Công dụng thuốc Musilax

Thuốc Musilax thường được kê đơn để khắc phục hiệu quả các triệu chứng như ho, sốt, nhức đầu,... của bệnh cảm cúm hoặc cảm lạnh. Ngoài ra, thuốc Musilax cũng được dùng trong những trường hợp dị ứng như viêm xoang và viêm phế quản,... Bệnh nhân cần sử dụng thuốc Musilax theo đúng phác đồ của bác sĩ nhằm ngăn ngừa nguy cơ gặp phải các phản ứng bất lợi và sớm đạt hiệu quả điều trị.

1. Musilax là thuốc gì?

Musilax thuộc nhóm thuốc tác dụng trên đường hô hấp, thường được sử dụng để điều trị cho các trường hợp có triệu chứng của cảm lạnh hoặc cảm cúm. Hiện nay, thuốc Musilax được nghiên cứu và sản xuất bởi Công ty cổ phần Dược phẩm Cần Giờ - Việt Nam dưới dạng viên nén bao phim, mỗi hộp gồm 10 vỉ x 10 viên.

Trong mỗi viên nén Musilax có chứa các thành phần hoạt chất chính sau:

  • Paracetamol hàm lượng 500mg.
  • Loratadine hàm lượng 5mg.
  • Dextromethorphan hàm lượng 15mg.
  • Guaifenesin hàm lượng 200mg.

Mỗi một thành phần dược chất trong thuốc Musilax đều đảm nhận vai trò và tác dụng riêng biệt. Khi phối hợp các hoạt chất này với nhau có thể tạo nên một công thức toàn diện, giúp đẩy lùi hiệu quả những triệu chứng như sổ mũi, nghẹt mũi, ho, sốt,... của bệnh cảm cúm hoặc cảm lạnh.

Ngoài ra, thuốc Musilax còn có sự góp mặt của các tá dược khác như: Magnesi stearat, bột Talc, Hydroxypropylmethyl cellulose, hương bạc hà, Starch 1500, Titan dioxyd, Microcrystalline Cellulose, Lactose monohydrate, Polyethylene glycol 6000, Màu Quinoline yellow lake, Màu Brilliant Blue, Natri CIUScar mellose, Colloidal silicon dioxide, Polyvinyl pyrrolidon K30, và màu Tartrazine yellow lake.

2. Thuốc Musilax công dụng là gì?

2.1 Tác dụng của các thành phần hoạt chất trong thuốc Musilax

Dưới đây là công dụng của từng thành phần dược chất có trong công thức thuốc Musilax, bao gồm:

  • Paracetamol: Mang lại hiệu quả hạ sốt và giảm đau dựa trên khả năng ức chế enzyme COX tạo ra prostaglandin gây phản ứng đau và sốt. Điểm đặc biệt của Paracetamol là không gây kích ứng dạ dày.
  • Loratadine: Được biết đến là thuốc kháng histamin H1 thế hệ 2, hoạt động dựa trên cơ chế ngăn ngừa xảy ra sự cạnh tranh tại thụ thể H1 ngoại vi, từ đó làm giảm đáng kể các triệu chứng của dị ứng như hắt hơi, sổ mũi hoặc ngứa mũi/ họng.
  • Dextromethorphan: Là dược chất có tác dụng giảm cơn ho mạnh hơn so với Codein. Công dụng cải thiện cơn ho của Dextromethorphan dựa trên nguyên lý ức chế trung tâm ho.
  • Guaifenesin: Giúp long đờm, thường được sử dụng để điều trị cơn ho có đờm trong bệnh cảm cúm.

2.2 Chỉ định và chống chỉ định sử dụng thuốc Musilax

Thuốc Musilax thường được bác sĩ kê đơn sử dụng nhằm đẩy lùi các triệu chứng sau đây của bệnh cảm cúm và cảm lạnh, bao gồm:

  • Cắt cơn sốt nhanh chóng.
  • Giảm cơn đau mức nhẹ như đau bắp thịt, đau đầu, đau xương khớp.
  • Cải thiện cơn ho và nhức đầu.
  • Điều trị tình trạng đau họng hoặc sung huyết mũi.
  • Làm loãng chất nhầy và dịch tiết ở phế quản, giúp bệnh nhân dễ ho hơn.

Ngoài ra, thuốc Musilax cũng được sử dụng để điều trị các trường hợp bị viêm mũi dị ứng, sổ mũi theo mùa, viêm xoang, viêm phế quản hoặc mẩn ngứa da. Tuy nhiên, không nên tự ý sử dụng thuốc Musilax cho các đối tượng bệnh nhân dưới đây khi chưa có chỉ định của bác sĩ:

  • Bệnh nhân bị mẫn cảm với các hoạt chất hoặc thành phần tá dược có trong công thức thuốc.
  • Chống chỉ định dùng thuốc Musilax cho bệnh nhân bị thiếu men G6PD, có cơn ho do mắc bệnh hen hoặc suy hô hấp.
  • Chống chỉ định dùng thuốc Musilax cho người bị suy thận hoặc suy gan cấp độ nghiêm trọng.
  • Không dùng thuốc Musilax cho bệnh nhi dưới 6 tuổi.
  • Chống chỉ định dùng thuốc Musilax cho người đã sử dụng các loại thuốc IMAO trong vòng 2 tuần trước đó.
  • Không khuyến cáo dùng Musilax cho người bị tăng huyết áp nặng hoặc mắc bệnh mạch vành.

3. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Musilax hiệu quả

Thuốc Musilax được bào chế dưới dạng viên nén dùng bằng đường uống. Bệnh nhân nên uống thuốc cùng với nước đun sôi để nguội hoặc nước lọc. Thời gian giữa mỗi lần uống nên cách nhau tối thiểu 6 giờ và tránh uống quá 6 viên/ ngày. Ngoài ra, nếu trót quên liều thuốc Musilax, bệnh nhân cũng không được phép tăng liều gấp đôi vì sẽ dẫn đến các triệu chứng quá liều thuốc.

Theo khuyến cáo của bác sĩ, bệnh nhân từ 12 tuổi trở lên có thể dùng liều thuốc Musilax từ 1 – 2 viên/ lần và ngày dùng khoảng 2 lần. Trong quá trình sử dụng Musilax, bệnh nhân cần tránh tự ý kéo dài thời gian hoặc điều chỉnh liều theo ý muốn.

4.Thuốc Musilax gây ra các tác dụng phụ gì cho người dùng?

Tùy vào cơ địa của mỗi bệnh nhân mà tác dụng phụ liên quan đến thuốc Musilax có thể xảy ra khác nhau ở mỗi người. Dưới đây là một số phản ứng ngoại ý có nguy cơ xuất hiện trong quá trình điều trị các triệu chứng cảm lạnh / cảm cúm bằng thuốc Musilax:

  • Phản ứng liên quan đến Paracetamol: Buồn nôn, nôn ói, giảm số lượng bạch cầu trung tính, thiếu máu, phát ban, khó thở, sưng mặt – lưỡi – họng, độc tính thận/ gan khi dùng dài ngày.
  • Phản ứng liên quan đến Loratadine: Buồn ngủ, mệt mỏi, đau đầu, khô miệng, rối loạn tiêu hóa, hắt hơi, chóng mặt, khô mũi, nôn ói, nhịp tim nhanh, thay đổi huyết áp, co cứng cơ hoặc đau ngực.
  • Phản ứng liên quan đến Dextromethorphan: Buồn nôn, chóng mặt, da đỏ bừng, nhịp tim nhanh, mệt mỏi, nổi mày đay (hiếm gặp).
  • Phản ứng liên quan đến Guaifenesin: Lo âu, hoảng sợ, lo lắng, ảo giác, kích thích, co giật, đau đầu, run rẩy hoặc có cảm giác khó chịu.

Trong tình huống gặp phải bất kỳ tác dụng phụ nào được đề cập ở trên khi dùng thuốc Musilax, bệnh nhân cần ngưng điều trị và báo cho bác sĩ ngay để có biện pháp xử trí.

5. Những lưu ý quan trọng cần nắm rõ khi dùng thuốc Musilax

Nhằm đảm bảo an toàn và sớm đạt hiệu quả điều trị khi sử dụng thuốc Musilax, bệnh nhân cần lưu ý một số khuyến cáo dưới đây:

  • Trước khi dùng Musilax, bệnh nhân cần báo cho bác sĩ nếu đang có các vấn đề sức khỏe khác như cao huyết áp, tăng nhãn áp, suy thận, tiểu đường, bệnh gan, tim mạch, cường giáp, tiểu khó, phì đại tuyến tiền liệt, ho tiết nhiều đờm, ho mãn tính do hút thuốc lá, ho do viêm phế quản mãn tính, hen phế quản hay khí phế thũng.
  • Ngừng sử dụng Musilax và tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu xuất hiện triệu chứng sưng phù, đỏ bừng da, có các triệu chứng mới, sung huyết mũi, cơn đau, ho kéo dài trên 7 ngày, sốt nặng/ kéo dài trên 3 ngày, chóng mặt, bồn chồn hoặc mất ngủ, ho kèm theo sốt, tái phát cơn ho, nhức đầu kéo dài hoặc phát ban da. Đây có thể là dấu hiệu của bệnh lý nghiêm trọng hơn và cần chữa trị kịp thời.
  • Tham khảo lời khuyên của bác sĩ trước khi quyết định dùng thuốc Musilax cho thai phụ hoặc bà mẹ nuôi con bú.
  • Thuốc Musilax có thể gây ra các triệu chứng như chóng mặt, buồn ngủ, nhức đầu,... do đó bệnh nhân cần thận trọng khi dùng thuốc trong lúc lái xe hay làm các công việc đòi hỏi sự tập trung cao độ.
  • Trước khi uống Musilax, bệnh nhân nên kiểm tra hạn sử dụng xem đã hết hạn chưa. Việc uống phải thuốc quá hạn có thể làm giảm hiệu quả điều trị và dẫn đến những tác hại nguy hiểm cho sức khỏe.
  • Bảo quản thuốc Musilax tại nơi khô thoáng, tránh xa tầm với của trẻ nhỏ và không để ở nơi ẩm thấp.

6. Thuốc Musilax tương tác với các loại thuốc nào khác?

Thực tế, một số loại thuốc khác khi phối hợp dùng cùng lúc với Musilax có thể dẫn đến những phản ứng tương tác ngoại ý. Theo khuyến nghị của bác sĩ, bệnh nhân cần tránh dùng chung Musilax với những thuốc sau:

  • Thuốc Barbiturat, Isoniazid, Phenytoin hoặc Carbamazepin có thể làm tăng độc tính của hoạt chất Paracetamol trong thuốc Musilax đối với gan.
  • Tránh kết hợp Musilax cùng với các thuốc chống đông máu như Coumarin vì nguy cơ khó đông máu nghiêm trọng có thể xảy ra.
  • Không phối hợp Musilax cùng với các chất cảm ứng enzym cytochrom P450 như Ketoconazole, Cimetidin hay Erythromycin vì những chất này có thể làm tăng nồng độ chất Loratadin trong máu.
  • Thuốc IMAO khi dùng cùng với Musilax có thể gây xuất huyết não, tăng huyết áp và tử vong cho bệnh nhân.
  • Sự chuyển hóa của hoạt chất Dextromethorphan trong thuốc Musilax sẽ bị giảm xuống đáng kể khi dùng chung với Quinidin.
  • Tăng tác dụng của các thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương nếu dùng chung với Dextromethorphan trong thuốc Musilax.
  • Không dùng thuốc Musilax cùng với các loại thuốc khác có chứa thành phần tương tự.

Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Musilax, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc Musilax điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

110 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan