Công dụng thuốc Fascip 250

Fascip 250 là thuốc được sử dụng phổ biến trong các trường hợp nhiễm trùng đường hô hấp, nhiễm trùng da và mô mềm. Để hiểu rõ hơn về loại thuốc này, mời bạn đọc cùng theo dõi những thông tin chi tiết được cung cấp trong bài viết ngay sau đây.

1. Thuốc Fascip 250 là thuốc gì?

Fascip 250 là thuốc có thành phần chính là Cefradin, được sản xuất và đăng ký bởi công ty TNHH Dược phẩm Glomed - Việt Nam.

  • Nhóm sản phẩm: Thuốc chống nhiễm khuẩn, trị ký sinh trùng, kháng nấm, kháng virus.
  • Thành phần: Cefradin 250mg.
  • Dạng bào chế: Theo dạng bột pha hỗn dịch uống.
  • Quy cách đóng gói: Mỗi hộp gồm 20 gói x 1,5g.
  • Công ty sản xuất: Công ty TNHH Dược phẩm Glomed - Việt Nam.
  • Đơn vị đăng ký: Công ty TNHH Dược phẩm Glomed - Việt Nam.
  • Số đăng ký: VD-30807-18.

2. Công dụng của thuốc Fascip

2.1. Fascip công dụng

Cefradin là chất có phổ tác dụng trung bình, mang lại hiệu quả trên vi khuẩn gram dương như liên cầu, tụ cầu hay phế cầu (trừ liên cầu kháng methicillin). Ngoài ra, thuốc còn tác dụng lên một số vi khuẩn gram âm như Proteus mirabilis, Shigella, E.coli và Klebsiella pneumoniae.

Hiệu quả trên các chủng kháng có thể kể đến như: Staphylococcus kháng methicillin, Bacteroid, Pseudomonas aeruginosa, Proteus có phản ứng indol dương tính, Enterococcus và các Enterobacter.

Thuốc Fascip được bác sĩ chỉ định sử dụng trong các trường hợp sau đây:

  • Người bệnh bị nhiễm trùng đường hô hấp trên (viêm xoang, viêm họng, viêm phế quản và viêm tai giữa).
  • Người bệnh bị nhiễm trùng đường hô hấp dưới (viêm phổi thuỳ, viêm phế quản phổi, viêm phế quản cấp và mãn tính).
  • Người bệnh bị nhiễm trùng da và mô mềm (viêm mô mềm, mọc mụn nhọt, chốc lở và áp xe).
  • Người bị nhiễm trùng vùng niệu không có biến chứng hoặc nhiễm trùng đường niệu nặng (kể cả bệnh viêm tuyến tiền liệt nặng).
  • Người bị viêm tai giữa do Influenzae.
  • Người cần làm giảm nguy cơ nhiễm trùng sau khi thực hiện phẫu thuật có nguy cơ gây nhiễm trùng cao.

2.2. Chống chỉ định

Thuốc Fascip chống chỉ định với những người quá mẫn cảm với Cephalosporin.

Lưu ý: Thông thường, những người bị mẫn cảm hoặc dị ứng với bất cứ thành phần nào có trong thuốc đều không được dùng thuốc, các trường hợp khác được nêu rõ trong tờ hướng dẫn hoặc đơn thuốc của bác sĩ. Riêng chống chỉ định của Fascip 250 được hiểu là chống chỉ định tuyệt đối, không vì bất cứ lý do nào mà có thể linh động dùng thuốc được.

2.3. Liều dùng và cách dùng

  • Người lớn bị nhiễm trùng đường hô hấp (ngoại trừ viêm phổi thuỳ), nhiễm trùng da và cấu trúc da, nhiễm trùng đường niệu không biến chứng: Dùng 2 lần mỗi ngày, mỗi lần dùng 500mg.
  • Người lớn bị nhiễm trùng đường niệu nặng (bao gồm cả viêm tuyến tiền liệt) và viêm phổi thuỳ: Dùng 4 lần mỗi ngày, mỗi lần 500mg hoặc 1gx2 lần/ngày.
  • Trẻ nhỏ trên 9 tháng tuổi: Dùng 25 - 50mg/ kg/ ngày, chia thành 2 - 4 lần uống.
  • Người bị viêm tai giữa do Influenzae: Dùng 75 - 100mg/ kg/ ngày, chia thành 2 - 4 lần uống, mỗi ngày dùng tối đa 4g.
  • Người bị suy thận: Cần giảm liều lượng theo ClCr.

2.4. Xử lý khi quên liều, quá liều Fascip 250

Quá liều:

Khi sử dụng thuốc Fascip với liều lượng cao hơn liều lượng được chỉ định, người bệnh có thể xuất hiện một số biểu hiện bất thường. Trong trường hợp này cần thông báo ngay cho bác sĩ hoặc nhân viên y tế. Nếu quá liều kèm theo biểu hiện cần phải cấp cứu, hãy gọi ngay cho 115 để được hướng dẫn cách xử lý và trợ giúp.

Quên liều:

Trong trường hợp quên uống một liều thuốc Fascip, người bệnh cần uống bù ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên nếu thời gian uống bù đã gần với thời gian uống liều tiếp theo, người bệnh nên bỏ qua liều đã quên và uống theo đúng như kế hoạch. Lưu ý tuyệt đối không uống bù bằng cách gấp đôi liều Fascip, bởi nó có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe.

3. Lưu ý khi dùng thuốc Fascip

3.1. Thận trọng

Một số đối tượng cần thận trọng khi sử dụng thuốc Fascip gồm có:

  • Phụ nữ đang trong thai kỳ, phụ nữ cho con bú, người già, trẻ nhỏ dưới 15 tuổi.
  • Người bệnh suy gan, suy thận.
  • Người bệnh bị mẫn cảm, dị ứng với bất cứ thành phần nào có trong thuốc, hoặc đối tượng bị hôn mê gan, nhược cơ và viêm loét dạ dày.

3.2. Tương tác thuốc

Fascip 250 khi sử dụng đồng thời với những loại thuốc gây độc với thận như furosemid, aminosid, acid ethacrynic sẽ làm tăng độc tính đối với thận. Hay khi kết hợp cùng Probenecid làm chậm thải trừ, vì vậy mà kéo dài tác dụng của Cefradine.

Ngoài ra, người bệnh cũng cần cân nhắc khi dùng thuốc chung với thuốc lá, rượu bia, đồ uống có cồn hoặc lên men, bởi chúng có thể làm thay đổi thành phần có trong thuốc. Nên xem chi tiết hướng dẫn trong tờ hướng dẫn sử dụng hoặc tham khảo ý kiến của bác sĩ, dược sĩ.

3.3. Tác dụng phụ

Fascip 250 có thể gây ra một số tác dụng phụ phổ biến như: Ợ nóng, viêm lưỡi, buồn nôn, chóng mặt, đau bụng, tiêu chảy, viêm âm đạo, bội nhiễm nấm, nổi mẩn, nổi mề đay, đau khớp và phù nề.

Ngoài ra, thuốc còn có thể gây ra những tác dụng nghiêm trọng hơn như: Hội chứng Lyell, viêm ruột, men gan tăng cao, viêm phổi, sốc, thay đổi huyết học, thay đổi chức năng thận, hội chứng PIE, thiếu vitamin K&B và gây ảo giác.

Thông thường, các tác dụng phụ kể trên sẽ mất đi ngay khi ngưng dùng thuốc. Trong trường hợp gặp phải các tác dụng phụ hiếm gặp không được liệt kê trong tờ hướng dẫn sử dụng, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ hoặc nhân viên y tế để được hướng dẫn xử lý và hỗ trợ.

3.4. Bảo quản

Cần đọc kỹ hướng dẫn bảo quản Fascip 250 được ghi trên bao bì và tờ hướng dẫn sử dụng của thuốc. Sau khi dùng xong, nên để thuốc ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trực tiếp, nhiệt độ bảo quản lý tưởng là dưới 30 độ C, tránh xa tầm tay của trẻ nhỏ.

Trên đây là những thông tin quan trọng về thuốc Fascip 250. Tuy nhiên, người bệnh nên tham khảo qua ý kiến của nhân viên y tế hoặc bác sĩ trước khi sử dụng nhằm đảm bảo hiệu quả và an toàn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

67 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan