: Trên đối tượng này, không khuyến cáo liều hàng ngày của Solifenacin cao hơn 5 mg.

2.2. Quá liều thuốc Sunvesizen 10mg và xử trí

Triệu chứng

  • Quá liều thuốc Sunvesizen 10mg có khả năng dẫn đến tác dụng kháng cholinergic nặng và cần được xử trí phù hợp. Liều cao nhất của Solifenacin dùng đường uống khi quá liều ngẫu nhiên được báo cáo là 280 mg uống trong khoảng thời gian 5 giờ. Trường hợp này xuất hiện những thay đổi về trạng thái tâm thần.
  • Một số trường hợp quá liều Solifenacin khác đã được báo cáo là có sự suy giảm về nhận thức. Các tác dụng phụ kháng cholinergic (đồng tử không phản ứng lại với kích thích và giãn đồng tử, mờ mắt, run và khô da, thất bại với thử nghiệm gót chân đến ngón chân) đã được báo cáo xảy ra vào ngày 3 ở tình nguyện viên có sức khoẻ bình thường dùng thuốc với liều 50mg/ ngày (cao gấp 5 lần liều khuyến cáo điều trị cao nhất). Triệu chứng thường sẽ hồi phục trong vòng 7 ngày sau khi ngưng dùng thuốc


Xử trí

Trong trường hợp quá liều với thuốc Sunvesizen 10mg, xử trí bằng cách rửa dạ dày và áp dụng biện pháp điều trị hỗ trợ. Khuyến cáo theo dõi điện tâm đồ.

Đối với tác dụng kháng cholinergic khác, các triệu chứng có thể được xử lý như sau:

  • Tác dụng kháng cholinergic trung ương nặng như ảo giác, kích thích: sử dụng physostigmine hoặc carbachol.
  • Co giật hoặc kích thích: điều trị bằng benzodiazepine.
  • Suy hô hấp: hô hấp nhân tạo.
  • Nhịp tim nhanh: sử dụng thuốc chẹn beta.
  • Bí tiểu: đặt ống thông tiểu.
  • Giãn đồng tử: sử dụng thuốc nhỏ mắt chứa pilocarpine, đặt bệnh nhân ở phòng tối.

Trong trường hợp quá liều thuốc Sunvesizen, đặc biệt chú ý bệnh nhân có nguy cơ kéo dài khoảng QT (như giảm kali máu, nhịp tim chậm và dùng đồng thời thuốc có thể làm kéo dài khoảng QT) và bệnh nhân có bệnh lý tim mạch liên quan đã có sẵn từ trước (như là thiếu máu cục bộ cơ tim, suy tim sung huyết, rối loạn nhịp tim).

3. Tác dụng không mong muốn khi sử dụng thuốc Sunvesizen 10mg

Tần suất tác dụng không mong muốn của thuốc kháng cholinergic Sunvesizen liên quan đến liều dùng thuốc. Tác dụng không mong muốn thường gặp của thuốc kháng cholinergic là khô miệng, táo bón, bí tiểu, khô mắt, mờ mắt (bất thường về điều tiết mắt). Khô miệng, táo bón được báo cáo với hay gặp ở bệnh nhân điều trị Solifenacin với liều 10mg hơn so với 5mg. Phản ứng bất lợi thường gặp nhất dẫn đến ngưng sử dụng thuốc là khô miệng với tỷ lệ 1.5%.

  • Các tác dụng không mong muốn đã được báo cáo gặp ở >1% bệnh nhân:
    • Tiêu hoá: khô miệng, buồn nôn, nôn, táo bón, khó tiêu, đau bụng trên.
    • Nhiễm trùng: nhiễm khuẩn đường tiết niệu, nhiễm cúm, viêm họng.
    • Hệ thần kinh trung ương, tâm thần: choáng váng, trầm cảm.
    • Mắt: nhìn mờ, khô mắt.
    • Thận và tiết niệu: bí tiểu.
    • Toàn thân: phù chi dưới, mệt mỏi.
    • Hô hấp: ho
    • Tim mạch: tăng huyết áp.
  • Các tác dụng không mong muốn không xác định được tần suất:
    • Toàn thân: phù ngoại biên, phản ứng quá mẫn, bao gồm phù mạch cùng tắc nghẽn đường thở, ngứa, nổi mày đay, phát ban và phản ứng phản vệ.
    • Thần kinh trung ương: nhức đầu, mê sảng, ảo giác, lú lẫn và buồn ngủ.
    • Tim mạch: kéo dài khoảng QT, rung nhĩ, xoắn đỉnh, đánh trống ngực, nhịp tim nhanh.
    • Gan: xét nghiệm bất thường chức năng gan, AST, ALT, GGT.
    • Thận: suy thận.
    • Rối loạn về chuyển hóa và dinh dưỡng: giảm sự thèm ăn.
    • Da: viêm da tróc vảy, hồng ban đa dạng.
    • Mắt: tăng nhãn áp.
    • Tiêu hoá: bệnh trào ngược dạ dày thực quản, tắc ruột.
    • Các tác dụng bất lợi khác: khó phát âm, yếu cơ, viêm bàng quang, rối loạn vị giác, khó chịu ở bụng, khô mũi, khô họng, da khô, tiểu khó, phù thần kinh – mạch.

Ngừng sử dụng thuốc Sunvesizen khi gặp các tác dụng không mong muốn và tham khảo ý kiến bác sĩ để được xử trí kịp thời.

4. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Sunvesizen 10mg

  • Phù mạch và phản ứng phản vệ

Phù mạch ở mặt, môi, lưỡi, thanh quản được báo cáo khi sử dụng Solifenacin. Một số trường hợp xảy ra ngay sau liều Solifenacin đầu tiên. Phù mạch liên quan đến đường hô hấp trên do sưng phù có thể đe dọa đến tính mạng. Trường hợp xảy ra sưng phù ở lưỡi, hầu dưới, thanh quản, ngưng dùng ngay Sunvesizen và điều trị bằng liệu pháp thích hợp, kịp thời dùng biện pháp cần thiết để bảo đảm thông thoáng đường thở.

Phản ứng phản vệ được báo cáo là hiếm gặp ở bệnh nhân điều trị bằng Solifenacin. Thuốc Sunvesizen 10mg không nên dùng ở bệnh nhân có tiền sử dị ứng hoặc nghi ngờ dị ứng với Solifenacin. Trường hợp bệnh nhân bị phản ứng phản vệ, ngưng ngay Sunvesizen và áp dụng biện pháp trị liệu thích hợp.

  • Bí tiểu

Tương tự các thuốc kháng cholinergic khác, Sunvesizen nên được dùng thận trọng đối với bệnh nhân có triệu chứng tắc nghẽn bàng quang rõ rệt vì nguy cơ bí tiểu .

  • Rối loạn về dạ dày ruột

Thuốc Sunvesizen 10mg nên được dùng thận trọng ở bệnh nhân có giảm nhu động ruột, bệnh nhân rối loạn tắc nghẽn đường tiêu hóa, bị thoát vị, trào ngược dạ dày thực quản và bệnh nhân đang dùng thuốc có nguy cơ làm trầm trọng thêm viêm thực quản.

  • Ảnh hưởng trên thần kinh trung ương

Một số triệu chứng kháng cholinergic trên hệ thần kinh trung ương khi sử dụng Solifenacin đã được báo cáo, như nhức đầu, ảo giác, lú lẫn và buồn ngủ. Khuyên bệnh nhân không nên lái xe hoặc vận hành máy móc cho đến khi biết được liệu thuốc có ảnh hưởng trên thần kinh trung ương hay không. Nếu xuất hiện tác dụng kháng cholinergic trên hệ thần kinh trung ương, cân nhắc giảm liều hoặc ngưng thuốc Sunvesizen.

  • Bệnh tăng nhãn áp góc đóng có kiểm soát

Sử dụng thuốc Sunvesizen thận trọng ở bệnh nhân đang được điều trị bệnh tăng nhãn áp góc đóng.

  • Suy thận

Sử dụng thuốc Sunvesizen 10mg thận trọng ở bệnh nhân suy thận. Bệnh nhân suy thận nặng có sự tăng 2,1 lần diện tích dưới đường cong AUC và 1,6 lần thời gian bán thải của Solifenacin. Không khuyến cáo dùng liều solifenacin succinate cao hơn 5mg/ ngày ở bệnh nhân suy thận nặng (tốc độ lọc cầu thận < 30 mL/ phút).

  • Suy gan

Thận trọng khi dùng thuốc Sunvesizen 10mg ở bệnh nhân suy giảm chức năng gan. Bệnh nhân suy gan mức độ trung bình tăng gấp 2 lần trên thời gian bán thải và tăng gấp 35% trên diện tích dưới đường cong AUC của Solifenacin. Không khuyến cáo dùng Sunvesizen với liều cao hơn 5 mg/ ngày ở bệnh nhân suy gan mức độ trung bình (Child-Pugh B) và không sử dụng Sunvesizen ở bệnh nhân suy gan nặng (Child-Pugh C)

  • Bệnh nhân kéo dài khoảng QT mắc phải hay bẩm sinh

Tác dụng kéo dài khoảng QT của Solifenacin đã được báo cáo hay gặp hơn ở liều 30mg (gấp 3 lần liều khuyến cáo) so với liều 10mg. Điều này nên được cân nhắc khi kê đơn Solifenacin cho bệnh nhân có tiền sử kéo dài khoảng QT hoặc đang dùng các thuốc làm kéo dài khoảng QT.

Sự kéo dài khoảng QT và xoắn đỉnh đã được báo cáo ở bệnh nhân có yếu tố nguy cơ, như khoảng QT kéo dài đã tồn tại từ trước và hạ kali máu.

  • Trẻ em

Tính hiệu quả và an toàn của việc sử dụng thuốc Sunvesizen 10mg trên bệnh nhi chưa được xác lập.

  • Bệnh nhân lớn tuổi

Tính an toàn và hiệu quả khi sử dụng thuốc Solifenacin đã được báo cáo tương tự nhau giữa bệnh nhân lớn tuổi và bệnh nhân trẻ tuổi hơn (<65 tuổi).

Thận trọng khi sử dụng thuốc Sunvesizen 10mg ở nhóm bệnh nhân lớn tuổi do nguy cơ suy giảm chức năng thận.

  • Các trường hợp khác

Các nguyên nhân khác gây ra đi tiểu thường xuyên (như bệnh thận hoặc suy tim) cần được đánh giá trước khi điều trị bằng thuốc Sunvesizen 10mg. Nếu bệnh nhân có nhiễm trùng đường tiết niệu, liệu pháp kháng khuẩn điều trị thích hợp nên được áp dụng.

Tính an toàn và hiệu quả của Solifenacin chưa được xác lập ở bệnh nhân bị bàng quang co thắt do nguyên nhân từ thần kinh.

Hiệu quả điều trị tối đa của Solifenacin có thể được xác định sớm nhất sau 4 tuần dùng thuốc.

Thuốc Sunvesizen 10mg có chứa lactose. Bệnh nhân có vấn đề di truyền hiếm gặp không dung nạp lactose, sự thiếu hụt men lactase hoặc kém hấp thu glucose-galactose thì không nên dùng thuốc này.

  • Khả năng lái xe và vận hành máy móc.

Solifenacin có thể gây ra mờ mắt, buồn ngủ và mệt mỏi, do đó khả năng lái xe và vận hành máy móc có thể bị ảnh hưởng xấu.

  • Phụ nữ mang thai

Hiện nay không có nghiên cứu đầy đủ và được kiểm soát tốt của sử dụng Solifenacin trên phụ nữ mang thai. Chỉ nên sử dụng thuốc Sunvesizen trong quá mang thai sau khi cân nhắc kỹ nguy cơ và lợi ích mang lại cho bà mẹ và thai nhi.

  • Phụ nữ đang cho con bú

Chưa rõ liệu thuốc Solifenacin có được bài tiết vào sữa mẹ hay không. Do có nhiều thuốc được bài tiết qua sữa mẹ, không nên dùng Solifenacin trong suốt thời kỳ cho con bú. Cân nhắc hoặc cho trẻ ngừng bú, hoặc ngừng sử dụng thuốc Sunvesizen ở phụ nữ đang cho con bú.

5. Tương tác thuốc

Ketoconazole: khuyến cáo sử dụng Solifenacin với liều không quá 5mg/ngày khi dùng đồng thời với liều điều trị của Ketoconazole, hoặc các thuốc ức chế mạnh CYP3A4 khác (nelfinavir, ritonavir, itraconazole). Chống chỉ định sử dụng đồng thời Solifenacin và chất ức chế mạnh CYP3A4 khác ở bệnh nhân suy thận nặng hoặc suy gan trung bình.

Thuốc gây cảm ứng CYP3A4 có thể làm giảm nồng độ của Solifenacin. Vì Solifenacin được chuyển hóa bởi CYP3A4, tương tác về dược động học là có thể xảy ra với chất nền khác của CYP3A4 với ái lực cao hơn (diltiazem, verapamil) và thuốc cảm ứng CYP3A4 (phenytoin, rifampicin, carbamazepine).

Thuốc có đặc tính kháng cholinergic khác: khi dùng đồng thời với Sunvesizen có thể dẫn đến tăng hiệu quả điều trị và tăng cao tác dụng không mong muốn. Ngưng sử dụng Solifenacin khoảng 1 tuần trước khi bắt đầu điều trị bằng thuốc kháng cholinergic khác. Tác dụng điều trị của Solifenacin có thể bị giảm khi dùng đồng thời với thuốc chủ vận thụ thể cholinergic.

Thuốc kích thích nhu động của dạ dày và đường ruột, như metoclopramide và cisapride: Sunvesizen có thể làm giảm tác dụng của các thuốc này.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

269 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan