Công dụng thuốc Meyerflavo

Meyerflavo là thuốc chống co thắt đường niệu, được bào chế dưới dạng viên nén với hoạt chất chính là Flavoxat hydroclorid. Bài viết dưới đây cung cấp cho bạn đọc thông tin về công dụng, lưu ý khi dùng thuốc Meyerflavo.

1. Meyerflavo là thuốc gì?

Meyerflavothuốc chống co thắt đường niệu, có hoạt chất chính là Flavoxat hydroclorid. Thuốc Meyerflavo được bào chế dưới dạng viên nén bao phim với hàm lượng 200mg.

Flavoxat hydroclorid là dẫn chất của Flavon, thuốc có tác dụng trực tiếp chống co thắt cơ trơn, chủ yếu trên cơ trơn đường tiết niệu. Flavoxat hydroclorid cũng tác dụng chống co thắt cơ trơn ở túi mật, ruột non, tử cung và túi tinh. Thuốc tác dụng gây giãn trực tiếp cơ trơn bằng cách ức chế phosphodiesterase.

Flavoxat hydroclorid còn có tác dụng làm tăng dung tích bàng quang ở bệnh nhân có biểu hiện co cứng bàng quang. Flavoxat hydroclorid đặc biệt có hiệu quả trong điều trị sự co cứng cơ bàng quang, làm tăng khả năng tiết niệu. Thời gian bắt đầu có tác dụng là 55 - 60 phút. Flavoxat hydroclorid có tác dụng kháng histamin, giảm đau và gây tê yếu. Khi sử dụng thuốc với liều cao, tác dụng kháng cholinergic yếu.

2. Chỉ định và chống chỉ định thuốc Meyerflavo

Thuốc Meyerflavo được chỉ định trong điều trị các trường hợp sau:

  • Giúp giảm nhẹ các triệu chứng, nhưng không điều trị khỏi hẳn: tiểu gấp, khó tiểu, tiểu đêm, tiểu lắt nhắt và tiểu ngắt quãng trong các bệnh lý của tiền liệt tuyến và bàng quang.
  • Hỗ trợ điều trị chống co thắt trong các bệnh lý như: Sỏi thận; sỏi niệu quản; rối loạn co thắt đường niệu do đặt ống thông tiểu, sỏi bàng quang và di chứng phẫu thuật đường tiểu dưới.
  • Giảm tình trạng co thắt ở đường sinh dục nữ như: đau bụng kinh, đau vùng chậu, tăng trương lực và rối loạn vận động của tử cung.

Thuốc Meyerflavo chống chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Dị ứng hoặc mẫn cảm với Flavoxat hydroclorid hoặc bất kỳ thành phần nào khác trong thuốc Meyerflavo.
  • Các tình trạng tắc nghẽn sau: Tắc hồi tràng, tắc môn vị hoặc tá tràng, những sang thương gây tắc ruột hoặc gây liệt ruột, xuất huyết tiêu hóa, cơ trơn không giãn được, bệnh tắc đường niệu dưới.

3. Cách dùng thuốc Meyerflavo

Thuốc Meyerflavo được dùng đường uống. Trường hợp có kích ứng dạ dày, có thể uống thuốc cùng với thức ăn hoặc sữa. Liều dùng thuốc Meyerflavo được chỉ định như sau:

  • Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi: 1 viên 200mg x 3-4 lần/ngày.

Flavoxat hydroclorid được hấp thu nhanh chóng. Đáp ứng lâm sàng sẽ thay đổi tùy thuộc vào bệnh tình và tổng trạng của bệnh nhân. Hiệu quả điều trị trên hệ cơ bàng quang thường xuất hiện trong vòng từ 2 đến 3 giờ sau khi uống thuốc.

Trường hợp bệnh nhân có nhiễm khuẩn đường tiết niệu, việc điều trị thường được kết hợp song song với liệu pháp kháng khuẩn thích hợp.

Bệnh nhân có triệu chứng mãn tính ở bàng quang, cần điều trị duy trì để đạt được hiệu quả tối ưu. Nếu triệu chứng được cải thiện, có thể xem xét giảm liều.

Quá liều thuốc Meyerflavo và xử trí:

  • Quá liều thuốc Meyerflavo gây tác dụng kháng cholinergic với các triệu chứng như chóng mặt nặng, cử động vụng về hoặc lảo đảo; buồn ngủ, sốt; đỏ mặt; ảo giác; rối loạn hô hấp; tình trạng kích động, bồn chồn hoặc dễ bị kích thích.
  • Xử trí: Làm giảm hấp thu Flavoxat hydroclorid bằng cách gây nôn hoặc rửa dạ dày nếu quá liều thuốc trong vòng 4 giờ. Điều trị đặc hiệu bằng cách dùng thuốc thuộc nhóm giống thần kinh đối giao cảm. Ngoài ra, cần áp dụng các biện pháp điều trị hỗ trợ cho bệnh nhân.

Xử trí khi quên một liều thuốc Meyerflavo:

  • Nếu bạn quên dùng một liều thuốc Meyerflavo, hãy dùng ngay nếu có thể. Trường hợp nếu gần đến thời gian sử dụng liều kế tiếp, có thể bỏ qua liều đã quên và uống liều tiếp theo như kế hoạch điều trị. Ngoài ra không dùng gấp đôi liều thuốc Meyerflavo.

4. Các tác dụng phụ của thuốc Meyerflavo

Tác dụng phụ khi sử dụng thuốc Meyerflavo hiếm gặp, bao gồm một số triệu chứng sau: Buồn nôn và nôn ói, khô miệng/ họng, buồn ngủ, chóng mặt, nhức đầu, cảm xúc không ổn định, khó tập trung, rối loạn điều tiết mắt, tăng nhãn áp, nhìn mờ, giãn đồng tử, tăng nhạy cảm của mắt với ánh sáng, nổi mề đay hoặc các bệnh ngoài da khác, lú lẫn, rối loạn tiểu tiện, nhịp tim nhanh, đánh trống ngực, sốt, tăng bạch cầu đa nhân ái toan và có thể gây táo bón hoặc tiêu chảy.

5. Lưu ý khi dùng thuốc Meyerflavo

  • Thận trọng khi dùng thuốc Meyerflavo ở bệnh nhân nghi ngờ có tăng nhãn áp, suy tim sung huyết, nhịp tim nhanh, bệnh mạch vành. Nếu triệu chứng khô miệng trên 2 tuần, phải tham khảo ý kiến bác sĩ.
  • Thận trọng khi dùng cho người lớn tuổi do thuốc Flavoxat hydroclorid có hoạt tính kháng cholinergic (gây lú lẫn, nhìn mờ, nhịp tim nhanh, táo bón).
  • Tính an toàn và hiệu quả của Flavoxat hydroclorid chưa được xác định ở trẻ em dưới 12 tuổi nên không dùng cho trẻ em ở độ tuổi này.
  • Flavoxat hydroclorid có thể gây buồn ngủ, chóng mặt và rối loạn về mắt, sử dụng thận trọng thuốc Meyerflavo khi lái xe và vận hành máy móc.
  • Phụ nữ mang thai: không có nghiên cứu đầy đủ và có kiểm chứng tốt sử dụng Flavoxat hydroclorid ở phụ nữ mang thai. Tránh dùng thuốc Meyerflavo cho phụ nữ mang thai trừ khi thật cần thiết.
  • Phụ nữ đang cho con bú: chưa rõ liệu Flavoxat hydroclorid có bài tiết vào sữa mẹ hay không, thận trọng khi sử dụng thuốc Meyerflavo ở đối tượng này.

6. Tương tác thuốc

  • Tăng tác dụng hoặc độc tính của Flavoxat hydroclorid: thuốc Flavoxat hydroclorid có thể làm tăng nồng độ hoặc tác dụng của thuốc kháng cholinergic, cannabinoid và kali clorid. Nồng độ của Flavoxat hydroclorid có thể tăng lên khi dùng đồng thời với Pramlintid.
  • Flavoxat hydroclorid có thể làm giảm nồng độ hoặc tác dụng của thuốc ức chế acetylcholinesterase (ở thần kinh trung ương), secretin.
  • Ethanol: tránh dùng đồng thời với Flavoxat hydroclorid vì có thể làm tăng sự ức chế hệ thần kinh trung ương.

Thuốc Meyerflavo được chỉ định điều trị triệu chứng khó tiểu, tiểu gấp, tiểu đêm, tiểu lắt nhắt và ngắt quãng trong các bệnh lý của bàng quang, tiền liệt tuyến. Ngoài ra thuốc còn có tác dụng điều trị chống co thắt trong các bệnh lý như sỏi thận, sỏi niệu quản. Trước khi sử dụng Meyerflavo, tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn dùng thuốc an toàn và hiệu quả.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan