Công dụng thuốc Clopivir

Một trong các loại tế bào máu là tiểu cầu, có chức năng kết dính vào nhau để bịt kín vết thương. Đôi khi các tiểu cầu dính vào bên trong động mạch, tạo thành huyết khối, gây tắc nghẽn mạch máu và đây là nguyên nhân gây ra đột quỵ hoặc đau tim. Lúc này, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc Clopivir 75 mg để chống kết tập tiểu cầu, phòng ngừa các biến cố cấp tính động mạch.

1. Thuốc Clopivir 75 mg là gì?

Thuốc Clopivir 75 mg có thành phần là Clopidogrel, thuộc nhóm thuốc có tên là chống kết tập tiểu cầu. Tiểu cầu là các mảnh tế bào rất nhỏ trong máu có chức năng kết tụ lại với nhau trong quá trình đông máu, bịt kín vết thương và ngăn ngừa tình trạng chảy máu ra khỏi thành mạch. Bằng cách ngăn ngừa sự vón cục này, các thuốc chống kết tập tiểu cầu có vai trò giảm nguy cơ hình thành cục máu đông.

Như vậy, thuốc Clopivir 75 mg được chỉ định để ngăn ngừa hình thành cục máu đông và giảm nguy cơ mắc phải các biến cố bệnh tim mạch do xơ vữa khi:

  • Có tình trạng xơ cứng động mạch (còn được gọi là xơ vữa động mạch);
  • Tiền căn đã từng mắc nhồi máu cơ tim, đột quỵ hoặc bệnh động mạch ngoại biên;
  • Từng trải qua một cơn đau thắt ngực không ổn định hoặc sau khi đặt stent trong động mạch để phục hồi lưu lượng dòng máu hiệu quả.

2. Những điều cần biết trước khi sử dụng thuốc Clopivir 75 mg

Không sử dụng thuốc Clopivir 75mg nếu có một trong các tình trạng như sau:

  • Bị dị ứng với clopidogrel hay thành phần trong thuốc;
  • Nếu có một tình trạng sức khỏe hiện đang gây chảy máu, chẳng hạn như loét dạ dày hoặc xuất huyết não, rối loạn đông cầm máu, có một chấn thương nghiêm trọng hoặc lịch phẫu thuật gần đây;
  • Bị bệnh gan nặng.

Một số loại thuốc khác có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng Clopivir 75 mg hoặc ngược lại. Vì vậy, người bệnh nên nói cụ thể với bác sĩ nếu đang dùng:

  • Thuốc chống đông máu;
  • Thuốc chống viêm không steroid, thường được sử dụng để điều trị đau viêm cơ hoặc khớp;
  • Thuốc ức chế bơm proton (ví dụ omeprazole) để điều trị đau dạ dày;
  • Fluconazole, Voriconazole, Ciprofloxacin hoặc Chloramphenicol là các thuốc điều trị vi khuẩn và nhiễm nấm;
  • Cimetidine, thuốc điều trị đau dạ dày;
  • Fluoxetine, Fluvoxamine hoặc Moclobemide là các thuốc điều trị trầm cảm;
  • Carbamazepine hoặc Oxcarbazepine là các thuốc điều trị một số dạng động kinh;
  • Ticlopidine hay các thuốc chống kết tập tiểu cầu khác.

3. Cách sử dụng thuốc Clopivir 75mg như thế nào?

Sử dụng thuốc Clopivir 75 mg đúng như bác sĩ hoặc dược sĩ đã chỉ định. Nếu chưa rõ ràng, cần kiểm tra với bác sĩ hoặc dược sĩ.

Nếu bị đau ngực dữ dội (đau thắt ngực không ổn định hoặc nhồi máu cơ tim), bác sĩ có thể chỉ định liều nạp là 300 mg thuốc Clopivir 75 mg (tương ứng 4 viên 75 mg) trong một lần đầu. Sau đó, liều khuyến cáo là một viên thuốc Clopivir 75 mg mỗi ngày và uống cùng hoặc không cùng thức ăn, vào cùng một thời điểm mỗi ngày.

Người bệnh nên dùng thuốc này cho đến khi bác sĩ tiếp tục kê đơn, không tự ý điều chỉnh liều dùng hay ngưng thuốc.

4. Các tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng thuốc Clopivir 75 mg

Giống như tất cả các loại thuốc khác, Clopivir 75 mg có thể gây ra tác dụng phụ. Cần liên hệ với bác sĩ ngay lập tức nếu gặp phải:

  • Sốt, có dấu hiệu nhiễm trùng hoặc cực kỳ mệt mỏi. Đây có thể là do sự giảm đi một số tế bào máu;
  • Dấu hiệu của các vấn đề về gan như vàng da và / hoặc vàng mắt, có hoặc không kết hợp với chảy máu, chấm xuất huyết dưới da;
  • Sưng trong miệng hoặc rối loạn da như phát ban và ngứa, mụn nước trên da.

Các tác dụng phụ phổ biến nhất của thuốc Clopivir 75mg đã được báo cáo:

  • Chảy máu có thể xảy ra như chảy máu trong dạ dày hoặc ruột, bầm tím, tụ máu, chảy máu mũi, tiểu ra máu. Trong một số ít trường hợp, người bệnh có thể bị chảy máu trong mắt, bên trong đầu, phổi hoặc các khớp;
  • Tiêu chảy, đau bụng, khó tiêu, buồn nôn, táo bón, đầy hơi hoặc ợ chua;
  • Nhức đầu;
  • Chóng mặt.

Tóm lại, thuốc Clopivir 75 mg được sử dụng để giảm nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ. Chính vì thế, bác sĩ thường chỉ định Clopivir cho những người đã mắc phải biến cố mạch máu hay dự phòng tiên phát trong các trường hợp mắc bệnh tim mạch do xơ vữa có nguy cơ thuyên tắc cao. Vì các tác dụng ngoại ý trong khi dùng thuốc, nhất là nguy cơ xuất huyết, người bệnh cần theo dõi và thông báo bác sĩ kịp thời khi có dấu hiệu bất thường.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan