Công dụng thuốc Benda 500

Mebendazole là thuốc điều trị nhiễm các loại giun sán với hiệu quả khá cao. Hoạt chất này có tên thương mại là Benda 500. Vậy thuốc Benda 500 công dụng như thế nào và người bệnh cần lưu ý những gì khi sử dụng?

1. Benda 500 là thuốc gì?

Benda 500 là sản phẩm của Công ty TNHH Thai Nakorn Patana Việt Nam, được bào chế ở dạng viên nén với thành phần như sau:

  • Hoạt chất chính là Mebendazole hàm lượng 500mg;
  • Một số tá dược hàm lượng vừa đủ 1 viên.

2. Benda 500 công dụng như thế nào?

Hoạt chất Mebendazol trong thuốc Benda 500 có tác dụng chống giun với phổ tương đối rộng. Benda 500 tác động đến cả giai đoạn ấu trùng lẫn giai đoạn trưởng thành của nhiều loại giun mà người bệnh hay nhiễm như giun đũa, giun móc, giun tóc, giun kim... Đặc biệt thuốc Benda 500 còn tiêu diệt được cả trứng của giun tóc và giun đũa.

Khi dùng thuốc Benda 500 liều cao còn có thể mang tác dụng hiệu quả trên cả trùng roi Giardia Lumbia và một số giai đoạn phát triển trong vòng đời một số loài sán (nang sán).

Cơ chế chống giun Mebendazol trong thuốc Benda 500 là làm thoái hóa vi cấu trúc hình ống trong bào chất của các loại ký sinh trùng, đồng thời ức chế hấp thu glucose ở giai đoạn trưởng thành của các loài giun kí sinh ở ruột non và ấu trùng của chúng ở mô, từ đó làm giảm tích lũy glycogen. Kết quả cuối cùng là làm giảm ATP cần thiết cho sự tồn tại và sinh trưởng của các loại giun sán, và dĩ nhiên chúng sẽ chết đi. Cần lưu ý là quá trình chuyển hóa của Mebendazol trong cơ thể không ảnh hưởng đến nồng độ glucose trong máu người bệnh.

Hiệu quả điều trị của thuốc Benda 500 khá cao, lên đến 90-100% các trường hợp nhiễm giun đũa, giun tóc, giun kim, trong khi hiệu quả với bệnh nhân nhiễm giun móc lại thấp hơn chỉ khoảng 70%.

3. Chỉ định, chống chỉ định của Benda 500

Thuốc Benda 500 được chỉ định sử dụng cho các trường hợp nhiễm một hay nhiều loại giun tại đường ruột, bao gồm giun đũa Ascaris Lumbricoides (tác động cả giai đoạn trứng, ấu trùng và giun trưởng thành), giun Capillaria Philippinensis, giun móc Ancylostoma Duodenale hay Necator Americanus, giun tóc Trichuris Trichiura, giun kim Enterobius Vermicularis (Benda 500 tác động đến cả giai đoạn trứng, ấu trùng và giun trưởng thành).

Mặt khác, chống chỉ định của thuốc Benda 500:

  • Cơ địa dị ứng/mẫn cảm với Mebendazol hay bất cứ thành phần nào có trong thuốc Benda 500;
  • Trẻ em dưới 2 tuổi;
  • Phụ nữ có thai (đặc biệt trong 3 tháng đầu tiên) hoặc trong thời kỳ cho con bú;
  • Người có tiền sử bệnh gan không nên dùng thuốc Benda 500.

4. Hướng dẫn sử dụng thuốc Benda 500

4.1. Liều dùng

Tuỳ thuộc từng trường hợp với loại giun bị nhiễm cụ thể mà liều dùng của Mebendazol sẽ khác nhau. Lưu ý là liều cho trẻ trên 2 tuổi và người trưởng thành đều giống nhau.

  • Nhiễm giun kim: Uống một liều duy nhất 100mg Mebendazol, có thể nhắc lại với liều tương tự sau 2 tuần vì bệnh nhân nhiễm giun kim rất dễ tái phát;
  • ​Nhiễm giun đũa, giun tóc, giun móc hoặc nhiễm nhiều giun cùng lúc: Sử dụng Mebendazol liều 100mg x 2 lần mỗi ngày, liên tục trong vòng 3 ngày hoặc có thể uống một liều duy nhất 1 viên Benda 500;
  • Nhiễm giun lươn: Liều Mebendazol 200mg x 2 lần/ngày, liên tục trong vòng 3 ngày;
  • Nhiễm Capillaria philippinensis: 200mg x 2 lần/ngày, uống liên tục trong vòng 21 ngày;
  • Nhiễm nang sán: Liều 40 mg/kg cân nặng, ngày uống một lần trong thời gian 1 - 6 tháng.

4.2. Cách sử dụng thuốc Benda 500 hiệu quả

  • Thuốc Benda 500 sử dụng bằng đường uống, nên uống cùng với thức ăn có nhiều chất béo để tăng hấp thu và sinh khả dụng của Mebendazol;
  • Bệnh nhân có thể nhai trực tiếp viên thuốc Benda 500, sau đó nuốt toàn bộ với nhiều nước hoặc nghiền nhỏ và trộn với thức ăn (sử dụng cho đối tượng là trẻ em);
  • Bệnh nhân nên tẩy giun lặp lại sau thời gian nhất định (thường là 4 - 6 tháng);
  • Albendazole thường được dung nạp tốt hơn Mebendazole, do đó chỉ khi không có Albendazole thì mới sử dụng thuốc Benda 500.

5. Tác dụng phụ của Benda 500

Người bệnh sử dụng thuốc Benda 500 có thể gặp một số tác dụng không mong muốn nhưng thường tỷ lệ thường rất ít:

  • Bất thường tiêu hoá: tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn, nôn ói. Đặc biệt có trường hợp sử dụng thuốc Benda 500 gặp hiện tượng giun bò ra ngoài theo đường mũi và đường miệng;
  • Hoa mắt, chóng mặt;
  • Nổi mày đay, phát ban và phù mạch;
  • Co giật toàn thân.

6. Một số vấn đề thận trọng khi sử dụng Benda 500

  • Bệnh nhân có tiền sử hoặc đang có các tổn thương gan cần điều chỉnh liều dùng thuốc Benda 500 hợp lý.
  • Khi sử dụng Mebendazole ở liều cao kéo dài, bệnh nhân cần được theo dõi thường xuyên và định kỳ số lượng tiểu cầu, bạch cầu và số lượng transamin trong huyết thanh.
  • Nhân viên y tế cần phải nhắc nhở bệnh nhân giữ gìn vệ sinh để tránh lây lan bệnh và phòng ngừa bị tái nhiễm trở lại.
  • Khi quên một liều thuốc Benda 500, nếu lúc nhớ ra không quá sát liều tiếp theo thì người bệnh có thể uống bổ sung ngay. Trường hợp nếu đã gần sát liều tiếp theo thì hãy bỏ qua liều thuốc Benda 500 đã quên và tiếp tục uống theo lịch trình bình thường. Lưu ý tuyệt đối không uống gấp đôi liều thuốc Benda 500 để tránh tình trạng ngộ độc thuốc.
  • Việc sử dụng thuốc Benda 500 ở trẻ em dưới 2 tuổi hiện chưa được nghiên cứu đầy đủ, do đó không nên chỉ định ở đối tượng này. Nếu bắt buộc phải sử dụng thì cần cân nhắc kĩ lợi ích của thuốc Benda 500 cũng như các nguy cơ có thể xảy ra.
  • Phụ nữ mang thai và bà mẹ cho con bú không khuyến cáo sử dụng thuốc Benda 500, đặc biệt khi bệnh nhân có thai trong ba tháng đầu.

7. Tương tác thuốc của Benda 500

Sử dụng đồng thời thuốc Benda 500 với Cimetidin: Cimetidin có tác dụng ức chế Enzym Cytochrom P450, đây là enzym chuyển hóa Mebendazol và do đó làm tăng nồng độ Mebendazol trong huyết tương.

Ngược lại thuốc Benda 500 sử dụng đồng thời với Carbamazepin hoặc Phenytoin nồng độ của Mebendazol trong huyết tương sẽ giảm do Carbamazepin và Phenytoin cảm ứng enzym chuyển hóa Cytochrom P450.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

28.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan