Công dụng thuốc Ondansevit

Buồn nôn và nôn là những tác dụng phụ rất thường gặp ở những bệnh nhân điều trị bằng hóa xạ trị hoặc cũng có thể gặp sau một số phẫu thuật. Thuốc Ondansevit được dùng để điều trị ngắn hạn nhằm giảm buồn nôn và nôn do các biện pháp điều trị bệnh gây ra.

1. Ondansevit là thuốc gì?

Thành phần trong mỗi 4ml dung dịch thuốc Ondansevit 8mg chứa hoạt chất chính là Ondansetron (dưới dạng Ondansetron hydrochlorid dihydrat) 8mg.

Ondansetron là chất đối kháng thụ thể 5-HT3 có tính chọn lọc cao. Cơ chế tác dụng chính xác trong việc kiểm soát nôn của thuốc này hiện tại chưa được biết rõ. Hoá trị liệu và xạ trị có thể gây ra phản xạ buồn nôn, nôn bằng cách hoạt hoá dây thần kinh phế vị thông qua thụ thể 5 HT. Ondansetron được cho là có tác dụng ức chế sự khởi đầu phản xạ này. Khi các biện pháp điều trị gây ra hoạt hoá dây thần kinh phế vị cũng có thể gây ra giải phóng 5HT trong vùng postrema ở trên sàn não thất IV và làm thúc đẩy nôn qua cơ chế trung tâm. Như vậy tác dụng của Ondansetron trong điều trị buồn nôn do hoá trị liệu hoặc xạ trị có thể do tác dụng đối kháng các thụ thể 5HT3 trên dây thần kinh ngoại vi và hệ thần kinh trung ương. Thuốc này không phải là các chất ức chế thụ thể dopamin, nên không có tác dụng phụ ngoại tháp.

2. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Ondansevit

Chỉ định: Thuốc Ondansevit được sử dụng để điều trị trong các trường hợp sau:

  • Phòng ngừa và điều trị triệu chứng buồn nôn, nôn ở người lớn do điều trị bằng hóa trị hay xạ trị hay sau phẫu thuật.
  • Kiểm soát tình trạng buồn nôn do hóa trị hay xạ trị ở trẻ trên 6 tháng tuổi.
  • Phòng ngừa và điều trị nôn sau khi tiến hành phẫu thuật ở trẻ từ 1 tháng tuổi trở lên.

Chống chỉ định: Không nên sử dụng thuốc Ondansevit cho các đối tượng sau:

  • Người có tiền sử bị dị ứng với hoạt chất Ondansetron hay bất cứ thành phần nào của thuốc. Mẫn cảm nặng với bất cứ loại thuốc đối kháng 5-HT3 nào khác.
  • Dùng cùng với thuốc Apomorphine.

3. Cách dùng và liều dùng thuốc Ondansevit

Cách dùng: Thuốc Ondansevit được chỉ định dùng bằng đường tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm truyền tĩnh mạch sau khi đã được pha loãng.

Việc tiêm truyền tĩnh mạch thuốc này cần phải được thực hiện bởi nhân viên y tế. Trước khi dùng có thể pha loãng thuốc Ondansevit cùng các dung dịch như Nacl 0.9%, Glucose 5% hay Mannitol 10% hay Ringer Lactat.

Liều dùng:

  • Dùng hóa trị hay xạ trị gây ra triệu chứng nôn: Tiêm tĩnh mạch chậm 8mg trong vòng ít nhất là 30 giây ngay trước khi tiến hành hóa trị hay xạ trị.
  • Hóa trị liệu gây ra tình trạng nôn mạnh: Tiêm tĩnh mạch 8mg thuốc trước khi hóa trị. Nếu như dùng với liều 8 - 16mg thì cần pha loãng với 50 - 100 ml dung dịch NaCl hoặc các dung môi khác, sau đó cần truyền trong vòng ít nhất 15 phút. Không được dùng quá liều 16mg mỗi lần do tăng nguy cơ gây ra khoảng QT kéo dài.
  • Nôn do hóa trị liệu ở trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên: Tiêm tĩnh mạch với liều 0.15mg/ kg cân nặng ngay trước khi hóa trị. Có thể dùng thêm 2 liều nữa, mỗi liều cách nhau mỗi 4 tiếng. Tổng liều 1 lần không được quá 8mg, tổng liều hàng ngày không được quá 32mg. Sau 12 giờ chỉ định nên dùng đường uống.
  • Phòng ngừa nôn và điều trị nôn do hậu phẫu ở người lớn: Tiêm tĩnh mạch chậm 4mg.
  • Phòng ngừa nôn và điều trị nôn do hậu phẫu ở trẻ trên 1 tháng tuổi: Tiêm tĩnh mạch chậm với liều 0.1mg/ kg cân nặng, tối đa không quá 4mg trước hoặc ngay lúc khởi mê.
  • Người già trên 65 tuổi, người bị suy thận: Không cần thiết phải hiệu chỉnh liều.
  • Người suy gan vừa và nặng: Không được dùng thuốc này quá 8mg mỗi ngày.

Quá liều:

  • Triệu chứng: Khi quá liều thuốc có thể tăng việc dẫn đến các tác dụng không mong muốn. Thường gặp nhất là rối loạn chức năng thị giác, táo bón, huyết áp hạ, kéo dài khoảng QT,...
  • Xử trí: Hiện tại chưa có các thuốc giải đặc hiệu. Tiến hành điều trị triệu chứng và sử dụng các biện pháp hỗ trợ. Khi điều trị quá liều nên theo dõi điện tâm đồ.

4. Tác dụng không mong muốn của thuốc Ondansevit

Các tác dụng phụ của thuốc Ondansevit có thể xảy ra như sau:

  • Tác dụng phụ rất thường gặp: Đau đầu
  • Thường gặp: phản ứng tại chỗ như cảm giác nóng, đỏ, đau tại nơi tiêm; táo bón.
  • Ít gặp: Co giật, rối loạn vận động; tụt huyết áp; nấc; tăng men gan; loạn nhịp tim, đau thắt ngực.
  • Hiếm gặp: Phản ứng quá mẫn, nặng có thể gặp là gây ra sốc phản vệ, phù mạch; chóng mặt; kéo dài khoảng QT; rối loạn thị giác, nhìn mờ.

Ngoài những tác dụng phụ kể trên, khi dùng thuốc bạn cũng có thể gặp phải những tác dụng phụ khác. Nếu trong quá trình dùng thuốc gặp phải bất cứ biểu hiện bất thường nào, hãy báo cáo ngay cho nhân viên y tế biết để được xử trí kịp thời.

5. Những lưu ý khi dùng thuốc Ondansevit

Để dùng thuốc an toàn, bạn cần lưu ý những điều sau:

  • Đây là một loại thuốc chỉ được dùng dưới chỉ định của bác sĩ. Nên dùng thuốc này với dạng đường tiêm trong thời gian ngắn và nên chuyển dạng đường uống nếu được.
  • Trước khi dùng cần thông báo với bác sĩ về tiền sử dị ứng. Thuốc có thể gây phản ứng quá mẫn chéo với người từng bị quá mẫn khi dùng 5-HT3. Cho nên cần chú ý cả tiền sử dị ứng với các thuốc này.
  • Nếu dùng thuốc gây ra các tác dụng phụ trên đường hô hấp, bệnh nhân cần báo ngay để được điều trị, vì nguy cơ phản ứng quá mẫn nghiêm trọng như sốc phản vệ có thể xảy ra sau đó.
  • Thuốc gây ra kéo dài khoảng QT và phản ứng phụ này tăng lên theo liều lượng dùng. Chú ý chỉnh liều dùng phù với người có nguy cơ cao hay những người có tiền sử bạn thân hay gia đình khoảng QT kéo dài.
  • Hiệu chỉnh liều dùng là điều cần thiết khi bị hạ Kali và hạ Magie máu.
  • Thuốc làm tăng nhu động ruột, cần theo dõi chặt khi dùng thuốc này ở người bị tắc ruột bán cấp.
  • Theo dõi cẩn thận ở những người dùng thuốc sau cắt Amidan, vì thuốc có thể che đi tình trạng chảy máu. Khi dùng thuốc cũng cần theo dõi chặt các chỉ số đánh giá chức năng gan ở trẻ em dùng Ondansetron với các loại thuốc gây độc cho gan.
  • Phụ nữ mang thai: Do chưa xác định được tính an toàn của thuốc khi dùng cho phụ nữ mang thai. Các nghiên cứu trên động vật cho thấy Ondansetron không gây hại cho thai kỳ. Nhưng thường không khuyến cáo để dùng thuốc cho đối tượng này. Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi có ý định sử dụng thuốc.
  • Bà mẹ cho con bú: Thuốc Ondansetron có thể vào được sữa mẹ. Không nên dùng cho đối tượng này hoặc nên ngưng cho con bú khi dùng thuốc. Tùy vào lợi ích cho trẻ và lợi ích cho mẹ để cần nhắc phù hợp.

6. Tương tác thuốc

Các tương tác với thuốc đã được báo cáo như sau:

  • Thuốc gây độc cho tim, các thuốc chống loạn nhịp, thuốc chẹn Beta giao cảm, thuốc kháng sinh: Tăng nguy cơ gây ra loạn nhịp.
  • Các thuốc tác động trên Serotonin: Tăng nguy cơ gây ra hội chứng Serotonin.
  • Apomorphin: Tụt huyết áp rõ rệt, gây ra mất ý thức. Cho nên chống chỉ định dùng kết hợp với thuốc này.
  • Thuốc cũng gây tác dụng phụ kéo dài khoảng QT nếu phối hợp sẽ làm tăng nguy cơ kéo dài QT.
  • Tramadol: Nếu bạn kết hợp hai thuốc này sẽ làm giảm tác dụng giảm đau của Tramadol.
  • Phenytoin, Carbamazepin và thuốc Rifampicin: Giảm nồng độ của thuốc Ondansetron trong máu, giảm hiệu lực của thuốc.

Đảm bảo an toàn khi dùng thuốc bạn nên báo với bác sĩ các thuốc đang dùng để được bác sĩ cân nhắc, tránh nguy cơ gây ra tương tác thuốc.

Hy vọng, với những thông tin về thuốc bạn đã nắm rõ tác dụng, cách dùng và những lưu ý khi dùng. Thuốc chỉ nên được dùng ngắn hạn và dùng thuốc này dưới chỉ định bác sĩ. Trong và sau khi dùng thuốc này nếu bạn thấy có các vấn đề bất thường nên báo lại ngay với bác sĩ.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

630 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan