Công dụng thuốc Rapiclav 625

Thuốc Rapiclav 625 là kháng sinh bán tổng hợp thuộc nhóm Beta-lactam. Thuốc có thành phần chính là Amoxicillin và Acid Clavulanic với tổng hàm lượng 625 mg. Rapiclav 625 được sử dụng phổ biến trong điều trị các trường hợp nhiễm khuẩn đường hô hấp, tiết niệu, nhiễm khuẩn da, cơ xương khớp...Tìm hiểu các thông tin cơ bản của thuốc Rapiclav 625 sẽ mang lại cho người bệnh hiệu quả điều trị tốt nhất.

1. Thuốc Rapiclav 625 có tác dụng gì?

Thuốc Rapiclav 625 được bào chế phổ biến dưới dạng viên nén bao phim, ngoài ra còn có dạng hỗn hợp dịch uống và dạng gói bột. Thuốc Rapiclav 625 được chỉ định điều trị cho các trường hợp sau:

  • Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên: Viêm amidan, viêm tai giữa, viêm xoang.
  • Nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới: Viêm phế quản, viêm phổi cấp hay mạn do chủng Haemophilus influenzae và Moraxella catarrhalis.
  • Nhiễm khuẩn tiết niệu: Viêm thận bể thận, viêm niệu đạo, viêm bàng quang do Escherichia coli, Klebsiella và Enterobacter.
  • Nhiễm khuẩn da: Mụn nhọt, nhiễm khuẩn vết thương, áp xe do Staphylococcus aureus, Escherichia coli và Klebsiella.
  • Áp xe tại ổ răng.
  • Nhiễm khuẩn ở xương khớp: Viêm tủy xương.
  • Nhiễm khuẩn thai kỳ: Nhiễm khuẩn hậu sản, nhiễm khuẩn do sẩy thai, nhiễm khuẩn do nạo phá thai.
  • Nhiễm khuẩn khác: Nhiễm khuẩn hậu phẫu, viêm phúc mạc, nhiễm khuẩn ổ bụng.
  • Nhiễm khuẩn huyết.

Mặt khác, trong các trường hợp sau sẽ chống chỉ định của thuốc Rapiclav 625:

  • Dị ứng quá mẫn với bất cứ thành phần của thuốc Rapiclav 625.
  • Tiền sử dị ứng với các loại thuốc có chứa Amoxicillin, Acid Clavulanic.
  • Tiền sử dị ứng với các thuốc kháng sinh thuộc nhóm Beta-lactam.
  • Người suy giảm chức năng gan thận nặng.
  • Người có tiền sử vàng da do sử dụng kháng sinh.
  • Trẻ em dưới 40kg.

2. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Rapiclav 625

Người lớn và trẻ em ≥ 40kg

  • Liều thông thường: Uống 1 viên/lần x 2 lần/ngày.
  • Liều nhiễm khuẩn nặng: Uống 1 viên/lần x 3 lần/ngày.

Trẻ em < 40kg

  • Thường sử dụng dạng hỗn dịch hoặc dạng gói bột : Uống 20/5 mg/kg/ngày đến 60/15 mg/kg/ngày x 3 lần/ngày.
  • Không khuyến cáo sử dụng thuốc viên.

Bệnh nhân suy thận: Điều chỉnh liều theo độ thanh thải Creatinin (CrCl)

  • CrCl 10 – 30 mL/phút: Uống 1 viên/lần x 2 lần/ngày.
  • CrCl < 10 mL/phút: Uống 1 viên/lần x 1 lần/ngày.
  • Thẩm phân máu: Uống 1 viên/lần x 1 lần/ngày. Dùng thêm một liều bổ sung trong thời gian và cuối mỗi đợt lọc máu.

3. Tác dụng phụ gặp phải khi sử dụng Rapiclav 625

Sử dụng thuốc Rapiclav 625 với liều cao hoặc kéo dài, có thể gây ra các tác dụng phụ hiếm gặp như:

  • Rối loạn tiêu hóa: Tiêu chảy, buồn nôn, nôn, khó tiêu, rối loạn chức gan như viêm gan, vàng da ứ mật, tăng men gan, viêm đại tràng giả mạc.
  • Rối loạn thần kinh: Chóng mặt, đau đầu, tăng động, co giật, viêm màng não vô trùng.
  • Triệu chứng trên da: Ban đỏ, ngứa, hội chứng Stevens-Johnson, hoại tử biểu bì, viêm bong da, mụn mủ ngoài da cấp tính.
  • Rối loạn huyết học: Thiếu máu tan máu, giảm bạch cầu, tăng bạch cầu ái toan, giảm tiểu cầu.
  • Rối loạn miễn dịch: Sốc phản vệ, phù Quincke.

Khi gặp các triệu chứng trên hoặc các triệu chứng không mong muốn khác sau khi sử dụng Rapiclav 625, cần báo ngay với bác sĩ điều trị hoặc đến ngay cơ sở khám chữa bệnh gần nhất để được xử trí kịp thời.

4. Lưu ý sử dụng thuốc Rapiclav 625 ở các đối tượng

  • Thận trọng khi dùng Rapiclav 625 ở trường hợp sau: Người suy gan, suy thận nặng cần được giảm liều và theo dõi bằng xét nghiệm chức năng gan thận trước, trong và sau sử dụng thuốc.
  • Ở người suy thận, khi sử dụng Rapiclav 625 bệnh nhân cần uống đủ nước và duy trì thể tích nước tiểu để giảm nguy cơ kết tinh thuốc trong nước tiểu.
  • Phụ nữ có thai: Các nghiên cứu về việc Rapiclav 625 làm tăng nguy cơ bất thường cho thai nhi ở những phụ nữ đang mang thai vẫn còn hạn chế. Ngoài ra, một số báo cáo ở phụ nữ sinh non, việc điều trị dự phòng bằng Rapiclav 625 cho những trường hợp ối vỡ sớm làm tăng nguy cơ viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh. Vì vậy, cần cân nhắc lợi ích và tác hại của thuốc Rapiclav 625 khi quyết định điều trị trong thai kỳ.
  • Phụ nữ đang cho con bú: Các nghiên cứu cho thấy cả hoạt chất Amoxicillin và Acid Clavulanic đều có khả năng đi qua sữa, từ đó gây tiêu chảy hay nhiễm nấm niêm mạc ở trẻ bú sữa mẹ. Vì thế, chỉ sử dụng thuốc Rapiclav 625 trong trường hợp thật sự cần thiết.
  • Người làm nghề lái xe hay công nhân vận hành máy móc cần cẩn thận khi sử dụng Rapiclav 625 vì có thể gặp các tác dụng phụ như đau đầu, chóng mặt, co giật.

5. Tương tác thuốc Rapiclav 625

  • Tránh sử dụng Rapiclav 625 phối hợp với các thuốc chống đông vì có thể gây kéo dài thời gian chảy máu, đông máu.
  • Rapiclav 625 bị giảm đào thải ở thận khi dùng chung với Probenecid.
  • Rapiclav 625 làm giảm tác dụng của thuốc ngừa thai đường uống.
  • Rapiclav 625 làm giảm bài tiết Methotrexate gây độc tính cho cơ thể.
  • Rapiclav 625 gây ra dương tính giả khi xét nghiệm tìm Glucose trong nước tiểu.

Trên đây là thông tin khái quát về thành phần, công dụng, liều lượng và những lưu ý khi sử dụng thuốc Rapiclav 625. Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng có trên bao bì sản phẩm Rapiclav 625 và tuân theo đúng chỉ định của bác sĩ điều trị sẽ giúp nâng cao hiệu quả điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe