Công dụng thuốc BACiiM

Thuốc Baciim chứa hoạt chất Bacitracin – kháng sinh chống lại nhiều loại vi khuẩn gram dương và gram âm. Thuốc được chỉ định trong điều trị viêm phổi và một số bệnh lý nhiễm khuẩn gây ra bởi vi khuẩn nhạy cảm. Cùng tìm hiểu về công dụng và các lưu ý khi sử dụng thuốc Baciim qua bài viết dưới đây.

1. Công dụng của thuốc Baciim

“Baciim là thuốc gì?”. Thuốc Baciim bào chế dưới dạng thuốc bột pha tiêm chứa hoạt chất Bacitracin. Các nghiên cứu đã chứng minh kháng sinh Bacitracin có tác dụng kháng khuẩn rõ rệt trong ống nghiệm chống lại vi khuẩn gram dương và một số vi khuẩn gram âm. Tuy nhiên, đối với các bệnh lý nhiễm khuẩn toàn thân, chỉ có nhiễm khuẩn do tụ cầu (Staphylococcus) mới đủ tiêu chuẩn xem xét điều trị bằng Bacitracin.

Hoạt chất Bacitracin sau khi tiêm bắp được hấp thu một cách nhanh chóng và hoàn toàn. Liều thuốc 4 – 5mg/kg mỗi 6 giờ cho nồng độ thuốc trong huyết thanh từ 0,2 – 2mcg/mL ở người bệnh có chức năng thận bình thường. Bacitracin được đào thải chậm qua quá trình lọc cầu thận, thuốc được phân bố rộng rãi trong các cơ quan của cơ thể (cả trong dịch màng phổi và dịch cổ trướng sau khi tiêm bắp).

Thuốc Baciim được chỉ định tiêm bắp trong điều trị viêm phổi ở trẻ sơ sinh và phù thũng do tụ cầu nhạy cảm với thuốc. Để giảm nguy cơ đề kháng thuốc và duy trì hiệu quả của Bacitracin, thuốc chỉ nên được xem xét sử dụng ở người bệnh đã xác định chắc chắn tác nhân gây bệnh nhạy cảm với Bacitracin.

2. Liều dùng của thuốc Baciim

Baciim thuộc nhóm thuốc kê đơn, liều thuốc sử dụng được chỉ định bởi bác sĩ điều trị, người bệnh tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc khi chưa được sự cho phép của bác sĩ. Một số khuyến cáo về liều thuốc Baciium trong điều trị nhiễm khuẩn ở trẻ sơ sinh như sau:

  • Trẻ nhỏ nặng dưới 2,5kg: Liều thuốc là 18mg/kg/24 giờ chia làm 2 – 3 lần tiêm bắp;
  • Trẻ em nặng trên 2,5kg: Liều thuốc là 20mg/kg/24 giờ chia làm 2 – 3 lần tiêm bắp.

Liều thuốc tiêm bắp nên được thực hiện ở góc phần tư phía trên bên ngoài mông, thay đổi luân phiên bên trái và bên phải, tránh tiêm nhiều lần trong một vùng vì gây cảm giác đau tăng lên sau khi tiêm.

Thuốc bột pha tiêm nên được pha trong dung dịch nước muối sinh lý chứa 2% Procaine hydrocholoride, nồng độ kháng sinh sau khi pha không được nhỏ hơn 100mg/mL và không lớn hơn 200mg/mL. Không sử dụng dung môi có chứa paraben để hòa tan Bacitricin.

Dung dịch thuốc sau khi pha tiêm cần được kiểm tra lại bằng mắt thường về độ trong suốt, không chứa cặn bã và không đổi màu trước khi sử dụng.

Thuốc Baciim chưa được pha tiêm nên được lưu giữ trong tủ lạnh ở nhiệt độ 2 – 8oC. Dung dịch sau khi pha tiêm chỉ ổn định trong vòng 1 tuần, vì vậy liều thuốc còn dư sau 7 ngày cần được loại bỏ không sử dụng.

3. Tác dụng phụ của thuốc Baciim

Trong quá trình sử dụng thuốc Baciim, người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ sau đây:

  • Tiêu chảy liên quan đến Clostridium Difficile (CDAD) đã được báo cáo ở hầu hết các chất kháng khuẩn, mức độ tiêu chảy từ nhẹ đến viêm đại tràng, thậm chí là tử vong. Nguyên nhân là do thuốc Baciim làm mất cân bằng hệ vi khuẩn trong đường ruột dẫn đến sự phát triển quá mức của vi khuẩn Clostridium Difficile.
  • Cũng như các thuốc kháng khuẩn khác, việc sử dụng thuốc Baciim làm tăng nguy cơ phát triển quá mức các vi sinh vật không nhạy cảm, bao gồm cả vi nấm.
  • Đã có báo cáo về phản ứng dị ứng da và phản vệ ở người bệnh tiếp xúc với Bactracin trong các chỉ định không được chấp thuận.
  • Phản ứng độc với thận: Tăng Ure huyết, Albumin niệu, trụy niệu.
  • Các phản ứng khác: Buồn nôn, nôn, đau tại vị trí tiêm, viêm da.

4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Baciim

Chống chỉ định sử dụng thuốc Baciim ở người bệnh dị ứng với Bacitracin hoặc với bất kỳ thành phần nào của thuốc.

Thuốc Baciim dùng đường tiêm có nguy cơ gây độc tính trên thận (hoại tử ống thận và cầu thận). Vì vậy người bệnh đang điều trị bằng thuốc cần được thực hiện xét nghiệm chức năng thận định kỳ hàng ngày, không vượt quá liều thuốc khuyến cáo, duy trì lượng nước bổ sung và lượng nước tiểu ở mức thích hợp để tránh nhiễm độc thận. Trường hợp xảy ra ngộ độc thận, người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc. Tránh sử dụng Baciim đồng thời với các thuốc gây độc cho thận như Kanamycin, Streptomycin, Polymycin E, Polymycin B, Vancomycin và Neomycin.

Người bệnh nên được tư vấn rằng, thuốc Baciim nói riêng và các thuốc kháng sinh điều trị nhiễm khuẩn nói chung chỉ sử dụng trong trường hợp nhiễm trùng do vi khuẩn. Thuốc không có tác dụng điều trị bệnh lý do virus (ví dụ như cảm lạnh). Người bệnh cần lưu ý, trong thời gian điều trị nhiễm khuẩn bằng Baciim, mặc dù triệu chứng bệnh đã được cải thiện sớm hơn trong quá trình điều trị nhưng thuốc cần được sử dụng đúng theo phác đồ điều trị. Bỏ qua liều thuốc hoặc không hoàn thành toàn bộ phác đồ sẽ làm giảm hiệu quả điều trị, tăng nguy cơ đề kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh.

Tiêu chảy là vấn đề phổ biến gây ra bởi thuốc kháng sinh và tình trạng này sẽ kết thúc khi ngưng thuốc. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể đi ngoài phân lỏng và có máu (kèm hoặc không kèm theo co thắt dạ dày, sốt), thậm chí là phải hai tháng sau liều kháng sinh cuối cùng. Nếu tình trạng tiêu chảy tiến triển nặng, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ điều trị.

5. Tương tác thuốc Baciim

Sử dụng cùng Baciim và các thuốc sau đây làm tăng nguy cơ độ tính trên thận: Vancomycin, Kanamycin, Polymycin E, Streptomycin, Neomycin.

Tương tác thuốc có thể xảy ra làm giảm tác dụng điều trị của thuốc, tăng nguy cơ gặp tác dụng không mong muốn. Người bệnh cần thông báo với bác sĩ điều trị tất cả các loại thuốc đang sử dụng bao gồm cả thuốc kê đơn, thực phẩm chức năng, thuốc không kê đơn trước khi điều trị bằng Baciim.

Thuốc Baciim chứa hoạt chất Bacitracin – kháng sinh chống lại nhiều loại vi khuẩn gram dương và gram âm. Thuốc được chỉ định trong điều trị viêm phổi và một số bệnh lý nhiễm khuẩn gây ra bởi vi khuẩn nhạy cảm.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: drugs.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

90 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan