Công dụng thuốc Giannina

Giannina có hoạt chất chính là Solifenacin, một chất ức chế cạnh tranh thụ thể muscarinic của hệ cholinergic. Thuốc được chỉ định trong điều trị triệu chứng tiểu không tự chủ, tiểu nhiều lần, tiểu gấp ở bệnh nhân bị hội chứng bàng quang tăng hoạt.

1. Thuốc Giannina là thuốc gì?

Thuốc Giannina có hoạt chất chính là Solifenacin, một chất đối kháng cạnh tranh đặc hiệu thụ thể cholinergic. Bình thường bàng quang hoạt động được nhờ hệ thần kinh phó giao cảm thuộc hệ cholinergic. Acetylcholin làm co cơ trơn bàng quang thông qua các thụ thể muscarinic. Các nghiên cứu về dược lý cho thấy Solifenacin là một chất ức chế cạnh tranh thụ thể muscarinic. Sau khi uống viên nén Solifenacin succinat, nồng độ đỉnh đạt được sau khoảng 3 - 8 giờ. Thời gian đạt nồng độ đỉnh không phụ thuộc vào liều lượng sử dụng.

2. Công dụng của thuốc Giannina

Thuốc Giannina được chỉ định để điều trị triệu chứng tiểu không tự chủ do thôi thúc (tiểu són) và/hoặc tiểu nhiều lần, tiểu gấp ở bệnh nhân bị hội chứng bàng quang tăng hoạt.

Chống chỉ định sử dụng Giannina ở các bệnh nhân sau:

  • Bệnh nhân bí tiểu, bệnh đường tiêu hóa nặng bao gồm phình đại tràng nhiễm độc, nhược cơ, glaucom góc hẹp và những bệnh nhân có nguy cơ với các bệnh lý này.
  • Bệnh nhân mẫn cảm với Solifenacin succinat hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.
  • Bệnh nhân thẩm phân máu, suy gan nặng.
  • Bệnh nhân suy thận nặng hoặc suy gan trung bình đang điều trị với các chất ức chế mạnh CYP3A4 như Ketoconazol).

3. Liều lượng và cách dùng của thuốc Giannina

Thuốc Giannina được dùng đường uống, có thể dùng chung hoặc không chung với thức ăn.

  • Người lớn, bao gồm người cao tuổi: Liều Giannina khuyến cáo là 5 mg x 1 lần/ ngày, có thể tăng lên 10 mg x 1 lần/ngày nếu cần.
  • Trẻ em: Tính an toàn và hiệu quả của thuốc trên trẻ em chưa được xác định. Vì vậy không nên dùng thuốc Giannina cho trẻ em.
  • Bệnh nhân suy thận: Không cần chỉnh liều thuốc Giannina cho bệnh nhân suy thận nhẹ và trung bình (ClCr > 30mL/ phút). Nên sử dụng thận trọng Giannina ở bệnh nhân suy thận nặng (ClCr dưới 30 mL/phút), liều không vượt quá 5 mg x 1 lần/ ngày.
  • Bệnh nhân suy gan: Không cần chỉnh liều Giannina cho bệnh nhân suy gan nhẹ. Nên sử dụng thận trọng Giannina cho bệnh nhân suy gan trung bình (chỉ số Child-Pugh 7 - 9), liều không vượt quá 5 mg x 1 lần/ ngày.
  • Phối hợp với chất ức chế mạnh CYP3A4: Liều tối đa giới hạn ở 5mg khi sử dụng Giannina chung với Ketoconazol, Ritonavir, Itraconazole.

4. Tác dụng phụ của thuốc Giannina

Bệnh nhân sử dụng thuốc Giannina có thể gặp phải các tác dụng không mong muốn như sau:

  • Thường gặp, 1/100 ≤ ADR < 1/10: Nhìn mờ, táo bón, buồn nôn, khó tiêu, khô miệng, đau bụng.
  • Ít gặp, 1/1.000 ≤ ADR < 1/100: Nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm bàng quang, buồn ngủ, rối loạn vị giác, khô mắt, trào ngược dạ dày - thực quản, khô họng.

5. Những lưu ý khi sử dụng thuốc Giannina là gì?

  • Cần đánh giá các nguyên nhân khác gây tiểu nhiều lần như suy tim hoặc bệnh thận trước khi điều trị với Solifenacin. Nếu bệnh nhân có nhiễm khuẩn đường tiết niệu, cần điều trị với kháng sinh thích hợp.
  • Solifenacin nên được sử dụng thận trọng ở bệnh nhân bị nghẽn thoát nước tiểu từ bàng quang, rối loạn tắc nghẽn đường tiêu hóa, nguy cơ cao hoặc bị giảm nhu động tiêu hóa, suy thận nặng, bệnh thần kinh thực vật, sử dụng chung với chất ức chế mạnh CYP3A4, thoát vị khe thực quản, trào ngược dạ dày - thực quản và/hoặc sử dụng chung với thuốc có thể gây ra hoặc trầm trọng hơn viêm thực quản.
  • Đã có báo cáo trường hợp kéo dài khoảng QT và xoắn đỉnh ở bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cao như bị hội chứng kéo dài khoảng QT và hạ kali máu từ trước.
  • Độ an toàn và hiệu quả của thuốc Giannina chưa được xác định ở bệnh nhân có nguyên nhân thần kinh đối với chứng tăng hoạt động cơ cổ bàng quang.
  • Các tác dụng trên thần kinh trung ương đã được báo cáo khi sử dụng thuốc (ví dụ, nhức đầu, lú lẫn, ảo giác, buồn ngủ). Nên theo dõi các tác dụng trên thần kinh trung ương, đặc biệt khi bắt đầu điều trị hoặc tăng liều, giảm liều hoặc ngừng khi các triệu chứng trở nên trầm trọng. Bên cạnh đó, thuốc Giannina có thể gây buồn ngủ và/hoặc mờ mắt, làm suy giảm khả năng thể chất hoặc tinh thần, vì vậy bệnh nhân phải được cảnh báo khi thực hiện các công việc đòi hỏi sự tỉnh táo như vận hành máy móc, lái xe.
  • Dữ liệu cho thấy việc sử dụng thuốc kháng cholinergic lâu dài có thể ảnh hưởng xấu đến diễn tiến lâm sàng của bệnh Alzheimer ở ​​những bệnh nhân dùng thuốc ức chế men cholinesterase. Cần thận trọng theo dõi nhận thức và sự gia tăng các hành vi bất thường ở những bệnh nhân sa sút trí tuệ đang điều trị kép với một chất ức chế acetylcholinesterase và một chất kháng cholinergic như Solifenacin.
  • Phù mạch kèm tắc nghẽn đường hô hấp đã được báo cáo ở một số bệnh nhân sử dụng Solifenacin succinat. Nếu tình trạng phù mạch xảy ra, bệnh nhân nên ngừng sử dụng solifenacin và áp dụng các biện pháp điều trị thích hợp.
  • Có báo cáo về trường hợp phản ứng phản vệ do sử dụng Solifenacin succinat. Đối với bệnh nhân có dấu hiệu sốc phản vệ, nên ngừng Solifenacin và áp dụng các biện pháp điều trị phù hợp.
  • Phụ nữ có thai: Các biến cố bất lợi đã được quan sát thấy trong một số nghiên cứu về sinh sản của động vật. Do vậy không nên dùng thuốc Giannina ở bệnh nhân mang thai.
  • Phụ nữ cho con bú: Hiện không biết liệu Solifenacin có trong sữa mẹ hay không. Theo nhà sản xuất, quyết định cho con bú trong thời gian điều trị nên cân nhắc lợi ích và những rủi ro có thể xảy ra.

6. Tương tác thuốc:

Sử dụng đồng thời Giannina với một số thuốc có thể gây tương tác, ảnh hưởng đến hiệu lực điều trị và/hoặc gia tăng tác dụng phụ của thuốc. Để phòng ngừa tương tác, bệnh nhân cần thông báo với chuyên viên y tế tất cả các loại thuốc kê toa, không kê toa và cả thực phẩm chức năng đang sử dụng. Dưới đây là một số tương tác thuốc cần lưu ý khi sử dụng thuốc Giannina:

  • Sử dụng Solifenacin đồng thời với thuốc kháng cholinergic có thể tăng tác dụng điều trị và tác dụng không mong muốn. Nên ngừng thuốc Giannina khoảng 1 tuần trước khi bắt đầu điều trị bằng các thuốc kháng cholinergic.
  • Solifenacin có thể làm giảm hiệu quả của các thuốc kích thích nhu động đường tiêu hóa như Metoclopramid và Cisaprid.
  • Solifenacin được chuyển hóa bởi CYP3A4. Sử dụng Solifenacin đồng thời với Ketoconazol làm tăng AUC của Solifenacin lên 2 lần. Do đó liều tối đa Solifenacin succinat không nên lớn hơn 5 mg khi dùng đồng thời với Ketoconazol hoặc với liều điều trị của các thuốc ức chế CYP3A4 mạnh khác như Ritonavir, Nelfinavir, Itraconazole.

Bài viết đã cung cấp các thông tin tổng quan về thuốc Giannina. Nếu có thắc mắc hoặc cần thêm thông tin về thuốc, bệnh nhân có thể liên hệ bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

395 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan