Công dụng thuốc Clonazepam

Thuốc Clonazepam là một loại thuốc có tác dụng ức chế hoạt động thần kinh. Thuốc được sử dụng trong việc kiểm soát cơn động kinh và một số trường hợp mắc chứng hoảng sợ. Để hiểu hơn về công dụng và một số điều cần lưu ý đặc biệt khi dùng thuốc bạn hãy tham khảo qua bài viết dưới đây.

1. Công dụng của thuốc Clonazepam

Clonazepam là một loại thuốc chống co giật thuộc nhóm thuốc Benzodiazepine, có tác dụng ngắn hoặc trung gian. Thuốc được bào chế dưới dạng viên nén clonazepam 0,5mg, 1mg, 2mg

Benzodiazepines là thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương từ đó gây ra một số tác dụng như an thần, chống co giật.

Thuốc Clonazepam được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Clonazepam được sử dụng đơn độc hay phối hợp để ngăn ngừa và kiểm soát cơn động kinh.
  • Thuốc cũng được dùng trong việc điều trị co giật do hội chứng Lennox-Gastaut.
  • Thuốc cũng được sử dụng để điều trị những cơn hoảng loạn trong chứng hoảng sợ hay giảm hưng phấn trong bệnh rối loạn lưỡng cực.

2. Cách sử dụng thuốc clonazepam

Cách sử dụng: Tùy vào dạng thuốc mà bạn có cách sử dụng thuốc khác nhau, bạn nên đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng thuốc. Bạn chỉ dùng thuốc này theo chỉ dẫn của bác sĩ, không được dùng nhiều hơn hoặc thường xuyên hơn và không dùng trong thời gian dài hơn so với chỉ định của bác sĩ. Nếu dùng quá nhiều thuốc này trong một thời gian dài, thuốc có thể hình thành việc lệ thuộc vào thuốc. Bạn có thể tham khảo cách dùng và một số lưu ý khi dùng thuốc như sau:

  • Dùng thuốc dạng uống bằng cách nuốt toàn bộ viên thuốc nước. Không để viên thuốc bị ướt khi lấy thuốc vì nó có thể tan ra trước khi bạn uống.
  • Uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, thường dùng thuốc là 2 hoặc 3 lần mỗi ngày.
  • Lưu ý không tự ý ngừng thuốc đột ngột, vì có thể gây ra các triệu chứng nặng hơn.

Liều dùng: Liều lượng khi sử dụng thuốc được dựa trên tình trạng sức khỏe, tuổi tác và tùy vào khả năng đáp ứng với điều trị. Đối với trẻ em, liều dùng thường được dựa trên cân nặng cơ thể. Đối với người cao tuổi thường bắt đầu dùng với liều thấp hơn để giảm nguy cơ các tác dụng phụ. Dưới đây liều dùng thuốc bạn có thể tham khảo:

Người lớn:

  • Liều dùng thông thường cho người lớn để dự phòng cơn động kinh cho người mắc bệnh động kinh: Liều khởi đầu không nên vượt quá 1,5mg/ngày và được chia thành ba lần mỗi ngày. Sau đó, liều dùng có thể tăng lên từ 0,5 – 1mg mỗi 3 ngày cho đến khi kiểm soát được cơn động kinh. Tiếp đó dùng liều duy trì tùy theo từng người bệnh, lưu ý không dùng quá 20mg mỗi ngày.
  • Liều dùng mắc bệnh rối loạn lưỡng cực: Liều khởi đầu không dùng vượt quá 1,5mg/ngày và uống được chia thành ba lần trong ngày. Liều dùng có thể tăng lên từ 0,5-1 mg mỗi 3 ngày cho đến khi triệu chứng được kiểm soát và liều duy trì tùy đáp ứng nhưng không vượt quá 20mg mỗi ngày.
  • Liều dùng thông thường cho người mắc bệnh rối loạn hoảng sợ: Liều khởi đầu dùng 0,25mg/lần và 2 lần mỗi ngày. Liều có thể tăng lên từ 0,125-0,25mg/lần và 2 lần mỗi ngày, sau mỗi 3 ngày cho đến khi rối loạn hoảng sợ được kiểm soát. Liều duy trì có thể tùy mỗi người nhưng liều tối đa không quá 4 mg/ngày.

Việc kết thúc điều trị nên được dừng một cách từ từ bằng cách giảm 0,125mg/lần trong ngày. Sau mỗi 3 ngày cho đến khi ngưng hoàn toàn việc dùng thuốc.

Liều dùng đối với trẻ em:

Trẻ từ 10 tuổi trở xuống hoặc trẻ có cân nặng dưới 30 kg:

  • Liều khởi đầu: để giảm tình trạng buồn ngủ, nên dùng liều khởi đầu trong khoảng 0,01 đến 0,03 mg/ kg/ ngày nhưng lưu ý không được vượt quá 0,05 mg/ kg/ ngày, chia làm 2 hoặc 3 lần.
  • Liều dùng nên được tăng thêm không quá 0,25-0,5 mg mỗi 3 ngày cho đến khi đạt đến liều duy trì hàng ngày Clonazepam 0,10 mg đến 0,2 mg/kg theo cân nặng. Liều hàng ngày nên được chia thành 3 liều bằng nhau. Nếu không chia đều được thì liều lớn nhất nên được dùng trước khi đi ngủ.

Trẻ trên 10 tuổi và cân nặng trên 30 kg:

  • Liều khởi đầu: Thuốc Clonazepam không được vượt quá 1,5 mg/ngày chia làm 3 lần trong ngày.
  • Liều dùng hàng ngày có thể tăng lên từ 0,5-1 mg sau mỗi 3 ngày cho đến khi cơn động kinh được kiểm soát hoàn toàn
  • Liều duy trì: Tùy vào đáp ứng của mỗi người mà sẽ có liều duy trì phù hợp, nhưng không quá 20 mg.

3. Tác dụng phụ khi dùng thuốc Clonazepam

Khi dùng thuốc này cũng như các thuốc khác, bạn có nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn. Một số tác dụng phụ mà bạn có thể gặp phải đã được ghi nhận bao gồm:

Các tác dụng phụ ít nghiêm trọng: Cảm giác buồn ngủ, chóng mặt, các rối loạn về tư duy hoặc trí nhớ; Cảm giác mệt mỏi, suy nhược, mất thăng bằng hoặc mất khả năng phối hợp; nói lắp, khô miệng, đau nướu răng; Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi; Chán ăn, buồn nôn và nôn, tiêu chảy hoặc táo bón; Nhìn mờ, đau đầu, có thể bị mất ngủ, phát ban trên da, thay đổi về cân nặng.

Một số tác dụng phụ nghiêm trọng có thể xảy ra.

  • Bạn cần nên nói chuyện với bác sĩ điều trị nếu thấy có các biểu hiện sau: Sự thay đổi về tâm trạng hoặc hành vi, trầm cảm, lo âu, nếu bạn cảm thấy bản thân dễ bị kích động, dễ bị kích thích, hung hãn, hiếu chiến, bồn chồn, hiếu động về cả tinh thần hoặc thể chất, hoặc có những suy nghĩ về hành vi tự tử hoặc làm tổn thương chính mình.
  • Đến cơ sở y tế ngay nếu bạn mắc tác dụng phụ rất nghiêm trọng như: Nhầm lẫn, ảo giác, suy nghĩ hoặc hành vi bất thường; Thở yếu hoặc thở nhanh nông; có những hành vi gây nguy hiểm khác thường, không sợ sự nguy hiểm; Cử động mắt bất thường hoặc cử động không tự nhiên; Nhịp tim đập dồn dập hoặc có cảm giác rung mạnh trong ngực; Tiểu buốt hoặc khó tiểu hoặc tiểu ít hơn bình thường mà không do các nguyên nhân sinh lý như: Da nhợt nhạt hơn, dễ bị bầm tím hoặc chảy máu; Các cơn động kinh mới hoặc nặng hơn.

Nói chung, những tác dụng phụ này có thể xảy ra nhưng không có nghĩa là ai cũng gặp phải những tác dụng này. Thông thường, chỉ gặp ở một số đối tượng nhất định.

4. Những lưu ý đặc biệt khi dùng thuốc Clonazepam

Khi dùng thuốc clonazepam bạn cần lưu ý một số điều sau:

  • Không dùng thuốc khi có tiền sử dị ứng với bất kỳ thành phần nào có trong thuốc; suy hô hấp nặng, mắc phải hội chứng ngưng thở khi ngủ; Suy gan cấp hoặc mạn nặng; Bệnh glôcôm góc đóng cấp tính; Bệnh nhược cơ.
  • Trước khi dùng thuốc cần thông báo với bác sĩ về một số tình trạng có thể ảnh hưởng tới việc dùng thuốc như có tiền sử bệnh glôcôm; rối loạn chức năng thận; bệnh lý về hô hấp; rối loạn chuyển hóa porphyrin; các vấn đề về tâm thần như trầm cảm hay đã từng có ý định tự tử,...Tiền sử cá nhân hoặc tiền sử gia đình về rối loạn sử dụng chất kích thích như rượu, ma túy,...
  • Thận trọng khi dùng cho trẻ em và người lớn tuổi: Thuốc có thể ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất lẫn tinh thần của trẻ em, nó cũng làm tăng nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ ở người lớn tuổi. Do đó, khi dùng thuốc hãy hỏi bác sĩ nếu dùng thuốc cho những đối tượng này.
  • Phụ nữ mang thai và phụ nữ cho con bú: Hai đối tượng này không nên sử dụng thuốc, vì sẽ ảnh hưởng không tốt đến sử khoẻ thai nhi và trẻ bú mẹ. Tốt nhất, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn chi tiết. Ngoài ra, nên thực hiện tốt biện pháp tránh thai khi dùng thuốc này.
  • Sử dụng thuốc này thường xuyên theo đúng chỉ định để có được hiệu quả tốt nhất, nên dùng thuốc tại một cùng một thời điểm mỗi ngày để có thể ghi nhớ tốt hơn. Nếu chẳng may quên dùng thuốc thì hãy dùng sớm nhất khi nhớ ra, nếu gần với liều tiếp theo thì bỏ qua liều đã quên và uống liều tiếp theo như thường.
  • Tuyệt đối không được ngưng dùng thuốc mà không hỏi ý kiến bác sĩ. Một số triệu chứng của bệnh hay mới xuất hiện có thể trầm trọng hơn khi bạn đột ngột ngừng dùng thuốc. Thuốc clonazepam có thể gây ra các phản ứng ngưng thuốc hay gọi là hội chứng cai đặc biệt, nếu thuốc đã được sử dụng thường xuyên trong thời gian dài hoặc sử dụng thuốc với liều lượng cao. Trong trường hợp như vậy, các triệu chứng ngưng thuốc có thể xảy ra như cơn động kinh, thay đổi về tinh thần/tâm trạng, run, co thắt dạ dày. Để phòng ngừa hội chứng cai này bác sĩ có thể giảm dần dần liều dùng thuốc.
  • Khi dùng thuốc trong một thời gian dài, có thể gây ra quen thuốc và thuốc có thể không còn tác động tốt. Khi nhận thấy điều đó hãy cho bác sĩ biết về điều này.
  • Nguy cơ tác dụng phụ của thuốc sẽ tăng lên nếu như bạn sử dụng rượu bia hoặc có tiền sử nghiện rượu, ma túy. Do đó, hãy tránh dùng chung thuốc này với rượu bia.
  • Tránh vận hành máy móc hay những việc nguy hiểm đòi hỏi tỉnh táo cho tới khi biết thuốc có gây ra tác dụng phụ đáng kể. Vì thuốc có thể gây ra buồn ngủ và ảnh hưởng tới sự tỉnh táo để thực hiện những công việc nguy hiểm.
  • Tương tác thuốc: Tương tác thuốc có thể làm thay đổi hoạt động của thuốc hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ đối với thuốc. Clonazepam có thể tương tác với các thuốc như các thuốc giảm đau giảm ho opioid (như codeine, hydrocodone), thuốc kháng histamin (như cetirizine, diphenhydramine), thuốc ngủ hoặc thuốc điều trị lo âu (như alprazolam, lorazepam, zolpidem), thuốc giãn cơ như carisoprodol, cyclobenzaprine,... khi sử dụng các thuốc này chung với clonazepam sẽ làm tăng nguy cơ mắc các tác dụng phụ như buồn ngủ nghiêm trọng, gây chóng mặt hoặc tăng các vấn đề hô hấp. Đây không phải là tất cả các thuốc có thể gây ra tương tác với thuốc này, bạn cần thông báo với bác sĩ tất cả các thuốc bạn đang dùng, kể cả thuốc kê đơn, không kê đơn và cả vitamin hay thực phẩm bảo vệ sức khoẻ.
  • Quá liều có thể xảy ra khi bạn dùng với liều cao hơn so với khuyến cáo. Các triệu chứng quá liều clonazepam bao gồm: Buồn ngủ quá mức, lú lẫn, hôn mê (mất ý thức trong một khoảng thời gian). Bạn cần nhận được trợ giúp y tế khi xảy ra tình trạng quá liều thuốc.
  • Bảo quản thuốc Clonazepam ở nhiệt độ phòng, tránh ẩm, tránh ánh sáng trực tiếp. Không bảo quản thuốc trong phòng tắm hay bảo quản trong ngăn đá. Giữ thuốc tránh xa tầm tay trẻ em. Lưu ý không vứt thuốc vào bồn cầu hoặc đường ống dẫn nước trừ khi có yêu cầu khác. Vứt thuốc đúng cách khi thuốc bị quá hạn hoặc có dấu hiệu hư hỏng không thể sử dụng. Bạn nên tham khảo ý kiến dược sĩ để biết cách loại bỏ thuốc an toàn.

Thuốc Clonazepam là một loại thuốc có tác dụng ức chế hoạt động thần kinh. Thuốc được sử dụng trong việc kiểm soát cơn động kinh và một số trường hợp mắc chứng hoảng sợ. Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: drugs.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

19.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan
  • olanzax
    Công dụng thuốc Olanzax

    Olanzax thuộc nhóm thuốc hướng tâm thần, thường được chỉ định trong bệnh lý tâm thần phân liệt. Đây là thuốc kê đơn bởi bác sĩ chuyên khoa, do đó người bệnh không được tự ý sử dụng khi chưa ...

    Đọc thêm
  • banner natives image QC
    Giải pháp hỗ trợ điều trị và dự phòng xơ vữa động mạch

    Nattokinase trong sản phẩm vừa có tác dụng phân giải cục máu đông, vừa có tác dụng kích hoạt các enzyme

    Đọc thêm
  • levopatine
    Công dụng thuốc Levopatine

    Levopatine có thành phần chính là Levomepromazin 50 mg. Đây là một loại thuốc chống loạn thần với các đặc tính giảm đau, giảm cảm giác buồn nôn. Bên cạnh các công dụng thì thuốc cũng mang lại nhiều phản ...

    Đọc thêm
  • Alzocalm 0.5
    Công dụng thuốc Alzocalm 0.5 và 1.0

    Alzocalm 0.5 và 1.0 thuộc nhóm thuốc chống co giật, chỉ định điều trị trong các trường hợp động kinh ở người lớn và trẻ em. Vậy Alzocalm sử dụng như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp ...

    Đọc thêm
  • Thuốc Lamepil 100
    Công dụng thuốc Lamepil-100

    Lamepil 100 chứa thành phần chính là Lamotrigin 100mg, được sử dụng riêng lẻ hoặc sử dụng kết hợp với các loại thuốc khác. Thuốc có công dụng trong việc điều trị bệnh động kinh và rối loạn lưỡng cực.

    Đọc thêm
  • Sperifar
    Công dụng thuốc Sperifar

    Thuốc Sperifar có công dụng trong điều trị tâm thần phân liệt, các triệu chứng của trầm cảm, hưng cảm liên quan đến rối loạn lưỡng cực, rối loạn hành vi ở bệnh nhân bị sa sút trí tuệ, tự ...

    Đọc thêm