Công dụng thuốc Jkyzamo

Jkyzamo là thuốc bán theo đơn chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ. Thuốc Jkyzamo được sản xuất dưới dạng kết hợp kháng sinh và chất tiêu nhầy nhằm điều trị cho bệnh đường hô hấp có kèm sự tăng tiết, khó long đờm.

1. Jkyzamo là thuốc gì?

Jkyzamo là một thuốc kết hợp kháng sinh và tiêu nhầy, thường được sử dụng trong điều trị tình trạng nhiễm khuẩn đường hô hấp.

Thuốc chứa thành phần chính là Amoxicilin (dưới dạng Amoxicilin trihydrat) hàm lượng 500mg/viên, và Bromhexin hydroclorid 8mg/viên cùng một số tá dược khác gồm: Magie stearate, Talc.

Jkyzamo được bào chế dưới dạng viên nang cứng, đóng gói dạng hộp, mỗi hộp 10 vỉ, mỗi vỉ 10 viên thuốc.

2. Jkyzamo công dụng thuốc là gì?

Thuốc Jkyzamo có chứa công dụng của thành phần Amoxicilin. Trong đó, Amoxicillin là một kháng sinh có tác dụng diệt khuẩn hoạt động trên cơ chế ức chế sự sinh tổng hợp mucopeptid của thành tế bào vi khuẩn. Thuốc có hoạt tính với phần lớn các loại vi khuẩn Gram âm và Gram dương như: liên cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn không tạo penicilinase, H.influenzae, N.gonorrhoeae, E.coli và Proteus mirabilis,...

Ngoài ra, thuốc Jkyzamo công dụng đến từ thành phần Bromhexin. Bromhexin là thuốc thuộc nhóm thuốc gọi là mucolytics, có tác dụng phân hủy chất nhầy giúp cho đờm từ phế quản dễ bị tống ra ngoài hơn.

Thuốc này hoạt động trên cơ chế hoạt hóa tổng hợp sialomucin và phá vỡ các sợi acid mucopolysaccharide làm đờm loãng và ít quánh hơn.

Việc sử dụng kết hợp Amoxicillin và Bromhexin làm tăng nồng độ Amoxicilin vào mô phổi và phế quản, làm tăng tác dụng của kháng sinh.

Do những tác dụng trên, Jkyzamo được sử dụng trong các trường hợp nhiễm khuẩn đường hô hấp có kèm ho đờm do vi khuẩn nhạy cảm gây ra cụ thể như:

3. Sử dụng thuốc Jkyzamo như thế nào?

Trước khi sử dụng thuốc Jkyzamo, hãy báo cho bác sĩ nếu bạn:

  • Có tiền sử dị ứng Amoxicillin hoặc Bromhexin hoặc bất kỳ thành phần nào khác của thuốc.
  • Tiền sử dị ứng với bất kỳ thuốc nào khác đặc biệt là Penicillin.

Một số lưu ý trong quá trình sử dụng Jkyzamo:

  • Thận trọng khi sử dụng thuốc cho người có tiền sử loét dạ dày do có thể làm tiêu nhầy và gây hủy hoại hàng rào bảo vệ niêm mạc dạ dày.
  • Bromhexin có thể gây co thắt phế quản ở một số người có cơ địa dễ mẫn cảm, cần thận trọng khi sử dụng cho người bị hen phế quản.
  • Bệnh thận: Bạn có thể cần điều chỉnh liều theo hệ số thanh thải creatinin (Crcl) hoặc creatinin huyết.
  • Định kỳ kiểm tra chức năng gan thận, các chỉ số huyết học nếu cần điều trị Amoxicilin dài ngày.
  • Uống nhiều nước trong quá trình sử dụng Jkyzamo để tránh nguy cơ thuốc kết tinh.
  • Chú ý có thể xảy ra phản ứng Jarisch Herxheimer trong điều trị bệnh Lyme.
  • Tránh phối hợp Jkyzamo với thuốc ho vì có nguy cơ gây ứ đọng đờm ở đường hô hấp.
  • Thận trọng khi sử dụng Jkyzamo cho người suy gan, suy thận nặng, người cao tuổi, người quá suy nhược, trẻ em nhất là trẻ em dưới 2 tuổi.
  • Phụ nữ đang mang thai, và cho con bú chỉ nên sử dụng thuốc này khi thật cần thiết

Uống thuốc Jkyzamo trước hoặc sau bữa ăn theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.

Liều lượng thuốc dựa trên hàm lượng kháng sinh Amoxicillin trong Jkyzamo:

  • Với người lớn và trẻ em trên 40kg: mỗi lần 1 viên, ngày hai lần, trong trường hợp bị nhiễm khuẩn nặng có thể tăng lên ngày 3 lần.
  • Với trẻ có cân nặng nhỏ hơn 40kg nên dùng các dạng bào chế khác phù hợp hơn với hàm lượng hoạt chất thấp hơn.

Sử dụng liều cao 3g Amoxicilin 2 lần mỗi ngày với người bị nhiễm khuẩn đường hô hấp nặng hoặc tái phát.

Đối với người bị suy thận, cần giảm liều theo hệ số thanh thải creatinin:

  • Cl creatinin nhỏ hơn 10ml/phút dùng 500 mg/24 giờ.
  • Cl creatinin lớn hơn 10 ml/phút dùng 500 mg/12 giờ.

Trong trường hợp sử dụng quá liều thuốc này và có các triệu chứng tâm thần kinh, thận (đái ra tinh thể), rối loạn tiêu hoá,... hãy đưa bệnh nhân đến bệnh viện để kịp thời điều trị.

4. Tương tác thuốc và tác dụng phụ của Jkyzamo

4.1 Tương tác thuốc

Một số thuốc có thể gây tương tác với thành phần Amoxicillin trong thuốc này như:

  • Nifedipin: làm tăng hấp thu Amoxicilin
  • Allopurinol: khi dùng cùng với Amoxicilin sẽ làm tăng khả năng phát ban của Amoxicilin.
  • Có thể có sự đối kháng giữa chất diệt khuẩn Amoxicilin và các chất kìm khuẩn như Cloramphenicol, Acid fusidic, Tetracyclin.
  • Amoxicillin làm giảm bài tiết Methotrexate, làm tăng độc tính trên hệ tạo máu và đường tiêu hóa.
  • Thuốc tránh thai dạng uống: làm giảm tác dụng tránh thai.
  • Vắc xin thương hàn: làm giảm tác dụng của vắc-xin.
  • Probenecid: làm giảm thải trừ Amoxicillin và giảm thể tích phân bố.

Một số thuốc có thể gây tương tác với thành phần Bromhexin trong thuốc này như:

  • Thuốc làm giảm tiết dịch (như Atropin) vì làm giảm tác dụng của Bromhexin.
  • Không dùng chung với các thuốc chống ho.
  • Khi sử dụng kết hợp Bromhexin với các kháng sinh (Amoxicilin, Doxycycline, Cefuroxim, Erythromycin) làm tăng nồng độ kháng sinh ở mô phổi và phế quản.

4.2 Tác dụng phụ của thuốc

Tác dụng phụ của Jkyzamo do Amoxicilin:

  • Thường gặp ngoại ban với khả năng xuất hiện từ 3 đến 10%, hay xảy ra chậm sau 7 ngày điều trị.
  • Ít gặp hơn với các biểu hiện ở đường tiêu hóa như buồn nôn, nôn, ỉa chảy; hoặc phản ứng quá mẫn: ban đỏ, dát sần, nổi mày đay, đặc biệt là hội chứng Stevens-Johnson.
  • Hiếm gặp hơn các biểu hiện ở:
    • Gan: Tăng nhẹ ASAT.
    • Thần kinh trung ương: vật vã, kích động, lo lắng, lú lẫn, mất ngủ, thay đổi ứng xử, chóng mặt.
    • Máu: giảm tiểu cầu, ban xuất huyết giảm tiểu cầu, thiếu máu, tăng bạch cầu ưa acid, giảm bạch cầu.

Tác dụng phụ do Bromhexin có thể gặp như:

  • Hệ tiêu hoá: Đau thượng vị, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, khô miệng.
  • Thần kinh: đau đầu, chóng mặt.
  • Da: phát ban, nổi mày đay.
  • Hô hấp: nguy cơ ứ dịch tiết phế quản ở những bệnh nhân không có khả năng khạc đờm.
  • Gan: Tăng men gan AST, ALT.

Đây không phải danh sách đầy đủ các tác dụng phụ, tương tác thuốc của Amoxicilin và Bromhexin, một số tác dụng khác vẫn có thể xảy ra, hỏi ý kiến bác sĩ nếu có thêm bất kỳ thắc mắc nào cho việc sử dụng Jkyzamo.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

42 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan