Công dụng thuốc Bimatoprost

Bimatoprost là thuốc điều trị bệnh ở mắt, cụ thể là bệnh tăng nhãn áp. Với dạng bào chế là dung dịch nhỏ mắt hoặc que cấy, thuốc Bimatoprost được dùng để làm hạ nhãn áp ở người bệnh tăng nhãn áp và glaucoma góc mở mãn tính

1. Bimatoprost là thuốc gì? Công dụng của thuốc Bimatoprost

Bimatoprost thuộc nhóm thuốc hạ nhãn áp, có thành phần chính là Bimatoprost. Hoạt chất Bimatoprost có tác dụng làm hạ nhãn áp bằng cách tăng thoát thủy dịch. Hạ nhãn áp hay nói cách khác là làm giảm áp suất trong mắt giúp ngăn ngừa biến chứng mù lòa do bệnh gây ra.

Bimatoprost được bào chế dưới nhiều dạng và hàm lượng khác nhau như que cấy giác mạc Bimatoprost 10mcg, dung dịch nhỏ mắt Bimatoprost 0,1mg/ml, 0,3mg/ml và dung dịch nhỏ mắt phối hợp Bimatoprost 0,3mg/ml và Timolol 5mg/ml.

Bimatoprost được chỉ định dùng đơn lẻ hoặc kết hợp với thuốc chẹn beta để điều trị tăng nhãn áp ở người bị tăng nhãn áp và glaucoma góc mở mãn tính.

2. Cách dùng và liều dùng của thuốc Bimatoprost

Tùy vào dạng bào chế, cách dùng và liều dùng Bimatoprost khác nhau. Ngoài ra, việc lựa chọn chế phẩm với hàm lượng phù hợp để điều trị cũng phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Tuy nhiên, cần lưu ý, thuốc chỉ được dùng ở người từ 18 tuổi trở lên.

Liều dùng Bimatoprost đối với từng dạng bào chế cụ thể như sau:

  • Dung dịch nhỏ mắt: Nhỏ 1 giọt vào mắt bị bệnh 1 lần/ngày vào buổi tối. Nếu cả hai mắt đều bị bệnh thì không được nhỏ hai mắt cùng lần mà cần cách nhau tối thiểu 5 phút. Trước khi nhỏ thuốc cần rửa tay sạch sẽ và không được để đầu nhỏ của thuốc chạm vào mắt hoặc tay.
  • Que cấy: Cấy vào tiền phòng 1 que 10mcg. Với dạng này của Bimatoprost, liều dùng và cách dùng được thực hiện bởi bác sĩ.

3. Các tác dụng phụ của thuốc Bimatoprost

Bimatoprost có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn với tần suất xuất hiện như sau:

  • Thường gặp: Mắt bị kích ứng, ngứa mắt, đau mắt, mờ mắt, phù giác mạc, viêm giác mạc, viêm mống mắt, viêm tiền phòng, mọc lông mi, ban đỏ trên mí mắt, ngứa mí mắt, xung huyết kết mạc, tăng sắc tố mắt, tăng sắc tố da.
  • Ít gặp: Bimatoprost ít khi gây buồn nôn, đau đầu, khô da, nổi mày đay, ngứa mắt, mờ mắt, phù kết mạc, rối loạn kết mạc, đóng vảy mí mắt, phù nề mí mắt, tăng sắc tố mống mắt, rụng lông mày, lông mi.
  • Chưa xác định tần suất: Hen suyễn, khó thở, đợt cấp hen suyễn và tắc nghẽn phổi mãn tính, tăng huyết áp, chóng mặt, viêm da dị ứng, đổi màu da, dị ứng mắt, khô mắt, phù mắt, tăng tiết dịch mắt, sợ ánh sáng, phù hoàng điểm, thâm mí mắt, tăng sắc tố ở bờ mi, cảm giác có dị vật ở trong mắt.

Nếu thấy có bất kỳ biểu hiện lạ nào sau khi dùng thuốc Bimatoprost, người bệnh cần báo ngay với bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế sớm để được kiểm tra và xử trí.

4. Một số lưu ý khi dùng thuốc Bimatoprost

  • Không dùng thuốc Bimatoprost ở người có tiền sử quá mẫn nghiêm trọng với thành phần của thuốc (bao gồm hoạt chất chính Bimatoprost và chất bảo quản benzalkonium chloride), người đang bị nhiễm trùng mắt và vùng quanh mắt, hoặc nghi ngờ nhiễm trùng; người bị loạn dưỡng tế bào nội mô giác mạc, người đã tiến hành các phẫu thuật liên quan đến cấy ghép giác mạc.
  • Trong các tác dụng phụ có thể gặp khi dùng Bimatoprost, tăng sắc tố mống mắt là có khả năng tồn tại vĩnh viễn, còn tăng sắc tố mô quanh mắt có thể hồi phục được.
  • Dùng Bimatoprost ở dạng dung dịch 0,3mg/ml có thể gây phù hoàng điểm dạng nang ở người bệnh có các yếu tố nguy cơ liên quan đến thủy tinh thể. Vì vậy, cần sử dụng thuốc thận trọng ở nhóm đối tượng này.
  • Người có tiền sử bị nhiễm virus ở mắt hoặc bị viêm mống mắt, viêm màng bồ đào cần thận trọng khi dùng Bimatoprost 0,3mg/ml vì có nguy cơ bị nhiễm trùng mắt hoặc thâm nhiễm giác mạc.
  • Tránh để Bimatoprost tiếp xúc với các vùng da khác, đặc biệt là má vì có thể làm tăng khả năng mọc lông.
  • Điều trị thận trọng với Bimatoprost ở người bệnh hô hấp như khó thở, tắc nghẽn phổi mãn tính, hen suyễn vì thuốc có thể gây ra các đợt cấp của bệnh.
  • Người bị huyết áp thấp, nhịp tim chậm nên sử dụng dung dịch nhỏ mắt Bimatoprost 0,3mg/ml một cách thận trọng vì thuốc có thể gây hạ huyết áp hoặc chậm nhịp tim.
  • Cũng như các loại thuốc nhỏ mắt khác, Bimatoprost cũng chứa chất bảo quản Benzalkonium chloride, vì vậy thuốc có thể làm đổi màu kính áp tròng mềm và gây ra một số tổn thương ở mắt như kích ứng mắt, viêm loét giác mạc nhiễm độc, viêm giác mạc chấm nông. Vì vậy, ở người bệnh phải dùng Bimatoprost thường xuyên cần theo dõi chặt chẽ khi có biểu hiện khô mắt hay tổn thương giác mạc. Nếu dùng kính áp tròng mềm thì trước khi nhỏ thuốc, người bệnh cần tháo kính ra và sau khi nhỏ thuốc cần đợi ít nhất 15 phút rồi mới đeo kính vào lại.
  • Phụ nữ đang mang thai và nuôi con cho bú không được dùng thuốc Bimatoprost vì đây là nhóm có nguy cơ gặp rủi ro khi sử dụng thuốc.
  • Bimatoprost có thể làm mờ mắt thoáng qua, vì vậy người bệnh cần đợi đến khi mắt nhìn rõ như bình thường mới được lái xe hoặc điều khiển máy móc để đảm bảo an toàn.
  • Bimatoprost có thể tương tác với các thuốc có chứa prostaglandin và làm giảm tác dụng hạ nhãn áp của thuốc.

Công dụng của thuốc Bimatoprost là làm hạ nhãn áp để ngăn biến chứng mù lòa ở người bị tăng nhãn áp và glaucoma góc mở mãn tính. Người bệnh cần tuân thủ các chỉ định của bác sĩ để thuốc phát huy hiệu quả nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan