Công dụng thuốc mỡ Piodincarevb

Piodincarevb là thuốc mỡ dùng chứa hoạt chất Povidone-iodine, được dùng tại chỗ để dự phòng và điều trị nhiễm khuẩn bỏng, loét, trầy xước,... Cùng tìm hiểu công dụng, liều dùng của thuốc Piodincarevb qua bài viết dưới đây.

1. Dược lý học của thuốc Piodincarevb

Thuốc mỡ Piodincarevb chứa thành phần chính là Povidone-iodine 10%. Ngoài ra, thuốc còn chứa các thành phần của tá dược bao gồm: Alpha-tocopherol, Natri bicarbonat, PEG 400, PEG 4000 vừa đủ 1 lọ.

1.1. Dược lực học của Povidone-iodine

Povidone-iodine là phức hợp của polyvinylpyrrolidone (povidone-PVP) và iod, đây chất sát khuẩn được sử dụng phổ biến. Povidone được dùng như một chất mang iod, quá trình sử dụng Povidone-iodine sẽ giải phóng ra iod và thể hiện tác dụng của nó. Iod là chất sát trùng có hiệu quả cao, giúp diệt nhanh vi khuẩn, nấm, virus, hay một số sinh vật nguyên sinh (in-vitro).

Cơ chế tác dụng của thuốc Povidone-iodine bao gồm: Iod nằm trong phức hợp dự trữ và iod tự do diệt vi trùng. Khi Povidone-iodine tiếp xúc với da hay màng nhầy, iod từ phức hợp tách ra một cách từ từ, iod tự do phản ứng với các nhóm -SH, -OH, oxy hóa các amino acid trong các enzym và protein của vi sinh vật, từ đó làm bất hoạt các enzym và protein đó.

Trên in-vitro, hầu hết vi sinh vật trong quá trình sinh dưỡng đều bị Povidone-iodine tiêu diệt trong thời gian rất ngắn (dưới 1 phút). Mức độ tác dụng của thuốc thể hiện qua sự mất màu của iod (màu nâu của thuốc nhạt dần). Có thể nhắc lại liều tiếp theo sau khi ghi nhận sự mất màu của thuốc. Chưa thấy báo cáo về sự kháng thuốc Povidone-iodine.

1.2. Dược động học của Povidone-iodine

Về hấp thu: Iod thấm được qua da. Dùng Povidone-iodine tại chỗ thường hấp thu toàn thân với một lượng rất nhỏ. Sự hấp thu của iod còn tùy thuộc vào diện rộng, da/ niêm mạc, vết thương, khoang cơ thể).

Về chuyển hóa và thải trừ: Thuốc được hệ liên võng nội mô lọc giữ và đào thải chủ yếu qua nước tiểu.

2. Tác dụng của thuốc mỡ Piodincarevb

Thuốc mỡ Piodincarevb có tác dụng sát trùng, diệt vi khuẩn, virus, nấm, động vật đơn bào,... nhờ giải phóng iod dần dần khi dùng tại chỗ. Tác dụng của Povidone-iodine kém hơn các sản phẩm chứa iod tự do, tuy nhiên thuốc lại ít độc hơn nhờ hàm lượng iod tự do thấp hơn.

3. Chỉ định của thuốc mỡ Piodincarevb

Thuốc mỡ Piodincarevb được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Dự phòng, điều trị nhiễm khuẩn ở các tổn thương bỏng độ 2 hay bỏng độ 3 nông. Lưu ý không dùng trên 20% diện tích cơ thể đối với trường hợp bỏng diện rộng.
  • Dự phòng, điều trị nhiễm khuẩn tại các vết loét trên da, có thể gặp ở bệnh nhân nằm liệt giường, tổn thương loét mạn tính vùng cẳng chân hay đứt rách, vết thương, trầy da.

4. Cách dùng và liều dùng thuốc mỡ Piodincarevb

Cách dùng: Thuốc mỡ Piodincarevb được dùng tại chỗ trên vùng da tổn thương bằng cách bôi trực tiếp lên da hoặc gián tiếp thông qua băng gạc, có thể băng vết thương lại nếu cần.

Liều dùng: Bôi thuốc Piodincarevb từ một đến vài lần trong ngày.

5. Chống chỉ định của thuốc Piodincarevb

  • Chống chỉ định dùng Piodincarevb ở người quá mẫn với iod hay bất kỳ thành phần nào khác của thuốc.
  • Không dùng thuốc Piodincarevb khi tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp) hay ở bệnh nhân mắc các bệnh lý rõ ràng khác của tuyến giáp (như rối loạn tuyến giáp).
  • Không dùng Piodincarevb trước và sau khi điều trị iod phóng xạ (như trong điều trị ung thư tuyến giáp).
  • Không dùng thuốc mỡ Piodincarevb trước khi chụp nhấp nháy tuyến giáp (nhấp nháy đồ iod phóng xạ).

6. Tác dụng phụ của thuốc Piodincarevb

Sử dụng thuốc mỡ Piodincarevb có thể gặp một số tác dụng không mong muốn tại chỗ (như kích ứng) hay các tác dụng phụ toàn thân trên tuyến giáp, huyết học, thần kinh.

  • Tác dụng phụ thường gặp: Sự hấp thu mạnh iod khi dùng Povidone-iodine ở vết thương rộng hay bỏng nặng có thể là nguyên nhân nhiễm acid chuyển hóa, tăng natri máu, ảnh hưởng chức năng thận, giảm chức năng tuyến giáp, có thể gây cơn nhiễm độc giáp (nếu bệnh nhân giảm năng giáp tiềm tàng), giảm bạch cầu trung tính (đối với bỏng nặng), co giật (khi điều trị Povidone-iodine kéo dài).
  • Tác dụng phụ ít gặp: Bệnh nhân sử dụng thuốc Piodincarevb còn có thể gặp một số tác dụng khác như: dị ứng, viêm da, đốm xuất huyết hay viêm tuyến nước bọt. Ngoài ra, ở bệnh nhân điều trị kéo dài còn có thể xuất hiện cơn động kinh, tuy nhiên tác dụng phụ này ít gặp.

7. Tương tác thuốc của Piodincarevb

  • Sử dụng đồng thời thuốc Piodincarevb với các sản phẩm điều trị vết thương chứa thành phần enzym làm giảm tác dụng của các chất này. Tác dụng của Povidone-iodine bị giảm khi có sự có mặt của kiềm, protein, natri thiosulfat, các thuốc sát khuẩn khác hay trong môi trường nhiệt độ cao, ánh sáng mặt trời.
  • Povidone-iodine có thể tương tác với các sản phẩm chứa thủy ngân, bạc, hydroperoxide, taurolidine, do đó không nên dùng đồng thời các sản phẩm này.
  • Sử dụng đồng thời các sản phẩm chứa Povidone-iodine, hoặc sử dụng ngay sau khi bôi octenidine (chứa chất vô trùng) ngay tại vị trí bôi hoặc gần vị trí bôi có thể gây mất sắc tố da tại vùng bôi (thoáng qua).
  • Dùng thuốc mỡ Piodincarevb cùng với lithi làm tăng nguy cơ suy giáp.
  • Sử dụng Povidone-iodine ảnh hưởng đến các thử nghiệm chức năng tuyến giáp (nhấp nháy đồ tuyến giáp, xét nghiệm định lượng iod gắn protein,...) do làm giảm sự hấp thu iod. Do đó, cần đảm bảo khoảng cách từ khi kết thúc điều trị Povidone-iodine đến khi thực hiện các xét nghiệm này.

8. Thận trọng khi dùng thuốc mỡ Piodincarevb

Các đối tượng cần thận trọng khi dùng thuốc Piodincarevb bao gồm:

  • Bệnh nhân bướu cổ, bướu giáp hay các bệnh lý rối loạn tuyến giáp khác: Đây là những đối tượng có nguy cơ tăng năng tuyến giáp khi dùng iod liều cao. Do đó không nên dùng Povidone-iodine kéo dài và trên diện rộng ở các trường hợp này trừ khi được được chỉ định và có sự giám sát chặt chẽ. Cần quan sát các triệu chứng tăng năng tuyến giáp có thể xảy ra (thậm chí khi kết thúc điều trị) để kiểm soát chức năng tuyến giáp.
  • Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ có nguy cơ cao tăng năng tuyến giáp: Hết sức thận trọng khi dùng thuốc mỡ Piodincarevb cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Iod có thể thấm qua da, nhất là ở trẻ em có làn da mỏng và tăng mẫn cảm với iod. Do đó, chỉ nên dùng liều Povidone-iodine tối thiểu cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nếu cần, phải kiểm tra chức năng tuyến giáp của trẻ (xét nghiệm TSH, T4), nhất là trẻ dưới 30 tháng tuổi. Chú ý để thuốc Piodincarevb xa tầm với của trẻ, tuyệt đối tránh để trẻ nuốt Povidone-iodine vào bụng.
  • Bệnh nhân bỏng nặng hoặc vết thương rộng: Povidone-iodine sử dụng tại chỗ có thể hấp thu toàn thân ở bệnh nhân bỏng nặng hoặc vết thương rộng, gây ra các tác dụng phụ không mong muốn.
  • Bệnh nhân suy thận: Đây cũng là đối tượng cần thận trọng khi sử dụng Povidone-iodine bởi các nguy cơ, tác dụng phụ có thể gặp phải.
  • Phụ nữ có thai, cho con bú: Việc sử dụng Povidone-iodine trong thời kỳ mang thai hoặc đang cho con bú cần phải hết sức chú ý bởi vì có khả năng iod vào nhau thai và qua sữa mẹ, tăng mẫn cảm iod ở thai nhi và trẻ sơ sinh. Vì vậy, chỉ nên dùng liều tối thiểu Povidone-iodine khi có chỉ định, giám sát chặt chẽ của bác sĩ trong thời kỳ này.
  • Người lái xe và vận hành máy móc: Chưa có ghi nhận về ảnh hưởng của thuốc mỡ Piodincarevb đối với người lái xe hay vận hành máy móc. Để đảm bảo an toàn, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hay dược sĩ trước khi dùng thuốc.

9. Quá liều

Việc sử dụng thuốc mỡ Piodincarevb hay các chế phẩm khác chứa Povidone-iodine cần tuân thủ liều lượng được khuyến cáo. Lượng iod quá nhiều sẽ dẫn đến các rối loạn tuyến giáp, hay các tác dụng phụ toàn thân, nhất là ở vùng tổn thương rộng hay bỏng nặng.

10. Bảo quản

Povidone-iodine bị giảm tác dụng dưới ánh sáng và nhiệt độ cao. Do đó, cần bảo quản thuốc Piodincarevb trong lọ kín ở nhiệt độ dưới 25 độ C, tránh ánh sáng, để đảm bảo hiệu quả của thuốc.

Nguồn tham khảo: ythuoc.com.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan