Công dụng thuốc Januvia

Thuốc Januvia được bào chế dưới dạng viên nén, có thành phần chính là Sitagliptin monohydrate phosphate. Thuốc được chỉ định đơn trị liệu, kết hợp với các thuốc khác để kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường tuýp 2.

Thuốc Januvia có các dạng hàm lượng: Thuốc Januvia 100mg, thuốc Januvia 50 mg, thuốc Januvia 25mg. Bài viết chủ yếu đề cập tới dạng thuốc hàm lượng Januvia 100mg.

1. Công dụng của thuốc Januvia

Thuốc Januvia có chứa hoạt chất Sitagliptin - một thành phần của nhóm thuốc ức chế men DPP-4, giúp làm giảm nồng độ đường trong máu ở bệnh nhân tiểu đường tuýp 2. Thuốc giúp làm tăng nồng độ insulin được sản xuất sau bữa ăn, đồng thời làm giảm lượng đường do cơ thể sản xuất ra.

Thuốc Januvia 100mg có thể được sử dụng đơn độc hoặc kết hợp với một số loại thuốc khác (insulin, metformin, sulphonylurea hoặc gitazone) để làm giảm lượng đường trong máu, kết hợp với một kế hoạch tập luyện và chế độ ăn uống khoa học.

Không dùng thuốc Januvia nếu bệnh nhân bị dị ứng với sitagliptin hoặc thành phần khác có trong thuốc.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Januvia 100mg

Cách dùng: Đường uống. Bệnh nhân có thể dùng thuốc Januvia 100mg cùng với thức ăn hoặc không.

Liều dùng: Đúng theo chỉ định của bác sĩ:

  • Liều khuyến cáo thông thường: 1 viên nén 100mg/lần/ngày;
  • Bệnh nhân có thể dùng thuốc đơn độc hoặc kết hợp với một số loại thuốc làm giảm lượng đường trong máu (theo chỉ định của bác sĩ).

Liều dùng ở bệnh nhân suy thận: Nên đánh giá chức năng thận trước khi điều trị và sau đó kiểm tra định kỳ:

  • Suy thận nhẹ: CrCl ≥ 50mL/phút: Không cần điều chỉnh liều;
  • Suy thận trung bình: CrCl 30 - 50mL/phút: Dùng thuốc với liều 50mg/ngày/lần;
  • Suy thận nặng: CrCl < 30 mL/phút hoặc giai đoạn cuối cần thẩm phân phúc mạc, thẩm tách máu: Dùng liều 25mg/ngày/lần.

Điều quan trọng là trong suốt quá trình dùng thuốc, người bệnh cần duy trì một chế độ ăn uống và tập luyện phù hợp.

Quá liều: Trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều, bệnh nhân nên gọi cấp cứu ngay hoặc đến bệnh viện gần nhất để được xử trí kịp thời.

Quên liều: Khi quên dùng 1 liều thuốc Januvia, người bệnh nên bổ sung ngay khi nhớ ra. Nếu thời gian phát hiện đã gần với liều kế tiếp thì bạn bỏ qua liều đã quên, tiếp tục lịch dùng thuốc như kế hoạch.

3. Tác dụng phụ của thuốc Januvia 100mg

Khi sử dụng thuốc Januvia 100mg, bệnh nhân có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:

  • Đau dữ dội, dai dẳng ở bụng (dạ dày), có thể lan ra sau lưng, có hoặc không có biểu hiện buồn nôn và nôn ói. Đây là dấu hiệu của tình trạng viêm tụy;
  • Phản ứng dị ứng nghiêm trọng: Phát ban, nổi mề đay, trợt da, bóng nước trên da, sưng mặt, họng, môi, lưỡi gây khó thở, khó nuốt. Trong trường hợp này, người bệnh nên ngừng thuốc ngay và lập tức báo cho bác sĩ. Bác sĩ có thể kê cho bệnh nhân dùng thuốc điều trị dị ứng và một thuốc khác thay thế để điều trị bệnh tiểu đường;
  • Tác dụng phụ khi kết hợp sitagliptin (thành phần của thuốc Januvia) với metformin: Đường máu thấp (hạ đường huyết), đầy hơi, buồn nôn, nôn ói, đau dạ dày, buồn ngủ, tiêu chảy, táo bón, cảm giác khó chịu ở dạ dày;
  • Tác dụng phụ khi kết hợp sitagliptin với thuốc sulphonylurea và metformin: Đường máu thấp (hạ đường huyết), táo bón;
  • Tác dụng phụ khi kết hợp sitagliptin với pioglitazone: Đầy hơi, sưng bàn tay hoặc chân;
  • Tác dụng phụ khi kết hợp sitagliptin với pioglitazone và metformin: Sưng bàn tay hoặc chân;
  • Tác dụng phụ khi kết hợp sitagliptin với insulin (có hoặc không có metformin): Cúm, khô miệng;
  • Tác dụng phụ khi sử dụng sitagliptin đơn độc hoặc khi kết hợp với các thuốc trị tiểu đường khác: Đường máu thấp (hạ đường huyết), nhiễm trùng đường hô hấp trên, nghẹt mũi, chảy nước mũi, nhức đầu, viêm họng, viêm xương khớp, đau cánh tay hoặc chân, ngứa da, táo bón, vấn đề về thận (cần phải thẩm phân), nôn ói, đau cơ, đau khớp, đau lưng,...

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Januvia 100mg

Trước và trong khi dùng thuốc Januvia 100mg, người bệnh cần lưu ý:

  • Có nguy cơ viêm tụy khi sử dụng thuốc Januvia. Viêm tụy là tình trạng y khoa nghiêm trọng, có thể đe dọa tới tính mạng bệnh nhân. Người bệnh nên ngừng dùng thuốc và báo ngay cho bác sĩ nếu bị đau dạ dày nặng và dai dẳng, có đi kèm nôn ói hoặc không vì có thể bạn bị viêm tụy;
  • Bệnh nhân dùng thuốc Januvia có thể gặp phản ứng da gọi là bóng nước dạng pemphigus. Nên báo cho bác sĩ nếu bạn xuất hiện bóng nước hoặc nứt da (trợt da) để được tư vấn thích hợp;
  • Người dưới 18 tuổi không nên sử dụng thuốc Januvia vì chưa có đánh giá về hiệu quả và độ an toàn của thuốc ở trẻ em và thanh thiếu niên;
  • Không cần điều chỉnh liều thuốc Januvia ở người cao tuổi vì trong các nghiên cứu, Januvia có hiệu quả tốt và được dung nạp tốt bởi người lớn tuổi;
  • Thận trọng khi dùng thuốc Januvia ở phụ nữ có thai và bà mẹ đang cho con bú, nên tham khảo ý kiến bác sĩ;
  • Triệu chứng chóng mặt và buồn ngủ hoặc hạ đường huyết có thể gặp phải ở người dùng thuốc Januvia. Vì vậy, bệnh nhân dùng thuốc cần thận trọng khi lái xe, vận hành máy móc.

Thuốc Januvia 100mg được dùng như liệu pháp hỗ trợ cho chế độ ăn kiêng và tập luyện để kiểm soát đường huyết tốt hơn cho bệnh nhân tiểu đường tuýp 2. Trước khi sử dụng thuốc Januvia, bệnh nhân nên báo cho bác sĩ về các bệnh lý mình đang mắc phải, các loại thuốc đang sử dụng,... Người bệnh không được tự ý tăng, giảm liều dùng của thuốc để tránh các tác dụng phụ khó lường.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

17K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan