Công dụng thuốc Inbacid 10

Thuốc Inbacid 10 được bào chế dưới dạng viên nén, có thành phần chính là Atorvastatin. Thuốc được sử dụng để điều trị một số bệnh lý về mỡ máu, tim mạch,...

1. Thuốc Inbacid 10 có tác dụng gì?

Inbacid 10 là thuốc gì? Mỗi viên thuốc có chứa Atorvastatin 10mg (dạng atorvastatin calci trihydrat). Atorvastatin là chất có khả năng chuyển hóa HMG-CoA thành Mevalonate trong quá trình tổng hợp Cholesterol. Thành phần này giúp làm giảm tổng hợp Cholesterol trong gan và làm giảm nồng độ cholesterol trong tế bào. Từ đó, nó làm tăng các thụ thể LDL-C trên màng tế bào gan, làm tăng thanh thải LDL-C ra khỏi tuần hoàn máu.

Như vậy, Atorvastatin có tác dụng:

  • Làm giảm nồng độ cholesterol toàn phần, VLDL-C và LDL-C trong huyết tương;
  • Giảm nồng độ Triglyceride;
  • Tăng HDL-C trong huyết tương;
  • Làm chậm quá trình tiến triển, làm thoái lui tình trạng xơ vữa động mạch vành hoặc động mạch cảnh;
  • Giảm huyết áp ở bệnh nhân tăng huyết áp và tăng cholesterol tiên phát;
  • Chống viêm ở bệnh nhân tăng cholesterol huyết, có hoặc không mắc bệnh động mạch vành;
  • Tăng mật độ xương;
  • Điều hòa Lipid máu.

Chỉ định sử dụng thuốc Inbacid 10:

  • Hỗ trợ cho liệu pháp ăn uống ở những người bệnh có tăng Triglycerid máu, tăng cholesterol máu nguyên phát hoặc tăng lipid máu hỗn hợp để: Giảm cholesterol toàn phần, LDL-cholesterol, Triglycerid và Apolipoprotein B; tăng HDL-cholesterol;
  • Giảm nguy cơ mắc tai biến tim mạch ở những người có nguy cơ mắc bệnh như tuổi cao, hút thuốc lá, tiền sử gia đình, tăng huyết áp, giảm HDL-cholesterol;
  • Giảm nguy cơ mắc tai biến tim mạch ở bệnh nhân tiểu đường có các yếu tố nguy cơ như vấn đề về mắt, hút thuốc, bệnh thận, tăng huyết áp.

Chống chỉ định sử dụng thuốc Inbacid 10:

  • Người mắc bệnh gan hoạt động, tăng Transaminase kéo dài không rõ nguyên nhân;
  • Bệnh nhân quá mẫn cảm với thành phần, tá dược của thuốc;
  • Phối hợp với các thuốc: Gemfibrozil, thuốc hạ cholesterol máu thuộc nhóm Fibrat khác, Niacin liều cao (trên 1g/ngày), Colchicin, Tipranavir + ritonavir hoặc Telaprevir;
  • Phụ nữ mang thai, nghi ngờ có thai, trong độ tuổi sinh đẻ nhưng không dùng biện pháp tránh thai, bà mẹ đang cho con bú;
  • Trẻ em dưới 10 tuổi.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Inbacid 10

Cách dùng: Đường uống. Bệnh nhân có thể uống thuốc Inbacid 10 vào bất kỳ thời điểm nào trong này, trong bữa ăn hoặc lúc đói đều được. Người bệnh nên có chế độ ăn kiêng hợp lý trước khi sử dụng thuốc, nên duy trì chế độ này trong suốt quá trình điều trị.

Liều dùng:

  • Liều thông thường: Sử dụng 1 viên/ngày, điều chỉnh liều dùng sau mỗi 4 tuần dùng thuốc;
  • Liều tối đa: 8 viên/ngày.

Liều dùng cụ thể cho từng tình trạng bệnh như sau:

  • Tăng Lipid máu và rối loạn Lipid máu hỗn hợp: Liều khởi đầu khuyến cáo là 1 - 2 viên/lần/ngày. Khoảng liều có thể sử dụng là 1 - 8 viên/lần/ngày;
  • Tăng cholesterol gia đình dị hợp ở trẻ 10 - 17 tuổi: Liều khởi đầu là 1 viên/ngày, liều tối đa là 2 viên/ngày;
  • Tăng cholesterol gia đình đồng hợp tử: Dùng liều thông thường là 1 - 8 viên/ngày;
  • Dự phòng biến cố tim mạch: Dùng liều thông thường là 1 viên/ngày;
  • Phối hợp với liệu pháp giảm lipid máu, bệnh nhân suy thận, đang sử dụng cyclosporin, clarithromycin, itraconazole hoặc các chất ức chế Protease: Dùng theo hướng dẫn của bác sĩ.

Quên liều: Khi quên 1 liều thuốc Inbacid 10, người bệnh nên dùng thuốc ngay khi nhớ ra. Nếu đã gần tới giờ dùng liều tiếp theo thì bỏ qua liều đã quên, uống liều tiếp theo đúng như kế hoạch ban đầu.

Quá liều: Hiện chưa có báo cáo về triệu chứng khi sử dụng thuốc Inbacid 10 quá liều. Nếu lỡ dùng thuốc quá liều và xuất hiện các tác dụng phụ nghiêm trọng thì người bệnh đến ngay bệnh viện để được kiểm tra, xử trí kịp thời.

3. Tác dụng phụ của thuốc Inbacid 10

Một số tác dụng phụ người bệnh có thể gặp phải khi sử dụng thuốc Inbacid 10 gồm:

  • Thường gặp: Viêm mũi họng, phản ứng dị ứng, chảy máu cam, đau thanh quản, đau cơ, đau khớp, co thắt cơ, đau lưng, đau ở chi, sưng khớp, nhức đầu, tăng đường huyết, đầy hơi, khó tiêu, táo bón, tiêu chảy, buồn nôn, tăng Creatine kinase máu, xét nghiệm gan bất thường;
  • Ít gặp: Hạ đường huyết, chán ăn, tăng cân, mất ngủ, gặp ác mộng, loạn vị giác, dị cảm, choáng váng, giảm cảm giác, mất trí nhớ, nôn, ợ hơi, đau bụng, viêm tụy, viêm gan, phát ban, nổi mề đay, ngứa da, rụng tóc, đau cổ, mỏi cơ, mệt mỏi, đau ngực, suy nhược, sốt, phù ngoại biên, nhìn mờ, ù tai, xuất hiện bạch cầu trong nước tiểu;
  • Hiếm gặp: Giảm tiểu cầu, bệnh lý thần kinh ngoại biên, hoa mắt, ứ mật, viêm da bóng nước gồm hồng ban đa dạng, phù thần kinh, hội chứng Stevens-Johnson, hội chứng hoại tử da nhiễm độc, bệnh cơ, tiêu cơ vân, viêm cơ, bệnh gân, nặng hơn có thể đứt gân;
  • Rất hiếm gặp: Mất thính giác, sốc phản vệ, suy gan, vú to ở nam giới;
  • Không rõ tần suất: Hoại tử cơ tự miễn trung gian;
  • Tác dụng phụ khác: Rối loạn sinh dục, ho kéo dài, trầm cảm, khó thở, tiểu đường, tăng huyết áp, tăng cân, tăng lipid máu,...

Nếu gặp bất kỳ tác dụng phụ nào của thuốc Inbacid 10, người bệnh nên thông báo ngay cho bác sĩ để được xử trí kịp thời.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Inbacid 10

Một số lưu ý người bệnh cần nhớ trước và trong khi sử dụng thuốc Inbacid 10:

  • Chống chỉ định thuốc Inbacid 10 đối với phụ nữ mang thai và cho con bú vì có thể gây hại cho thai nhi và trẻ nhỏ;
  • Các tác dụng phụ như nhức đầu, nhìn mờ của thuốc Inbacid 10 có thể gây ảnh hưởng tới khả năng lái xe và vận hành máy móc nên cần thận trọng trong trường hợp này;
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc Inbacid 10 ở người bị suy hô hấp nặng, suy thận, cường tuyến giáp, dùng acid fusidic trong vòng 7 ngày trước đó, đau cơ không xác định được nguyên nhân, tiền sử gia đình có bệnh về cơ, uống nhiều rượu, tiền sử đột quỵ não, tiền sử gặp vấn đề về cơ khi dùng thuốc điều trị rối loạn Lipid máu khác, trên 70 tuổi, tiền sử bệnh gan, thiếu hụt men lapp lactase, rối loạn chuyển hóa glucose - galactose hoặc không dung nạp galactose,...

5. Tương tác thuốc Inbacid 10

Việc sử dụng đồng thời thuốc Inbacid 10 với các thuốc sau đây có thể gây ảnh hưởng tới hiệu quả của thuốc hoặc dẫn tới những tác dụng phụ nghiêm trọng hơn:

  • Thuốc ức chế miễn dịch: Cyclosporin;
  • Thuốc kháng sinh, kháng nấm: Clarithromycin, Telithromycin, Erythromycin,...;
  • Thuốc điều trị rối loạn Lipid khác: Gemfibrozil, Colestipol, các Fibrat;
  • Thuốc chẹn kênh calci trong điều trị tăng huyết áp hoặc đau thắt ngực: Amlodipin;
  • Thuốc tác động tới nhịp tim: Digoxin, Amiodarone, Verapamil;
  • Thuốc điều trị HIV: Indinavir, Lopinavir, Ritonavir, Atazanavir, Darunavir, kết hợp Tipranavir/Ritonavir,... đều sẽ làm tăng nồng độ Atorvastatin rõ rệt;
  • Thuốc điều trị viêm gan C: Telaprevir;
  • Các thuốc tương tác với Atorvastatin: Ezetimib, Warfarin, Colchicin, Aantacid, Boceprevir, Stiripentol, Cimetidin, Phenazon, thuốc tránh thai đường uống;
  • Các chế phẩm chứa thảo dược St John's;
  • Acid fusidic dùng đồng thời với Inbacid 10 sẽ gây yếu, đau cơ (tiêu cơ vân);
  • Rượu, nước ép bưởi chùm.

Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi sử dụng thuốc Inbacid 10, người bệnh nên báo cho bác sĩ về các loại thuốc mà mình đang sử dụng và các bệnh bản thân đang mắc phải. Đồng thời, bệnh nhân nên tuân thủ tuyệt đối chỉ định của bác sĩ trong quá trình sử dụng thuốc này để phát huy hiệu quả điều trị cao nhất.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan