Công dụng thuốc Cefalvidi

Thuốc Cefalvidi thuộc nhóm kháng sinh, kháng virus, kháng nấm chứa thành phần chính là Cefadroxil. Cefalvidi thường được dùng để điều trị các tình trạng nhiễm khuẩn tiết niệu, hô hấp, da và mô mềm hoặc viêm xương tuỷ, viêm khớp.

1. Cefalvidi là thuốc gì?

Thuốc Cefalvidi chứa thành phần chính là Cefadroxil, thuộc nhóm kháng sinh Cephalosporin thế hệ I có phổ tác dụng trung bình, tác dụng lên các vi khuẩn gram dương như tụ cầu, liên cầu, phế cầu (trừ liên cầu kháng Methicillin). Thuốc cũng có tác dụng trên một số vi khuẩn gram âm như E.coli, Klebsiella pneumoniae, Proteus mirabilis và shigella.

Cơ chế tác dụng của Cefadroxil là ức chế tổng hợp vách tế bào vi khuẩn, diệt khuẩn do ức chế giai đoạn cuối của quá trình tổng hợp vách tế bào vi khuẩn làm cho vi khuẩn không có vách che chở sẽ bị tiêu diệt. Tuy nhiên có các chủng vi khuẩn có thể kháng Cefadroxil như: Enterococcus, Staphylococcus kháng Methicillin, Proteus có phản ứng indol dương tính, các Enterobacter, Pseudomonas aeruginosa, Bacteroid.

Về dược động học, thuốc Cefalvidi được hấp thu nhanh và hoàn toàn qua đường uống, không phụ thuộc vào thức ăn. Thuốc phân bố rộng rãi ở các mô và dịch trong cơ thể, đạt nồng độ rất cao trong mô vì tan tốt trong mỡ. Thuốc thải trừ chủ yếu dưới dạng không đổi qua nước tiểu sau 24 giờ.

Thuốc Cefalvidi thường được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Nhiễm khuẩn tiết niệu: Viêm thận bể thận cấp/ mạn tính, viêm bàng quang, viêm niệu đạo.
  • Nhiễm khuẩn đường hô hấp: Viêm amidan, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi thuỳ, viêm màng phổi,, viêm mủ màng phổi, viêm thanh quản, viêm tai giữa.
  • Nhiễm khuẩn da và mô mềm: Viêm hạch bạch huyết, áp-xe, viêm tế bào, loét.
  • Viêm xương tuỷ, viêm khớp nhiễm khuẩn.

Cefalvidi chống chỉ định với bệnh nhân mẫn cảm kháng sinh nhóm Cephalosporin hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc.

2. Liều sử dụng thuốc Cefalvidi

Tuỳ thuộc vào đối tượng và mục tiêu điều trị mà liều dùng của Cefalvidi sẽ có sự khác biệt, cụ thể như sau:

  • Người lớn: 500 - 1000mg/lần, uống 1-2 lần/ngày tùy theo mức độ nhiễm khuẩn.
  • Trẻ em > 6 tuổi: 500mg x 2 lần/ngày.
  • Trẻ em từ 1-6 tuổi: 250mg x 2 lần/ngày.
  • Bệnh nhân suy thận:
    • Có thể khởi đầu với liều 500 - 1000mg Cefadroxil nhưng sau đó chỉnh liều theo độ thanh thải creatinin.
    • ClCr 0-10ml/phút: Dùng liều duy trì 500mg, cách 36 giờ/lần.
    • ClCr 10-25ml/phút: dùng liều duy trì 500mg, cách 24 giờ/lần.
    • ClCr 25-50ml/phút: Dùng liều duy trì 500mg, cách 12 giờ/lần.

3. Tác dụng phụ của thuốc Cefalvidi

Ở một số bệnh nhân khi sử dụng thuốc Cefalvidi có thể gặp các tác dụng phụ như:

  • Buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy.
  • Tăng bạch cầu ưa eosin.
  • Ban da dạng sần, ngoại ban, nổi mày đay, ngứa.
  • Tăng transaminase có phục hồi.
  • Đau tinh hoàn, viêm âm đạo, bệnh nấm Candida, ngứa bộ phận sinh dục.
  • Hiếm gặp: Phản ứng phản vệ, bệnh huyết thanh, sốt, giảm bạch cầu trung tính, giảm tiểu cầu, thiếu máu tan máu, test coombs dương tính.
  • Ban đỏ đa dạng, hội chứng Stevens- Johnson, hoại tử biểu bì nhiễm độc, phù mạch.
  • Vàng da ứ mật, tăng men gan.
  • Nhiễm độc thận có tăng tạm thời ure và creatinin máu, viêm thận kẽ có hồi phục.
  • Co giật, đau đầu, kích động.
  • Đau khớp.

Khi gặp các tác dụng không mong muốn cần ngừng sử dụng Cefalvidi ngay, nếu phản ứng quá mẫn nghiêm trọng cần tiến hành điều trị hỗ trợ (duy trì thông khí và sử dụng Adrenalin, oxygen, kháng histamin, tiêm tĩnh mạch corticosteroid). Các trường hợp viêm đại tràng giả mạc nhẹ, thường chỉ cần ngưng thuốc, nếu ở thể vừa và nặng, cần lưu ý bổ sung dịch, chất điện giải, protein và uống Metronidazol.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Cefalvidi

Một số lưu ý chung khi sử dụng thuốc Cefalvidi gồm có:

  • Thận trọng khi sử dụng Cefalvidi ở bệnh nhân dị ứng với kháng sinh Penicillin, bệnh nhân suy thận, mắc bệnh đường tiêu hoá.
  • Dùng Cefadroxil dài ngày có thể làm phát triển quá mức các chủng vi khuẩn không nhạy cảm, cần theo dõi cẩn thận, nếu bội nhiễm phải ngưng sử dụng thuốc.
  • Dùng đồng thời Cefalvidi với các thuốc lợi tiểu giữ kali, thuốc bổ sung kali hoặc các chất muối thay thế chứa kali có thể dẫn đến tăng kali huyết thanh.
  • Cholestyramin gắn kết với Cefadroxil ở ruột có thể làm chậm sự hấp thu của thuốc.
  • Dùng Cefadroxil với Probenecid có thể làm giảm bài tiết Cefadroxil.
  • Dùng đồng thời Cefadroxil với Furosemid, Aminoglycosid có thể hiệp đồng tăng độc tính với thận.

Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Cefalvidi, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Lưu ý, Cefalvidi là thuốc kê đơn, người bệnh cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý điều trị tại nhà.

89 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan