Công dụng thuốc Molantel

Molantel có thành phần chính là Cilostazol, thuộc nhóm ức chế kết tập tiểu cầu và giãn mạch. Thuốc Molantel chỉ định điều trị cơn đau cách hồi do bệnh động mạch chi dưới mạn tính để cải thiện khoảng cách di chuyển tối đa cho người đi bộ.

1. Thuốc Molantel là thuốc gì?

Molantel có thành phần chính là Cilostazol, thuộc nhóm ức chế kết tập tiểu cầu và giãn mạch. Thuốc Molantel chỉ định điều trị trong các trường hợp:

  • Ðiều trị những triệu chứng thiếu máu cục bộ: Đau, loét, lạnh các chi trong chứng tắc nghẽn động mạch mãn tính (thường gặp ở bệnh Buerger, xơ cứng động mạch tắc, biến chứng mạch máu ngoại biên do bệnh đái tháo đường).
  • Dùng thuốc với mục đích phòng ngừa nhồi máu não tái phát (trừ trường hợp nghẽn mạch não nguyên nhân do tim).
  • Cơn đau cách hồi do bệnh động mạch chi dưới mạn tính với mục đích cải thiện khoảng cách di chuyển tối đa cho người đi bộ.
  • Thuốc chỉ được chỉ định sau khi người bệnh đã thay đổi lối sống hoặc điều trị phương pháp khác (như bỏ hút thuốc, kiểm soát huyết áp, kiểm soát bệnh đái tháo đường, điều hòa lượng mỡ trong máu, giảm béo) thất bại.

Molantel bào chế dưới dạng viên nén, hàm lượng mỗi viên 100mg Cilostazol.

2. Chống chỉ định của Molantel

Chống chỉ định dùng Molantel trong các trường hợp dưới đây:

  • Người bệnh có tiền sử dị ứng, quá mẫn cảm với Cilostazol hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc.
  • Viêm loét dạ dày tá tràng đang chảy máu.
  • Tai biến mạch máu não do xuất huyết não trong vòng 6 tháng.
  • Bệnh võng mạc đái tháo đường.
  • Tăng huyết áp chưa được kiểm soát.
  • Tiền sử loạn nhịp nhanh nặng, khoảng QT kéo dài.
  • Đau thắt ngực không ổn định.
  • Người bệnh có tiền sử nhồi máu cơ tim trong vòng 6 tháng.
  • Người bệnh có tiền sử can thiệp động mạch vành hoặc đặt cầu nối chủ vành trong vòng 6 tháng.
  • Người bệnh suy tim sung huyết.
  • Bệnh nhân đang điều trị đồng thời với 2 hoặc nhiều thuốc chống kết tập tiểu cầu (như Clopidogrel, Axit acetylsalicylic) hoặc chống đông máu (như Heparin, Warfarin, Acenocoumarol, Dabigatran, Rivaroxaban hoặc Apixaban).
  • Suy thận nặng.
  • Suy gan trung bình hoặc nặng.

3. Liều dùng và cách sử dụng thuốc Molantel

3.1. Liều dùng thuốc Molantel

Người lớn:

Điều trị giảm triệu chứng đau cách hồi do bệnh động mạch chi dưới mạn tính:

  • Liều thường dùng là 100mg/lần x 2 lần/ngày.
  • Nếu sử dụng Molantel cùng với các thuốc (Omeprazol, Clarithromycin, Diltiazem, Erythromycin, Itraconazol, Ketoconazol) cần giảm liều đến 50mg/lần x 2 lần/ngày.

Trẻ em: Chưa xác định được tính an toàn và hiệu quả của Molantel ở trẻ em.

Đối tượng khác

Bệnh nhân suy gan - suy thận:

  • Bệnh nhân suy thận có độ thanh thải creatinin > 25ml/phút: Không cần điều chỉnh liều thuốc Molantel.
  • Bệnh nhân bị bệnh gan nhẹ: Không cần điều chỉnh liều thuốc Molantel.

Người cao tuổi: Không cần điều chỉnh liều thuốc Molantel.

3.2. Cách dùng thuốc Molantel

  • Thuốc Molantel 100 được bào chế dưới dạng viên nén, hàm lượng Cilostazol 100mg, dùng đường uống.
  • Trước khi uống, người bệnh đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc trên tờ hướng dẫn sử dụng.
  • Uống thuốc trước bữa ăn chính ít nhất 30 phút hoặc sau 2 giờ. Không nên uống thuốc lúc đói để tránh tác dụng phụ không mong muốn.

4. Tác dụng không mong muốn của Molatel

Tác dụng không mong muốn thường gặp của Molatel như sau:

  • Toàn thân và trên da: Nhiễm trùng, phù ngoại biên, khô da, mày đay, tăng creatinin, tăng lipid máu, tăng acid uric máu.
  • Hệ thần kinh: Đau nhức đầu, cảm giác hoa mắt, chóng mặt.
  • Hệ tiêu hóa: Đi ngoài phân lỏng, chán ăn, buồn nôn, đau bụng.
  • Hệ hô hấp: Viêm mũi, viêm họng, ho.
  • Hệ tim mạch: Nhịp tim nhanh, hồi hộp, đánh trống ngực.
  • Hệ cơ xương khớp: Đau cơ, đau vùng thắt lưng.

Tác dụng không mong muốn ít gặp của Molatel như sau:

  • Toàn thân và trên da: Dị ứng, tăng glucose huyết.
  • Máu: Thiếu máu.
  • Hệ thần kinh: Lo lắng, mất ngủ.
  • Hệ tim mạch: Nhồi máu cơ tim, rung nhĩ, suy tim sung huyết.
  • Ngũ quan: Xuất huyết mắt, chảy máu cam.
  • Hệ tiêu hóa: Viêm dạ dày, xuất huyết đường tiêu hóa.
  • Hệ hô hấp: Khó thở, viêm phổi.

Tác dụng không mong muốn hiếm gặp của Molatel như sau:

  • Máu: Thời gian chảy máu kéo dài, giảm bạch cầu hạt, thiếu máu tan máu, giảm các dòng tế bào máu.
  • Hệ thận - tiết niệu: Suy thận.
  • Hệ tim mạch: Rối loạn điện tâm đồ (xoắn đỉnh, QT kéo dài, block nhĩ - thất hoàn toàn) và suy tim.
  • Xuất huyết: Xuất huyết tiêu hóa, chảy máu nội sọ, chảy máu dưới da, tai biến mạch não do xuất huyết não, tụ máu ngoài màng cứng và dưới màng cứng.
  • Trên gan: Tăng men gan, vàng da.
  • Trên da: Hội chứng Steven-Johnson, viêm da do thuốc.

5. Thận trọng khi sử dụng thuốc Molatel

Người bệnh dùng thuốc Molatel cần lưu ý những thông tin dưới đây:

  • Molatel dùng để làm giảm cơn đau cách hồi khi đi một quãng dài ở người bị bệnh động mạch chi dưới mạn tính và không có biến chứng tổn thương hoại tử tại chi.
  • Cần thận trọng khi dùng Molatel ở người bị ngoại tâm thu nhĩ hoặc thất, rung nhĩ, bệnh động mạch vành ổn định do nhiều tác dụng phụ trên hệ tim mạch.
  • Cần thận trọng khi dùng Molatel ở người đái tháo đường (nguy cơ cao chảy máu nội nhãn) hoặc người bệnh chuẩn bị hay vừa phẫu thuật (nguy cơ cao xuất huyết không cầm).
  • Bệnh nhân dùng Molatel có nguy cơ chảy máu hoặc dễ bầm tím khi đang điều trị. Trong trường hợp chảy máu võng mạc, ngay lập tức dừng điều trị Molatel.
  • Cần ngừng sử dụng Molatel ngay lập tức nếu có bất thường về xét nghiệm huyết học, đông máu.
  • Lưu ý với phụ nữ có thai: Trên động vật thực nghiệm cho thấy Molatel làm giảm trọng lượng thai, tăng tỷ lệ bất thường về tim mạch, thận, xương như: bất thường quai động mạch chủ, động mạch dưới đòn, bất thường vách liên thất, chậm cốt hóa. Do đó, tránh dùng Molatel ở phụ nữ mang thai.
  • Lưu ý với phụ nữ cho con bú: Molatel được bài tiết vào sữa trên động vật thực nghiệm, do đó cần ngừng cho con bú khi dùng thuốc hoặc ngừng thuốc do nguy cơ đối với trẻ bú mẹ.
  • Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc: Molatel có thể gây chóng mặt và bệnh nhân cần được cảnh báo thận trọng trước khi lái xe hoặc vận hành máy móc.

6. Quá liều và quên liều Molatel

6.1. Quá liều Molatel và xử trí

Quá liều và độc tính:

  • Có rất ít thông tin về quá liều Molatel ở người. Triệu chứng quá liều Molatel có thể dự đoán trước qua biểu hiện của tác dụng dược lý quá mức: Đau đầu trầm trọng, tiêu chảy, hạ huyết áp, có thể rối loạn nhịp tim gây nhịp tim nhanh,....

Cách xử lý khi quá liều:

  • Hiện chưa có thuốc đặc trị quá liều Molatel. Người bệnh phải được theo dõi cẩn thận và điều trị hỗ trợ, do Molatel gắn protein huyết tương tỷ lệ cao nên không phù hợp với lọc máu ngoài thận. Khi có biểu hiện quá liều nặng cần cho bệnh nhân ngừng thuốc ngay và đến cơ sở y tế gần nhất. Có thể sử dụng phương pháp làm trống dạ dày bằng cách gây nôn hoặc rửa dạ dày.

6.2. Quên liều Molatel và xử trí

  • Nếu người bệnh quên uống một liều thuốc, hãy uống càng sớm càng tốt ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu liều Molatel quá gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều kế tiếp vào thời điểm đã được chỉ định. Không uống gấp đôi liều thuốc tại cùng một thời điểm. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, người bệnh có thể trao đổi thêm ý kiến từ nhân viên y tế có chuyên môn.

Molantel có thành phần chính là Cilostazol, được chỉ định điều trị cơn đau cách hồi do bệnh động mạch chi dưới mạn tính để cải thiện khoảng cách di chuyển tối đa cho người đi bộ, phòng ngừa nhồi máu não tái phát (ngoại trừ nghẽn mạch não do tim), điều trị các triệu chứng thiếu máu cục bộ. Vì Molantel là thuốc kê đơn nên người bệnh không tự ý sử dụng, mà cần liên hệ trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa để có đơn kê phù hợp, đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

29 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan